Huỳnh Thục Vy ‘bình an đón nhận’ tin thi hành án tù vì tội 'xúc phạm Quốc kỳ'
Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt
NGUỒN HÌNH ẢNH, HUỲNH THỤC VY/FACEBOOK
Tòa án Nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành văn bản 'hủy quyết định hoãn chấp hành án phạt tù' đối với nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy - mà một số người gọi là nhà hoạt động cuối cùng tại Việt Nam hiện đang còn được tự do trong nước.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk sáng 1/12, Huỳnh Thục Vy xác nhận thông tin này và nói rằng cô 'hơi bất ngờ', nhưng cũng đã chuẩn bị tinh thần ngồi tù, và 'đang chờ' chính quyền tới bắt.
BBC không thể liên lạc lại với Huỳnh Thục Vy vào chiều 1/12.
Sau đó, vào khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, luật sư Đặng Đình Mạnh từ TP Hồ Chí Minh xác nhận với BBC rằng Huỳnh Thục Vy đã bị bắt.
Trong văn bản đề ngày 30/11/2021, Tòa án Nhân dân thị xã Buôn Hồ cho hay 'trong thời gian được hoãn chấp hành án phạt tù, Huỳnh Thục Vy có '"hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội".
Sau khi nhận tin này, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á, Tổ chức Human Rights Watch, nói:
"Một người mẹ của một con trai hai tuổi và một con gái năm tuổi đáng được ở cùng con chứ không phải ở tù, vì vậy hành động mới nhất này của cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk là thái quá và không thể chấp nhận được."
Ông này nhận định: "Thực ra, việc tạt sơn trắng lên lá cờ không nên bị coi là một tội, nên lẽ ra Huỳnh Thục Vy ngay từ đầu đã không bị bỏ tù."
"Bản án tù của cô ấy chỉ đơn giản là sự trả đũa của chính phủ đối với một công dân thẳng thắn thực hiện các quyền của cô ấy," ông Robertson nêu ý kiến.
Blogger Huỳnh Thục Vy bị bắt và khám nhà
Tuy nhiên, Huỳnh Thục Vy nói với BBC rằng cô không làm gì phạm pháp trong thời gian qua.
"Tôi hơi bất ngờ khi họ gửi quyết định bắt tôi khi con tôi chưa đủ 3 tuổi. Trong thời gian được hoãn chấp hành án tù, tôi không làm bất cứ việc gì gây tổn hại an ninh trật tự, ngoài việc ra khỏi nơi cư trú để phục vụ việc sinh hoạt. Họ đưa cái cớ đó ra để bắt tôi. Việc bắt này trước sau cũng phải đến nên tôi bình an đón nhận. Hai con tôi giờ cũng đã khỏe mạnh, đủ lớn rồi."
NGUỒN HÌNH ẢNH,HTV
"Việc ra khỏi nơi cư trú là vi phạm quy định, nhưng không thể sống bình thường mà không ra khỏi nơi cu trú. Ngay từ đầu tôi đã phản đối án phạt, phản đối việc bắt tôi, đó là thái độ chính trị của tôi. Còn họ có súng, có quân, họ đến cưỡng chế thì tôi phải đi thôi."
"Tôi không làm gì vi phạm pháp luật chiếu theo công ước quốc tế. Tôi chỉ thể hiện quyền tự do biểu đạt của mình.
Từ vụ 'xịt sơn lên quốc kỳ Việt Nam'
Huỳnh Thục Vy bị bắt năm 2018 sau khi cô xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam vào ngày quốc khánh 2/9.
Ngày 30/11/2018, Vy bị đưa ra tòa xét xử và nhận án 30 tháng tù giam với tội danh 'xúc phạm quốc kỳ'. Sau đó cô được hoãn thi hành án tù do sinh con.
NGUỒN HÌNH ẢNH,HUYNH THUC VY
Huỳnh Thục Vy và lá cờ VN bị xịt sơn (ảnh chụp năm 2017)
"Ngày quốc khánh của phía chính quyền, họ treo cờ trước nhà mẹ chồng mình. Tôi xịt sơn lên cờ để bày tỏ thái độ phản đối luận điều tuyên truyền của họ, rằng đây không phải ngày vui mừng của toàn quốc. Trước chế độ cai trị của cộng sản, người dân không vui vẻ hạnh phúc gì cả."
