Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Khi tàn chinh chiến, người Việt Nam nào cũng chung một nỗi đau

 


Khi tàn chinh chiến, người Việt Nam nào cũng chung một nỗi đau

Không có bên thua cuộc hay bên thắng cuộc.

Bạch Huỳnh Duy Linh

Hàng năm, đến dịp kỷ niệm 30/4/1975, tôi thường được theo dõi các cuộc tranh luận nảy lửa của người Việt Nam thuộc cả hai bên thắng cuộc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và bên thua cuộc (Việt Nam Cộng hòa) về bản chất của các vấn đề xung quanh cuộc chiến năm 1975. 

Việc sử dụng thuật ngữ “bên thắng cuộc”, “bên thua cuộc” chỉ để dễ dàng phân chia hai phe trong cuộc chiến, chứ thực sự người viết nghĩ rằng khi chiến tranh diễn ra, cả hai bên đều là những người thua cuộc. Mẹ Việt Nam luôn cảm thấy buồn khi những đứa con của mình đánh nhau và bị chết trong chiến tranh.

Nếu so sánh với cuộc chiến chống Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 thì cuộc chiến kết thúc vào năm 1975 dưới cái tên “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” do bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt ra hay tên gọi Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War) được các nhà sử học quốc tế sử dụng, đã gây ra rất nhiều tranh cãi giữa người Việt với người Việt, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường tranh luận trở nên cởi mở hơn nhờ sự xuất hiện của mạng xã hội và khả năng sử dụng các công cụ tìm kiếm dễ dàng để tra cứu thông tin đa chiều.

Trong kinh điển Phật giáo, có một câu chuyện người mù sờ voi, nói về việc những người mù chỉ mới tiếp cận từng bộ phận riêng lẻ của con voi đã vội vã kết luận về hình thù tổng thể, đã vậy còn không ai chịu ai, tranh cãi dữ dội để bảo vệ thiên kiến của mình. [1]

Câu chuyện trên hàm ý rằng chúng ta giống như những người mù đang sờ voi và vì mỗi người chỉ “sờ” được một bộ phận nên nghĩ rằng những gì mình “sờ” được là toàn bộ sự thật và những gì người khác “sờ” thấy không đúng với “sự thật” mình tiếp nhận. Để biết được một con voi hay bản chất sự thật như thế nào, chúng ta cần nhìn thấy được cái toàn thể chứ không nên dừng lại ở trải nghiệm một chiều hay nhận định chủ quan về cái bộ phận.

Trong cuộc tranh luận về Chiến tranh Việt Nam năm 1975, vì cả hai bên đều có niềm tin rằng hành động của bên mình là đúng còn của đối phương là sai, nên khi đối mặt nhau trong một cuộc tranh luận có liên quan đến cuộc chiến này, cả hai bên đều cố gắng bảo vệ sự chính nghĩa của phe mình và cho rằng phi nghĩa thuộc về phe bên kia.

Đơn cử, Đen Vâu – một rapper đang nổi tiếng tại Việt Nam – với hơn một triệu người theo dõi trên Facebook, có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ Việt Nam, thuộc thế hệ sinh ra sau năm 1975, đã làm dấy lên cuộc tranh cãi về cuộc chiến sau khi đăng một statustưởng nhớ công lao của bên thắng cuộc: “Sinh ra khi đất nước đã thống nhất, dù không trải qua những ngày tháng chiến đấu gian lao, nhưng qua những thước phim, câu chuyện được xem, được nghe, chúng con cũng hiểu được phần nào những gian lao vất vả và sự hi sinh không tiếc thân mình của ông cha để giành lại độc lập cho quê hương, để chúng con càng ngày càng hiểu rõ giá trị của độc lập tự do, để biết phải luôn ghi nhớ những gì mình đang thụ hưởng là thành quả của gian lao xương máu bao đời”. [2]

Nội dung được đăng trên status của Đen Vâu là cảm xúc bình thường của một học sinh được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nhưng vấn đề nằm ở chỗ cảm xúc đó chỉ phù hợp cho bên thắng cuộc, những người đã giành chiến thắng và hưởng lợi từ chiến thắng đó. Nếu bạn là hậu duệ của họ thì rất khó để suy nghĩ ngược lại với cha ông bạn. Điều đó cũng đúng khi bạn là con cháu của những người thua cuộc. Vậy nên, niềm vui của bên thắng cuộc lại trở thành nỗi buồn của bên thua cuộc, vì sự mất mát và thiệt thòi của thân phận chiến bại dường như bị cố tình lãng quên, không hề có biểu hiện của thái độ bao dung giữa những người cùng chung nguồn cội.

Một dấu hiệu của xã hội nhân văn là tôn trọng cảm xúc của cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc. Xã hội Việt Nam hiện tại không nhân văn trong vấn đề tôn trọng cảm xúc của những người thuộc bên thua cuộc sau cuộc chiến năm 1975.

Khi cảm xúc bị dồn nén, không được phép giải tỏa thì nó sẽ được thể hiện bằng một cách nào đó, một trong những cách mà tôi quan sát được đó là những cuộc tranh luận của hai bên trên các diễn đàn thảo luận về chính trị trước đây và trên Facebook hiện nay. 

Sự thật của cuộc Chiến tranh Việt Nam năm 1975 là gì? Không ai có thể biết được toàn bộ sự thật, kể cả những sử gia bên thắng cuộc lẫn các sử gia bên thua cuộc. Như vậy, làm thế nào để các thế hệ trẻ Việt Nam, những người không trải qua cuộc chiến, có thể tiếp cận gần hơn với sự thật?

