Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

Blinken tìm cách nâng cấp quan hệ Hoa kỳ-Việt Nam khi Hà Nội chọn con đường gai góc

 

Blinken tìm cách nâng cấp quan hệ Hoa kỳ-Việt Nam khi Hà Nội chọn con đường gai góc

Humeyra Pamuk, Francesco Guarascio & David Brunnstrom

Nguyễn Khoa Thái Anh dịch

Ngày 13 tháng 4 năm 2023 - 2:42 pm giờ Thái Bình Dương (miền Tây Hoa kỳ và Canada)

Lời dịch giả

Đã qua 1/4 thế kỷ 21 rồi, người Việt Nam có đau buồn và khổ tâm không khi đất nước vẫn không thoát được cái vòng kim cô của Trung Quốc vẫn tròng trên đầu trên cổ dân tộc, ngăn chặn bước tiến của nước nhà? Việt Nam có thực sự độc lập, giữ được chủ quyền hay chọn được bước đi khả quan hơn cho mình trong thiên niên kỷ này? Cứ cho rằng Đảng Cộng sản sẽ lãnh đạo Việt Nam trong nhiều năm tới thì liệu họ có thực sự định đoạt được hướng đi độc lập cho mình như ông Tito của Yugoslavia [Nam Tư] trong Chiến tranh lạnh không hề bị phụ thuộc vào Cộng sản Nga xô không?

Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã nêu rõ, chủ trương của Việt Nam là 1) không tham gia liên minh quân sự; 2) không liên kết với nước này để chống nước kia; 3) không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; 4) không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Vậy nhưng trên thực tế mối nguy tiềm ẩn bị thôn tính ngàn năm vẫn rành rành ra đó, không tiềm ẩn chút nào. Vì giữa tình hình thời cuộc hôm nay mà nói “không liên minh” – nhất là với một nước yếu luôn đối mặt một cường quốc vốn là kẻ thù truyền kiếp ở ngay sát nách mình – cũng có nghĩa là sẽ “trắng tay” khi có biến, chẳng được một ai giúp đỡ.  Và trước mắt là biến cố ở Biển Đông thì đang hiển hiện ngày một qua những con tàu vũ trang tận răng của Tàu Cộng hung hăng đi lại dọa dẫm, thỉnh thoảng lại thọc vào lãnh hải VN như vào chỗ không người. Trong khi đó Hoa Kỳ chẳng bao giờ đe doạ sự cai trị của Cộng sản Việt Nam, cùng lắm Hoa kỳ sẽ buôn bán với Việt Nam, củng cố quân sự mạnh hơn giúp Việt Nam trở nên một nước tự lập, tư bản thịnh vượng, dân giàu nước mạnh, phát huy hết khả năng kinh tế và quân sự của mình.”

HÀ NỘI, ngày 14 tháng 4 (Reuters) - Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đến thăm Việt Nam trong tuần này với hy vọng thúc đẩy được việc nâng cấp quan hệ với một đối tác thương mại quan trọng có chung mối quan ngại với Hoa Kỳ về quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc.

Đối với Hà Nội, đây sẽ là một thử nghiệm nhạy cảm: làm thế nào để mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ mà không chọc giận Trung Quốc, một nước láng giềng to lớn cung cấp các nguyên liệu then chốt quan trọng cho thương nghiệp quan trọng của Việt Nam, và Nga, một đối tác truyền thống khác.

Đây là một động thái đu dây mà Việt Nam đã thực hành xuất sắc nhưng là một hành động trở nên phức tạp hơn trong một thế giới dường như bị chia ra thành các khối đối nghịch nhau, với một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, bên kia là Trung Quốc và Nga.

Blinken đến Hà Nội vào thứ Sáu và sẽ gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam vào thứ Bảy trước khi đến Tokyo để tham dự cuộc họp của Nhóm Bảy Quốc gia giàu có.

Đây sẽ là chuyến thăm Hà Nội đầu tiên của Ngoại trưởng của chính quyền Biden, nhậm chức vào năm 2021, dù rằng Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến thăm vào tháng 8 năm đó.

