Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Dựa vào sức mạnh của các yếu tố văn hóa nội tại

 

Dựa vào sức mạnh của các yếu tố văn hóa nội tại

Nguyễn Phương Mai

2-8-2022

Ảnh trên mạng

Lần đầu tiên tôi tham dự một buổi lễ có người cầm cây chùy/ quyền trượng (ceremonial mace) là ngày bảo vệ luận án tiến sĩ nhiều năm về trước.

Đó là một căn phòng đẹp đẽ, uy nghiêm của một toà nhà cổ hơn 400 năm tuổi. Chính giữa phòng có ảnh nữ hoàng, xung quanh tường dát đầy chân dung những giáo sư nổi tiếng đã từng làm việc.

Khi một thầy phản biện đang đặt thêm câu hỏi phụ thì một người phụ nữ mặc áo choàng nghi lễ, tay cầm một cây chuỳ dát bạc bất ngờ mở cửa bước vào. Ai nấy dưới hàng ghế dự thính thảy đều ngạc nhiên. Bà dập cây chuỳ nặng chịch ấy xuống nền nhà 3 cái vang dội, báo hiệu thời gian bảo vệ đã kết thúc, bất kỳ ai đang nói gì cũng cần dừng lại.

Tôi luôn tin là vào một khoảnh khắc rất ngắn ngủi nào đó, bà đã bí mật nháy mắt với tôi và gửi đi thông điệp rằng: “Thấy chưa? Tôi đã giúp cô thoát khỏi câu hỏi cuối cùng”.

Sau này, dù được tham dự thêm rất nhiều buổi lễ tốt nghiệp và bảo vệ tiến sĩ khác nữa, tôi vẫn luôn háo hức khi một người cầm chuỳ bước vào.

Với cá nhân tôi, cây chùy không đại diện cho quyền lực của kiến thức, uy nghiêm của giảng đường, hay sự lao tâm khổ tứ mà quá trình học tập đem lại. Trải nghiệm riêng khiến tôi luôn nhìn cây chuỳ ấy như sự công tâm của một hệ thống nguyên tắc bình đẳng. Ba tiếng dập mạnh xuống sàn khiến bất kỳ ai cũng phải ngưng tiếng, bất kể đó là một giáo sự gạo cội hay một sinh viên sắp cầm bằng tốt nghiệp.

Cũng chính vì trải nghiệm riêng ấy, tôi tin rằng bất kỳ một bạn SV nào cũng mong mỏi một buổi lễ tốt nghiệp trang nghiêm đẹp đẽ.

Tôi ủng hộ trường Kinh Tế trong việc tìm tòi một cách tổ chức mới, xây dựng một hình ảnh mới, thử nghiệm cảm xúc và lưu giữ ký ức bằng những hình thức mới. Hẳn những bạn SV hôm ấy đã có nhiều kỷ niệm trọn vẹn và khó quên.

Vậy tại sao bộ lễ phục của thầy giáo và cây chuỳ mà thầy cầm khi tiến vào lễ đài lại khiến nhiều người phản đối đến thế?

Lý do thứ nhất có lẽ là bởi nó lạ. Nó đập thẳng vào mắt như một sự du nhập văn hoá từ phương Tây một cách bất ngờ và phản cảm. Từ xưa đến nay, khá nhiều sự chuyển tiếp văn hoá, nhất là văn hoá phương Tây vẫn thường tạo ra sự phản đối nhất định.

Ví dụ, khi những người đàn ông Việt Nam đầu tiên theo phong trào Duy Tân bỏ búi tó và cắt tóc ngắn, họ bị gọi là “Giặc Tông đơ” hay “Giặc Đồng Bào”.

Quan niệm xưa cho rằng thân thể ta là khí huyết thuộc về cha mẹ. Việc hủy hoại nó như cắt tóc hay cắt móng tay là phạm vào chữ hiếu. Những người phản đối thường lấy tích tướng Hạ Hầu Đôn trong Tam Quốc bị một mũi tên bắn vào mắt. Ông bèn nhổ mũi tên và… nuốt chửng con ngươi của mình vì sợ hoang phí khí huyết của thân sinh phụ mẫu.

Vấn đề là cây chùy không chắc đã là của Tây. Cây quyền trượng cổ xưa nhất có xuất xứ từ châu Phi, sau đó được tìm thấy trong các nền văn hóa phương Đông, hay chính xác hơn là vùng Trung Cận Đông và Tây Á. Việc sử dụng cây chùy vẫn còn phổ biến ở châu Âu không có nghĩa là nó xuất xứ từ phương Tây.

