Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 1)

 

Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 1)

Nguyễn Đình Cống

30-12-2021

1-Giới thiệu 

Ảnh bìa sách “Chính Đề Việt Nam” – Tùng Phong

Sách “Chính đề Việt Nam”, tác giả Tùng Phong – Ngô Đình Nhu (có thông tin nói tác giả là ông Lê Văn Đồng), một người có vai trò quan trọng trong chính quyền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1963. 

Sách được hoàn thành vào năm 1962 với sự thảo luận, đóng góp ý kiến của một số nhà chính trị và nhà khoa học. Sách chưa kịp in thì xảy ra chính biến tháng 11/1963, lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Năm 1964 sách được in ra tại Sài Gòn, nhưng chỉ lưu hành giới hạn trong các cán bộ lãnh đạo. Năm 1988, sách được in lại tại Nhà Xuất Bản Hùng Vương – Los Angeles – Mỹ.

Theo lời Nhà Xuất bản thì “Sách mở đầu bằng một lời vắn tắt của một đại văn hào Nhật Bản, Đức Phú Tô Phong, nói rằng: ‘Một dân tộc hùng cường là một dân tộc giàu chiến sĩ vô danh’. Phải chăng tác giả muốn ngụ ý rằng dân tộc VN cũng là một dân tộc hùng cường vì VN cũng giàu chiến sĩ vô danh”.

Tôi được biết về “Chính đề Việt Nam” từ rất lâu, nhưng chỉ mới ở dạng các bài giới thiệu hoặc tóm tắt. Gần đây mới có dịp nghiên cứu toàn văn. Hiện nay sách có thể tìm thấy tại Việt Nam Thư quán.

Trong những bài giới thiệu, tôi quan tâm nhiều đến bài của GS Tôn Thất Thiện (sinh năm 1924), viết năm 2009 với tựa đề “MỘT VIÊN NGỌC QUÝ TRONG KHO TÀNG TƯ TƯỞNG, MỘT ĐÓNG GÓP LỚN VỀ SOI SÁNG VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN”. GS Thiện là một học giả chuyên nghiên cứu vấn đề phát triển các quốc gia chậm tiến, ông cho rằng “Chính đề Việt Nam sẽ được coi như là một tác phẩm hết sức độc đáo, một đóng góp lớn, một viên ngọc quý trong kho tàng tư tưởng của nhân loại…là tài liệu xuất sắc nhứt mà ông đã được đọc trong suốt thời gian gần 70 năm qua.

Sách được viết trong thời kỳ chiến tranh lạnh với thế giới được chia thành hai phe (hai khối). Tạm gọi là A và B. Phe A tự cho mình theo đường lối XHCN, yêu hòa bình, chống áp bức bóc lột, chống xâm lược, gọi phe B là bọn tư bản, đế quốc, gây chiến, xâm lược. B tự cho là khối Thế giới Tự do, nơi người dân có dân chủ, nhân quyền, phát triển xã hội theo Kinh tế thị trường, họ gọi A là khối Thế giới Cộng sản, nơi sử dụng bàn tay sắt của chuyên chính vô sản để tước đoạt quyền tự do cá nhân và xóa bỏ tư sản.

Đứng đầu phe A là những người như Stalin, Mao Trạch Đông mà bên A ngợi ca là lãnh tụ thiên tài, còn B gọi là những tên độc tài khát máu. B không có người đứng đầu rõ ràng, chỉ có những người đóng vai trò rất quan trọng, đó là các Tổng thống Mỹ được bầu theo nhiệm kỳ.

Ngoài hai khối A và B thì một số nước họp với nhau thành “Thế giới thứ ba” gồm vài chục nước, mà chủ yếu là những nước thuộc địa cũ, chậm phát triển.

Ở Việt Nam, sau năm 1954 đất nước tạm chia hai, là hình ảnh thu nhỏ của A, B trên thế giới. Thông thường gọi là Hai miền, Bắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nam với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Gắn với chính trị thì A gọi chính quyền Miền Nam là Ngụy quyền; còn B tự xưng là phe Quốc gia, gọi Miền Bắc là Phe Cộng sản (CS).

Sau khi chia hai đất nước thì có sự tập kết. Quân đội và người làm việc cho bên nào thì về bên đó. Riêng dân thường thì có sự di cư từ Bắc vào Nam mà hình như không có theo chiều ngược lại. Năm 1955 có phong trào “Chống cưỡng ép di cư” ở toàn Miền Bắc. Ngoài ra, có một số đông theo Cộng sản nhưng được tổ chức cài đặt ở lại Miền Nam để dùng sau này. Hình như cũng có một số ít theo Quốc gia trốn lại Miền Bắc, nhưng nhanh chóng bị vô hiệu hóa.

