Tàn phá luật bởi thói ưa thành tích và thói vô trách nhiệm
30-12-2021
Tôi rất vui và cảm ơn nhóm dịch giả dịch Bộ luật Dân sự 2020 của Trung Quốc ra tiếng Việt tặng tôi cuốn sách về Bộ luật dịch này có kèm theo những lời giới thiệu.
Không thần phục kẻ thù! Nhưng học từ kẻ thù là cần thiết! Không hiểu kẻ thù, thì không thể chiến thắng được nó!
Có lẽ cùng khởi động soạn thảo Bộ luật Dân sự do nhu cầu chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường, thế nhưng Trung Quốc cho tới mãi năm 2020 mới ban hành “nổi” Bộ luật Dân sự, trong khi đó Việt Nam ta đã kịp ban hành tới ba (03) Bộ luật Dân sự mà cứ Bộ luật sau lại làm mới trên căn bản chỉnh sửa và bổ sung toàn diện Bộ luật trước- đó là Bộ luật Dân sự 1995; Bộ luật Dân sự 2005; và Bộ luật Dân sự 2015. Vậy mà Bộ luật Dân sự hiện hành vẫn còn quá quá nhiều khuyết điểm rất cơ bản và rất lớn hiện đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiếp tục.
Tôi nhớ mãi câu chuyện: khi thấy tôi phê bình Bộ luật Dân sự 1995, thì một anh bạn đồng nghiệp đáng kính của tôi từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mới chuyển về Khoa Luật – ĐHQGHN làm giảng viên tỏ vẻ không hài lòng và nói rằng “đồng chí” Đinh Trung Tụng (lúc đó là thứ trưởng Bộ Tư pháp) đã có một bài luận ca ngợi Bộ luật Dân sự này khi học chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được điểm tối đa, nên bộ luật này là đỉnh cao của luật học Việt Nam và hơn đứt Trung Quốc.
Lẽ dĩ nhiên nếu chỉ để cho các thầy chuyên tán loanh quanh trong khu vực lý luận chung về nhà nước và pháp luật và luật công chấm thì tiểu luận hết môn luật dân sự của mấy em sinh viên đang học trung cấp luật cũng không thể không là đỉnh cao của luật học(!?).
Cho đến nay chắc anh bạn đồng nghiệp của tôi đã quá thấm và biết cái tệ trong khâu xây dựng pháp luật của ta như thế nào rồi?
Khi soạn thảo Bộ luật Dân sự 2015, chúng tôi kiến nghị chính thức phải làm kỹ mô hình, đề cương trước, rồi viết các điều luật cụ thể sau.
Nhưng không, người ta giao cho mỗi người viết một chương hay mục theo sự ước đoán của tay có quyền trong tổ “phóng bút” phục vụ cho Ban soạn thảo.
Tán loạn! Sau khi viết xong, cứ thế là các chương, mục được lắp ghép thô thiển lại với nhau, và được đưa cho đội “hớt váng” là mấy người có học hàm GS nhưng không chuyên về luật dân sự thêm bớt và tán. Thậm chí khi họp Tổ tư vấn cho Bộ trưởng Hà Hùng Cường lúc đó, GS. TS. HTL nói công khai với tôi rằng: Lâu quá rồi mình không đụng chạm tới luật dân sự nên quên hết rồi và không nắm được vấn đề.
Ấy thế mà hai tuần sau đã thấy GS kể công hoàn thiện dự thảo. Dự thảo xong lại đến một vài vị có trách nhiệm ở Ủy ban pháp luật Quốc hội mời một vài “chuyên gia” theo “tình riêng” lên chỉnh sửa dự thảo, bất chấp ý kiến của mọi người, kể cả ý kiến của Ban soạn thảo.
Vậy cho nên Bộ luật Dân sự 2015 quá khuyết điểm là không có gì đáng ngạc nhiên. Trong khi đó ở Trung Quốc người ta bàn kỹ về mô hình, lên khung chi tiết, rồi thận trọng nghiên cứu ban hành từng phần theo từng giai đoạn để đến năm 2020 mới hoàn chỉnh và ban hành chính thức.
Tuy nhiên phải nói, theo tôi, Bộ luật Dân sự 2020 của Trung Quốc còn có những bất cập không nhỏ về học thuật, nhất là quyển nói về tài sản bởi cách mạng XHCN có bản chất là một cuộc cách mạng về sở hữu (công hữu hoá hầu hết, nhất là đất đai và các tư liệu sản xuất chủ yếu khác của xã hội), trong khi nó vẫn sử dụng các kỹ thuật pháp lý có được từ thời La Mã cổ đại mà các kỹ thuật này hầu hết là được xây dựng trên nền tảng tư hữu.
Lưu ý thêm: Ở Trung Quốc, người ta nghiên cứu 12 năm để soạn thảo và ban hành Luật Phá sản; còn Luật Phá sản của ta được soạn thảo và thông qua trong vòng 15 tháng. Chỉ có nghiên cứu mới có thể đưa được con người lên vũ trụ như họ. Còn chỉ loanh quanh ăn bởi sự tán tụng và vô trách nhiệm đối với đất nước, thì chỉ có ăn theo, nói leo vòng quanh thế giới!
Muốn có luật lệ tốt thì đừng nên tàn phá luật bởi thói ưa thành tích và thói vô trách nhiệm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.