Nhìn từ nhiều phía là cách tốt nhất để tiếp cận sự thật. Một người, nếu chỉ đọc những gì do bên thắng cuộc viết thì sẽ rơi vào trạng thái bị “nhồi sọ”, đúng với định hướng của hệ thống tuyên truyền do đảng dày công xây dựng nên. Nhưng nếu chỉ đọc những gì bên thua cuộc viết thì cũng không hiểu được vì sao họ lại thua cuộc.

Tìm hiểu từ cả hai bên là việc khó, vì điều này đòi hỏi một tư duy độc lập, tinh thần phản biện và trên hết đó là khả năng dung thứ dành cho mọi luồng suy nghĩ và tư tưởng khác nhau. Nếu bạn có thể lắng nghe quan điểm của cả hai bên, bạn sẽ cảm thông với họ, bạn sẽ hiểu rằng các bên tham chiến đều rơi vào vũng lầy lịch sử, không thể thoát ra được tình thế nhập nhằng giữa các chủ nghĩa mà họ theo đuổi, từ chủ nghĩa cộng sản, đến chủ nghĩa tự do, hay chỉ đơn thuần là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước.

Sức hút của các chủ nghĩa là điều cần thiết để tạo ra sự đoàn kết, thống nhất và hợp tác giữa các cá nhân với nhau trong một tập thể rộng lớn. 

Trên phương diện lịch sử, Việt Nam khó lòng giành độc lập từ tay thực dân Pháp, Việt Minh khó lòng chiến thắng trong cuộc chiến Điện Biên Phủ nếu không thể tập hợp một số lượng đông đảo người tham gia. Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi khác của Đảng Cộng sản lúc bấy giờ) dưới sự dẫn dắt của ông Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt vai trò đó, họ vận dụng chủ nghĩa Marx - Lenin để tìm ra điểm chung với các tầng lớp xã hội khác, ít nhất là ở buổi đầu khởi sự, sau đó thống nhất các lực lượng cho cuộc chiến chống Pháp.

Tuy nhiên, vì chủ nghĩa chỉ là sự tưởng tượng của con người, nên nó không có giá trị chân lý bao trùm lên mọi hoàn cảnh lịch sử. Chủ nghĩa cộng sản có thể đúng trong hoàn cảnh Việt Nam cần tập hợp lực lượng cho các cuộc chiến, nhưng khi thống nhất đất nước, việc tiếp tục duy trì tư duy cộng sản để quản trị quốc gia đã tạo ra những hệ lụy xã hội nghiêm trọng như tập thể hóa nền kinh tế làm sản xuất đình trệ, ngăn sông cấm chợ làm lúa gạo không được lưu thông gây ra đói kém, học tập cải tạo gây ra chia rẽ nhân tâm, các chính sách chèn ép và triệt tiêu di sản của bên thua cuộc làm phá hoại cấu trúc văn hóa - xã hội v.v. Cuối cùng, tình hình đất nước bất ổn tạo ra nạn thuyền nhân khiến nhiều người phải bỏ xứ ra đi, bỏ mạng ngoài biển khơi. 

Ở phía Việt Nam Cộng hòa, ông Ngô Đình Diệm cũng theo đuổi việc xây dựng một chính nghĩa quốc gia và một nền cộng hòa mới ở miền Nam dựa trên học thuyết “nhân vị” - tư tưởng do em ông là Ngô Đình Nhu cố vấn. Đó là một học thuyết rất nhân văn và xứng đáng để theo đuổi. 

Tuy nhiên, ông Ngô Đình Diệm không thành công trong việc xây dựng sự đoàn kết quốc gia. Ông bị chỉ trích chính trị vì duy trì trạng thái “gia đình trị”, thiên vị Công giáo. Những chính sách của ông gây ảnh hưởng đến lợi ích của các thành phần khác trong xã hội, đặc biệt là gây bất hòa với Phật giáo, dẫn đến sự sụp đổ của nền Đệ nhất cộng hòa. Kết quả là chế độ Ngô Đình Diệm chỉ tồn tại đến năm 1963, để lại nhiều xáo trộn.

Khi hiểu được các chủ nghĩa khác nhau đã từng xuất hiện, xung đột và thoái trào trên thế giới, bạn sẽ hiểu được đạo lý mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng viết và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài Tâm ca số bảy: “[...] Kẻ thù ta không phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai? Kẻ thù ta mang áo màu chủ nghĩa [...]” [3] [4]

Rất tiếc, chính quyền Việt Nam hiện nay vẫn chưa thấu cảm nỗi đau chiến tranh của bên thua cuộc, nỗi đau của những đồng bào bỏ nước ra đi và những mất mát chung to lớn của toàn dân tộc do những chính sách sai lầm và ấu trĩ mà bên thắng cuộc gây ra. 

Hiếm hoi lắm mới có những lãnh đạo cộng sản từng lăn lộn ở chiến trường miền Nam như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về nỗi đau của đồng bào bên thua cuộc. [5] Ngoài ra, các chính sách hòa hợp, hoà giải dân tộc thường chỉ dừng lại ở các nghị quyết chính trị, chứ rất ít khi được triển khai trên thực tế. 

Hy vọng rằng trong tương lai, nhiều người trẻ tiếp cận được góc nhìn của cả hai phía, từ đó, biết thấu cảm cho nỗi đau của bên thua cuộc và hiểu rõ nguồn cơn của những hạn chế trong chính sách hòa hợp, hoà giải dân tộc hiện nay. Khi ấy, tiến trình hòa hợp, hòa giải thật sự mới diễn ra. Người Việt Nam không còn phân biệt bên thắng cuộc, bên thua cuộc mà tất cả người Việt Nam đều chung một nhà.

B.H.D.L.

Nguồn: Luatkhoa.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.