Nhân nhà văn Dương Thu Hương nhận giải thưởng văn học lớn Cino Del Duca
Lê Phú Khải
25-4-2023
Tháng 3-1991, lúc Liên Xô sắp sụp đổ, tôi từ Mát-xcơ-va về Hà Nội, chị Irina, trưởng Ban Việt Ngữ Đài phát thanh quốc tế Mát-xcơ-va có gửi tôi một lá thư (dán kín) nhờ chuyển cho nhà văn Dương Thu Hương ở Hà Nội. May cho tôi là hôm trước đến phố Ngô Thời Nhiệm chuyển thư cho chị Hương thì hôm sau anh Nguyễn Xuân Tụ (tức Hà Sĩ Phu) đến chơi Dương Thu Hương lúc chị đang bị khám nhà, anh Tụ bị công an câu lưu để xét hỏi (!).
Sau khi Dương Thu Hương bị tù (từ ngày 14/4/1991 đến ngày 20/11/1991), ra tù, chị có lần vô Sài Gòn, lúc đến chơi một cơ quan nọ, khi đang nói chuyện có người phát hiện ra chị là Dương Thu Hương, có người đã bỏ chạy vì sợ liên lụy! Nghe được câu chuyện này, tôi đã mời chị về nhà tôi nghỉ, nhưng chị đã tá túc ở cơ quan Nhà xuất bản Văn học tại TP.HCM do nhà văn Nhật Tuấn phụ trách.
Đầu năm 2002, tôi ra Hà Nội, lúc đó đã là hơn 10 năm sau khi Dương Thu Hương bị giam giữ 7 tháng 6 ngày, lúc đó chị đã là một nhà bất đồng chính kiến có những phát ngôn gay gắt nhất với chế độ. Tôi ngỏ ý muốn đến thăm Dương Thu Hương thì nhiều bạn văn nghệ sĩ ở Hà Nội can ngăn tôi không nên đến. Vì, có thể bị Dương Thu Hương đuổi ngay từ cửa!
Tôi nói, nếu bị đuổi như thế, tôi cũng xứng đáng nhận sự khinh miệt đó. Vì, đường đường là “một đấng nam nhi” mà tôi chỉ biết im lặng trước các vấn nạn của đất nước, trong khi Dương Thu Hương là một “nữ nhi tầm thường” mà dám ăn dám nói, dám đối thoại với các vị tai to mặt lớn!
Cuối cùng tôi đã nhờ nhà thơ Trúc Thông dẫn đến thăm Dương Thu Hương cho chắc ăn. Vì đã có lần tôi đến chơi Trúc Thông ở ngõ Vạn Phúc gần phố hàng Đậu. Đang ngồi chơi với Trúc Thông thì Dương Thu Hương đến. Trúc thông ra giữa đường hẻm nói chuyện với Dương Thu Hương. Bỗng trời đổ mưa to. Hai người cứ thế đứng dưới mưa nói chuyện với nhau rất lâu như không có trời, có đất, có mưa!!! Tôi kinh ngạc trước “cá tính” của các vị này! Lúc Hương về rồi Trúc Thông bước vô nhà người ướt đẫm!!!
Quả thực, Dương Thu Hương đã tiếp chúng tôi rất niềm nở ở căn hộ P-308 Nhà AB khu Đống Đa, Hà Nội. Dương Thu Hương vẫn đẹp như xưa, chị có nước da đen ròn, nói chuyện rất có duyên. Hôm đó là sau Tết, nhà còn rượu vang Bordeaux, hạt dưa, bánh kẹo, để tiếp khách. Bức hình tôi chụp chị đang cắn hạt dưa duyên dáng vô cùng!
Tất cả những người đàn bà trên trái đất này khi ngồi bệt, xếp bằng trên chiếu cắn hạt dưa đều rất hiền dịu, rất mong manh… dù đó là Dương Thu Hương! Nhưng khi Dương Thu Hương nói chuyện thì bất cứ người đàn ông đanh thép nào trên thế gian này cũng phải thừa nhận mình đang ngồi trước một người phụ nữ đáng kính nể!
Chị bảo với chúng tôi: Em thấy tình thương đôi khi cũng là tội ác đấy các anh ạ!
