Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Nga hụt hơi xích gần với Trung Quốc buộc Việt Nam cân nhắc nâng cấp quan hệ với Mỹ?

 

Nga hụt hơi xích gần với Trung Quốc buộc Việt Nam cân nhắc nâng cấp quan hệ với Mỹ?

Thu Hằng

Liệu Mỹ có thuyết phục được Việt Nam nâng cấp quan hệ trong năm 2023, nhân dịp kỉ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện? Hoa Kỳ và Việt Nam liên tục có những hoạt động thắt chặt quan hệ song phương trong thời gian gần đây. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden điện đàm ngày 29/03. Ông Blinken có chuyến công du đầu tiên đến Việt Nam trong tư cách ngoại trưởng Mỹ từ 14-16/04.

clip_image002

clip_image004Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) tiếp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Hà Nội, Việt Nam, ngày 15/04/2023. AP - Andrew Harnik

Trước đó một tuần là một phái đoàn các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Từ 21-23/03 là một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, Việt Nam dường như chưa sẵn sàng đáp ứng mong muốn của Mỹ. Trong thái độ lưỡng lự này, Trung Quốc là một yếu tố, nhưng quan trọng nhất là Nga, theo đánh giá của Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ.

Trong thư điện tử ngày 10/04/2023 trả lời một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt, Giáo sư Vuving cho rằng về lâu dài, Việt Nam phải có những bước đi mạnh mẽ hơn về phía Mỹ vì những bước đi về phía Nga, Nhật, Ấn, Hàn, Úc… sẽ không đủ để bù đắp sự “hụt hẫng” do Nga có thể sẽ bị dính phần nào vào Trung Quốc.

*

RFI: Hoa Kỳ và Việt Nam liên tục có những hoạt động, trao đổi trong thời gian gần đây. Xin ông cho biết là những hoạt động đó diễn ra trong bối cảnh như nào?

Giáo sư Alexander Vuving : Bối cảnh lớn nhất của các hoạt động ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay là cuộc xâm lược Ukraina của Nga và những địa chấn chính trị của nó. Cuộc chiến tranh này đã buộc lịch sử thế giới phải sang trang.

Trước hết, ở tầm vóc toàn cầu, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã hoàn toàn chấm dứt. Đặc điểm chủ đạo của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh là hợp tác nước lớn vượt trội cạnh tranh nước lớn. Chính vì thế mà toàn cầu hóa đã có cơ hội phát triển vượt bậc và trở thành một xu thế mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Nhưng từ khoảng 2008, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đi vào thoái trào, cạnh tranh nước lớn dần trở nên lấn át hợp tác nước lớn.

Các sự kiện lớn nói lên điều này là việc Nga xâm lược Gruzia năm 2008, Trung Quốc lập Vùng Nhận dạng Phòng không ở Biển Hoa Đông năm 2013 và cũng khoảng thời gian đó, Trung Quốc bắt đầu xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, rồi năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crưm của Ukraina.

Trong thời kỳ 2008-2016, nước Mỹ dưới trào Tổng thống Obama phản ứng yếu ớt với các hành động hung hăng của Nga và Trung Quốc nên cạnh tranh nước lớn chỉ mạnh về một chiều. Nhưng sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, chính phủ Mỹ chuyển cách nhìn đối với Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Bản thân Trump khai mở một cuộc “thương chiến” với Trung Quốc bằng cách áp đặt thuế quan nặng nề lên một số lượng lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Và cuộc xâm lược Ukraina của Nga đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Nó mở toang cánh cửa đã được hé mở từ một thập kỷ trở lại đây để thế giới đi vào một thời kỳ mới trong đó cạnh tranh nước lớn là chủ đạo, hợp tác nước lớn vẫn tồn tại nhưng chỉ là thứ yếu.

Cạnh tranh nước lớn ở đây trước hết là giữa Mỹ một bên và Nga và Trung Quốc ở bên kia. Điều này khiến cho toàn bộ cấu trúc quan hệ đối ngoại của Việt Nam bị lung lay. Sau Chiến tranh Lạnh, Việt Nam phấn đấu làm bạn với tất cả các nước, đặc biệt là giữ quan hệ tốt với các cường quốc, bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ và Nga.

