Sự tan rã của Liên Xô
26-12-2021
Lâu nay sách báo chính thống của Việt Nam vẫn cho rằng Gorbachev và sau đó là Yeltsin là những kẻ tội đồ đã phá hủy Liên bang Soviet. Có lẽ đa số đảng viên cũng nghĩ vậy.
Thực ra, Gorbachev không hề muốn nhà nước Liên bang biến mất, ông ta không muốn phá hủy Liên Xô mà muốn cải cách nó theo hướng dân chủ hóa, mở cửa và đổi mới kinh tế. Gorbachev muốn biến Liên Xô thành Liên bang các quốc gia có chủ quyền, có lẽ theo kiểu Liên bang Đức hay Mỹ hoặc lỏng lẻo hơn như Khối thịnh vượng chung của Anh hay Liên hiệp Pháp trước kia.
Tuy nhiên, nhà nước Liên bang đó mới đang ở giai đoạn thai nghén thì đã bị sẩy thai, chết non. Chuyện này có lẽ không nhiều người để ý, cứ ngỡ là Gorbachev muốn giải tán Liên Xô mà thôi. Đó là điều phi logic, ông ta đang là tổng thống một nhà nước khổng lồ thì n gu gì tự giải tán nó để thành thất nghiệp?
Việc cải tổ và đổi mới do Gorbachev khởi xướng là quá trình dân chủ hóa chính trị và đổi mới kinh tế diễn ra song hành dưới sức ép của sự kiệt quệ bởi kinh tế kế hoạch và nhà nước CS toàn trị. Nhưng Liên Xô lúc đó giống như một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, đã quá mục nát, nên việc này giống như một đợt xạ trị cường độ cao khiến cho các điểm yếu của cơ thể càng lộ rõ và trở nên không thể chống cự nổi.
Sau năm 1987 thì các mâu thuẫn về sắc tộc bị bộc lộ rõ nét, do những năm trước nó không thể bộc lộ do bộ máy chuyên chế của Liên Xô kìm hãm. Điển hình là tộc người Tatar biểu tình đòi quay về Crimea là đất cũ của họ. Hay người Gruzia biểu tình công khai để thoát khỏi sự áp bức của dân Nga… Các cuộc biểu tình lúc đó trở nên hợp pháp và không bị đàn áp do quá trình dân chủ hóa. Từ đó nhen nhóm tinh thần dân tộc và mong muốn độc lập của các nước Cộng hòa Baltic (nhập vào Liên Xô sau cùng, giai đoạn trước thế chiến), trong đó quan điểm mong muốn độc lập của Nga, Ukraine và Belarus có sức ảnh hưởng lớn nhất.
Tổng thống nước CHXHCN liên bang Nga là Yeltsin công khai bộc lộ quan điểm chống đối lại TT Liên Xô Gorbachev mà không hề bị đàn áp.
Gorbachev là người khơi mào và mong muốn Liên Xô trở thành một Liên bang các nước Cộng hòa có chủ quyền bình đẳng với nhau (khác với Liên Xô), đi theo hướng dân chủ xã hội (mô hình Bắc Âu), không theo con đường toàn trị nữa.
Ông đã vận động để có cuộc trưng cầu dân ý toàn Liên Xô vào ngày 17/3/1991 với kết quả là đa số dân ủng hộ ý tưởng có một nhà nước Liên bang như trên. Tuy nhiên, phe bảo thủ đã không chấp nhận điều đó nên đã đảo chính vào ngày 19/8/1991 (cũng 19/8!), đứng đầu bởi Chủ tịch Soviet tối cao Liên Xô (quốc hội) Lukyanov và phó tổng thống Yanaev, nhân dịp Gorbachev đi nghỉ mát. Phe đảo chính thành lập một ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp.
Cuộc đảo chính chấp dứt sau 3 ngày bởi phe do Yeltsin đứng đầu, quân đảo chính quay súng và ủng hộ phe cải cách. Gorbachev quay trở lại nắm quyền.
