Phản biện học thuyết của Mác (Phần 1)
Nguyễn Đình Cống
5-12-2021
1-Giới thiệu
Những người tôn sùng Mác được gọi là Macxit. Họ đánh giá rất cao học thuyết của ông, tôn ông là lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và các đảng Cộng sản, người lỗi lạc nhất trong những người lỗi lạc, người trọn đời đấu tranh chống áp bức bóc lột, vì hạnh phúc của giai cấp vô sản và nhân loại.
Số người Macxit tuy đông, nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ của thế giới. Số đông hơn nhiều đánh giá Mác là kẻ hồ đồ, xảo trá, là tội phạm lớn của nhân loại, đánh giá học thuyết của Mác là phản khoa học.
Mác là người giỏi ngụy biện, đã dùng hình ảnh vô cùng tốt đẹp của một xã hội tương lai do ông tưởng tượng ra để đánh lừa nhiều triệu người. Phần lớn họ ít học hoặc dễ tin nên bị mắc lừa, bị nhồi sọ từ lúc còn bé, trở thành cuồng tín. Một số người trong các Đảng CS cầm quyền, tuy biết những cái sai của Mác, nhưng vẫn cố bám víu vào ông, nhằm bảo vệ quyền và lợi đã chiếm được nhờ những thủ đoạn.
Một số biết suy nghĩ, ban đầu bị nhầm mà tôn sùng Mác, nhưng rồi tỉnh ngộ ra và chống lại khi phát hiện thấy rằng thế giới đại đồng chỉ là bánh vẽ, rằng đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản là phá hoại, rằng xóa bỏ tư hữu về sản xuất là sai lầm. Cứ đem áp dụng học thuyết của Mác vào thực tế thì chủ yếu gặp thất bại. Đại diện cho những nhà trí thức lớn trước theo, sau bỏ Mác có Bertrand Russell (1872-1970 người Anh), ở VN có GS Trần Đức Thảo (1917-1993).
Theo sách của Phan Ngọc Khuê thì lúc trẻ ông Thảo say mê Mác, nhưng dần dần ông phát hiện nhiều sai lầm của Mác. Trần Đức Thảo đang viết một quyển sách vạch ra những sai lầm đó thì bị đột tử. Trong sách của ông Khuê có chương 14, nhan đề “Nêu đích danh thủ phạm”, ông Thảo cho rằng chính Mác là thủ phạm, đã lừa dối nhân loại.
Người chống lại học thuyết của Mác có hiệu quả là Bernstein (1850-1932), người Đức. Ông là người chủ trương xây dựng chế độ xã hội dân chủ bằng con đường đấu tranh nghị trường, phản đối cách mạng vô sản. Mô hình này đã thành công ở các nước Bắc Âu.
Số người theo Mác là rất ít so với số người phản đối Mác nhưng số bài viết ca ngợi Mác lại khá nhiều. Vì sao vậy? Vì rằng tuy ít nhưng họ có tổ chức, đó là các đảng cộng sản, đặc biệt là các ĐCS cầm quyền, họ có những cơ quan tuyên truyền hùng hậu, họ ra sức truyền bá và đề cao Mác để lôi kéo quần chúng.
ĐCS cầm quyền tuyên truyền rằng họ kiên trì theo Mác, nhưng thật ra không hoàn toàn đúng như vậy. Họ chỉ giữ sự độc tài toàn trị về chính quyền để áp đặt nền thống trị, còn về kinh tế thì họ đã làm ngược với quan điểm của Mác trong nhiều vấn đề. Làm ngược nghĩa là phản lại, nhưng họ ngụy biện là vận dụng sáng tạo và phát triển ý tưởng của Mác. Đây là lập luận dối trá vô cùng lộ liễu. Những kẻ nghe theo là bọn cuồng tín, đã bị nhồi sọ đến nỗi không còn biết suy nghĩ.
Tại sao Mác có thể dùng ngụy biện để đánh lừa và có một số người bị mắc lừa như vậy. Vấn đề này xin để lại sau. Dưới đây tôi chỉ phân tích một số sai lầm và ngụy biện trong học thuyết của Mác.
Ghi chú: Về Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và Đấu tranh giai cấp đã có bài riêng.