Khi hợp tác nước lớn mạnh hơn cạnh tranh nước lớn, Việt Nam có thể xây dựng một cấu trúc đối ngoại vững chắc với một mạng lưới các quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc. Nhưng cuộc chiến tranh Ukraina đã khiến cho quan hệ giữa Nga và Mỹ cũng như phương Tây trở nên thù địch. Nếu Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ và phương Tây thì sẽ làm phật lòng Nga. Ngược lại, Việt Nam tăng cường quan hệ với Nga cũng sẽ làm phật lòng Mỹ và phương Tây.

Đồng thời, quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu đi. Có thể có một vài sự hàn gắn nhất thời nhưng xu thế chung trong thời gian tới là cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt. Mà tâm điểm địa lý của cuộc tranh hùng Mỹ-Trung là khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm các nước ven biển Hoa Đông và Biển Đông. Khác với cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây, Việt Nam chỉ nằm ở ngoại vi của cuộc tranh hùng giữa Liên Xô và Mỹ, nay Việt Nam nằm ngay ở “đường đứt gãy” trung tâm của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.

Do đó, những hoạt động ngoại giao gần đây giữa Mỹ và Việt Nam là nằm trong cố gắng tập hợp lực lượng của Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga, cũng như những cố gắng của Việt Nam nhằm giữ thế cân bằng cho “con thuyền” của mình giữa cơn phong ba địa-chính trị của khu vực và thế giới. Trong cơn phong ba địa-chính trị đó có cả tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông và ở Đông Dương, là những chuyện sát sườn Việt Nam phải đối phó. Giữ con thuyền khỏi tròng trành, đối với Việt Nam, còn bao gồm cả việc đảm bảo nguồn cung tài chính từ bên ngoài (ví dụ thông qua đầu tư nước ngoài) và thị trường xuất khẩu cho hàng Việt Nam (ngoại thương Việt Nam có giá trị gần gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội). Thêm nữa, chính quyền Hà Nội còn có mối lo giữ chế độ cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Đấy là những quan tâm hàng đầu của hai nước Việt-Mỹ trong quan hệ song phương.

RFI: Có thể coi đó là dấu hiệu cho thấy có sự chuyển biến theo hướng tích cực trong quan hệ giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư?

G.S. Alexander Vuving: Cả Mỹ và Việt Nam đều muốn tăng cường quan hệ, trong đó hợp tác kinh tế là một cột trụ quan trọng. Hợp tác quốc phòng cũng là một trụ cột quan trọng, nhưng do sự nhạy cảm của nó đối với các quan hệ nước lớn khác nên nhiều khi hai nước phải đi đường vòng hoặc có lúc tiến lúc lùi thay vì đi thẳng và liên tục tiến.

Năm nay, hai nước Việt-Mỹ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện”. Từ đầu năm đã có nhiều đoàn trao đổi, trong đó nổi bật có chuyến thăm Việt Nam của đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, một đoàn đông đảo các doanh nghiệp Mỹ muốn tăng cường làm ăn với Việt Nam và tuần trước là đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ. Thông điệp lớn nhất của phía Mỹ là chính phủ Mỹ, bao gồm cả hành pháp và lập pháp, cũng như giới kinh doanh đều muốn nâng quan hệ hai nước lên tầm “đối tác chiến lược”.

Trong bối cảnh Mỹ muốn giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam càng trở nên quan trọng. Việt Nam cũng rất mong muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ. Nếu nhìn vào cán cân thương mại của Việt Nam, ta có thể thấy Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN, nhưng lại xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, Trung Quốc và các nước Liên Hiệp Châu Âu. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho hàng Việt Nam, chiếm khoảng 30% thị phần, và là bạn hàng lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, thay thế vị trí mà Anh đã giữ suốt hai thập kỷ vừa qua.

RFI: Tuy nhiên, về ngoại giao, có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa sẵn sàng nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ? Hà Nội lo về những điểm gì?

