Thứ Năm, 23 tháng 12, 2021

Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (Phần 1)

 

Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (Phần 1)

Lê Nguyễn

20-12-2021

Đây chỉ là những ký ức vụn được ghi chép theo trí nhớ về những con người và sự kiện nay đã thuộc về một quá khứ xa xăm. Mục đích duy nhất của người viết là kể lại những gì mắt thấy tai nghe, hoặc những gì bản thân mình đã trải qua vào các thập niên 1980-1990, nhằm giúp cho các bạn trẻ nhận biết được đôi chút về một thời kỳ đất nước còn rất nhiều khó khăn, gian khổ… Vì thế, diễn đàn này sẽ rất không hoan nghênh những bình luận nhằm chỉ trích hay xúc phạm bất cứ cá nhân, tập thể hay cơ quan, đơn vị nào, dù là đương nhiệm hay đã ngưng hoạt động.

Trân trọng!

***

Với thế hệ những thanh niên nay ở vào tuổi 70-80 trở lên, cuộc chiến 20 năm đã khiến họ phải gánh chịu muôn vàn tổn hại, dù họ từng sống ở miền Nam hay trên đất Bắc. Họ là những con ốc vít quay cuồng trong guồng máy chiến tranh và không ít người đã bị nghiền nát trong đó. Tầng tầng lớp lớp thanh niên miền Bắc mười tám đôi mươi, chưa biết mùi đời, đã ôm súng lao vào chiến trường miền Nam và hàng triệu người trong số họ không còn có dịp trở về mái nhà thân yêu cũ. Sau khi cuộc chiến kết thúc, hàng trăm ngàn người còn vất vưởng hồn xác ở một góc rừng nào!

Trong tình tự dân tộc, có những lúc tình cờ nghe đến chương trình “nhắn tìm đồng đội” trên hệ thống truyền thông, mình ứa nước mắt nhìn từng tấm ảnh ố vàng của những chàng trai trẻ ở cùng thế hệ của mình đã ra đi, chẳng trở về. Chiến tranh thật vô cùng tàn nhẫn!

Thế hệ mình trong Nam không quá bi thảm như thế, dù cho tuổi trẻ cũng bị nghiền nát ít nhiều bởi cỗ xe chiến tranh. Hầu hết họ có cơ hội đến trường, khi vào quân ngũ cũng có những điều kiện tối thiểu đề sống, khi ngã xuống, được đơn vị hay người thân lo cho một chỗ an nghĩ lâu dài. Bù lại, khi chiến tranh kết thúc (4.1975), nếu may mắn còn sống sót, họ phải gánh chịu nhiều hậu quả không mong muốn, các trại cải tạo mở rộng cửa đón họ, những ai không thể chịu đựng nỗi cảnh tha hương trên chính đất nước của mình thì tìm đường ra đi, đánh cược mạng sống của bản thân cùng gia đình với sóng gió đại dương hay với bọn hải tặc khát máu.

Ngày nay, tuy hòa bình vãn hồi đã lâu, sự bình an vẫn chưa thể đến với nhiều người, họ tiếp tục vật vã với số phận, mỗi người một hoàn cảnh, và xã hội tiếp tục sự phân hóa cố hữu, kìm hãm những cơ hội phát triển cần thiết sau một thời gian dài tổn thất nặng nề về nhiều mặt.

Từ “trí thức” sử dụng trong nhan đề loạt bài này có một ý nghĩa tương đối và thay đổi tùy theo cách hiểu của mỗi người. Tôi viết theo cách hiểu của phần lớn người miền Nam trước 1975 khi đề cập đến những người đã ít nhất tốt nghiệp bậc đại học.

Thật ra, điều đó chẳng có gì quan trọng, vì khi viết loạt hồi ức tủn mủn này, tôi chỉ có tham vọng moi móc cái trí nhớ có nguy cơ bị cùn mằn của mình để vớt vát lại một số kỷ niệm về bản thân hầu giúp các bạn trẻ có được một vài hình ảnh chân thực về xã hội Việt Nam vào những thập niên 1980 -1990 mà tôi đã trải qua với những thăng trầm, buồn vui, sướng khổ.