Miền Bắc lo thiết lập thời kỳ quá độ lên CNXH với cải cách ruộng đất, hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo Công thương nghiệp, thành lập các nông trường, làm một số công trình, nhà máy, mở mang trường học. Những việc về kinh tế như cải cách, hợp tác, cải tạo v.v… chủ yếu là thất bại do làm trái quy luật tự nhiên chứ không bị một sự phản khàng nào đáng kể của “thế lực thù địch”. Về chính trị có nổi lên nhóm Nhân văn đòi tự do dân chủ, nhưng bị đàn áp ngay. Tuy có một số toán biệt kích từ Nam ra quấy phá và một vài phản ứng lẻ tẻ ở một số nơi, nhưng tất cả đều bị tiêu diệt nhanh chóng. Đồng thời với việc đưa Miền Bắc theo XHCN là tiến hành các công việc cần thiết để tiến tới “giải phóng Miền Nam”, thống nhất đất nước. Ý đồ Tổng tuyển cử vào năm 1956 đã không thành.

Hồ Chí Minh cho rằng, đã có chủ nghĩa Mác – Lê soi sáng, có Stalin và Mao Trạch Đông vạch đường, nên ông và Đảng của ông không cần sáng tạo gì thêm, xem Mác – Lê là kim chỉ nam, là đuốc soi đường, chỉ tìm cách thực hiện nó cho phù hợp với hoàn cảnh và nhận sự viện trợ của phe XHCN, mà chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc.

Về phía Miền Nam, sau khi đưa tiễn đội quân của Pháp ra khỏi đất nước và dẹp tan được các giáo phái chống đối, Ngô Đình Diệm muốn xây dựng một Miền Nam thành hình mẫu của Thế giới Tự do, ngăn cản sự bành trướng của khối CS. Nhưng công việc này bị cản trở bởi lực lượng CS nằm vùng và của Miền Bắc với quyết tâm đánh đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Tình thế đó làm cho ông Diệm càng quyết tâm chống Cộng. Trong lúc Miền Bắc dựa vào Liên Xô và Trung Quốc thì ông Diệm phải dựa vào khối Thế giới Tự do mà chủ yếu là Mỹ. Trong hoàn cảnh này, Tùng Phong cùng các cộng sự nghiên cứu và viết ra Chính đề Việt Nam.

Không thấy rõ vai trò ông Ngô Đình Diệm trong việc nghiên cứu này, mặc dù Tùng Phong là người thân thiết với ông.

Đọc Chính đề Việt Nam tôi cảm phục Tùng Phong đã thể hiện lòng yêu nước Việt, thương dân tộc Việt, muốn tìm con đường đúng đắn để chấn hưng, để phát triển, đồng thời ông có những nhận định sáng suốt. Tuy vậy, tôi không hoàn toàn nhất trí với mọi ý kiến của ông, không đề lên quá cao sách của ông (như GS Thiện) mà sẽ có những ý kiến phản biện.

Tôi sẽ trình bày các loại ý kiến sau: Một là, những ý của Tùng Phong mà tôi thấy bình thường thì chỉ thuật lại mà không có nhận xét gì, phần lớn là loại này. Hai là, những điều trước đây tôi chưa biết, chưa nghĩ tới, nay nhờ Tùng Phong mà biết được, tôi ghi chú bằng chữ (ý mới, mới đối với tôi nhưng chắc sẽ không mới với một số người khác). Ba là, những ý kiến tương đối khác lạ với suy nghĩ bình thường của nhiều người, tôi cũng đã nghĩ tới, một số đã viết ra, nay thấy Tùng Phong đề cập, mới biết rằng mình cũng chỉ là một trong những người đồng thời nghĩ ra vấn đề đó, được ghi chữ (trùng ý). Bốn là, một số ý của Tùng Phong mà tôi chưa tán thành. Những điều này cần được suy nghĩ và chiêm nghiệm kỹ hơn, được ghi chữ (phản biện). Tôi sẽ lần lượt theo nội dung sách mà trình bày các ý kiến. Viết ra những điều như thế với mong ước được trao đổi với những ai quan tâm để có thể hoàn thiện được tư tưởng và may ra có thể đóng góp được gì đó cho cộng đồng.

Viết bài này cũng gần như tôi tóm tắt sách “Chính đề VN”.

Ghi chú: Để phân biệt với câu văn do tôi viết ra, mọi câu trích dẫn của Tùng Phong hoặc của người khác đều được in nghiêng và đặt trong dấu ngoặc kép “…”. Thỉnh thoảng tôi có chen vào vài điều bình luận để trình bày ý kiến cá nhân, ngoài những nhận xét hoặc phản biện đã viết.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.