"Thực ra việc xịt sơn này chỉ là cái cớ. Tôi đã hoạt động phản đối chính quyền trong 10 năm trở lại đây," Huỳnh Thục Vy nói với BBC hôm 1/12/2021.
Giải thích hành động xịt sơn lên cờ Việt Nam, trong buổi trả lời phỏng vấn BBC hồi tháng 8/2018, Huỳnh Thục Vy cho hay: "Đối với người dân Việt Nam trong nước hiện nay, lá cờ đó như vật gì linh thiêng, bất khả xâm phạm, một bùa chú của Đảng Cộng sản Việt Nam."
"Hành động xịt sơn của tôi lên lá cờ đó không xuất phát từ những suy nghĩ bồng bột, non nớt của người chưa hiểu chuyện. Mà tôi mong ước qua hành động đó khiến người dân bớt sợ hãi về những biểu tưởng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, bớt cảm thấy nó nhạy cảm, linh thiêng."
Phán quyết từ LHQ về trường hợp nhà hoạt động Phạm Đoan Trang
"Tôi cũng muốn qua đó thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình. Vì hành vi của tôi đối với lá cờ là một phần của quyền tự do biểu đạt mà luật pháp quốc tế công nhận, bất chấp luật của Việt Nam có chấp nhận hay không."
Phát biểu về trường hợp Huỳnh Thục Vy, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế nói năm 2018: "Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tìm mọi lý do để trừng phạt Huỳnh Thục Vy vì sự đấu tranh không mệt mỏi cho nhân quyền và dân chủ của cô, và tuyệt vọng đến mức giới chức giờ phải vin vào sự việc tạt sơn lên lá cờ,"
"Việc đặt một biểu tượng quốc gia lên trên quyền lợi của dân tộc là sai lầm. Việc đưa Huỳnh Thúc Vy ra tòa và cuối cùng là vào chốn lao tù cho thấy Việt Nam rất tuyệt vọng trong việc ngăn chặn các nhà hoạt động để hạn chế ảnh hưởng của họ đối với xã hội và chính trị."
Nhưng quan điểm chính thống coi Huỳnh Thục Vy là "phá hoại".
Trang web của Công an Đắk Lắc năm 2019 có bài viết nói blogger Huỳnh Thục Vy là "đối tượng có những chiêu trò mỵ dân", đáng bị lên án và trừng phạt.
NGUỒN HÌNH ẢNH,HUYNH THUC VY
Huỳnh Thục Vy (áo trắng) trong một lần bị bắt giữ năm 2012 khi bà tham gia biểu tình chống Trung Quốc
Một số người gọi Huỳnh Thục Vy là nhà hoạt động cuối cùng của Việt Nam hiện vẫn đang được tự do trong nước.
Hơn 300 nhà hoạt động hiện đang ngồi tù với nhiều tội danh khác nhau, phổ biến là 'tuyên truyền chống nhà nước', 'âm mưu lật đổ nhà nước'… theo các điều khoản của Bộ Luật Hình sự sửa đổi.
Huỳnh Thục Vy cho biết cô đã gửi hai con cho ông bà nội trông để các con không phải chứng kiến cảnh công an ập vào nhà bắt mẹ.
'Tôi đã từng chứng kiến cảnh công an ập vào nhà bắt ba tôi khi tôi mới 8 tuổi. Do đó tôi không muốn các con của mình phải chứng kiến cảnh này."
"Mình có thể tránh tù đầy trong vài thời điểm nào đó, còn đã xác định dấn thân đấu tranh thì rất khó. Khôn khéo, thông minh, gan dạ mà tránh được tù, thì Phạm Đoan Trang là 1 ví dụ điển hình. Chị Trang đã găp nhiều khó khăn, chạy trốn chỗ nọ chỗ kia, nhưng rồi chị vẫn bị bắt vào tù.