Tất nhiên, đó chỉ là những mảnh ghép nhỏ nhoi gắn vào bức tranh đời rộng lớn, choáng ngợp, với đầy đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái ố. Nếu đó là một vở kịch thì cá nhân tôi là một diễn viên tồi mà kịch bản thì cứ thay đổi từng cảnh, từng hồi. Mong các bạn đừng kỳ vọng nhiều vào những hồi ức này, vì nó được kể lại dựa hoàn toàn vào trí nhớ, mà trí nhớ thì không phải lúc nào cũng trung thành với ta, nhất là với một người đã trải qua khá nhiều cung bậc phù trầm của khúc nhạc đời đang ở vào giai điệu cuối.

I) BƯỚC CHUYỂN NGOẠN MỤC CỦA SÀI GÒN – TPHCM VÀO NHỮNG NĂM ĐẦU THẬP NIÊN 1980

Những năm tôi còn sống tại trại cải tạo Long Thành (Đồng Nai), anh em tù ở trong những dãy nhà dài có 4 gian rộng, mỗi gian chứa khoảng 70-80 người. Tối tối, anh em tập trung ở một gian duy nhất để nghe đọc báo, thường là báo Nhân Dân, Sài Gòn giải phóng, thỉnh thoảng có báo Tin Sáng của nhóm “lực lượng thứ ba” trước 1975 (Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận…).

Người được chỉ định đọc báo hàng đêm cho gần 300 con người đó tại nhà 2 (A14) lại là… tôi, có lẽ nhờ ở giọng đọc suôn sẻ, rõ ràng. Cũng từ nhiệm vụ bất đắc dĩ này mà khi trở về xã hội, tôi nắm được nhiều tin tức về môi trường sống mà mình bắt đầu hòa nhập từ tháng 4.1982, ít bỡ ngỡ hơn nhiều người.

Khi còn ở trại Xuyên Mộc, áo của anh em tù đều được đóng 4 chữ tắt bằng sơn đen: CTXM, tức “Cải Tạo Xuyên Mộc”, mà nhiều anh em diễn dịch một cách hài hước là “Chết Tại Xuyên Mộc”. Việc đóng dấu này được áp dụng hầu như ở tất cả các trại cải tạo, để nếu người tù trốn trại, lẫn trong dân, sẽ dễ bị phát hiện, tố giác.

Trong ngày đầu tiên trở về cuộc sống mới 12.4.1982, tôi mặc bộ bà ba đen còn mới do người nhà gửi vào cho. Mình không thấy mình ra sao, song người dân thấy mình khá lạ, biết là tù mới được tha. Mỗi anh em được trại phát cho một khoản tiền đủ để đi xe ngoài về đến nhà, song khi biết rõ chân tướng anh em, chẳng nhà xe nào chịu lấy tiền cả.

Chiều hôm ấy, trên chuyến xe buýt từ Bà Chiểu chạy ngang ngả tư Bảy Hiền, tôi đứng cạnh một phụ nữ trẻ. Biết là dân đi tù về, cô hỏi chuyện tôi, sau một vài câu, cô quay đi chỗ khác và nói nhỏ: ”tối nay có một gia đình hạnh phúc, và còn có bao gia đình buồn!” (sao giống câu nói của ông Võ Văn Kiệt sau này quá!). Cô nói với chính mình, nhưng tôi nghe được, đoán rằng chắc cô cũng là vợ hay em gái của một người tù cải tạo vẫn còn ở trại, gia đình đang mong ngóng ngày về. Bằng tâm hồn nhạy cảm của mình, tôi hình dung đôi mắt cô ướt long lanh, và hình ảnh cô, câu nói ấy, ám ảnh tôi suốt nhiều ngày liền.

Từ những bài báo tôi đọc cho anh em tù nghe khi còn ở trại Long Thành, và những tìm hiểu sau này, cùng với sự bình tâm suốt gần 7 năm tù, tôi trở về cuộc sống bình thường không với sự hụt hẫng như nhiều người khác. Tôi được biết vào những năm 1981-1982, dưới sự lãnh đạo của lần lượt hai ông Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, rồi Nguyễn Văn Linh, Sài Gòn –TP.HCM đã có những bước chuyển ngoạn mục, tiêu biểu là việc thử nghiệm giao dịch với các thị trường tư bản chủ nghĩa (TBCN) mà đại diện là hai nước-vùng lãnh thổ gần gũi với chúng ta: Hong Kong-Singapore. Có lẽ nhờ ở sự tư vấn của những nhà “tư sản dân tộc” có nhiều kinh nghiệm buôn bán với các thị trường TBCN trước 1975, các vị lãnh đạo trên sớm triển khai một mô hình hoạt động vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa không đi chệch khỏi quỹ đạo XHCN.

