Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Cao “Tử lộ” TP.HCM – Trung Lương

 

Cao “Tử lộ” TP.HCM – Trung Lương

Theo nguyên lý chuyển động, bánh xe bị nổ sẽ có đường kính nhỏ hơn bánh còn nguyên, trong khi có cùng vận tốc quay, khiến xe phải quẹo về phía bánh bể! Vận tốc càng cao, momen quẹo càng lớn! Lật xe là đương nhiên!

Có hai nguyên nhân nổ bánh, vỏ xe mòn lòi lớp bố hoặc bị vật cứng chém (đâm) thủng vỏ. Xe của lãnh đạo UBNDTP chắc chắn không xài vỏ mòn, vậy nguyên nhân là do đường xấu!

Chất lượng cao “tử lộ” TP.HCM – Trung Lương đã tồi từ lúc thông xe năm 2010 và đã xuất hiện ổ voi, ổ gà sau một năm sử dụng! Kinh phí đầu tư cao “tử lộ” 9.884 tỷ đồng, rao bán quyền thu phí hai năm đầu, mà nhiều đại gia không thèm mua.

Cuối cùng, công ty Yên Khánh mua lại quyền thu phí từ công ty Cửu Long với giá 2.004 tỷ đồng, thời gian thu phí 5 năm (từ đầu năm 2014 đến hết năm 2018) nhưng Yên Khánh chỉ đặt cọc có 100 tỷ đồng!

Sau đó, Yên Khánh mua phần mềm thu phí gian lận, thay thế phần mềm thu phí của Bộ GTVT nhằm giấu doanh thu được 725 tỷ đồng, trong 5 năm liền mà Bộ ‘Thả Cá Trê’ hoàn toàn không biết!

Đến khi hợp đồng giao quyền thu phí sắp kết thúc, tháng 12/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án chiếm đoạt tài sản nhà nước 725 tỷ đồng, mà ‘Thả Cá Trê’ vẫn không chịu trách nhiệm!

Cao “tử lộ” được khoe là có hệ thống điều hành giao thông “thông minh”, gọi là Trung tâm giám sát cao tốc TP.HCM – Trung Lương (ITS), trị giá hơn 38 triệu USD. Nhưng, ITS bị lỗi phần mềm ngay khi hết hạn bảo hành (2016), sau đó phần cứng camera, màn hình, điện… cũng hư khiến ITS không thể thu thập, xử lý thông tin trên cao tốc. Năm 2018, Bộ phải chi 2,3 tỷ đồng để sửa chữa sau 2 năm tê liệt.

Do cao “tử lộ” vướng vòng tố tụng. ‘Thả Cá Trê’ không thể giao quyền thu phí cho công ty khác, nên Chính phủ phải tạm dừng thu phí, và phải chi cả trăm tỷ đồng/năm để vận hành và duy tu.

Tháng 7/2020, ngân sách chi 22 tỷ đồng để tạm vá các ổ voi! Đến tháng 6/2021, ngân sách chi thêm 105 tỷ đồng để đại tu mặt đường và 13 cầu. Cuối năm 2021 việc sửa chữa hoàn tất, thì 4 tháng sau, phó chủ tịch Lê Hòa Bình bị tai nạn trên cao “tử lộ” mới sửa!

Bộ GTVT bèn đổ lỗi cho việc dừng thu phí, khiến cho lượng xe trên cao tốc tăng đột biến, khoảng 31%, cao điểm trên 51.000 xe mỗi ngày đêm, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng.

Bộ GTVT dọa rằng “Trong hai năm dừng thu phí, cao tốc xảy ra 273 vụ tai nạn làm 16 người chết, 68 người bị thương, hàng trăm ô tô bị hư hỏng, tăng khoảng 1,5 lần so với trước đó.

Lượng xe tăng 31%, tai nạn tăng 1,5 lần, nghĩa là lúc thu phí lượng xe tăng 0%, tai nạn vẫn là 1 lần, chứ đâu phải 0 lần?

Từ năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ sớm thu phí trở lại như một biện pháp duy nhất để chống hư hỏng mặt đường!

Chỉ có Yên Khánh hưởng lợi từ cao “tử lộ” này: Chiếm đoạt tiền thu phí bằng phần mềm gian lận 725 tỷ đồng và chiếm đoạt tiền mua quyền thu phí của Cửu Long 264,7 tỷ đồng. Tòa án Bình Thạnh ra lệnh phong tỏa tài khoản 100 tỷ đồng (Yên Khánh nộp bảo đảm hợp đồng mua quyền thu phí). Bộ GTVT chỉ giữ 100 tỷ đồng tiền thế chân, mà cũng bị tòa phong tỏa, nên Bộ khóc tiếng Tàu với Chính phủ xin cho thu phí trở lại.

Tại sao Bộ GTVT giao quyền thu phí cho Yên Khánh mà tài sản bảo đảm chỉ có “cái quần què” và Bộ chỉ “nắm quần một ống”?

Cao tốc TP.HCM – Trung Lương trở thành “huyết lộ” với ngân sách và người đi đường, nhưng không là “tử lộ” với ‘Thả Cá Trê’!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.