Trung Quốc không được làm chệch hướng các cuộc đàm phán về COC mới được tái khởi động
Simon Hutagalung | South China Morning Post7.3.2023
Biên dịch: Đinh Tùng Lâm | Hiệu đính: Vân Phạm
Sau khi kết thúc đợt hoạt động đầu tiên kéo dài nửa tháng trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam từ ngày 14 tháng 3, tàu Hải Dương Địa Chất 4 đã quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam từ ngày 7 tháng 4 và bắt đầu đợt hoạt động thứ hai, vẫn tại khu vực các lô dầu khí mà Trung Quốc gọi thầu, cách đảo Phú Quý khoảng 150 hải lý, cách Bãi Tư Chính khoảng 100 hải lý, và mở rộng sang khu vực quần đảo Trường Sa. Ảnh: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic
Biển Đông là một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới và là khu vực có lợi ích chiến lược lớn. Khu vực này tồn tại nhiều tranh chấp giữa các yêu sách lãnh thổ chồng chéo, như đường chín đoạn của Trung Quốc xung đột với các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nhiều quốc gia Đông Nam Á được bảo vệ bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua hiện đại hóa hải quân và quân sự, xây đảo nhân tạo, thăm dò tài nguyên và tuần tra biển hung hăng khiến các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác phải lo lắng.
Gần đây nhất vào ngày 6 tháng 2, khi tàu cảnh sát biển Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội tại Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, Trung Quốc đã sử dụng “tia laser cấp độ quân sự” buộc lực lượng của Philippines phải rút lui.
Tia laser tạm thời làm mù thuỷ thủ đoàn và nhiệm vụ phải tạm dừng. Trong khi Philippines duy trì quyền tiến hành các hoạt động hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, sự hung hăng của Trung Quốc thường gây nguy hiểm cho các quyền hàng hải của Philippines, cũng như của các quốc gia khác ở Biển Đông.
Hơn nữa, Trung Quốc có thể coi thỏa thuận gần đây giữa Việt Nam và Indonesia về phân định vùng đặc quyền kinh tế là mối đe dọa đối với các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù thỏa thuận này đã giải quyết tranh chấp hàng hải lâu dài về các vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa Indonesia và Việt Nam, nhưng có thể kích động sự trả đũa của Trung Quốc.
Dưới cương vị chủ tịch ASEAN năm 2023, Indonesia đã có động thái hướng tới việc nối lại các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử mà Trung Quốc mong muốn từ lâu ở Biển Đông. Dưới các áp lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan phải tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau dù không có truyền thống liên kết.
Những diễn biến này diễn ra trong bối cảnh các cuộc chạm trán nguy hiểm thường xuyên xảy ra giữa tàu Trung Quốc và các tàu khác trong suốt năm 2022 và sang năm 2023.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp kéo dài hai ngày ở Jakarta vào đầu tháng trước, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dù không nêu tên Trung Quốc nhưng chỉ ra rằng “các hoạt động bồi đất, các diễn biến gần đây và các vụ việc nghiêm trọng” đã “làm xói mòn lòng tin và sự tín nhiệm, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Vì lý do này, các bộ trưởng ASEAN đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử, nhưng các nước không chơi theo luật của Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh bám vào ý kiến cho rằng luật pháp quốc tế không áp dụng cho tranh chấp Biển Đông, các bộ trưởng ASEAN tiếp tục nhấn mạnh hợp tác, vì lợi ích chung và chủ nghĩa khu vực cởi mở để đảm bảo ổn định và thượng tôn pháp luật trong khu vực.
Theo Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, các Bộ trưởng ASEAN sẵn sàng kết thúc đàm phán bộ quy tắc ứng xử càng sớm càng tốt nhưng sẽ cần nhiều vòng đàm phán. Vòng đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này.
Đồng thời, hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các bên yêu sách đối địch vẫn tiếp diễn, làm gia tăng căng thẳng khu vực và không có lợi cho sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau. Với những hành động như vậy, có bao nhiêu khả năng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông thành hiện thực? Liệu Trung Quốc có thực sự nghiêm túc trong việc đặt ra các quy tắc cơ bản, hay đó chỉ là một trò lừa gạt khác nhằm gia tăng sự hung hăng của nước này ở Biển Đông?
Rõ ràng Trung Quốc muốn các quốc gia Đông Nam Á chấp nhận và thực thi các quy tắc của Trung Quốc nếu những nước này muốn đi lại trong khu vực. Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á quyết tâm thực thi các quy tắc của UNCLOS để duy trì tự do hải hành và trật tự quốc tế tự do.
Liệu những nỗ lực của Indonesia có mang lại kết quả trong hoàn cảnh này? Trong khi Indonesia đặt mục tiêu thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên biển ở Biển Đông với tư cách là Chủ tịch ASEAN, các cuộc đàm phán có thể tiếp tục kéo dài sau khi Indonesia kết thúc nhiệm kỳ một năm do các lợi ích và ý thức hệ cạnh tranh. Điều quan trọng là các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục bất kể sự luân phiên thay đổi lãnh đạo ASEAN.
Một hướng hành động hợp lý là bắt đầu với một số nguyên tắc cơ bản chi phối hành vi trên biển. Điều này sẽ đảm bảo Trung Quốc ngừng các hành động hung hăng và cưỡng ép đối với các quốc gia khác trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra. Nó sẽ giúp xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau giữa các quốc gia Đông Nam Á cũng như phát triển sự tôn trọng và đảm bảo việc tuân thủ bộ quy tắc ứng xử sau khi được hình thành. Trung Quốc cần hiểu rằng cưỡng ép và đàm phán không thể diễn ra đồng thời. Nếu muốn phát triển một bộ quy tắc ứng xử mà Indonesia đã thuyết phục các thành viên ASEAN nối lại đàm phán, Trung Quốc nên hợp tác để mang lại hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực. Ngay cả khi bộ quy tắc ứng xử chưa thể ra đời dưới nhiệm kỳ của Indonesia, nước này vẫn luôn tiên phong khởi xướng bước đi quan trọng này.
S.H.
---
Simon Hutagalung là nhà ngoại giao cấp cao của Bộ Ngoại giao Indonesia. Hiện ông là điều phối viên chống khủng bố tại Trung tâm khu vực Châu Á, Châu Phi và Trung Đông. Các ý kiến trình bày ở đây là của riêng tác giả và không đại diện cho quan điểm của Bộ Ngoại giao Indonesia. Nguồn bài viết gốc: China must not derail revived South China Sea code of conduct talks.
Đinh Tùng Lâm và TS. Vân Phạm lần lượt là cộng tác viên và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập, phi chính trị và phi lợi nhuận. Dựa vào hỗ trợ tài chính từ cộng đồng là cách để chúng tôi có thể tồn tại độc lập vì lợi ích đất nước và cộng đồng. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy cần phải có một dự án tri thức độc lập, hãy chung tay với Dự án Đại Sự Ký Biển Đông để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Dự án Đại Sự Ký Biển Đông xin trân trọng cảm ơn.
Nguồn bản dịch: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.