Putin đang nghĩ gì?
Cù Tuấn, dịch
30-3-2022
Tóm tắt: Bản sắc dân tộc mà Tổng thống Nga đã góp phần quảng bá — phi tự do, mang tính đế quốc và sự căm phẫn phương Tây — đã đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc xâm lược tàn bạo của ông vào Ukraina.
Năm 1996, năm mà Vladimir Putin chuyển từ St.Petersburg đến Matxcơva để đảm nhận vị trí ông chủ Điện Kremlin thay Boris Yeltsin, tờ báo chính phủ Rossiyskaya Gazeta đã hỏi độc giả của mình một câu hỏi hàng đầu: “Bạn có đồng ý rằng chúng ta đã có đủ dân chủ không, chúng ta đã thích nghi với nó chưa, và bây giờ đã đến lúc để thắt chặt hay không?” Tờ báo này thiết lập một đường dây nóng và đưa ra số tiền thưởng tương đương hai nghìn đô la cho bất kỳ người nào có thể đưa ra một “ý tưởng thống nhất quốc gia” mới. Sự việc này đã phản ánh Nga khi đó – một đất nước nghèo đói, mất tinh thần và lạc hậu.
Cùng lúc đó, Yeltsin đã tập hợp một ủy ban gồm các học giả và chính trị gia để hình thành một “ý tưởng quốc gia” mới. Có lẽ cuộc thi trên tờ báo trên có thể cung cấp một số ý tưởng cho quá trình này. Nhưng những nỗ lực này cũng chẳng đi đến đâu. Yeltsin đã không tạo dựng được bất kỳ động lực nào đằng sau các lý tưởng dân chủ, và sự lạc quan về chính trị trong giai đoạn từ năm 1989 đến năm 1991, đối với hầu hết người Nga, giờ đây chỉ còn là một ký ức cay đắng.
Hệ thống an sinh xã hội thời Liên Xô đã bị xé nát. Mọi người đã cảm thấy mệt mỏi khi nhìn qua các cửa hàng để xem các sản phẩm hàng nhập khẩu lấp lánh trên kệ trong khi một nhóm các nhà tài phiệt được phép mua lại các doanh nghiệp nhà nước có giá trị nhất của đất nước với giá rẻ, thấp hơn hàng trăm lần.
Yeltsin đã được tái cử, đánh bại ứng cử viên Đảng Cộng sản Gennady Zyuganov, nhưng chỉ bằng cách tranh thủ những tài phiệt. Với ý nghĩ tự bảo vệ mình, họ đã dồn tiền cho Yeltsin và giúp che đậy tình trạng kiệt sức và chứng nghiện rượu của ông. Vào cuối những năm 90, demokratia (dân chủ), được gọi chệch đi thành dermokratia, chế độ dân cứt. Tỷ lệ ủng hộ của Yeltsin đã giảm xuống mức thấp nhất.
Cũng chính những trí thức từng mơ ước về tự do ngôn luận, pháp quyền, và một phong trào chung hướng tới dân chủ tự do nay đã trải qua cảm giác thất bại nặng nề. “Không có cảm giác gì về đất nước mới này, nước Nga, thực sự là gì”, Andrei Zorin, một nhà sử học văn hóa nổi tiếng, cho biết vào thời điểm đó, tương phản với bầu không khí với sự lên men Khai sáng đã chứng kiến sự ra đời của Mỹ và Pháp. “Bốn hoặc năm năm qua ở Nga đã sáng tạo ra rất ít ỏi, ngoại trừ sự cuồng loạn thuần túy”.
Putin lên nắm quyền vào năm 1999, được quảng cáo không phải là một người có tư tưởng mà là một nhân vật có sức khỏe cục súc và năng lực quản lý. Sự thật Putin là một người của KGB, được đào tạo để coi phương Tây, đặc biệt là Mỹ, là kẻ thù của mình, và cho rằng có âm mưu ở khắp mọi nơi đang cố gắng làm suy yếu và hạ nhục nước Nga. Putin không thành lập bất kỳ ủy ban nào để đưa ra một ý tưởng quốc gia; ông không thiết lập bất kỳ đường dây nóng nào. Theo thời gian, ông đã thiết lập một chế độ chủ nghĩa cá nhân được xây dựng xung quanh sự bảo trợ và quyền lực tuyệt đối của mình. Và bản sắc dân tộc mà ông đã góp phần quảng bá –– phi tự do, tính đế quốc, sự căm phẫn phương Tây –– đã đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc xâm lược tàn bạo của ông vào Ukraina.
Để tạo ra những cái bẫy về bản sắc Nga này, Putin đã nắm bắt những luồng tư tưởng phản động hiện có. Trong khi hầu hết các nhà quan sát chú ý nhiều hơn đến sự chuyển hướng của trí thức và chính trị sang phương Tây vào cuối những năm 1989 và 1990, nhiều nhà tư tưởng, ấn phẩm và thể chế của Nga đã lấy cảm hứng từ các nguồn khác nhau. Các tờ báo như Dyen (Ngày nay) và Zavtra (Ngày mai) đã đăng những bài báo về ảnh hưởng tàn khốc của quyền lực chính trị và văn hóa Mỹ. Các học giả khác nhau đã tôn vinh các đức tính của “bàn tay sắt”, được các Sa hoàng ưa đàn áp như Alexander III, Nicholas I và các nhà lãnh đạo chuyên quyền nước ngoài như Augusto Pinochet làm minh chứng. Một nhà triết học khá điên cuồng tên là Aleksandr Dugin đã xuất bản một chủ đề khải huyền tân phát xít về cuộc chiến vĩnh cửu giữa “cường quốc biển” phương Tây và “cường quốc trên bộ” Âu-Á, và có được lượng khán giả đáng kể trong giới chính trị, quân sự và tình báo Nga.
