Đấu tranh bất bạo động hiệu quả hơn nhiều lần so với bạo động để lật đổ các chế độ độc tài
Max Fisher
Hoàng Triết chuyển ngữ
Hoàng Triết chuyển ngữ
Nhà khoa học chính trị Erica Chenoweth cũng như nhiều người khác đã từng tin rằng bạo lực là biện pháp hữu hiệu nhất để hạ bệ một kẻ độc tài. Dù sao thì lịch sử vẫn đầy dẫy những cuộc đảo chính, cách mạng, và nội chiến. Cô ấy không xem trọng các cuộc biểu tình công cộng và các hình thức chống đối ôn hòa khác cho lắm; làm sao các biện pháp ôn hòa này lại có thể phá bỏ được những thể chế độc tài đầy quyền lực?
Nhưng rồi, như Chenoweth đã thuật lại trong một chương trình của Ted Talk được trình chiếu trên mạng hôm thứ Hai, cô ta đã tổng kết một số dữ liệu và đã bất ngờ bởi những gì cô ta khám phá ra. “Tôi thu thập dữ liệu về tất cả các cuộc vận động bất bạo động và bạo động để lật đổ một chính quyền hay giải phóng một thuộc địa kể từ năm 1900. Các dữ liệu này đã khiến tôi rất kinh ngạc.” - cô phát biểu về hàng trăm trường hợp cô nghiên cứu.
Đây là biểu đồ của cô ta. Nó nêu rõ rằng các phong trào bất bạo động có khả năng thành công nhiều hơn:
Và xu hướng đó [bất bạo động] trong biểu đồ đang “gia tăng theo thời gian,” Chenoweth phát biểu thêm. “Các cuộc vận động bất bạo động càng ngày càng trở nên thành công hơn.” Bên dưới là một biểu đồ của các cuộc vận động thành công từ 1940 đến 2006.
Dữ liệu trong đó cho thấy một sự gia tăng mạnh mẽ của các cuộc đấu tranh bạo động thành công từ thập niên 1970 cho đến thập niên 1980, có thể là kết quả của hai cuộc hóa giải thực dân - sự rút chân khỏi vùng Châu Phi hạ Sahara của các đế quốc Âu Châu nối tiếp bởi một số cuộc đụng độ đẫm máu tranh giành quyền lực – và Chiến Tranh Lạnh mà trong đó, các phong trào phản kháng bạo lực của kháng chiến quân được thành công với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và Liên bang Sô Viết. Nhưng xu hướng đó đã bị đảo ngược một cách đáng kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc với con số đấu tranh bất bạo động thành công gia tăng.
“Các nhà nghiên cứu thường nói rằng không một chính quyền nào có thể tồn tại nếu có 5 phần trăm dân số đứng lên chống lại nó,” Chenoweth nói. “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng con số thực sự có thể ít hơn đó nữa. Không một cuộc vận động đơn lẻ nào trong thời gian đó thất bại sau khi nó đạt đến và duy trì số người tích cực hưởng ứng nó ở mức 3.5 phần trăm dân số.” Chenoweth nói thêm, “Nhưng hãy ghi nhớ điều này: Tất cả những cuộc vận động đơn lẻ vượt qua mức 3.5 phần trăm hưởng ứng đều là một cuộc vận động bất bạo động. Những cuộc vận động bất bạo động trung bình đều lớn hơn các cuộc vận động bạo động gấp 4 lần.”
Tất nhiên, 3.5 phần trăm dân số là một con số rất đông. Thí dụ như ở Iran chẳng hạn, nó tượng trưng cho 2.7 triệu người. Ở Trung Quốc thì đó là 47 triệu người. Dù vậy, điều này vẫn xảy ra. Số người Ai Cập tham gia cuộc biểu tình vào tháng Hai 2011 dẫn đến việc lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak thật ra không rõ chính xác là bao nhiêu, nhưng đạt được mốc điểm 2.9 triệu người không phải là không khả thi.
Chenoweth chú tâm các buổi nói chuyện của cô vào mức quan trọng của việc đạt được con số 3.5 phần trăm dân số tham gia biểu tình để có thể hạ bệ một chính phủ và tại sao đối đầu bất bạo động là biện pháp tốt nhất để đạt được con số đó. Tôi sẽ biện hộ rằng các lý do khiến bất bạo động hữu hiệu hơn bạo động vượt qua giới hạn của câu hỏi chung quanh biện pháp nào hữu hiệu hơn trong việc thuyết phục người ta xuống đường.
Luận văn thạc sĩ của tôi nói về các cuộc đàn áp của chính quyền đối với sự nổi dậy của đám đông. Nó bao gồm những đề tài liên quan đến hiện tượng này. Nói cho rõ hơn, tôi không có chủ đích gì khi đề cập đến chuyên môn của Giáo sư Chenoweth; và so với hàng trăm trường hợp mà cô ấy đã xem qua, tôi đã chỉ nghiên cứu khoảng 30 trường hợp mà thôi. Dù vậy, tôi vẫn tìm được một vài điều hỗ trợ cho kết luận của cô ấy rằng đối đầu bất bạo động hiệu quả hơn.