"Nhiều anh chị em khác đã làm nhiều cách để tránh tù đày. Nhưng khi khi đối diện với chế độ độc tài này, làm gì chỉ trích họ thì cũng chướng tai gai mắt họ. Cuối cùng họ sẽ bỏ tù chúng tôi để bịt miệng, để họ yên tâm ngồi trên đầu trên cổ người dân.
"Trong tù hiện nay có hơn 300 tù nhân lương tâm. Hầu như các anh chị em tranh đấu đã vào tù hết rồi. Còn mình Huỳnh Thục Vy chưa tù thôi. Đã dấn thân vào, đáuu tranh bảo vệ nhân quyền tự do, cổ vũ dân chủ, bị chính quyền trù dập là phải đối mặt, không trốn tránh được. Hôm nay buộc phải đối mặt với nhà tù của Cộng sản Việt Nam, tôi cho rằng xứng đáng với cá nhân tôi."
"Mọi người đều có một khoảng thời gian thuận lợi của riêng mình để đóng góp vào tiến trình đấu tranh cho dân chủ. Khi họ bị vô hiệu hóa thì lại có những anh chị em khác nổi lên để tiếp tục những công việc của người bị ngồi tù. Cuộc đấu tranh này cho cả 100 triệu người dân là rất khó khăn, đời người thì ngắn. Việc chúng tôi bị tù đày là tất nhiên và xứng đáng. Cuộc chạy này buộc phải là cuộc chạy tiếp sức mới thành công được," Huỳnh Thục Vy chia sẻ với BBC.
LS Đặng Đình Mạnh sẽ là người giúp Huỳnh Thục Vy liên lạc với bên ngoài khi cô ngồi tù.
Con gái một tù nhân chính trị
Cha của Huỳnh Thục Vy, ông Huỳnh Ngọc Tuấn cũng từng là một tù nhân chính trị.
Ông ngồi tù 10 năm, từ 1992 - 2002 với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Trong thời gian chờ hầu tòa, Huỳnh Thục Vy vẫn tiếp tục đăng tải các bài viết thể hiện chính kiến về các vấn đề xã hội trên trang cá nhân.
Báo Công an Nhân dân ngày 1/12/2021 tường thuật: "Sau gần 3 năm được tạm hoãn thi hành án vì đang có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, bị cáo Huỳnh Thục Vy buộc phải chấp hành thi hành án phạt tù 2 năm 9 tháng về tội "xúc phạm Quốc kỳ"."
Tờ báo viết: "Theo cáo trạng, Huỳnh Thục Vy từng có một tiền sự, bị UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt hành chính số tiền 85 triệu đồng về hành vi "Cung cấp, trao đổi, tuyên truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để chống Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự". Tuy nhiên, bị can vẫn chưa chịu chấp hành hình phạt này."
M.H.
Tin liên quan
Phán quyết từ LHQ nói VN 'bắt giữ tùy tiện' nhà hoạt động Phạm Đoan Trang
HRW: 'Việt Nam không có phiên toà thực sự'
Tổ chức HRW kêu gọi dừng đàn áp Huỳnh Thục Vy
Blogger Huỳnh Thục Vy bị bắt và khám nhà
Blogger Huỳnh Thục Vy bị khởi tố
Huỳnh Thục Vy bị 2 năm 9 tháng tù vì 'xúc phạm cờ đỏ sao vàng'
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Đọc thêm:
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy bị công an bắt sau thông báo huỷ quyết định hoãn chấp hành án
RFA tiếng Việt
Hình minh hoạ: Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy (phải) và lá cờ bị xịt sơn. Facebook Huỳnh Thục Vy
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy vừa bị công an bắt giữ vào khoảng bốn giờ chiều ngày 1/12/2021 tại Đắk Lắk mà không rõ lý do. Ông Huỳnh Trọng Hiếu, em trai nhà hoạt động này cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin vào tối cùng ngày.
Nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại viễn liên, ông Hiếu cho biết:
“Vào lúc khoảng 3:30 đến 4 giờ chiều chị Vy đang trên đường đi xe xuống Sài Gòn, ngay tại Quốc lộ 14 ở địa phận Đắk Lắk thì chị Vy bị công an chặn lại vàđưa về nhà cậu mình gần đó. Sau đócông an đã áp giải chị về đồn công an nhưng giờ mình không biết chị Vy ở đồn công an nào. Mình vẫn đang xác minh chịVy bắt vì lý do gì và ở đâu.”
Vụ bắt giữ xảy ra chỉ vài chưa đầy một ngày sau khi bà Huỳnh Thục Vy đăng tải trên Facebook cá nhân quyết định đề ngày 30/11/2021 của Toà án Nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, nơi gia đình bà Vy cư trú, cho biết huỷ quyết định hoãn chấp hành án phạt tù đối với bà. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy đã bị toà án tại Buôn Hồ vào ngày 30/11/2018 tuyên án hai năm chín tháng tù giam với cáo buộc “Xúc phạm Quốc kỳ” theo Điều 276 Bộ Luật Hình sự.
Bản án được đưa ra khi bà Vy đang có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên theo quy định của pháp luật Việt Nam, bà Vy không phải thực hiện án tù cho đến khi con tròn ba tuổi. Lúc bị kết án, bà Vy có một con gái nhỏ dưới ba tuổi và đang mang thai đứa con thứ hai.
Bà Vy đã thừa nhận hành vi xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam và nói rằng hành động này của bà là “để biểu đạt quan điểm của bản thân chống lại lá cờ của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chống lại mọi biểu tượng, mọi ý nghĩa của biểu tượng đó, và chống lại việc những người cộng sản đã cai trị người dân một cách độc đoán.”
Trên Facebook cá nhân hôm 30/11/2021, Huỳnh Thục Vy viết dòng trạng thái cùng với ảnh chụp quyết định của toà rằng: “Con mình chưa đủ 3 tuổi mà họ bắt mình sớm đây. Lúc tối họ đã canh gác mình cả đêm. Giơ họ sẽ cho lực lượng xuống nhà bắt mình thi hành án sớm đây. Bà con lên tiếng ủng hộ mình nha. Mình đi đây, tạm biệt bà con.”
Ông Huỳnh Trọng Hiếu cho biết, ngoài quyết định của toà, gia đình không nhận thêm được bất cứ giấy tờ thông báo nào khác nên việc bắt giữ bà Vy là hoàn toàn bất ngờ.
“Gia đình không nhận được thông báo từcơ quan chức năng. Nếu họ bắt thì đáng lẽ ra họ phải thông báo, họ phải thông báo bắt vì lý do gì và phải có trát của toà. Hiện đã có trát của toà nói là chịVy phải thi hành án nhưng gia đình không nhận được giấy tờ gì khác về việc bắt, ký bàn giao người. Việc làm này làrất trái với luật pháp của cơ quan công an Việt Nam.”
Bà Huỳnh Thục Vy, 36 tuổi, là một blogger nổi tiếng và là một trong những thành viên sáng lập của Hội Phụ nữ Nhân quyền.
Năm 2012, bà Vy cùng cha mình là cựu tù nhân lương tâm - nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn được tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) trao giải Hellman/Hammett để “ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị”.
Human Rights Watch hôm 1/12/2021 đã ra thông cáo báo chí lên án vụ bắt giữ bà Huỳnh Thục Vy. Thông cáo trích lời ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức này nói rằng:
"Một bà mẹ với con trai hai tuổi và con gái năm tuổi xứng đáng được ở với các con của mình, không phải ở trong tù, vì vậy hành động (bắt giữ) của giới chức tỉnh Đắk Lắk là đáng phẫn nộ và không thể chấp nhận được. Trên thực tế, việc xịt sơn trắng lên cờ không nên coi làmột tội, vì vậy Huỳnh Thục Vy không nên bị bỏ tù. Bản án tù của bà Vy đơn giản chỉ là sự trả thù của chính quyền đối với một người dân thực hiện các quyền của mình. Việt Nam nên ngay lập tức bỏ kết án đối với bà Huỳnh Thục Vy và chấm dứt việc đàn áp nhà hoạt động nhân quyền này".
Nguồn: RFA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.