Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Trung Quốc lộng hành trên nhiều vùng biển

 

Trung Quốc lộng hành trên nhiều vùng biển

1. Trung Quốc bị phát hiện xây dựng trái phép ở Đá Subi

24/03/2021    15:01 GMT+7

Tuấn Trần

Động thái này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này đang neo đậu hơn 200 tàu tại một rạn san hô tranh chấp khác ở Biển Đông.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn một số bức ảnh vệ tinh được hãng công nghệ không gian Maxar của Mỹ chụp lại gần đây cho thấy, từ 20/2-18/3, Trung Quốc đã xây dựng trái phép ở Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một vùng đất hình chữ nhật có diện tích 2,85 hecta đã xuất hiện ở phần rìa phía nam Đá Subi, bao quanh một đầm phá và có kênh nhỏ cho tàu thuyền ra vào.

Trung Quốc bị phát hiện xây dựng trái phép ở Đá Subi

Hình ảnh Đá Subi hôm 20/2/2021. Ảnh: Maxar

Ngoài ra, một hình tròn xuất hiện trong góc bên khu đất trên có thể là phần móng một tòa tháp hoặc một mái che radome được dùng để bảo vệ ăng-ten radar.

“Điều đáng chú ý là khu đất trên nằm dọc bờ Đá Subi. Đây là một vị trí đa chức năng. Đó có thể là các tòa nhà, trạm quan sát hoặc radar. Khu đất đó có thể cho phép thực hiện các hoạt động ở quy mô lớn, có lẽ thích hợp cho việc hạ cánh trực thăng hay thậm chí là một vị trí triển khai các hệ thống vũ khí di động hoặc các bộ cảm biến”, nhà nghiên cứu Collin Koh làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định.

Trung Quốc bị phát hiện xây dựng trái phép ở Đá Subi

Hình ảnh Đá Subi hôm 18/3/2021. Ảnh: Maxar

Động thái Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Subi diễn ra trong bối cảnh 200 tàu được cho là do dân quân nước này điều khiển đã neo đậu ở một rạn san hô tranh chấp trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana 22/3 tuyên bố rằng “sự hiện diện của đội tàu Trung Quốc trên là hành động khiêu khích quân sự hóa khu vực”.

T.T.

Nguồn: vietnamnet.vn

2. Tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu là hoạt động mở đầu chiếm đóng

24/03/2021 14:35 GMT+7

Bảo Anh

TTO - Chuyên gia Philippines Antonio Carpio nói rằng vụ nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện ở Đá Ba Đầu có thể là hành động mở đầu việc chiếm đóng. Đầu tuần này, Philippines phát hiện 183 tàu Trung Quốc vẫn có mặt ở đây.

Tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu là hoạt động mở đầu chiếm đóng - Ảnh 1.

Tàu Trung Quốc vẫn xuất hiện tại Đá Ba Đầu ngày 22-3-2021 - Ảnh: Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP)

Sau vụ việc nhiều tàu Trung Quốc dàn đội hình tại Đá Ba Đầu, giới chuyên gia Philippines bày tỏ lo lắng về các diễn biến tiếp theo. Ngày 24-3, cựu phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio nói rằng Philippines nên "rất cảnh giác" về những gì diễn ra tại đây, theo Đài ABS-CBN News.

Chuyên gia về luật biển của Philippines nói rằng Trung Quốc không thể neo đậu các tàu dân quân biển tại Đá Ba Đầu "vì nó không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ". Ông cũng nói rằng không có trận bão nào trên biển khiến các tàu này vào đây trú ẩn như phía Bắc Kinh giải thích.

Ông Antonio Carpio nói thêm đây không phải là lần đầu tiên nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện tại Đá Ba Đầu. Cùng thời điểm này vào năm ngoái, cũng có "hàng trăm" tàu Trung Quốc có mặt tại đây.

"Theo tôi thấy, đây là một hành động mở đầu việc chiếm đóng Đá Ba Đầu, giống như những gì họ đã làm với Đá Vành Khăn năm 1995.