Nhưng cuộc đảo chính đã để lại di chứng nặng nề. Nó thúc đẩy cho quá trình tan ra Liên Xô diễn ra nhanh hơn, do nó cho thấy sự yếu đuối của nhà nước Liên Xô (không tự bảo vệ được mình mà phải nhờ tới TT Nga). Dựa trên lý do “bất ổn” đó, ngày 22/8, Yeltsin tuyên bố các doanh nghiệp thuộc Liên Xô trở thành thuộc Nga, trừ bộ máy hành chính. Ngày 24/8, Ukraine tuyên bố độc lập 1 cách đơn phương bởi Soviet tối cao Ukraine. Ngày 25/8, Belarus tuyên bố độc lập, tiếp theo là Moldova, Azerbaijan, Kyrgyzstan, Uzbekistan. Ngày 28/8, Nga giành quyền sở hữu ngân hàng nhà nước và ngân hàng ngoại thương Liên Xô.
Như vậy là Liên Xô đã bị “rút ruột” nhưng vẫn chưa sụp đổ, do vẫn còn các nước Cộng hòa còn lại lừng chừng chưa tuyên bố độc lập. Dưới tình hình quá nguy hiểm cho sự tồn tại của Liên Xô, Gorbachev thúc đẩy thêm quá trình hoàn thiện Hiệp ước Liên bang. Các nước Cộng hòa tranh cãi về hình thức liên bang sẽ như thế nào? Các nước có bình đẳng tuyệt đối? Nhà nước LB sẽ có quyền lực gì?
Ngày 2/9, đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô được họp để giải quyết khủng hoảng chính trị và công nhận độc lập của ba nước Cộng hòa Baltic, dự thảo hiệp ước Liên bang mới.
Đương nhiên Nga và Ukraine, là hai nước Cộng hòa mạnh nhất sẽ không thể chấp nhận sự bình đẳng với các nước khác và các nước còn lại đều muốn độc lập hoàn toàn khỏi Liên Xô. Tổng thống Nga và Ukraine (Kravchuk) không muốn nằm dưới TT Liên Xô. Ngày 1/12, Ukraine độc lập hoàn toàn khỏi Liên Xô qua cuộc trưng cầu dân ý. Ngày 2/12, Nga công nhận Ukraine độc lập. Ngày 3/12, Soviet tối cao Liên Xô thông qua dự thảo Hiệp ước Liên bang.
Ngày 8/12, lãnh đạo 3 nước Nga, Ukraine và Belarus gặp nhau tại Brest và tuyên bố Liên Xô không còn tồn tại như một thực thể chính trị và thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (hiệp định Belovezh).
Ngày 9/12, Gorbachev tuyên bố tôn trọng sự lựa chọn của 3 nước Cộng hòa nhưng cho rằng sự tồn tại của Liên Xô không thể do 3 nước đó quyết định, cần có giải pháp hợp hiến.
Ngày 21/12, các nước Cộng hòa còn lại ủng hộ hiệp định Belovezh và cùng tuyên bố Liên Xô ngừng tồn tại để thay thế bằng Cộng đồng các quốc gia độc lập.
Ngày 25/12, Gorbachev tuyên bố từ chức TT Liên Xô, vào lúc 7h tối, đại ý là ông ủng hộ sự độc lập và bình đẳng của các quốc gia nhưng vẫn muốn duy trì nhà nước LB. Tuy nhiên, các nước vẫn mong muốn chia tách nên ông đã làm tất cả để các nước có sự hòa hợp, tiếp tục cải cách và thoát khỏi khủng hoảng.
Liên Xô sụp đổ và biến thành một cộng đồng khá lỏng lẻo mang tính hình thức. Hầu hết các nước Cộng hòa rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị sau đó.
Như vậy là Gorbachev thực sự mong muốn Liên Xô được cải cách theo hướng dân chủ để khôi phục kinh tế, nhưng ông ta vô tình làm cho Liên Xô trở nên suy thoái hơn. Còn Yeltsin mới thực sự mong muốn giải tán Liên Xô để không phải đứng dưới ai. Yeltsin cũng là người đưa đảng CS ra ngoài vòng pháp luật, trước đó ông tuyên bố từ bỏ đảng CS Liên Xô.
Sau này nhiều người Nga vẫn tiếc nuối Liên Xôvà hiện tại Putin cũng có tham vọng tái lập một nhà nước Liên bang hoặc một cộng đồng kinh tế kiểu EU, có lẽ gần như mong muốn của Gorbachev nhưng không dân chủ bằng.
Nhưng điều đó rất khó thành hiện thực khi Nga và Ukraine đang đứng trên bờ vực chiến tranh, trước đó thì Nga đã sáp nhập Crimea và bảo kê cho phe ly khai ở Đông Ukraine.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.