G.S. Alexander Vuving : Chủ trương lâu dài của Việt Nam là thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn, cụ thể là các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong vòng hơn 20 năm qua, Việt Nam đã lập quan hệ này với Nga (2001), Trung Quốc (2008), Anh (2010), Pháp (2013). Chỉ còn Mỹ là chưa. Hai nước đã lỡ một số cơ hội lớn trong quá khứ.

Năm 2015, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ lần đầu tiên, Mỹ cũng đã muốn nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, nhưng Việt Nam ngại rằng như thế sớm quá, vì mới lập quan hệ “đối tác toàn diện”được hai năm, và đề nghị chỉ nâng nửa vời lên “đối tác toàn diện sâu rộng”. Mỹ không đồng ý. Quan hệ tiếp tục được gọi là “đối tác toàn diện”. Chuyến đi này diễn ra khoảng một năm sau sự kiện “giàn khoan” (Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan HYSY-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam), gây ra sự chuyển hướng chiến lược quan trọng trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam.

Đến khoảng năm 2018, sau khi Trung Quốc hoàn tất xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và tăng cường quấy rối cản trở hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, Hà Nội bắt đầu thấy cần thiết phải nâng cấp quan hệ với Washington lên đối tác chiến lược. Dự định là trong chuyến thăm Mỹ vào nửa cuối năm 2019 của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của tổng thống Trump, hai nước sẽ nâng cấp quan hệ. Nhưng chuyến đi đã không bao giờ được thực hiện vì sức khỏe ông Trọng không cho phép.

Chính quyền Tổng thống Biden lên thay tiếp tục mong muốn đưa quan hệ lên tầm “đối tác chiến lược”. Đặc biệt việc Mỹ viện trợ vac-xin Covid cho Việt Nam với số lượng rất lớn và không có bất cứ điều kiện nào kèm theo, trong khi Trung Quốc viện trợ ít hơn nhiều và gần như luôn đi kèm điều kiện, đã khiến nhiều người trong chính giới Việt Nam thấy “ai là bạn và ai chỉ là đối tác thôi”. Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2021, không có cơ hội nào cho lãnh đạo tối cao hai nước gặp nhau nên chưa thực hiện được việc nâng cấp.

Sau khi Nga xâm lược Ukraina khiến quan hệ Nga - Mỹ trở nên thù địch, Việt Nam quyết định đóng băng vấn đề nâng cấp quan hệ với Mỹ. Hà Nội giải thích là để thể hiện “độc lập, cân bằng, tự chủ”. Sâu xa hơn thì là để chứng tỏ cho Nga thấy là Việt Nam không đi với Mỹ để chống Nga.

Trước đó, cuối năm 2021, trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Nga và Việt Nam đến năm 2030. Tuyên bố này có mấy điểm đáng lưu ý. Một là lần đầu tiên Nga hứa “sẽ phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động thương mại không bị cản trở” với Việt Nam. Hai là hai bên khẳng định “không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba nhằm có các hành động phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích cơ bản của nhau”.

Như vậy, mấu chốt để Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ là Nga hiểu rằng việc đó không có nghĩa là Việt Nam đi với Mỹ để chống Nga. Chính vì thế mà khi đón các đoàn Mỹ sang thăm, lãnh đạo Việt Nam vẫn nói ủng hộ nâng tầm quan hệ nhưng phải chờ “khi điều kiện phù hợp”.

Phản ứng của Trung Quốc cũng là một vấn đề Việt Nam phải lo ngại, nhưng tôi cho rằng yếu tố này không đủ lớn để làm Việt Nam chùn bước. Thứ nhất là Trung Quốc tiếp tục gia tăng chống phá Việt Nam ở hướng biển. Trung Quốc cũng thâm nhập sâu vào Campuchia và Lào. Các căn cứ quân sự trá hình mà Trung Quốc đang xây dựng ở Campuchia cũng khiến Việt Nam thêm lo ngại. Việt Nam cần Mỹ để đối trọng với Trung Quốc.