2- Sai về triết học
Mác cho rằng vật chất có trước và toàn bộ vũ trụ là vật chất. Ý thức có sau và là sản phẩm bậc cao do hoạt động vật chất của bộ não con người. Duy tâm cho rằng ý thức có trước. Cuộc đấu giữa duy vật và duy tâm chưa phân thắng bại.
Mác đã kết hợp duy vật và phép biện chứng. Điều này đã hấp dẫn một số người thích lối suy luận dựa vào logic, họ cho rằng duy vật của Mác đã thắng một cách áp đảo triết học duy tâm. Thật ra Vật chất và Ý thức là hai phạm trù tồn tại song song, chúng có quan hệ qua lại và không thể nói cái nào có trước. Duy vật và duy tâm đều cực đoan. Hiểu sai, nghiêng về duy tâm tuy có lệch lạc về nhận thức nhưng không gây nên những tai họa lớn cho xã hội. Hiểu sai nghiêng về duy vật tạo ra nhiều tai họa hơn.
Những người tôn sùng duy vật thường coi trọng các nhu cầu vật chất của con người. Trong đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản, Mác cũng nhằm vào mục đích chính là đem lại quyền lợi vật chất cho vô sản. Trong ảo tưởng về một xã hội cộng sản, Mác đưa ra những hưởng thụ về vật chất để làm mồi nhử.
Tâm linh là một trong hai phần cơ bản tạo nên Vũ trụ và Con người, là đối tượng của Tôn giáo. Nó là phần quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều người. Tôn giáo duy trì, cổ vũ đức tin và đời sống đạo đức. Thế mà Mác bài bác tâm linh, chống tôn giáo. Duy vật làm gia tăng máu lạnh trong con người, xô đẩy người ta vào cuộc tranh giành quyền bính và lợi ích vật chất. Nền đạo đức của xã hội Việt Nam gần đây bị xuống cấp trầm trọng, phần lớn là do nguyên nhân này.
3- Sai ở phương pháp nghiên cứu
Mang danh làm khoa học, nhưng Mác đã sai phạm trong phương pháp. Những sai phạm này khá tinh vi, không dễ thấy mà có thể Mác cũng không biết vì không phải do chủ tâm.
Trước tiên là việc rút ra các kết luận có tính quy luật. Đành rằng các quy luật về xã hội không yêu cầu chặt chẽ như quy luật tự nhiên, nhưng không thể chỉ căn cứ vào vài suy luận sơ sài rồi rút ra kết luận chắc nịch. Mác cho rằng xã hội loài người tất yếu xảy ra 5 phương thức sản xuất và sau phương thức tư bản sẽ là phương thức cộng sản mà quá độ là xã hội chủ nghĩa, rằng phải có sự thống nhất giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp, rằng giai cấp vô sản sẽ làm chủ xã hội tương lai, rằng nguyên nhân nghèo khổ của vô sản là vì họ không có tư liệu sản xuất. Những kết luận đó đều chỉ mới dựa vào một vài hiện tượng đơn lẻ rồi suy diễn ra. Thế mà chúng được tô vẽ, được ngụy biện để đến nỗi rất nhiều người tin là chân lý. Xin hãy tạm đừng tuyệt đối tin vào Mác, đừng nhắc lại như vẹt mà hãy lật lại, phản biện xem sao.
Trước hết tạm phân tích về các phương thức sản xuất. Mác đưa ra 5: nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản, cộng sản và cho rằng đó là tất yếu. Về phương thức sản xuất nguyên thủy, Mác cho rằng đó là việc hái lượm, săn bắt và trồng trọt ở thời kỳ đầu. Trồng trọt được xem là sản xuất, nhưng nó xuất hiện sau, ghép nó vào thời nguyên thủy là khiên cưỡng. Còn hái lượm và săn bắt thì sản xuất ở chỗ nào?
Về phương thức nô lệ: Nếu nó thuộc quy luật chung thì ở Việt nam và Trung quốc là thuộc thời kỳ lịch sử nào? Người ta tìm không thấy nên bịa thêm phương thức sản xuất châu Á. Sự bịa này gây tranh cãi. Trong lịch sử, nô lệ là một hình thái xã hội thể hiện quan hệ giữa những con người chứ không phải là một chế độ chính trị, càng không phải là phương thức sản xuất phổ biến.