Vào thời điểm đó, trong xuất nhập hàng với hai thị trường trên, TP.HCM xuất cho họ chủ yếu là hàng thủy hải sản tươi và khô (cá, mực, tôm, hải sâm, vi cá …) và hương liệu quý (trầm, kỳ nam, quế kẹp…). Khi ấy, hầu như các tỉnh có nhiều hải sản như Kiên Giang, Bình Thuận, Khánh Hòa… đều chưa có một hệ thống chế biến hải sản để xuất khẩu, nên nguyên liệu chảy về Sài Gòn ồ ạt, các cơ sở đông lạnh cũ (trước 1975) và mới tha hồ thu hút nguyên liệu để chế biến, cung cấp việc làm cho nhiều lao động lúc bấy giờ.

Về nhập khẩu, TP.HCM nhập về từ hai thị trường trên nguyên liệu cho sản xuất và hàng tiêu dùng. Nguyên liệu cho sản xuất nhiều nhất là sợi cho ngành dệt và các loại hạt nhựa cho sản xuất hàng gia dụng, pin, ắc-quy, xi măng… Hàng tiêu dùng nhiều nhất là bột ngọt, vải và một số nhu yếu phẩm khác.

Trị giá hàng xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và hai thị trường Hong Kong- Singapore được tính bằng đô la Mỹ (USD), song đó chỉ là về mặt hạch toán, trên thực tế, sự mua bán diễn ra dưới hình thức “hàng đổi hàng” và hàng hóa được gọi là “hàng đối lưu”. Ta xuất hàng qui ra USD, ta nhập về cũng tính bằng USD, trị giá hàng nhập trừ vào trị giá hàng xuất, khoản chênh lệch còn lại là công nợ giữa hai bên.

(Còn tiếp)

Trang 2 / 2

Lê Nguyễn

23-12-2021

Tiếp theo Phần 1

Do sau tháng 4.1975, nhiều doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả tại Sài Gòn vẫn còn cơ sở sản xuất hoạt động tốt nên các chủ doanh nghiệp này được tập hợp trong một tổ chức có tên là Ban Liên lạc Công thương, tiền thân của Sở Thương nghiệp và Sở Công nghiệp sau này. Người đứng đầu ban này vào năm 1982 có bí danh là Ba Nam (Trần Minh Triết), vị thứ như một Giám đốc Sở.

Có thể kể một số nhà “tư sản dân tộc” được tập hợp trong Ban liên lạc công thương lúc bấy giờ như ông Trần Văn Bảy, Giám đốc Xí nghiệp đông lạnh Việt Long, ông Phùng Văn Quý, Giám đốc nhà máy sứ Thiên Thanh, ông Phạm Văn Thạnh, chủ hãng đắp vỏ xe Phạm Hiệp. Cũng từ sự hiện diện của những doanh nghiệp như trên mà chính quyền thành phố thiết lập mô hình các công ty, xí nghiệp công tư hợp doanh, với cơ sở sản xuất và một phần vốn của tư nhân, phần khác của nhà nước, và đặt dưới sự thống nhất quản lý của nhà nước.

Để thực hiện kế hoạch thử nghiệm làm ăn với hai thị trường tư bản trên, Ban Ban Liên lạc Công Thương được phép thành lập “Công ty XNK trực dụng Ficonimex” trụ sở nằm gần cuối đường Nam kỳ khởi nghĩa, quận I, TP.HCM, với thành phần Ban Giám đốc khá thoáng: Giám đốc là ông Đinh Xáng, trước 1975 từng giảng dạy tại trường Đại học Chính trị-Kinh doanh Đà Lạt, đồng thời là một chuyên gia lâu năm về ngành dệt. Trong 3 Phó Giám đốc của công ty thì ngoài ông Đỗ Như Công là Phó Giám đốc Tổ chức, ông Phùng Văn Quý làm Phó Giám đốc Kế hoạch, ông Trần Văn Bảy làm Phó Giám đốc Sản xuất-Kinh doanh.