Đối tác chiến lược không phải là liên minh nên không xâm phạm 3 trong “4 Không” của Việt Nam (Không tham gia liên minh quân sự, Không đi với nước này để chống nước kia, Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên đất Việt Nam, Không dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Vấn đề chỉ còn cư xử thế nào để Nga và Trung Quốc khó phàn nàn là Việt Nam âm mưu đi với Mỹ để chống lại họ.

Việt Nam không muốn tạo cớ cho Trung Quốc làm mạnh nên đã có chuyến đi phá lệ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc tháng 11/2022. Theo thông lệ thì tổng bí thư sẽ đi thăm Lào đầu tiên sau khi nhậm chức. Nhưng lần này ông Trọng đi Trung Quốc là nước ngoài đầu tiên sau khi ông được tái đắc cử ở Đại hội Đảng lần thứ 13 đầu năm 2021. Thỏa thuận trong chuyến đi cho thấy Hà Nội nhượng bộ một số chuyện nhỏ “không mất gì” nhưng vẫn nhất quyết không tham gia “cộng đồng chung vận mệnh”với Trung Quốc và cũng chỉ nói lời đãi bôi với các Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, là những khuôn khổ hợp tác chiến lược mới của Trung Quốc cho thời kỳ cạnh tranh nước lớn.

RFI: Chiến tranh Ukraina đã buộc Nga phải xích lại gần với Trung Quốc. Đây có phải là điểm bất lợi cho Việt Nam hay không, trong khi Việt Nam có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, còn Nga từng là nhà cung cấp vũ khí, là đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Việt Nam ?

G.S. Alexander Vuving: Nga xích lại gần Trung Quốc là điểm bất lợi lớn đối với Việt Nam. Nga không chỉ là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Việt Nam, mà các công ty dầu khí Nga còn đóng vai trò quan trọng trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Đồng thời trong chiến lược “cân bằng quan hệ” với các nước lớn của Hà Nội, Moskva cũng là một yếu tố đáng kể. Nga cảm tình với chế độ của Đảng Cộng sản Việt Nam, không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt nam, lại là một cường quốc hạt nhân và thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Quan hệ với Nga giúp Hà Nội cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.

Nay Nga suy yếu về kinh tế, quân sự và ngoại giao, phải dựa vào Trung Quốc nhiều hơn, thì tức là cán cân lực lượng giữa các cường quốc đã có sự thay đổi đáng kể. Nếu ví cấu trúc đối ngoại của Việt Nam như chiếc kiềng nhiều chân, trong đó các chân lớn là quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nga, các chân nhỏ hơn là quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN, Pháp, Anh, Đức, Úc, Hàn Quốc… thì rõ ràng khi “chân” Nga yếu đi, lại phải dựa vào Trung Quốc, thì chiếc kiềng của Việt Nam mất cân bằng.

Cách Việt Nam làm hiện này là tìm cách kéo Nga về phía mình, trong khi đẩy mạnh quan hệ với các nước “cận cường quốc” như Nhật Bản và Ấn Độ và các nước “bậc trung” như Hàn Quốc, Úc, đồng thời tiếp tục “giữ cầu” để khi có thời cơ thì nâng quan hệ với Mỹ.

Trong một năm qua, Việt Nam đã tiếp tục thắt chặt quan hệ với Nhật Bản theo châm ngôn “chân thành, tình cảm, tin cậy”, tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ. Việt Nam cũng đã nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc lên “đối tác chiến lược toàn diện” tháng 12/2022. Dự định cuối năm nay sẽ nâng quan hệ với Úc lên “đối tác chiến lược toàn diện”.

Xu hướng dài hạn là Nga sẽ khó lòng khôi phục vị thế và sức mạnh trước cuộc xâm lược Ukraina và nhiều khả năng Nga sẽ sa lầy tại Ukraina, tiếp tục đối đầu với Mỹ, tiếp tục xích lại gần Trung Quốc. Do đó, Việt Nam phải có những bước đi mạnh mẽ hơn về phía Mỹ vì những bước đi về phía Nga, Nhật, Ấn, Hàn, Úc… sẽ không đủ để bù đắp sự “hụt hẫng” của “chân” Nga mà nay có thể sẽ bị dính với “chân” Trung Quốc phần nào.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ.

T.H.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.