VỀ DƯƠNG THU HƯƠNG.
Mấy hôm nay thiên hạ xôn xao bàn tán về giải thưởng Cino Del Duca Thế giới của Viện Hàn lâm Pháp trao tặng cho nhà văn Dương Thu Hương, hiện đang sống tại Pháp. Giải thưởng này trị giá lên tới 200.000 € (hơn 5 tỷ đồng). Giá trị (hiện kim) lớn khiến người ta tò mò giải thưởng này như thế nào, có xứng tầm quốc tế không?
Theo Wikipedia, Cino Del Duca là một giải thưởng quốc tế được trao giải đầu tiên vào năm 1969, cho những tác giả có tác phẩm dưới hình thức văn chương hoặc khoa học có những giá trị nhân văn hiện đại. Khoa học thì tôi không rành, nhưng điểm qua những gương mặt văn chương từng thắng giải này thì toàn tên tuổi oách cả.
Haruki Murakami nhận giải thưởng này trước Dương Thu Hương một năm (2022) và trong lịch sử hơn nửa thế kỷ của giải thưởng này (bắt đầu từ năm 1969), có nhiều nhà văn hàng đầu thế giới từng được trao tặng như Jorge Luis Borges (Argentina), Jorge Amado (Brazil), Mario Vargas Llosa (Peru), Milan Kundera (Séc & Pháp), Patrick Modiano (Pháp), Joyce Carol Oates (Mỹ)... Nhà thiên văn học và nhà văn gốc Việt Trịnh Xuân Thuận (Việt/Pháp/Mỹ) cũng từng nhận giải thưởng này vào năm 2012.
Một số nhà văn trong số này đã đoạt giải Nobel văn chương sau đó, nên người ta gọi giải thưởng này là "phòng chờ của giải Nobel".
Một giải thưởng danh giá xứng tầm quốc tế như thế mà báo chí chúng ta đành... im bặt, thật buồn. Các tác phẩm văn chương của Dương Thu Hương từ lâu cũng không còn được xuất bản tại Việt Nam (nhưng có thể đọc được hầu hết trên các trang trực tuyến).
Điều oái oăm là chúng ta khao khát được thế giới công nhận, nhất là các lĩnh vực nghệ thuật như văn chương hoặc điện ảnh. Thế nhưng trong khoảng nửa thế kỷ qua, theo tôi có ba giải thưởng thuộc hàng top của thế giới trao tặng cho 3 tác phẩm của 3 tác giả người Việt (hoặc gốc Việt) nhưng không được công bố và phổ biến ở trong nước. Đó là bộ phim Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng, thắng giải Sư tử vàng tại LHP Venice, Ý); The Sympathizer của nhà văn Nguyễn Thanh Việt, thắng giải Pulitzer dành cho tiểu thuyết tại Mỹ và gần nhất là nhà văn Dương Thu Hương với giải thưởng Cino Del Duca của Viện Hàn lâm Pháp, một giải thưởng trao tặng cho cả văn nghiệp của bà - hoàn toàn im tiếng tại Việt Nam (tất nhiên chúng vẫn rất nổi tiếng và được công chúng yêu thích văn chương và điện ảnh tán thưởng).
Điều đáng buồn nữa là những tác phẩm ấy đều có bối cảnh ở Việt Nam, nhân vật chính là người Việt với tính đại diện cao, thế nhưng chúng ta đành phải thưởng thức chúng một cách... lén lút, báo chí truyền thông không dám đưa tin bài.
Tôi may mắn đọc Dương Thu Hương khá sớm, từ thời sinh viên. Thời đó tôi mê văn chương hơn điện ảnh. Và trong 4 năm sinh viên từ 1995-1999, tôi gần như đọc hết các tác phẩm của 4 nhà văn nổi tiếng nhất giai đoạn đó là Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh và Phạm Thị Hoài. Họ là những làn gió mới thổi vào một nền văn chương hậu chiến vừa tuyên truyền vừa cũ kỹ, hoặc nhàm chán. Họ là những nhà văn mà tính cá nhân và phong cách cá nhân luôn vượt trội, không ai có thể bắt chước được. Hoặc bắt chước thì cũng trở thành những phiên bản lỗi thảm hại.
Trong những tác phẩm của Dương Thu Hương mà tôi đọc thời ấy, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, như Hành trình ngày thơ ấu, Chân dung người hàng xóm, Những bông bần ly, Những vĩ nhân tỉnh lẻ, Chuyện tình kể trước lúc rạng đông, Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù...; tôi ấn tượng nhất với cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu niên: Hành trình ngày thơ ấu và cuốn tiểu thuyết dành cho người lớn: Những thiên đường mù.
