Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Chuyện Việt Nam: An ninh mạng con cờ

 

Chuyện Việt Nam: An ninh mạng con cờ

Dương Ngọc Thái

21-3-2022

Một trong rất nhiều lỗi tiếng Anh của “bộ nhận diện” SEA GAMES 31 của Việt Nam. Ảnh trên mạng

SEA GAMES 31 sắp được tổ chức ở Việt Nam. Một bạn designer trẻ nhận xét bộ thương hiệu của sự kiện này là nỗi nhục của nền thiết kế nước nhà:

[…] với đường lối thiết kế không thể “quê mùa” hơn ở năm 2022 này, đồng thời mắc nhiều lỗi chính tả cũng như thiết kế sai nghiêm trọng.

Với tư cách là một cựu sinh viên tốt nghiệp ngành đồ họa (mặc dù không xuất sắc lắm), mình dám khẳng định rằng nếu bộ nhận diện này là một đồ án cá nhân sinh viên thì tác giả của bộ đồ án này sẽ nhận rất nhiều chỉ trích từ thầy cô hướng dẫn. Từ cách dùng màu, style thể hiện, bố cục hình ảnh và chữ, lỗi dùng từ tiếng Anh,… thật sự không thể tin được đây là một bộ nhận diện thương hiệu cho một event lớn mang tính bộ mặt quốc gia!

Ngay lập tức Ban tổ chức đăng đàn trên Tuổi Trẻ tuyên bố thiết kế của họ hoàn toàn… hợp pháp và sẽ kêu an ninh mạng xử lý người đăng tin sai:

Sáng 21-3, Tiểu ban thông tin – truyền thông SEA Games 31 Việt Nam đã phát đi thông báo chính thức về quan điểm của ban tổ chức đại hội. Theo đó, ban tổ chức SEA Games 31 cho rằng những lời lẽ của một số cá nhân đưa ra để đánh giá về Bộ nhận diện SEA Games 31 là phiến diện, không đúng.

Theo ban tổ chức đại hội: “Tất cả Bộ nhận diện của SEA Games 31 gồm logo (biểu tượng), mascot (linh vật), khẩu hiệu, hình ảnh biểu tượng các môn đều được phê duyệt và đảm bảo tính pháp lý”.

[…]

Tiểu ban thông tin – truyền thông ban tổ chức SEA Games 31 sẽ làm việc với các cơ quan có thẩm quyền về an ninh mạng để xử lý những người đã đăng tải những thông tin trên.

Người ta chê thiết kế xấu, quê mùa mà cán bộ lại nói về pháp lý là sao trời, hồi xưa cán bộ không có học, trời ơi tôi không thể nghĩ ra không học gì thì trở nên như vầy luôn đó, ai biết chỉ giùm.

Người ta chỉ ra chỗ sai rành rành mà cán bộ lại hăm dọa đưa cho an ninh mạng xử lý. An ninh mạng ở trên thế giới người ta nói về tấn công và phòng thủ, về kiến tạo một Internet nhanh và an toàn hơn cho tất cả mọi người. An ninh mạng về đến Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trở thành kiểm duyệt, cấm và phạt.

Tôi đã cảnh báo về chuyện này khi Luật An ninh mạng còn là bản thảo. Cho đến nay Luật An ninh mạng đã hoàn toàn thất bại trong việc bảo vệ và tăng cường an ninh cho các hệ thống trọng yếu ở Việt Nam. Cái gì đáng hack ở Việt Nam nhiều khả năng đã bị hack hết, nhưng “các cơ quan có thẩm quyền về an ninh mạng” chỉ vẫn lăng xăng chứng tỏ họ giữ độc quyền về sự thật (và khả năng làm tính nhân). Tiếng Anh ở nước ngoài viết sao, tụi tao không cần biết, về đến Việt Nam tụi tao muốn viết sao là quyền của tụi tao, đứa nào cãi tao báo Facebook khóa tài khoản.

Bạn designer đề xuất:

Nói thật, nếu giờ ban tổ chức chịu thay đổi lối tư duy bảo thủ đi, ra thuê một designer trẻ có tâm ở ngoài thì mình tin chắc sản phẩm sẽ tốt hơn thế này rất rất rất nhiều. Thậm chí chỉ cần về các trường đại học kiến trúc – mỹ thuật và tổ chức một cuộc thi thiết kế dành cho các bạn sinh viên rồi sàng lọc ra bài tốt nhất, ĐẢM BẢO – kết quả sẽ rất khác. Mấy bạn designer trong khối Đông Nam Á như Lào Thái Campuchia các kiểu nhìn vào chắc cười khẩy bảo “Việt Nam kiếm không ra nổi một thằng designer ra hồn à?”.

Nhưng nếu làm miễn phí thì sao kiếm huê hồng? 90% của 0 đồng vẫn chỉ là 0 đồng, hu hu, ngu cỡ nào thì ngu chứ phép toán này cán bộ vẫn nhân được mà, mọi người đừng coi thường quá.

Một số nhà thiết kế đã khởi xướng dự án REDRAWSAOLA để vẽ lại sao la, nhưng tôi vote chọn linh vật của Việt Nam là con cò, với khẩu hiệu chúng tôi muốn làm bạn với cả thế giới và cũng thích ăn tiền cò. Dịch ra tiếng Anh là ‘we want to do friend with whole world and also like to eat money crane’ hihi. Vừa trung lập vừa lo được lợi ích dân tộc, quá hiện đại và nhân văn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.