Song song với Ban LLCT, tổ chức Liên hiệp xã thành phố mà người đứng đầu có bí danh Ba Tiết, cũng không chịu là người đi chậm. Họ thành lập “Công ty XNK trực dụng Direximco” với chức năng và hoạt động giống như Ficonimex, trụ sở đặt tại đường Hai Bà Trưng.Trước 1975, và kể cả thập niên 1980, quận 5 TP.HCM là nơi tập trung các nhà tư sản người Hoa có nhiều vốn liếng và kinh nghiệm làm ăn. Tuy cuộc truy đánh tư sản mại bản vào nửa sau thập niên 1970 có làm cho giới thương nhân ở đây bị thiệt hại nặng nề, song vẫn còn một số nhà tư sản từng có mối quan hệ mật thiết với Mặt trận DTGPMNVN trước năm 1975. Nhờ vậy mà UBND Quận 5 được lãnh đạo thành phố cho phép thành lập Công ty XNK Cholimex hoạt động song hành với hai công ty Ficonimex và Direximco.

Xét về tầm vóc và hiệu quả hoạt động thì Direximco được xem là thành công hơn cả. Danh tính ông Giám đốc công ty là Lâm Tư Quang, song mọi người vẫn gọi ông bằng cái bí danh quen thuộc là Ba Toàn. Phụ tá ông Ba Toàn là ông Lưu Vinh, một người Hoa có tài kinh doanh và không ít người cho rằng phần lớn sự thành công ban đầu của công ty đến từ hai bàn tay của ông Lưu Vinh.

Ưu thế của hai vị lãnh đạo người Hoa ở công ty Direximco thể hiện ở mối quan hệ giữa họ với các doanh nghiệp Hong Kong – Singapore mà phần lớn cũng nằm trong tay các người Hoa. Hoạt động của họ làm thay đổi hẳn bộ mặt thành phố, từ sự lầm lì, xơ cứng, trở thành sôi nổi và nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Ấn tượng nhất là những lúc tàu chở hàng nhập khẩu cập bến. Chỉ riêng các cối sợi là nguyên liệu cho ngành dệt, công ty Direximco phải huy động toàn bộ xe cơ giới, mượn thêm của các cơ quan khác, chạy nườm nượp từ cảng Sài Gòn về kho từ sáng cho đến nửa đêm mới hết hàng.

Sau 1975, những công ty dệt lừng lẫy một thời tại miền Nam như Vinatexco, Vimytex… chỉ hoạt động cầm chừng. Song từ năm 1982, nguồn nguyên liệu sợi do mô hình XNK mới mang về đã vực dậy ngành công nghiệp dệt bị bế tắc từ lâu, hình thành nên Liên hiệp xí nghiệp dệt Hồng Gấm với hơn 40 xí nghiệp thành viên và khu dệt Bảy Hiền với hàng trăm xưởng dệt tư nhân của đồng bào từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vào Sài Gòn sinh sống từ thập niên 1960.Ngành nhựa hoạt động cũng rất mạnh, nguồn nguyên liệu PE, PP, PVC… được dùng sản xuất túi nhựa, sản phẩm gia dụng.

Riêng hàng tiêu dung nhập khẩu phổ biến có bột ngọt, xi măng, sắt thép…, ngoài việc bán trực tiếp cho người tiêu thụ, còn được sử dụng để làm hàng đối lưu với các địa phương cung cấp nguyên liệu thủy hải sản cho thành phố.Ngoài ba công ty XNK trực dụng trên, TP.HCM lúc bấy giờ còn có ít nhất hai công ty XNK nữa là công ty Rameico (Công ty XNK nguyên liệu) và công ty Agrimexco (Công ty XNK Nông nghiệp), còn nhớ (không chắc lắm) Giám đốc là ông Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên Chuẩn tướng VNCH hoạt động cho bên thắng cuộc từ trước 1975 và Phó Giám đốc là ông Nguyễn Xuân Phong, từng là Trưởng đoàn đại biểu VNCH tại hội nghị hòa đàm Paris (1968-1973), từng là trại viên trại cài tạo Long Thành (và một số nơi khác). Song chỉ một thời gian ngắn sau 1982, ông Phong được xuất cảnh sang định cư tại Pháp.

