Đáng xấu hổ về một cuốn sách luộc đi luộc lại
27-5-2023
“Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mà xuất bản cuốn sách của trường mình rất đáng chê trách thầy ạ”- một đồng nghiệp của tôi thảng thốn nói.
Vừa xem qua đã thấy sự đáng xấu hổ đập ngay vào mắt với cuốn sách có cái tên là “Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật trong Nhà nước pháp quyền- Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Kỷ yếu hội thảo khoa học)”.
– Thứ nhất, trong “Lời giới thiệu” của cuốn sách (tại trang 11 – 12) có đoạn tự ca của Trường Đại học Luật ĐHQGHN phối với Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật như sau: “Các bài viết được phản biện độc lập, rà soát và được biên ‘thập’ theo quy trình phản biện kín (peer-review), chỉnh sửa kỹ lưỡng thông qua Hội đồng thẩm định và Hội đồng chủ biên”.
Đoạn trích nguyên văn này cho thấy cái gọi là “chỉnh sửa kỹ lưỡng” nói ở đó không đáng tin cậy vì mắc ngay một lỗi chính tả: thay vì chữ ‘tập’ lại chơi thành chữ ‘thập’. Nhưng đây chỉ là lỗi kỹ thuật chưa quan trọng.
Cái gọi là “Hội đồng thẩm định” nói trên lại bao gồm toàn những người viết bài trong cuốn sách này, thậm chí có người viết nhiều bài trong đó mà có thể nói là luộc lại hay tự đạo văn. Có lẽ họ có quyền thẩm định nên tự cho bài của mình vào đó?
GS. TS Võ Khánh Vinh (đã từng là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; đã từng là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành luật; đã từng là Giám đốc Học viện Khoa học Xã Hội; đã nghỉ hưu nhưng hình như hiện đang còn là thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) có tới 03 bài viết trong đó.
Bài viết “Những điểm mới quan trọng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật ở Việt Nam” mà ngài đặt tên như nghị quyết này có 21 tài liệu tham khảo. Mười lăm 15 tài liệu tham khảo trong số đó là các “công trình nghiên cứu” không biết có phải của ngài hay không nhưng mang tên ngài, tức là ngoài mấy văn kiện của Đảng là tới “văn kiện” của ngài, cũng tức là ngoài trí tuệ của Đảng ra, còn lại là trí tuệ của ngài.
Bài viết tiếp theo của ngài có cái tên nhã nhặn hơn là “Bình đẳng trong Nhà nước pháp quyền: Những vấn đề lý luận và pháp luật” chứng minh thêm cho nhận định trên bởi tại đó ngài chỉ “trưng diện” mỗi bảy (07) tài liệu tham khảo. Nhưng có tới bốn (04) tài liệu tham khảo trong số đó là mang tên ngài. Ở đây có điểm đặc biệt là đứng sau “Hồ Chí Minh toàn tập” là tới các tác phẩm mang tên ngài, rồi mới tới hai (02) tác phẩm của hai (02) học giả Nga được nhắc tới. Nhưng ngài không cho biết hai tác phẩm này xuất bản ở nhà xuất bản nào.
– Thứ hai, toàn bộ cuốn sách có hai khái niệm quan trọng bậc nhất là khái niệm “Bình đẳng trước pháp luật” và khái niệm “Nhà nước pháp quyền” thì đều không được làm rõ. Vậy thì làm sao có thể có được nhận định và kết luận khoa học hay nghệ thuật đáng tin cậy?
Trong bài viết đầu tiên của cuốn sách này, ông em tôi PGS. TS Đặng Minh Tuấn (xin lỗi vì nhà khoa học lừng danh này gọi tôi là anh, nên tôi tự xưng thế cho nó oai theo kiểu “thấy người sang bắt quàng làm họ”) bị ảnh hưởng bởi cuốn sách dịch của Khoa Luật-ĐHQGHN mang tên “về Pháp quyền và Chủ nghĩa hợp hiến- Một số tiểu luận của các học giả nước ngoài” nên khẳng định rằng “The Rule of Law” là “Pháp quyền” khác với “Nhà nước pháp quyền”, trong khi đó hầu hết các bài viết trong sách này lại tham khảo về “The Rule of Law” từ nước ngoài để viết về “Nhà nước pháp quyền”. Thế có đáng tin cậy không?
Khẳng định rằng “The Rule of Law” phải dịch ra tiếng Việt là “pháp quyền” nhưng khi mô tả về cái gọi là “pháp quyền” đó chẳng khác gì “pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Vậy là “pháp chế xã hội chủ nghĩa” bị thay tên gọi để xa rời dần chủ nghĩa xã hội?
Mấy tay có vẻ am hiểu cãi đại loại rằng dịch “The Rule of Law” là “pháp quyền” vì trong “Việt Nam yêu cầu diễn ca” Bác Hồ nói “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Ô hay đã có ai giải nghĩa đúng chữ “pháp quyền” Bác dùng ở đó trong hoàn cảnh dân tộc ta đang bị áp bức bởi thực dân theo kiểu cũ?
Có tay giải nghĩa “The Rule of Law” không có từ nhà nước trong đó nên chỉ có thể dịch là “pháp quyền”, trong khi nói khái niệm này manh nha từ Hiến chương Magna Carta ở Anh năm 1215.
Có học giả còn lý giải công khai trước đám đông sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh rằng chữ “rule” có nghĩa là “quy tắc”, “điều lệ” nên phải dịch cụm từ này ra tiếng Việt là “pháp quyền” vì không có từ nào là “nhà nước” ở đó, trong khi không nghĩ tới nghĩa “cai trị”. Ô hay học luật thì phải biết hàng loạt thuật ngữ pháp lý tiếng Anh không thể dịch ra tiếng Việt thật chính xác ví dụ như “equity”, “trust”, “writ”, “title”… Và bản thân những thuật ngữ này phải được giải thích theo lịch sử phát sinh ra chúng.
“Bình đẳng trước pháp luật” hiểu trong mối quan hệ nào (công hay tư) và mối liên hệ của nó với Nhà nước pháp quyền như thế nào hoàn toàn chưa được cuốn sách “luộc lại” này làm rõ.
– Thứ ba, cuốn sách bị gọi là cuốn sách “luộc đi luộc lại” này bởi các thông tin, kiến thức trong đó hoàn toàn không có gì mới mà đã được nhắc tới suốt hơn hai chục năm qua ở xứ ta.
Thế mà các giáo sư luật công nắm còn chưa chắc chắn, thì làm sao đi dạy và tuyên truyền tốt cho chủ trương, đường lối của Đảng?
Còn quá nhiều vấn đề khác đối với cuốn sách “luộc đi luộc lại” này mà không thể nói trên Facebook.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.