Một trong số những điều tôi khám phá ra là một cuộc nổi dậy có 50% thất bại nếu nó trở thành bạo động. Hầu như trong mọi trường hợp khi người biểu tình cầm súng lên, sự đàn áp bằng bạo lực của chính quyền đáp trả lại được hợp thức hóa. Nói theo cách khác, các lực lượng an ninh rất có thể sẽ nổ súng – cũng như các các nhân cảnh sát và quân nhân rất có thể sẽ tuân theo lệnh nổ súng đó – nếu phe đối lập nổ súng bắn họ. Đó là phản ứng của con người vì không ai thích mình bị bắn cả. Nhưng, điều đó [quyền đàn áp hợp thức bằng bạo lực] lại quan trọng đối với chính sách đối nội của các chính quyền. Các cuộc nổi dậy thường sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng bên trong chính quyền về tính chính danh của nó, đặc biệt trong trường hợp quan hệ rạn nứt giữa thành phần lãnh đạo quốc gia và lực lượng quân đội cùng/hoặc an ninh. Điều này [quan hệ rạn nứt] tiếp sau đó dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền. Cuộc nổi dậy càng bạo động, khả năng chính phủ [lãnh đạo lẫn quân đội] đoàn kết lại càng cao.
Điều đáng ghi nhớ là chính phủ hầu như lúc nào cũng có lực lượng quân đội trong tay để sai khiến, đủ để nghiền nát bất kỳ cuộc nổi dậy nào. Điều này đặc biệt đúng kể từ khi Đệ Nhất Thế Chiến chấm dứt, sau khi hầu như quốc gia nào cũng có chiến xa, súng máy và các quân cụ khác không một nhóm đối kháng nào có thể sánh bằng trên chiến trường. Tôi khám phá ra rằng một cuộc nổi dậy sẽ có xác suất thất bại 50% nếu quân đội trực tiếp can thiệp. Và chuyện quân đội trực tiếp can thiệp hầu như không xảy ra nếu cuộc nổi dậy được duy trì ở dạng bất bạo động.
Sử dụng bạo lực cũng làm giảm đi sự ủng hộ của công chúng đối với một cuộc nổi dậy. Chenoweth cho rằng đây là vì nổi dậy bằng bạo động đòi hỏi nhiều sức lực và lại nguy hiểm, cho nên nó khiến những người ủng hộ sợ và tránh xa, nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng bạo lực là đề tài còn được tranh cãi nhiều và có thể dẫn đến sự thương hại đối với nhân viên công lực và quân nhân đứng trước mũi súng của những người nổi dậy. Một cuộc nổi dậy bạo động có thể dẫn đến kết cuộc người dân hướng sự ủng hộ của họ về phía chính phủ, trong khi đó thì sự đàn áp biểu tình của chính phủ có thể làm giảm sự ủng hộ của người dân đối với thể chế.
Chenoweth tiếp tục nói về một điểm quan trọng: Các phong trào chống kháng bạo động cho dù thành công vẫn có thể dẫn đến nhiều vấn nạn lâu dài. “Cách bạn chọn để đối kháng thật ra cũng rất quan trọng trên đường dài,” cô ấy nói và giải thích rằng dữ liệu cô ta thu thập cho thấy rằng các quốc gia sử dụng biện pháp nổi dậy bất bạo động “có khả năng rất cao trong việc kiến tạo một thể chế dân chủ.” Các quốc gia này cũng có 15% khả năng không “lại vướng vào” nội chiến so với các quốc gia nổi đậy qua bạo động. Dù sao thì phong trào đối kháng bất bạo động vốn đã có tính chất dân chủ trong đó, như là một sự thể hiện quan điểm công chúng rộng rãi bên ngoài thùng bỏ phiếu. Trong khi đó thì phong trào đối kháng bạo động, không cần biết nó mang ý nghĩa gì trong đó, lại thể hiện một một sự hợp thức hóa quyền lực qua bạo lực. Thật không khó chút nào để nhận ra được những thành viên tham gia nó [phong trào bạo động] rồi cũng sẽ bảo vệ quyền lực của họ bằng bạo lực là chính.
Tất nhiên đây vẫn còn là một đề tài còn đang được khai triển; và một thứ rất phức tạp như một cuộc nỗi dậy lan rộng không thể nào có thể đoán trước được như là một biến số duy nhất. Cho dù phần lớn các cuộc nổi dậy bạo động đều thất bại, một số tuy thành công, bất bạo động lúc nào cũng hiệu quả hơn không phải là một quy tắc nhất định. Để tìm hiểu thêm, hãy tìm đọc “Tại Sao Đối Kháng Dân Sự Thành Công [Why Civil Resistance Work] do Chenoweth và Maria Stephan cùng biên soạn.
Max Fisher là một blogger về ngoại giao của tờ Washington Post. Anh có bằng thạc sĩ trong lĩnh vực nghiên cứu an ninh từ ĐH Johns Hopkins.
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 21/02/2014
|
Bạn đánh giá bài viết này thế nào?
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.