Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Nghĩ về sự ra đi tức tưởi

 

Nghĩ về sự ra đi tức tưởi

Lê Huyền Ái Mỹ

29-3-2022

Tin mừng cho bà con Đồng bằng chưa kịp hưởng, khởi công cầu Rạch Miễu 2, cầu Châu Đốc thay phà qua Châu Giang… thì một tin buồn ập đến, một sự ra đi tức tưởi, ngay trên đường về dự lễ khởi công, đi chưa đến được nơi thì đã phải về chốn cuối, ở tuổi 53.

Thật đau buồn và tiếc xót.

Đây là vị phó chủ tịch thứ hai mất trong khi đương nhiệm, chắc hẳn sẽ để lại nhiều bàng hoàng, nuối tiếc nhất. Bởi một khi đương nhiệm là sức khỏe, năng lực, sức làm việc còn được bảo đảm và cả tương lai phía trước còn được chờ đón. Nay bỗng dưng vụt tắt, dừng lại, biến mất.

Và, chỉ còn biết ngẩng nhìn trời mà thuận theo số mệnh. Đường tưởng dài nhưng số lại vắn. Như một sự tuân theo, chấp nhận.

Vậy thôi. Để người đã nằm xuống bình yên nhất có thể. Đừng phủ lên họ những nghi hoặc nào cả. Sự mất đã là cái quả lớn nhất, nặng nề nhất, đau xót nhất. Còn nhân nào, thì cũng đã xảy ra, ập đến để chính họ phải đoạn sinh, nhập tử.

Tôi nhớ không nhầm, TP.HCM thực hiện cơ chế thuê xe công vụ cho lãnh đạo để tiết kiệm ngân sách mua sắm thì phải. Đa phần lãnh đạo thành phố không câu nệ lắm dòng xe sang, xe mới. Là bản tánh ít chuộng vẻ bề ngoài nó vậy, ở nhiều người.

Nay chẳng biết sự bảo dưỡng, bảo trì xe cho ông Lê Hòa Bình thế nào, đủ để chạy an toàn trên mặt đường, vận tốc của cao tốc hay không? Xe biển xanh, thường vẫn chạy tốc độ cao, người ngồi ghế sau thường chẳng ai thắt dây an toàn… Bao ngổn ngang dấu hỏi ấy để lý giải cho sự ra đi, nếu có sẽ khó tránh khỏi tai nạn.

Cũng như 3 năm về trước, căn bệnh nan y hành hạ, kéo dài trong suốt 2 năm có lẽ nhưng phó chủ tịch Nguyễn Thị Thu vẫn cố gắng vừa chạy chữa vừa đảm bảo công tác. Đến khi không thể.

Hay giám đốc HTV Dương Thanh Tùng, chắc chắn đã có những chỉ dấu sức khỏe xấu nhưng đôi khi, công việc cứ cuốn đi, chẳng kịp dừng mà lắng nghe cơ thể đang “phản đối”, đang “kêu cứu”. Rồi một giây khắc, nó ập đến.

Nên, trước sự mất mát này, hay với bất kỳ ai, như đã từng với 2 vạn đồng bào thành phố trong những ngày dịch bệnh vừa qua, tôi nghĩ, đều đau xót như nhau, đều là sự bất lực của chính chúng ta trong từng tình huống, hoàn cảnh cuộc sống. Cần một cái cúi đầu lặng thinh, chân thành tiếc thương đưa tiễn, hồi hướng cầu siêu trước khi kịp quay về, lo toan, phụng sự, cầu mang lại sự an toàn, no ấm cho những người còn sống – rồi cũng sẽ… ra đi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.