Lời của Chánh án Tòa án huyện Hưng Nguyên có đáng tin?
12-5-2023
Lúc 6h30 ngày 11/5, Truyền Hình Quốc hội Việt Nam phát sóng phóng sự về vụ án cô giáo Lê Thị Dung. Trong chương trình này, khi phỏng vấn ông Lâm Quốc Tú – Chánh án tòa án ND huyện Hưng Nguyên – về lý do đuổi 2 luật sư ra khỏi phòng xử án, ông Tú nói:
“Mọi người trong phòng xét xử phải có thái độ tôn trọng hội đồng xét xử (HĐXX) và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Đấy là nguyên tắc cơ bản nhất. Nếu người nào vi phạm thì nhẹ nhất là buộc rời khỏi phòng xử án, tuy nhiên ở đây, luật sư cố tình để vi phạm nội quy phiên tòa, không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Nếu như các luật sư có bản cam kết không tiếp tục vi phạm nội quy phiên tòa, thì tôi sẽ trao đổi với HĐXX và tạo mọi điều kiện để luật sư tiếp tục bảo vệ cho quyền lợi của bị cáo. Nhưng luật sư không làm”.
Ông Lâm Quốc Tú có trung thực trong lời nói của mình trước ống kính của Truyền hình Quốc hội hay không? Chúng ta hãy xem diễn biến.
Trong phiên xử ngày 11/4, đầu tiên, thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa – bà Nguyễn Thị Phan Hương “yêu cầu bị cáo trình bày lời bào chữa”; bị cáo nói vì lý do sức khỏe, lời bào chữa cho mình sẽ do luật sư trình bày; thẩm phán ngắt lời “Trước hết là bị cáo trình bày lời bào chữa của mình, sau đó luật sư sẽ trình bày lời bào chữa đối với bị cáo”.
– Lúc này nữ luật sư của bị cáo Lê Thị Dung lên tiếng “Tôi xin có ý kiến ạ”.
– Bà thẩm phán đanh giọng: “Bị cáo trình bày đi!”.
– Luật sư: “Tôi xin có ý kiến”.
– Thẩm phán: “Tòa đang yêu cầu bị cáo trình bày lời bào chữa. Yêu cầu bị cáo trình bày lời bào chữa!”.
– Luật sư: “Tôi xin có ý kiến kiến nghị ạ”.
– Thẩm phán: “Mời luật sư ngồi xuống! Tòa chưa cho phép luật sư có ý kiến khi tòa đang điều hành phiên tòa!”…
Luật sư vẫn đòi có ý kiến, dẫn đến căng thẳng, và sau đó chủ tọa kêu cảnh sát tư pháp vào yêu cầu đưa luật sư ra khỏi phòng xử án. Nói thêm: sau đó bà chủ tọa cho mời bác sĩ vào thăm khám cho cô Lê Thị Dung, bác sĩ cho biết tim mạch bà Dung rối loạn và đề nghị dời phiên xét xử lại buổi khác.
Trở lại, ông Lâm Quốc Tú nói, “Mọi người trong phòng xét xử phải có thái độ tôn trọng HĐXX và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa”, vậy xin hỏi, HĐXX và chủ tọa phiên tòa thì phải tôn trọng ai và tuân theo điều gì? Có lẽ, không gì ngoài Pháp luật ra, phải không?
Vậy HĐXX và Chủ tọa phiên tòa có “tôn trọng” và “tuân theo” pháp luật không khi khăng khăng yêu cầu bị cáo PHẢI tự bào chữa?
Nên nhớ, Điều 61 khoản 2 điểm g) Bộ luật TTHS 2015, quy định QUYỀN của bị cáo: “Tự bào chữa, nhờ người bào chữa; h) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Nghĩa là tự bào chữa là Quyền, không phải Nghĩa vụ.
Vậy tại sao bà chủ tọa Nguyễn Thị Phan Hương vẫn cứ nhất quyết bắt bị cáo Lê Thị Dung phải trình bày lời tự bào chữa trong khi luật sư của cô ấy vẫn đang ngồi đó? Và tại sao ngay cả khi bị cáo đã nêu lý do sức khỏe và luật sư đã lịch sự “xin có ý kiến ạ” nhưng vẫn không được bà chủ tọa cho phép nói?
Rõ ràng, hành vi bắt ép bị cáo phải trình bày lời tự bào chữa trước khi luật sư bào chữa là vi phạm pháp luật một cách thô bạo, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của bị cáo mà họ cũng chỉ dám lịch sự “xin có ý kiến” thôi nhưng bà chủ tọa vẫn không cho rồi sau đó lấy quyền lực cá nhân của mình ra để đuổi luật sư. Vậy ai đã “cố tình để vi phạm”?
Phải chăng HĐXX và chủ tọa phiên tòa của tòa án Hưng Nguyên đứng cao hơn Pháp luật Việt Nam, và tự mình có quyền ban ra luật rồi bắt công dân phải tuân theo? Và nếu ai không tuân theo họ là “vi phạm”, là không “tôn trọng” và sẽ bị đuổi ra? Với cách “xét xử” như vậy thì có phải bất cứ luật sư nào cũng có thể bị đuổi ra, vì lúc này chủ tọa đã tự cho mình là pháp luật chứ không phải là người đại diện bảo vệ luật pháp nữa?
Ngay trước ống kính của Truyền hình Quốc hội mà ông Tú vẫn điềm nhiên lờ đi cái vi phạm pháp luật động trời của chủ tọa phiên tòa và đẩy cái sai của bà này sang cho luật sư, vậy thử hỏi, có ở một nơi nào mà lời ông nói sẽ là đáng tin không, thưa ông?
Video của đài “Truyền hình” Quốc hội:
Hình ông Lâm Quốc Tú từ trang của Truyền hình Quốc hội
T.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.