Lúc đầu họ nói rằng ngư dân cũng chỉ trú ẩn ở Đá Vành Khăn. Còn giờ thì Đá Vành Khăn đã là căn cứ hải quân và không quân của họ. Họ gọi đó là Trân Châu Cảng của họ ở Biển Đông. Đó là một căn cứ hải không quân to lớn" - ông Antonio Carpio giải thích.

Vị chuyên gia luật hàng đầu Philippines cho biết: "Tôi đặc biệt lo rằng họ sẽ bắt đầu yêu sách, xây dựng trên Đá Ba Đầu giống như những gì họ đã làm trên Đá Vành Khăn".

Ông Antonio Carpio nói rằng hiện không rõ chính xác Trung Quốc sẽ xây dựng gì trên Đá Ba Đầu nếu chiếm đóng. "Chúng ta nên rất cảnh giác về những gì đang diễn ra ở Đá Ba Đầu" - ông nhắc nhở.

Các quan chức Philippines cho biết đã phát hiện khoảng 220 tàu - được cho là do dân quân biển Trung Quốc điều khiển - neo đậu tại Đá Ba Đầu hôm 7-3. Đây là rạn san hô có hình chữ V thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chỉ huy Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Cirilito Sobejana cho biết phát hiện 183 tàu được cho là tàu dân quân biển Trung Quốc vẫn tiếp tục có mặt tại Đá Ba Đầu vào sáng 22-3, tức đầu tuần này.

B.A.

Nguồn: tuoitre.vn

3. Tàu cá TQ "lộng hành" ngay tại sân sau: Mỹ sẽ "đánh dập đầu" tham vọng của Bắc Kinh bằng đòn hiểm?

Tất Đạt | 24/03/2021 11:41 AM

Một tàu Trung Quốc bị Hải quân Ecuador bắt giữ. Ảnh: Juan Cevallos / AFP

Chính phủ Mỹ đã chú ý nhiều hơn đến các đội tàu đánh cá vùng nước sâu trên toàn cầu với số lượng ngày càng tăng của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trung Quốc đánh bắt trái phép quy mô lớn

Theo Axios, một cơ quan tình báo Mỹ đã khuyến nghị Mỹ nên xem xét việc dẫn đầu một liên minh đa phương với các quốc gia Nam Mỹ để đẩy lùi các hoạt động đánh bắt và buôn bán bất hợp pháp của Trung Quốc.

Tài liệu này cho rằng, hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới. Bắc Kinh đã coi việc đánh bắt cá ở vùng nước xa trở thành một ưu tiên địa chính trị, coi các đội tàu đánh cá tư nhân của Trung Quốc là một cách để mở rộng quyền lực ở xa bờ của họ.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ xác nhận với Axios rằng một số cơ quan trong chính phủ đang "xem xét vấn đề này theo các ưu tiên của tổng thống", bao gồm "tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác về những thách thức mà Mỹ phải đối mặt trong lĩnh vực kinh tế và an ninh quốc gia. "

Gần đây, liên tục có những thông tin về việc một đội tàu khổng lồ gồm hàng trăm tàu của Trung Quốc đã đánh cá trái phép trong lãnh hải của các nước Nam Mỹ, bao gồm cả ngoài khơi quần đảo Galapagos.

Hoạt động này đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ và làm gián đoạn chuỗi thức ăn, bị coi là đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo hoặc không được kiểm soát (IUU).

Các quốc gia Nam Mỹ cho rằng các hạm đội này là một thách thức đối với an ninh kinh tế và môi trường của họ, nhưng hải quân các nước thường thiếu nguồn lực để giám sát và tuần tra hiệu quả vùng biển của họ. Năm ngoái, Chile, Colombia, Ecuador và Peru tuyên bố sẽ hợp lực để bảo vệ lãnh hải của mình trước sự xâm phạm của các tàu Trung Quốc.

"Các nước Nam Mỹ có thể sẽ hoan nghênh nỗ lực của liên minh nhằm gia tăng áp lực thương mại đối với Trung Quốc và thực thi các tiêu chuẩn đánh bắt", các quan chức từ Văn phòng Phân tích và Tình báo viết trong một tài liệu ngày 5 /2.