Điều đáng tiếc là các nhà lãnh đạo ở trung ương và địa phương vào những năm đầu tiên của thập niên 1980 đã không có chung những quan điểm nhất quán trong việc xây dựng một xã hội mới, thống nhất và hòa bình. Điều này cũng dễ hiểu, vì chiến tranh chỉ mới qua đi, mỗi vùng miền còn có những khác biệt để có thể phù hợp hoàn toàn với một chính sách chung. Tại một số địa phương, các nhà lãnh đạo đã áp dụng những hình thức quản lý “thoáng” như trường hợp của Sài Gòn – TP.HCM đã nêu trên.

Song vào tháng 7.1982, ông Tố Hữu, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tường), đã ký quyết định 113 giải thể các đơn vị XNK công tư hợp doanh, giao quyền thực hiện lãnh vực này cho các đơn vị quốc doanh. Mục tiêu chính của quyết định 113 nhằm tập trung việc quản lý XNK cho một tổ chức duy nhất là Tổng công ty Xuất nhập khẩu IMEXCO, tránh tình trạng từng công ty đơn lẻ hoạt động dưới sự tổ chức và giám sát của các đơn vị khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ do sự hình thành Imexco chậm hơn dự kiến nên mãi đúng một năm sau, khoảng tháng 7.1983, quyết định 113 mới được triển khai.

Về mặt nhân sự, tại các công ty XNK công tư hợp doanh như Direximco, Ficonimex, Cholimex…, nhân viên biên chế nhà nước được chuyển về Tổng công ty Imexco, các thành phần khác, hầu hết là nhân viên hợp đồng, được trợ cấp một khoản tiền bằng khoảng một tháng lương và… nghỉ việc. Trong số các nhân viên thuộc thành phần nghỉ việc tại công ty Ficonimex, có người viết bài này, chi tiết về những tháng ngày làm việc ở đây sẽ được kể về sau.

Tháng 7.1982, sau khi quyết định 113 được ban hành, các giới chức lãnh đạo công ty Ficonimex vẫn bình chân như vại, họ chờ số phận của công ty được định đoạt. Điều này cũng dễ hiểu, vì Giám đốc và hầu hết Phó Giám đốc của công ty không phải là cán bộ nhà nước, khó có khả năng cứu vãn tình thế. Trong khi đó, tình hình ở công ty Direximco lại khác hẳn. Ông Giám đốc Ba Toàn (Lâm Tư Quang) đã sớm ứng phó với tình thế bằng việc tìm một khu vực ít dân cư song không xa thành phố, mua đất tư nhân, xây dựng một cơ ngơi mới có tên là Xí nghiệp chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, mọi người thường gọi tắt là Xí nghiệp Cầu Tre.

Vì thế, một năm sau (7.1983), khi quyết định 113 được triển khai thì gần như toàn bộ công nhân viên của Công ty XNK công tư hợp doanh Direximco đã trở thành công nhân viên Xí nghiệp Cầu Tre, là một trong hai xí nghiệp chế biến hàng xuất khẩu lớn nhất thành phố lúc bấy giờ (xí nghiệp kia là Xí nghiệp Đông lạnh 1, giám đốc là ông Mười Hưng). Cả hai xí nghiệp này đều trực thuốc Tổng công ty XNK Imexco. Trong cuộc sống đầy thăng trầm của mình, bản thân người viết bài này cũng đã có hai năm gắn bó với xí nghiệp Cầu Tre, chi tiết sẽ xin được kể sau.

Riêng về công ty Cholimex, sự giải thế hình thức công tư hợp doanh đã được UBND quận 5 giải quyết bằng cách biến nó thành Công ty cung ứng hàng xuất khẩu quận 5, không còn chức năng xuất khẩu trực tiếp, mà chỉ cung ứng hàng xuất khẩu cho Tổng công ty Imexco. Mô hình này nhanh chóng phát triển tại các quận huyện khác, ít lâu sau, hầu như quận huyện nào cũng có công ty cung ứng hàng xuất khẩu cho địa phương mình, ví dụ quận Tân Bình có Công ty Tanimex, quận 3 có công ty Trilimex…

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.