Vắng bóng con người
3-8-2022
DUI (Driving Under the Influence) là cách gọi những người uống rượu lái xe trong trạng thái không tỉnh táo với chỉ số máy đo nồng độ cồn là từ 0,08% trở lên.
Ở Mỹ, ai bị tội DUI thì có thể coi là một thảm họa cá nhân, không những có thể mất hàng chục ngàn đô mà còn vướng vào rất nhiều rắc rối pháp lý khủng khiếp khác. Nếu phạm tội lần 2, lần 3 thì thậm chí bị tù, dù chưa gây tai nạn cho ai.
Vậy thì chắc là ở Mỹ không ai dám uống rượu nữa? Không, vẫn uống, và uống xong vẫn lái xe!
Lý do là gì? Luật Mỹ rất nghiêm khắc nhưng không cứng nhắc. Không phải cứ dừng xe người tham gia giao thông lại là liền đưa máy thổi nồng độ cồn ra. Cảnh sát sẽ quan sát, hỏi han vài câu để xem phản ứng của người lái xe có bình thường không. Cho dù lái xe đã thừa nhận là có uống rượu bia nhưng không phải vì thế mà máy đo được nhấn vào miệng và bắt thổi. Nếu còn nghi ngờ về độ tỉnh táo của lái xe thì cảnh sát sẽ “đo” bằng những cách khác như yêu cầu đi hai chân trên một đường kẻ/đứng trên một chân…
Dù biết lái xe đã uống bia, và nồng độ cồn có thể vượt quá mức 0.08% rất nhiều, nhưng nếu thấy rằng họ vẫn tỉnh táo và làm chủ hành vi thì cảnh sát chỉ nhắc nhở và cho đi, máy đo không hề được dùng tới.
Ở VN thì đó là một cái máy hái ra tiền!
Thượng tôn pháp luật không phải là cách để biến tất cả mọi người thành những cái máy vô hồn, vô cảm chỉ biết làm theo những tờ giấy lạnh lùng. Luật pháp sinh ra là để điều hành và giữ gìn trật tự xã hội, đảm bảo cho tất cả được an toàn và tự do.
Sự kiện một em học sinh trường chuyên ở Cà Mau bị điểm 0 môn tiếng Anh dẫn đến trượt tốt nghiệp trong kỳ thi vừa qua vì ngủ quên suốt buổi trong phòng thi nhưng không được giám thị hỏi đến hay đánh thức cho đến khi hết giờ làm bài là một ví dụ điển hình cho “căn bệnh người máy” trong xã hội ta.
Nghe ông Phạm Việt Hưng, Trưởng điểm thi Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, cho biết “Về quy chế, giáo viên coi thi làm đúng quy chế thi” thì ta lại càng thấy ái ngại hơn nữa. Đúng là giáo viên coi thi làm đúng quy chế, nhưng đó là cái đúng của một robot, không phải hành xử của con người, càng không phải của nhà giáo. Mà là có tới 3 người coi thi lận, 2 ở trong phòng và 1 ở hành lang, không ai có bất kỳ hành động gì! Lỡ nếu em này bị đột quỵ chứ không phải là đang ngủ gục thì sao?
Không một thứ luật lệ nào có thể bao phủ hết được toàn bộ đời sống xã hội cả, chính vì thế, nó luôn cần sự có mặt của Con Người.
Một xã hội vắng bóng con người là một xã hội chết, vì nhân tính không còn hiện hữu. Lúc ấy, pháp luật chỉ còn là công cụ trong tay một số người để bỏ mặc hoặc hành hạ một số người khác – đông hơn nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.