Thấy câu nói lạ tai quá, tôi hỏi vì sao? Hương kể; Khi chị ở tù, cậu công an còn trẻ coi sóc chị, mỗi lần đưa cơm cho chị đều lót tờ báo Tuổi Trẻ mới ở đít nồi để chị đọc. Chị biết là báo do cậu ta mua với đầy thiện chí. Khi trên có lệnh thả chị, cậu ta vui vẻ vào báo tin. Chị đã bảo với cậu ta: Về nói với cấp trên rằng, bà Hương bảo, bắt bà có lý do thì thả bà cũng phải có lý do, nếu không bà không về.
Thế là Dương Thu Hương không chịu ra tù. Cậu công an vận động mãi, chị vẫn một điều như thế. Cuối cùng cậu ta buồn quá phát khóc! Hương hỏi vì sao, cậu ta nói thật: Nếu không vận động được chị ra tù, thì cậu bị đuổi việc, và nếu bị sa thải thì nhà gái không cho làm đám cưới. Nói rồi cậu ta lại xịt xịt! Thương cậu ta quá nên Hương phải rời nhà tù! Kể đến đây, Hương bảo với tôi và Trúc Thông: Vậy tình thương như thế, các anh thấy có phải là tội ác không?
Trúc Thông có lẽ vì quen cách nói năng của Dương Thu Hương , quen với cái logic của Hương rồi nên anh chỉ yên lặng, còn tôi thì choáng!!!
Tôi bắt đầu mê Dương Thu Hương từ tác phẩm “Chuyện tình kể trước lúc rạng đông” của chị. Và từ đó, không một tác phẩm nào của Dương Thu Hương ra đời mà tôi không tìm đọc. Văn sĩ Dương Thu Hương đã để lại cho văn học nước nhà nhiều tác phẩm giá trị. Nói cho thật công bằng thì sự nghiệp văn chương của chị thật đồ sộ. Tiểu thuyết có: “Bên kia bờ ảo vọng”, “Hành trình ngày thơ ấu”, “Những thiên đường mù”, Tiểu thuyết “vô đề”, “Chốn vắng”, “Đỉnh cao chói lọi” … Tập truyện ngắn có: “Bông bần ly”, “Một bờ cây đỏ thắm”, “Ban mai yên ả”, “Đối thoại sau bức tường”, “Chân dung người hàng xóm”, “Truyện tình kể trước lúc rạng đông”, “Vĩ nhân tỉnh lẻ” …
Chị là tác giả Việt Nam được dịch nhiều sang tiếng Anh, Pháp, Đức… Bộ văn hóa Pháp đã trao Huân chương Nghệ thuật (Chevalier des Arts et des Lettres) cho Dương Thu Hương. Tiểu thuyết “Chốn vắng” được đề cử giải Femina và nhận giải thưởng của tạp chí Elle (Grand prix de Elite) 2007. Năm 2009, giáo sư tiến sĩ Joseph Pivato về văn chương Anh ngữ của đại học Athabasca ở Alberta, Canada đề cử chị giải Nobel năm ấy. Theo ông, với Đông Nam Á và Trung Quốc thì nữ văn sĩ như Dương Thu Hương rất hiếm có.
Ngòi bút Dương Thu Hương là ngòi bút dự báo, dẫn đường. Ngay những tác phẩm đầu tay của chị như “Bên kia bờ ảo vọng”, “Những thiên đường mù”… đã khác hẳn những thứ văn chương “phải đạo” đương thời. Nhiều nhà văn trên thế giới sau khi nhận giải thưởng văn học Cino Del Duca (200.000 €) đã nhận giải Nobel sau đó.
Gần đây, tôi thấy tác phẩm của Dương Thu Hương đã xuất bản từ rất lâu như: “Vĩ nhân tỉnh lẻ”, “Chuyện tình kể trước rạng đông”, “Chân dung người hàng xóm”… được những người in lậu sách, in lại để bán, điều đó chứng tỏ bạn đọc Việt Nam trong nước vẫn “nhớ” nhà văn Dương Thu Hương. Riêng tôi, chúc mừng chị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.