Cái sự lạ lẫm mà nhiều người thấy khó chịu đơn giản là yếu tố ngoại lai. Cách nhìn đơn giản hệ nhị nguyên Tây-Ta khiến cái gì không phải của Ta thì là của Tây. Thậm chí với một số người, da đen hay da vàng cũng thành “Tây” một lượt.

Lý do thứ hai chính là vì cây chùy có hình chiếc vương miện khổng lồ. Chiếc vương miện bản thân nó không có lỗi. Tuy nhiên, nó trở nên khiên cưỡng khi đặt vào bối cảnh một đất nước vốn vô cùng tự hào về lịch sử phế truất nhà vua, khiến ông phải tự trao ấn kiếm để lập ra nền dân chủ.

Ở Việt Nam, hoàng gia không phải là một yếu tố truyền thống được tôn vinh và yêu mến. Theo diễn ngôn của chính quyền và sách giáo khoa, nhiều đời vua thời sau này thậm chí đại diện cho sự đồi trụy, tham lam, vơ vét, ức hiếp dân lành, bắt tay với giặc ngoại xâm, và theo đuổi chính sách ngu dân.

Chính vì những diễn ngôn đã hằn sâu vào bộ não đó, chiếc vương miện chưa bao giờ, và cũng khó có thể trở thành biểu tượng của quyền lực trong môi trường học thuật.

Nó tạo ra sự mâu thuẫn về yếu tố lịch sử, văn hóa, giáo dục. Nó không tương thích với những câu hát dân gian từ ngàn đời này đã luôn gắn cung điện vua chúa với những đặc quyền của kẻ “con vua thì lại làm vua”, nhưng “con sãi ở chùa thì sẽ tiếp tục kiếp quét lá đa”.

Lý do thứ ba phức tạp hơn, và có lẽ cũng hình thành một cách vô thức hơn. Sự phản ứng ấy có thể không hẳn là nhằm vào bộ trang phục của thầy hiệu trưởng và cây chùy, mà là sự-hoa-mỹ-và-lộng-lẫy của cái áo và cây chùy.

Cụ thể là, cái áo có cần phải đỏ rực rỡ đến như vậy không? Cây chùy có cần phải lộng lẫy, vĩ đại và gắn chiếc vương miện siêu to khổng lồ đến như vậy không?

Rất có thể từ trong tiềm thức, cái sự “rực rỡ và to đẹp” ấy trở thành “lòe loẹt phô trương” vì nhiều người cảm thấy cái vỏ không xứng với cái nhân.

Giáo dục Việt Nam dù có nhiều thành tựu nhưng có lẽ cũng là vấn đề gặp nhiều sự than phiền nhất từ người dân. Không ít kẻ cực đoan thậm chí cho rằng nền giáo dục nơi đây đã hỏng tận gốc.

Với họ, y phục không xứng kỳ đức, cái áo không làm nên thầy tu. Và cái sự lộng lẫy ấy không ăn nhập với chất lượng nội tại của một nền giáo dục mà điểm số gian trá và tệ mua bán bằng cấp đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện.

Tôi không biết ngoài 3 lý do như trên thì còn lý do nào để giải thích cho sự nổi giận của cộng đồng mạng mấy ngày qua khi nhìn bức ảnh một buổi lễ tốt nghiệp.

Tuy nhiên, điều thất vọng nhất với tôi là thái độ dân túy khi nhà trường bị cấp trên yêu cầu giải trình. Điều họ làm không vi phạm pháp luật thì tại sao họ phải giải trình?

Nếu có điều gì cần làm thì đó phải là một buổi rút kinh nghiệm nội bộ sau khi lắng nghe ý kiến từ nhiều phía để cải tiến và thay đổi nếu cần. Việc một trường ĐH tiên phong đổi mới hình thức như vậy chắc chắn là có nhiều điều cần chỉnh sửa để tốt hơn.

Cuối cùng, du nhập các yếu tố ngoại lai để thay đổi hình thức và chất lượng một buổi tốt nghiệp là một lựa chọn thú vị. Tuy nhiên, nó vẫn là một lựa chọn khá dễ dàng.

Điều tôi thực sự mong muốn là một ngày nào đó, một ngôi trường nào đó sẽ có đủ kiến thức, sự can đảm và niềm tự hào để thay đổi dựa vào sức mạnh của các yếu tố văn hóa nội tại.

Việt Nam có một lịch sử thi cử và khoa bảng lâu đời. Đó cũng là một nền văn hóa giàu có và linh hoạt. Sẽ thật tuyệt vời nếu có một ngôi trường đặc biệt nào đó có đủ tự tin và tri thức để không cần đi vay mượn mà thậm chí có thể khơi dậy và tôn vinh nguồn tài nguyên văn hóa mãnh liệt ấy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.