Mỹ thúc giục TQ có hành động sau vụ Myanmar xử tử bốn nhà hoạt động
Melissa Zhu
BBC News
Cựu đại biểu quốc hội Phyo Zeya Thaw là một trong số những người bị chính quyền quân sự Myanmar hành quyết
Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc gia tăng sức ép đối với Myanmar sau vụ chính quyền quân nhân hành quyết bốn nhà hoạt động dân chủ.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ned Price nói Trung Quốc có sức ảnh hưởng đến Myanmar mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
"Chúng tôi kêu gọi các nước trên thế giới làm nhiều hơn nữa. Chúng tôi cũng sẽ làm nhiều hơn nữa," ông nói.
Nhưng phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Khi được hỏi về các vụ hành quyết, ông Triệu Lập Kiên nói rằng Myanmar cần sử dụng luật pháp và hiến pháp của mình để giải quyết những khác biệt.
Ông Price nói rằng có thể sẽ "không có quan hệ như thường lệ" với chính quyền quân nhân ở Myanmar, kêu gọi tất cả các nước cấm bán thiết bị quân sự, và "hạn chế việc trao cho chế độ này bất kỳ mức độ tín nhiệm quốc tế nào".
Ông cho biết Hoa Kỳ đang xem xét "mọi phương án" để cắt nguồn thu của chế độ Myanmar.
Nhà hoạt động Kyaw Min Yu, được biết đến nhiều hơn với cái tên Ko Jimmy, và cựu dân biểu nghị viện Zeya Thaw là hai trong số những người bị hành quyết.
Họ bị bắt sau cuộc đảo chính quân sự vào năm ngoái, và bị cáo buộc thực hiện "các hành động khủng bố". Tất cả bị kết án tử hình trong một phiên tòa kín mà các nhóm nhân quyền chỉ trích là bất công.
Cả Phyo Zeya Thaw và Ko Jimmy đều bị bác đơn kháng cáo hồi tháng 6.
Ít được biết đến hơn là hai nhà hoạt động khác, Hla Myo Aung và Aung Thura Zaw. Họ bị kết án tử hình vì giết một phụ nữ được cho là đã làm chỉ điểm cho quân đội.
Quốc tế phản ứng gay gắt
Tổ chức nhân quyền Amnesty cảnh báo rằng có 100 người nữa ở nước này đã bị kết án tử hình sau khi bị kết tội trong các trình tự tố tụng tương tự.
Người dân biểu tình tại Yangonsau khi thông báo về các vụ xử tử được đưa ra
Các vụ hành quyết bị cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội.
Trong một tuyên bố chung, EU, Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc, Anh và Hoa Kỳ đã gọi đây là "những hành động bạo lực đáng chê trách, càng thể hiện rõ sự coi thường nhân quyền và pháp quyền của chế độ".
Các nước cũng kêu gọi chế độ quân sự thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại, theo thỏa thuận đã đàm phán với khối ASEAN.
Tuy nhiên, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Myanmar Scott Marciel nói với BBC rằng kế hoạch của ASEAN đã chết vào năm ngoái, và các nước có thiện cảm với phong trào dân chủ của Myanmar cần phải hành động nhiều hơn nữa.
Bản thân ASEAN, quan chức phụ trách nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet và các nhóm nhân quyền đều lên án các vụ hành quyết.
“Bước đi tàn nhẫn và thụt lùi này là phần mở rộng của chiến dịch đàn áp mà quân đội đang áp dụng lên chính người dân của họ," bà Bachelet nói.
M.Z.
Nguồn: BBC News Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.