Putin, từ những năm đầu tiên nắm quyền, đã bị ám ảnh bởi việc khôi phục sức mạnh của Nga trên thế giới và việc định vị của các cơ quan an ninh như một thể chế kiểm soát duy nhất ở trong nước. Sự mở rộng của NATO và việc ném bom Belgrade, Iraq và Libya đã khiến ông nghi ngờ phương Tây và hướng đi vào nội địa của ông. Putin cũng nhận ra tầm quan trọng của các biểu tượng và thể chế truyền thống có thể thống nhất những người bình thường và giúp xác định các đặc thù của một chủ nghĩa ngoại lệ mới của Nga. Ông đã khôi phục lại bài quốc ca của Liên Xô cũ với lời bài hát được cập nhật.
Putin nói với những người phỏng vấn và du khách rằng, ông là một tín đồ Chính thống giáo và không làm gì để xua tan tin đồn rằng ông đã sử dụng một dukhovnik, một người hướng dẫn tâm linh, tên là Tikhon Shevkunov. Cha Tikhon là người đã xuất hiện trong các bộ phim và điều hành trang web Pravoslavie.ru., đã phủ nhận rằng ông có ảnh hưởng đáng kể đối với Putin (“Tôi không phải là Hồng y Richelieu!”), nhưng ông cũng nói rõ rằng, Putin là một người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ, là người tin vào “vận mệnh đặc biệt” của nước Nga.
Năm 2004, khi Ukraina đang ở trung tâm cuộc Cách mạng Cam, Putin không chỉ kêu gọi các cơ quan an ninh của mình chống lại sự ngả dần của Kyiv sang phương Tây; ông đã tập trung vào quan niệm về một hệ tư tưởng đế quốc của riêng mình. Putin bắt đầu tán thành những nhà tư tưởng bảo thủ như Nikolai Berdyaev và Ivan Ilyin, những người tin tưởng vào số mệnh cao đẹp của nước Nga và sự giả tạo của Ukraina. Để bảo đảm không ai bỏ sót thông điệp của Putin, Điện Kremlin đã phân phát tài liệu cho các thống đốc và quan chức cấp khu vực.
Năm 2007, năm mà Putin có bài phát biểu nổi tiếng chống lại phương Tây tại Munich, ông đã đến thăm một nhà văn và nhà tư tưởng từng được coi là kẻ thù lớn nhất của nhà nước Xô Viết: Aleksandr Solzhenitsyn. Giống như Putin, Solzhenitsyn tin rằng Nga và Ukraina có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, và Putin đã cố gắng khai thác quan điểm đạo đức của Solzhenitsyn để nhấn mạnh sự coi thường của chính ông đối với nền độc lập của Ukraina. Điều mà ông lờ đi là sự khăng khăng của Solzhenitsyn, vào năm 1991, rằng nếu người Ukraina chọn đi theo con đường riêng của họ –– như họ đã làm bằng một phiếu bầu với tỷ lệ lên đến chín mươi phần trăm –– thì ông sẽ “nhiệt liệt chúc mừng” họ. (“Chúng ta sẽ luôn là hàng xóm của nhau mà. Hãy là những người hàng xóm tốt.”)
Vào thời điểm Putin trở lại cương vị Tổng thống vào năm 2012, sự chú ý của ông đối với các giá trị bảo thủ rõ ràng đã trở nên sâu sắc hơn. Ông thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến, phỉ báng họ là “những kẻ phản bội”, một “cột báo thứ năm” do Mỹ hậu thuẫn. Putin đánh chiếm Crưm và xâm lược miền đông Ukraina. Tầm nhìn của ông về Matxcơva như một trung tâm của các tư tưởng chống tự do và quyền lực Á-Âu ngày càng mạnh mẽ.
Trong thời gian xảy ra đại dịch, ông hiếm khi gặp trực tiếp các cố vấn của mình, tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Mikhail Zygar, ông đã nói chuyện nhiều ngày tại nhà nghỉ của mình với Yury Kovalchuk, một ông trùm truyền thông và là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Rossiya, người có chung tầm nhìn về vai trò đấng cứu thế của Putin và chia sẻ phong cách sống hưởng thụ với ông. Trong những năm gần đây, Putin thậm chí đã thành công trong việc xuất khẩu thương hiệu chủ nghĩa phi tự do đặc biệt của mình cho Mặt trận Quốc gia ở Pháp và các nước khác; Đảng Quốc gia Anh; phong trào Jobbik ở Hungary; Golden Dawn ở Hy Lạp; và cánh hữu của Đảng Cộng hòa Mỹ. Như Steve Bannon, nhà tư tưởng học của Donald Trump, gần đây còn nói rằng “Ukraina thậm chí không phải là một quốc gia”.
Sự tàn phá Mariupol và các thành phố khác của Ukraina cho thấy rằng đức tin của Putin có rất ít lòng thương xót hoặc sự khiêm tốn. Vào đầu triều đại của Putin, theo nhà báo Catherine Belton, ông đã cùng với người bạn tâm giao của mình, chủ ngân hàng và sau này là kẻ chống lại ông, Sergei Pugachev đến một buổi lễ Chính thống giáo vào Chủ nhật Tha thứ, được tổ chức ngay trước Mùa Chay. Pugachev, vốn là một tín đồ, nói với Putin rằng ông nên phủ phục trước vị linh mục như một hành động của sự sùng tín. Putin được cho là đã trả lời rằng: “Tại sao lại là tôi? Tôi là Tổng thống Liên bang Nga. Tại sao tôi phải cầu xin sự tha thứ?”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.