Sở dĩ phải chia ra như vậy, vì đều của cùng một tác giả, nhưng tôi có cảm giác như đang đọc hai tác giả khác nhau. Nếu Hành trình ngày thơ ấu là một cuốn tiểu thuyết "coming of age/adventure" - tạm gọi là cuộc phiêu lưu của tuổi mới lớn với cái nhìn trong trẻo của một cô gái 15 tuổi (dù trong đó đã có ít nhiều phản tỉnh về thời cuộc, về con người) thì Những thiên đường mù là một cuốn tiểu thuyết với cái nhìn tự vấn và phản tỉnh hoàn toàn. Một cuốn tiểu thuyết vừa buồn thê lương vừa sắc như dao về người Việt một thời, mà trong đó, sự xấu xí, thảm hại của con người đều xuất phát từ sự ấu trĩ, các ác vô minh và lòng tham vô đáy. Và hai cái bối cảnh văn hóa là Cải cách ruộng đất ở miền Bắc và cuộc ly hương lao động xuất khẩu làm cu li xứ người... phơi bày toàn bộ chân dung vừa tội nghiệp vừa thảm hại của người Việt một thời mà dư âm của nó vẫn còn hiển hiện ở ngày hôm nay.
Sáng nay tôi lôi Những thiên đường mù ra đọc lại, bắt gặp đoạn này:
“Những gương mặt bị nỗi âu lo làm cho cằn cỗi, tiều tụy, cau có, bụi bặm… Những gương mặt nhớn nhác vì sợ hãi. Biết bao nỗi sợ hãi có thể xảy ra… Nỗi sợ không mua được hàng hóa, nỗi sợ không gửi được hàng hóa về, nỗi sợ một ông bố già hay một bà mẹ già có thể lao lực hoặc ốm nặng trong thời gian chờ đợi món tiền viện trợ còm cõi của đứa con, nỗi sợ một vị quan chức nào đó trong tòa đại sứ… Những gương mặt tàn úa, ủ dột vì suy tính. Suy tính món tiền đủ duy trì sự sống và món tiền nuôi dưỡng người thân. Suy tính thù lao công của một ngày hái táo hay một ngày quét dọn trên các toa tầu. Suy tính phương tiện mưu sinh cho cuộc sống tương lai, tương lai bập bênh như khối sa mù trên mặt biển… Trên đường phố, những gương mặt ấy không thể nào hòa trộn với những gương mặt khác, những gương mặt của một nhân loại an hưởng, hòa bình, hạnh phúc và tự do… Vầng trán hai mươi hằn lên những nếp nhăn, mái tóc đen đổ xuống quầng mắt xanh tím. Cái nhìn đăm đắm sâu thẳm. Vẻ quyết liệt, thô bạo, man dại khi tranh giành trước các quầy hàng. Nỗi mặc cảm tủi hổ trước ánh mắt người xa xứ. Cuộc vò xé tâm can không lúc nào ngơi…
Tôi đưa mắt lần nữa liếc nhìn đám người Nhật. Bọn họ có gì khác với chúng tôi? Nếu như có kiếp luân hồi, chắc chắn kiếp trước không có gì là đảm bảo họ có các phẩm chất trội bật. Cả về trí thông minh, cả lòng kiên nhẫn, cả sự chịu đựng mà đám dân châu Á dư thừa. Nhưng số phận đã ưu đãi họ. Họ đã được đầu thai dưới một mái nhà bằng an, ít bão gió.”
Nhưng văn chương của Dương Thu Hương không chỉ có sự phản tỉnh hay đôi lúc hơi cay nghiệt. Trong các tiểu thuyết "phản tỉnh" của mình, bà vẫn dành nhiều sự đồng cảm và thương xót cho những phận người là nạn nhân của thời cuộc, của chính con người - đôi lúc không ai xa lạ mà chính là người thân máu mủ ruột thịt của họ.
“Mắt bà rất đẹp, lút dưới hai hố sâu, chiếu ra những tia sáng buồn. Trong cái nhìn của bà găm giữ nỗi thống khổ và sức chịu đựng không thể đo đếm”.
(...)
“Và tôi hiểu, khi tôi đưa chiếc quan tài chở xác cô ra bãi tha ma, thì tôi lại bật mở một chiếc quan tài khác, chiếc quan tài quàn xác chết tuổi xuân, xác chết của những giấc mơ son trẻ của cô…”
Những thiên đường mù, với Dương Thu Hương, là những "thiên đường" thảm hại do thế hệ trước dựng lên, mà nhân vật ông cậu Chính là một ví dụ điển hình.
"Người ta nên hiểu hết mọi sự trên đời cô bé ạ, dù cho là sự thực đau buồn. Ông cậu của cô giống như một loạt người tôi từng gặp.
Họ là những kẻ đã phao phí gần hết đời sống của mình vào việc vẽ nên một thiên đường dưới trần ai, nhưng trí khôn ngắn ngủi của họ lại không đủ để hiểu thiên đường ấy ra sao và con đường nào đưa tới nó… Vì thế, khi biết công việc ấy hão huyền thì họ hối hả tìm kiếm những miếng ăn thực, nhặt nhạnh những hạt ngũ cốc thực trên mảnh đất bùn lầy. Họ làm việc ấy, bất kể bằng cách nào…
"Họ, là tấn thảm kịch của chính họ, là tấn thảm kịch cho thế hệ chúng ta”.
Le Hong Lam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.