Washington sẽ hy vọng đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy từ mối quan hệ mà trong thập niên qua được gọi là “quan hệ toàn diện" thành đối tác "chiến lược.” 

Các quan chức đã không nói mối quan hệ chặt chẽ hơn này sẽ bao gồm những gì. Nhưng ông Murray Hiebert, một chuyên gia Đông Nam Á, một người đã đến thăm Việt Nam vào tháng Hai và nói chuyện với các quan chức cao cấp trong chính phủ, cho biết điều đó có thể bao gồm việc tăng cường hợp tác quân sự và cung cấp vũ khí của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng có những giới hạn do chính sách của Việt Nam không cho phép nước ngoài đặt căn cứ, quân đội nước ngoài đóng quân, hoặc liên minh chống lại các nước khác. Hà Nội cũng đã bị cản trở bởi giá vũ khí tương đối cao của Hoa Kỳ và lo ngại rằng nguồn cung có thể bị ngăn chặn bởi các nhà lập pháp Hoa Kỳ vì lý do nhân quyền.

Blinken cũng sẽ chính thức động thổ xây dựng một khu đại sứ quán mới của Hoa Kỳ tại Hà Nội, nơi mà nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Đông Á, ông Daniel Kritenbrink, đã gọi là "một biểu tượng cam kết mới tuyệt vời" về mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam, một ”đối tác và tình hữu nghị lâu dài.”

Khi ký ức về Chiến tranh Việt Nam ngày càng trở nên xa vời, Washington giờ đây coi Hà Nội, theo cách nói của Kritenbrink, là "một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực.”

CHÍNH SÁCH HÀNG HAI GIỮA BẮC KINH VÀ WASHINGTON

Các chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ đã chính thức đề cập đến việc nâng cao quan hệ dưới thời chính quyền Trump, nhưng Hà Nội đã ngần ngại và bị giao động trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, nên có thể phản ứng tiêu cực với động thái này.

Việt Nam, một mặt lo ngại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc và phản đối các tuyên bố chủ quyền đối chọi của Trung quốc ở Biển Đông, một mặt phải giữ mối quan hệ kinh tế quan trọng với Bắc Kinh.

Hiebert và các nhà phân tích khác cho biết, mặc dù không kỳ vọng sẽ có thông báo nào được tuyên bố trong chuyến đi của Blinken vì có thể việc này sẽ được dành cho một cuộc trao đổi cấp cao hơn.

Tháng trước chứng kiến cuộc điện đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và người đứng đầu Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, cùng với chuyến thăm của Blinken có thể đưa đến một cuộc gặp giữa hai người vào tháng 7, kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác song phương chính thức hiện có, các nhà phân tích cho biết.

“Cơ hội để Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên tầm chiến lược sẽ cao hơn với chuyến thăm của Blinken vì nó sẽ mở đường cho một cuộc gặp cấp cao hơn”, Trần Bích, nghiên cứu viên phụ trợ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, cho biết. 

Kritenbrink cho biết Washington đang nỗ lực thuyết phục Việt Nam đa dạng hóa mua sắm quốc phòng từ Nga, một điều "rõ ràng là vì lợi ích của Việt Nam và cũng sẽ phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ."

Nhân quyền là một lĩnh vực nhạy cảm khác, và vài giờ trước khi Blinken đến Việt-Nam, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã lên án việc Việt Nam bỏ tù một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, đồng thời cho biết quan hệ đối tác song phương chỉ có thể phát triển hết khả năng của nó nếu Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền của mình.

Hôm thứ Năm, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Blinken "công khai và với tư cách cá nhân thúc giục giới lãnh đạo Việt Nam chấm dứt việc áp chế xuyên suốt quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa."

Kritenbrink cho biết ông "tin tưởng" Blinken sẽ nêu lên những lo ngại về quyền ở Hà Nội.

Humeyra Pamuk, Francesco Guarascio và David Brunnstrom tường trình; Simon Lewis báo cáo bổ sung; Don Durfee và Mark Heinrich hiệu đính

Nguồn bản gốc:  https://www.reuters.com/world/asia-pacific/blinken-seeking-upgrade-vietnam-ties-hanoi-treads-narrow-path-2023-04-13/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.