Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2023

Bóng đá: Lại bệnh hoang tưởng và đê tiện

 

Bóng đá: Lại bệnh hoang tưởng và đê tiện

Chu Mộng Long

17-5-2023

Dân mạng, trong đó có những trí thức, nhà văn tỏ ra sành thể thao, mỉa mai trận chung kết “ao làng” Seagame 32 giữa Thailand và Indonesia. Theo họ, vì bóng đá “ao làng” cho nên mới có nạn bạo lực, phi thể thao. Thậm chí, để chửi “phe thắng cuộc” vào chung kết, họ quy vào vấn đề văn hóa, rằng “phe thua cuộc” là đội Việt Nam có “văn hóa thể thao” cao hơn. Từ đó, họ yêu cầu Ban tổ chức Seagame hủy kết quả trận chung kết và trao Huân chương vàng cho đội tuyển Việt Nam.

Tôi chẳng mê gì bóng đá rùa của Đông Nam Á, nhưng thấy cách nhìn, cách bình luận hồ đồ của đám người tỏ ra “yêu thể thao”, kể cả “yêu nước” và “yêu văn hóa” này mà… phản bác.

Thứ nhất, nói về bạo lực trên sân cỏ thì kẻ thiếu hiểu biết nhất về bóng đá cũng thấy, không chỉ cái “ao làng” Đông Nam Á mà bạo lực thể thao từng diễn ra toàn cầu. Những vụ bạo loạn của bóng đá Anh, những vụ đánh nhau què chân, mẻ trán của cầu thủ Brazil, Argentina… Những cầu thủ huyền thoại như Cantona, Zidane… cũng từng sử dụng bạo lực và bị ăn thẻ đỏ.

Thứ hai, Việt Nam đáng tự hào về văn hóa thể thao ư? Vậy máu từng đổ trên sân Lạch Tray và những trận cầu của giải V-League là máu của thổ dân ư?

Chẳng qua đội tuyển Việt Nam ra nước ngoài thi đấu trong cái thế, nói như Nam Cao là “không đủ mạnh để làm việc ác”, chứ chẳng phải văn hóa cao hơn ai. Nó thuộc cái căn tính “gà nhà đá nhau”, “khôn nhà dại chợ” của người Việt. Điều này cũng giống như bọn quan tham “hèn với giặc, ác với dân”. Khỏi cãi!

Cuối cùng, chỉ bởi không vào được chung kết thì tự hào mình có văn hóa cao thượng. Lại đòi hủy giải của người ta để trao giải cho mình, đó còn là chất AQ của thằng cha Tàu. Cứ như thế thì cao thượng đâu chẳng thấy, chỉ thấy đó là sự cay cú… đê tiện!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.