Về cuộc Tổng Tuyển Cử ngày 6-1-1946 để bầu Quốc hội đầu tiên của nước ta
Hàn Vĩnh Diệp
4-3-2021
Nhân kỷ niệm ngày Tổng tuyển cử 6-1-1946, bầu Quốc hội đầu tiên của nhân dân ta, từ trung ương đến các địa phương đều long trọng tổ chức mitting, hội thảo… Trong các đợt sinh hoạt chính trị, lãnh đạo đảng, chính quyền, quốc hội, hội đồng nhân dân có bài phát biểu ca ngợi thắng lợi to lớn, ý nghĩa trọng đại và cả những bài học sâu sắc của sự kiện chính trị ấy.
Theo dõi các bài nói và viết trên các phương tiện thông tin chính thống, chúng tôi thấy hình như họ quên, hay nói cho đúng hơn là không học tập-làm theo một điều rất cơ bản của sự kiện lịch sử này, đó là cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đã theo đúng nguyên tắc: phổ thông đầu phiếu, thật sự dân chủ-tự do-bình đẳng-đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả mọi công dân đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái…
Người có khả năng – bất kỳ là dân thường hay cán bộ, viên chức nhà nước ở trung ương hay địa phương – nếu muốn lo việc nước, đều có quyền ra ứng cử. Cử tri có quyền lựa chọn những người có tài, có đức, thay mặt người dân gánh vác việc nước.
Cuộc tổng tuyển cử đó đã diễn ra trong tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng hết sức khó khăn phức tạp: Đội ngũ cán bộ từ trung ương đến địa phương đều chưa có kinh nghiệm tổ chức, điều hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, nhưng các cấp đều chấp hành nghiêm chỉnh sắc lệnh của chính phủ và hướng dẫn của ban bầu cử trung ương.
Danh sách cử tri và người ứng cử được niêm yết công khai, đúng thời hạn. Số đại biểu được bầu ở từng địa phương được ấn định theo dân số. Nhà nước không qui định cơ cấu đại biểu quốc hội cho từng địa phương. Các công dân nếu xét thấy đủ tiêu chuẩn đức/ tài thì ứng cử. Chính quyền hoặc một tổ chức-đoàn thể chính trị nào được phép lựa chọn hoặc đưa ra dân lấy ý kiến để lựa chọn danh sách người ứng cử tự do.
Người ứng cử hay được dân chúng, đoàn thể đề cử được quyền vận động tranh cử theo qui định của nhà nước. Vì thế số người ứng cử/ đề cử ở các đơn vị bầu cử địa phương thường gấp nhiều lần số đại biểu được bầu (Hà Nội: số đại biểu qui định là 6 và số ứng cử viên là 77. Các địa phương khác cũng tương ứng như vậy).
Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu. Trong đó 57% đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% đại biểu không đảng phái, 87% đại biểu là công nhân, nông dân, tri thức, công thương gia… 10 đại biểu phụ nữ, 34 đại biểu là các dân tộc thiểu số. Phần lớn số đại biểu quốc hội đầu tiên đã hoàn thành xứng đáng nhiệm vụ được nhân dân giao phó trong suốt nhiệm kỳ.
Thắng lợi rực rỡ của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của thể chế dân chủ, tự do của nước ta. Quốc hội đầu tiên là hình ảnh tuyệt vời của Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cả nước.
Một điều mà có người còn hồ nghi là, tại sao theo báo cáo của chính phủ lâm thời rằng sau khi giành được độc lập, gần 95% nhân dân ta bị mù chữ, vậy làm thế nào họ lựa chọn được người đại diện cho mình? Thật ra, đến ngày bầu cử, tình trạng mù chữ của người dân đã được cải thiện tương đối thỏa đáng.
Ngay sau ngày Độc lập, trong phiên họp đầu tiên của hội đồng chính phủ lâm thời, công tác chống đói, chống nạn mù chữ là hai trong sáu nhiệm vụ cấp bách đã được đề ra. Kế tục thành quả của phong trào truyền bá quốc ngữ, một cao trào thanh toán nạn mù chữ đã lan rộng khắp mọi miền đất nước.
Một điểm đáng lưu ý là nhờ sáng kiến của các nhà sáng lập phong trào truyền bá quốc ngữ (Hoàng Xuân Hản, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Hữu Đang…) về cách đọc các phụ âm của chữ Quốc ngữ (như bờ – b, cờ – c, mờ – m, hờ – h…) và cách ghép vần đã giúp cho người học tiếp thu nhanh việc đọc và viết chữ quốc ngữ, số ít người đọc được nhưng viết chưa thạo thì nhờ các thư ký của ban bầu cử viết giúp theo ý mình. Dĩ nhiên các thư ký không phải là đảng viên cộng sản, bởi bấy giờ, đảng cộng sản trong cả nước mới có khoảng 5000 đảng viên!
Ba tháng sau Tổng tuyển cử, Quốc hội được triệu tập kỳ họp thứ I để thực hiện công việc trọng đại: Thành lập chính phủ Liên hiệp Kháng chiến và ban thường trực Quốc hội. Bảy tháng sau, Quốc hội họp kỳ II để nghe báo cáo của chính phủ; bổ sung chính phủ Liên hiệp Kháng chiến; thảo luận dự thảo hiến pháp, tháng 11/1946, Quốc hội ban hành hiến pháp của nước Việt Nam; quyết định chính thức Quốc kỳ và Quốc Ca; chất vấn ban thường trực và chính phủ về vấn đề thuộc các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, nội vụ…
Điểm khá lý thú là các kỳ họp Quốc hội, đại diện các lãnh sự quán Mỹ, Anh, Trung Hoa, Thụy Sĩ đã có mặt trong buổi khai mạc, phóng viên ngoại quốc, trong nước và công chúng được quyền dự thính và chất vấn chính phủ.
Tính chất dân chủ, tự do, bình đẳng, đại đoàn kết toàn dân tộc đã được thể hiện rất đặc sắc trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 và các khóa họp của Quốc hội đầu tiên. Nhưng những tính chất tốt đẹp ấy dần dần đã biến dạng trong các cuộc tổng tuyển cử và quốc hội các khóa kế tiếp, nhất là từ sau năm 1975.
Những lần bầu cử sau năm 1975, người dân đi bầu theo cách “đảng cử, dân bầu”. Danh sách ứng cử viên được trên đề cử, sắp xếp theo cơ cấu đã ấn định sẵn. Hầu như không có tự do ứng cử. Tổ chức Mặt trận Tổ quốc được quyền lựa chọn những ứng cử viên tự do ngoài danh sách của trên. Số lượng người được chọn chiếm tỷ lệ rất ít và cũng do đảng chọn (thông qua MTTQ). Do vậy, cử tri cũng không có quyền lựa chọn người đại diện thật sự cho mình.
Đại biểu quốc hội phần lớn là đảng viên đảng cộng sản. Quốc hội thật ra là bản sao của BCH Trung ương Đảng. Dân gian gọi nôm na là BCH Trung ương Đảng phẩy. Mọi quyết sách lớn của Quốc hội đều được quyết định trong các kỳ họp của BCH Trung ương Đảng, trước khi Quốc hội khai mạc phiên họp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.