Năm phương thức có phải là quy luật? Không, hoàn toàn không phải. Quy luật là sự thật khách quan, trước khi được phát hiện ra thì nó ở dạng ẩn giấu, nhưng vẫn là sự thật tồn tại. Sau khi được phát hiện nó phải được kiểm chứng chặt chẽ. Có thể dùng quy luật để rút ra những kết luận theo cách nội suy. Theo đúng phương pháp khoa học không thể dùng phép ngoại suy để rút ra quy luật. Sau phương thức phong kiến là phương thức tư bản, đó là sự thật. Sau tư bản là gì thì chưa có, chưa xảy ra, chưa biết. Chỉ có thể đoán. Cho rằng sau tư bản là cộng sản, đó chỉ là một phỏng đoán, một sự ngoại suy. Thế mà người ta khẳng định rằng, đó là quy luật do Mác phát hiện ra. Nghĩ như thế, nói như thế là quá láo khoét.
Mác đưa ra kết luận rằng “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Câu này là mở đầu của Tuyên ngôn các đảng Cộng sản, công bố năm 1848. Đó là một kết luận quá vội vàng, chỉ mới dựa trên một vài hiện tượng riêng lẻ. Tôn Trung Sơn đã kịch liệt phản bác luận điểm này (1).
Đúng là trong lịch sử có xảy ra những cuộc đấu tranh của nô lệ chống lại chủ nô, của nông dân chống tập đoàn phong kiến, đặc biệt trong thời đại của Mác là các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân. Không thể nào xem các cuộc đấu tranh như thế là động lực phát triển lịch sử. Công xã Paris (1889…), Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930) là những cuộc đấu tranh chống cường quyền và áp bức chứ không hẳn là đấu tranh giai cấp và sự thất bại của các cuộc đấu tranh đó chẳng tạo nên động lực phát triển.
Tư duy trừu tượng, là giai đoạn tiếp theo, cao hơn về chất của quá trình nhận thức, diễn ra dưới 3 hình thức: Khái niệm, phán đoán, suy lý. Mác đã phạm một số sai lầm trong quá trình này.
Về khái niệm: Mác đưa ra một số khái niệm mới (so với trước đó) như giai cấp, đấu tranh giai cấp, cách mạng vô sản, phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất, giá trị thặng dư v.v… Những khái niệm này đã được phổ biến, một số người theo Mác đã công nhận và dùng quen. Tuy vậy không phải mọi khái niệm đó đều phản ánh đúng thực tế.
Phán đoán là mệnh đề liên kết giữa các khái niệm. Phán đoán do người nghiên cứu đưa ra, mỗi phán đoán có thể đúng hoặc sai. Mác đã đưa ra một số phán đoán như là: Công nhân đại diện cho nền sản xuất tiên tiến; Cách mạng vô sản là tất yếu; Vô sản là giai cấp cách mạng nhất; Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội v.v… Phần lớn các phán đoán của Mác chỉ là những phán đoán bộ phận nhưng đã được đưa thành khẳng định.
Suy lý (hay suy luận) dựa vào logic, từ luận cứ, dùng luận chứng để rút ra luận đề, (là kết luận). Một kết luận chỉ được công nhận khi các luận cứ phải đúng và đầy đủ, luận chứng phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của lôgic. Phân tích một số suy luận của Mác, tôi thấy rằng, ông đã dùng luận chứng đúng, chặt chẽ, vì thế mà hấp dẫn được nhiều người. Nhưng phần lớn suy luận là ngụy biện vì dựa vào một số luận cứ chưa đủ tin cậy.
Luận cứ có hai loại: thực tế và lý thuyết. Khi đọc hoặc học Mác, nếu với lòng tin tuyệt đối vào ông, xem ông là thánh thì sẽ thấy các luận cứ ông đưa ra là đúng và đủ. Đó là do cuồng tín. Nhưng chỉ cần có một chút tư duy phản biện thì không khó để phát hiện ra những thiếu sót trong luận cứ. Tôi sẽ lần lượt trình bày một số phát hiện trong các mục sau.
______
Ghi chú: (1) Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn – Sách lưu hành nội bộ trong ĐCSVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.