Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Xung đột Nga - Ukraine sẽ không ảnh hưởng nặng tới kinh tế Việt Nam

 

Xung đột Nga - Ukraine sẽ không ảnh hưởng nặng tới kinh tế Việt Nam

Hồng Ngọc – Trần Hoàng

Theo giám đốc của Viện Tài chính Quốc tế IIF Washington, xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ không ảnh hưởng quá sâu rộng đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Quốc Hùng - Giám đốc điều hành của Viện Tài chính Quốc tế IIF ở Washington. Ảnh: ANTARA.

“Trong bối cảnh thị trường toàn cầu bắt đầu chuyển dịch do tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, Việt Nam có khả năng lớn kêu gọi được đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng, tiên tiến. Theo đó, bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam có thể thay đổi trong vòng 10-20 năm tới”, tiến sĩ Trần Quốc Hùng, Giám đốc điều hành của Viện Tài chính Quốc tế IIF ở Washington D.C., phát biểu về tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với doanh nghiệp Việt Nam hôm 11/3.


Ông tin rằng thời điểm này đang mở ra khả năng cho Việt Nam đẩy manh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, để bù đắp lại những thiệt hại cục bộ.

Đồng quan điểm, ông PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) ở Hà Nội, nói thêm rằng đây cũng là thời điểm thích hợp cho Việt Nam “cải cách, đa dạng hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng”.

Thời điểm thích hợp cho doanh nghiệp Việt

Với việc giá cả tăng trên hầu hết mặt hàng do tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế ở châu Âu, các chuyên gia nhận định Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phải thách thức về giảm GDP và tăng lạm phát.

Tuy nhiên, họ nhìn nhận nếu các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam có chính sách và định hướng thức thời, đây sẽ là thời điểm để thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế, dù thời gian đầu người dân và doanh nghiệp có thể chịu thiệt vì giá cả hàng hóa tăng.

Ngũ cốc nói riêng hay nông sản nói chung được các chuyên gia nhấn mạnh về tầm quan trọng và tiềm năng.

Nga được biết đến là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Nước này cùng với Ukraine cung cấp khoảng 30% lúa mì cho toàn cầu mỗi năm. Vì vậy, xung đột giữa hai nước đang tạo ra nguy cơ mất cân bằng đến khủng hoảng lương thực.

“Châu Âu tiêu thụ rất nhiều ngũ cốc của Nga và Ukraine. Xung đột, sự trừng phạt kinh tế thúc đẩy họ tìm một nguồn hàng khác để thay thế, mở ra khả năng cho Việt Nam tăng thị phần ở khu vực này”, tiến sĩ Trần Quốc Hùng nói.

“Châu Âu là nơi mà Việt Nam cần tập trung sức lực để xuất khẩu ngũ cốc và nông phẩm”, ông nhấn mạnh đề xuất.

Bên cạnh đó, sản xuất nhựa cũng được tiến sĩ lưu ý trong số các ngành khác mà Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Theo ông, các doanh nghiệp nhựa thời gian đầu có thể gặp khó khăn vì chi phí sản xuất tăng cao, do nhập khẩu đến 80% nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, Việt Nam lại là nước xuất khẩu rất nhiều sản phẩm nhựa nên đây là thời điểm thích hợp để mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến khích chính phủ và các doanh nghiệp tăng cường kêu gọi đầu tư có chọn lọc, bằng cách nhấn mạnh rằng Việt Nam là điểm đến an toàn và thị trường tiềm năng.

“Việt Nam nên dùng thời điểm này kêu gọi đầu tư, tăng cường sản xuất và xuất khẩu mặt hàng có tiềm năng để tăng lợi ích quốc gia, vượt qua ảnh hưởng từ khủng hoảng”, tiến sĩ Hùng nói.

Tổng thể kinh tế không chịu tác động quá lớn

Ông Phạm Quang Vinh (trái) và ông Nguyễn Đức Thành phát biểu về tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam. Ảnh: Hồng Ngọc.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam chịu khá ít ảnh hưởng trực tiếp từ chiến dịch của Nga ở Ukraine, mà phần lớn chịu tác động gián tiếp qua các bất ổn mà cuộc xung đột gây ra cho châu Âu.

Nhận định này trùng với quan điểm của ông Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, phụ trách quan hệ Việt Nam với ASEAN, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ 2014-2018 - rằng “tác động địa chiến lược sẽ chủ yếu tập trung ở châu Âu”.

Lý giải điều này, PGS.TS Nguyễn Đức Thành và tiến sĩ Trần Quốc Hùng dẫn chứng một số lĩnh vực.

Một trong những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong là dầu khí. Tình trạng thiếu dầu trên khắp thế giới do các lệnh trừng phạt gây ra đã đẩy giá nhiên liệu tăng cao, trong đó có Việt Nam.

Ông Hùng dự đoán với tình hình hiện tại, giá dầu sẽ tiếp tục tăng, nhưng sự bất bình ổn giá dầu có thể giảm đáng kể sau 6 tháng, khi các nước xuất khẩu dầu khác như Canada, Mỹ tăng sản lượng khai thác, cùng với đó là mức cầu giảm do tình trạng suy thoái kinh tế.

“Với xu hướng hiện tại, vào thời điểm này sang năm, mức chênh lệch giữa cung và cầu về dầu sẽ giảm trên toàn thế giới. Thị trường nhiên liệu khi đó sẽ ổn định hơn và giá xăng dầu sẽ không tiếp tục tăng nhanh”, ông nói.

Trong khi đó, PGS.TS Thành dẫn chứng số liệu cho thấy trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Nga 3,2 tỷ USD, và nhập khẩu từ nước này 2,2 tỷ USD, nghĩa là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào gần 5,4 tỷ USD. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trên toàn thế giới là trên 500 tỷ.

“Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga trong thương mại Việt Nam chiếm khoảng 1%. Ukraine thậm chí chiếm tỷ trọng ít hơn. Từ số liệu này ta có thể thấy Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ‘lõi’ của cuộc khủng hoảng hiện nay là rất nhỏ”, ông Thành phân tích.

“Dù những doanh nghiệp làm việc trực tiếp với Nga đang gặp khó khăn rất lớn, nhưng nhìn tổng thể nền kinh tế Việt Nam, thì ảnh hưởng không lớn”, vị chuyên gia nhận định thêm.

Xung đột hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến châu Âu, từ đó ảnh hưởng đến sức mua của châu Âu đối với Việt Nam. Tuy nhiên ông dự đoán những “sang chấn” này đối với Việt Nam sẽ giảm đi rất nhanh.

Từ phân tích số liệu, các vị chuyên gia kêu gọi người làm kinh tế cần suy nghĩ lý trí để tránh hoang mang và đưa ra những bước đối phó, phát triển sáng suốt hơn trong cuộc khủng hoảng hiện tại.

“Giá cả thị trường chao đảo khiến chúng ta hiểu nhầm. Chúng ta cần làm quen với điều này, vì kinh tế thị trường là như vậy, không có khủng hoảng này thì có khủng hoảng khác. Chúng ta phải làm quen và coi đó là thách thức mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần đối mặt trước sự chuyển dịch của thế giới”, ông Thành nói.

H.N. – T.H.

Nguồn: Zingnews

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.