"Áp lực đơn phương của Mỹ có thể sẽ dẫn đến việc Trung Quốc thực thi các biện pháp trừng phạt tương tự, giống như Bắc Kinh đã làm bằng cách ban hành luật mới để chống lại các hạn chế của Mỹ đối với các công ty công nghệ" - một cơ quan tình báo thuộc Bộ An ninh Nội địa cho biết. Một số văn phòng và cơ quan đang hợp tác cùng nhau trong nỗ lực này, bao gồm Cảnh sát biển Mỹ, Văn phòng Tình báo Hải quân, Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ - theo tài liệu và các nguồn tin chính phủ.

Nguy cơ và giải pháp tương lai

Tài liệu này đánh giá với "khả năng cao" rằng việc đánh bắt cá của Trung Quốc trong vùng biển Nam Mỹ cũng sẽ "tiếp tục gây ra thiệt hại kinh tế cho ngành đánh bắt cá nội địa của Mỹ do các chiến thuật cạnh tranh không lành mạnh [của Trung Quốc]."

Tài liệu đánh giá với "khả năng trung bình" rằng Trung Quốc có khả năng "tiếp tục các hoạt động đánh bắt khai thác ở vùng biển Nam Mỹ bất chấp các hành động gần đây của các chính phủ và một tổ chức liên chính phủ nhằm hạn chế các hoạt động này." Có khả năng các nước Nam Mỹ sẽ hoan nghênh một liên minh tăng cường thực thi các tiêu chuẩn đánh bắt.

"Mọi người không hiểu rằng đây là vấn đề toàn cầu, rằng lĩnh vực đánh bắt cá đang khá căng thẳng", quan chức chính quyền cấp cao nói với Axios.

Chính quyền ông Trump "đã bắt đầu một số công việc liên quan tới vấn đề chống IUU trên toàn cầu và về vai trò của Trung Quốc kể từ khi quốc gia này liên tục bị cáo buộc vì các vấn đề liên quan tới đánh bắt cá trái phép".

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trước đây đã kêu gọi xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải, và vào năm 2013, Quốc vụ viện Trung Quốc đã nâng ngành đánh bắt cá lên tầm một ngành chiến lược.

Chính phủ Trung Quốc cung cấp trợ cấp cho ngành đánh bắt cá, tạo điều kiện để tàu thuyền có thể trang trải chi phí nhiên liệu khi đi đến các bờ biển xa xôi, bao gồm cả Tây Phi và Nam Mỹ.

Tabitha Mallory, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Viện Đại dương Trung Quốc và giáo sư tại Đại học Washington cho biết: "Trung Quốc coi các đội tàu biển xa là một cách để thể hiện sự hiện diện bành trướng trên khắp thế giới.

Mục đích của họ là có mặt trên khắp các đại dương trên thế giới để có thể định hướng kết quả của các thỏa thuận quốc tế về tài nguyên hàng hải, không chỉ bao gồm đánh bắt cá mà còn cả khai thác dưới đáy biển, Bắc Cực và các vấn đề khu vực quan trọng khác."

Chính phủ Mỹ đã chú ý nhiều hơn đến các đội tàu đánh cá vùng nước sâu trên toàn cầu với số lượng ngày càng tăng của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Đạo luật Thực thi An ninh Hàng hải và Nghề cá (SAFE), được thông qua vào tháng 12/2019, đã thiết lập "cách tiếp cận của toàn chính phủ" để chống đánh bắt IUU.

Vào tháng 5/2020, Tổng thống Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm chống lại việc đánh bắt cá biển sâu bất hợp pháp và giúp thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ trong ngành.

Vào tháng 9/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bổ sung cá do các đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc đánh bắt vào danh sách hàng hóa được sản xuất bằng "lao động cưỡng bức"

"Các quốc gia khác cũng cần cân nhắc về những vấn đề này", Mallory nói. "Bất cứ điều gì mà Mỹ thực hiện đơn phương đều sẽ bị Trung Quốc coi là một phần của cạnh tranh quyền lực".

T.Đ.

Nguồn: soha.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.