Bản tin ngày 26-3-2021
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Căng thẳng xung quanh khu vực Đá Ba Đầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. VTC đưa tin: Tàu Trung Quốc neo ở đá Ba Đầu không đánh bắt cá. Công ty Simularity ở Mỹ công bố báo cáo kèm theo loạt ảnh vệ tinh cho thấy, số lượng lớn tàu cá TQ đã “neo đậu, đến và đi” xung quanh khu vực bãi Ba Đầu từ giữa tháng 12/2020. Tin cho biết: “Trong khoảng 23-24/3/2021, Simularity đếm được khoảng 200 tàu tại đá Ba Đầu, trong số đó phần lớn có thể là tàu cá, một số có thể là tàu hải cảnh Trung Quốc”.
Cũng theo Công ty Simularity, những hình ảnh vệ tinh được chụp từ tháng 12/2020 cho thấy, các tàu TQ tập trung lực lượng lớn ở Đá Ba Đầu và neo đậu sát nhau, kéo thành hàng dài đến 200m, nên hoạt động đánh cá là bất khả thi. “Số tàu neo đậu giảm nhẹ đầu tháng 2, nhưng số tàu ra vào khu vực vẫn khá đáng kể”.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông có bài: Đang Tập Trung Tại Bãi Ba Đầu Có Thể Là Lực Lượng Dân Quân Bí Mật Của Trung Quốc. Bài viết phân tích chiến thuật sử dụng đội quân gồm các tàu “dân quân biển” của TQ để cướp đảo và xây dựng tiền đồn. Trong thập niên qua, mỗi khi Bắc Kinh lựa chọn một khu vực, “họ đều tăng cường lực lượng với quy mô và cường độ mà các đối thủ không thể theo kịp”. Trong trường hợp này là lực lượng 220 tàu “dân quân biển”, tạo thành “vòng vây” xung quanh khu vực Đá Ba Đầu, khiến tàu của Philippines không thể lại gần.
Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà viết: “Nhiều phân tích cho rằng, khả năng Trung Quốc đang có kế hoạch chiếm giữ thường xuyên khu vực đá Ba Đầu giống như những gì từng làm với bãi cạn Scarborough; tiến đến việc kiểm soát hoàn toàn Ba Đầu và vùng nước xung quanh. Và nhiều suy đoán khác, hướng tới khả năng Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc nạo vét và bồi đắp đảo nhân tạo tiếp theo như từng làm ở đá Vành Khăn”.
Bà Trà chia sẻ clip ở hiện trường do ngư dân ghi lại, có hình ảnh của tàu TQ án ngữ khu vực Đá Ba Đầu:
Philippines quan ngại về sự hiện diện của nhiều tàu Trung Quốc ở Biển Đông, VOV đưa tin. Trong cuộc gặp với Đại sứ TQ tại Manila hôm qua, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài, đã bác bỏ yêu sách liên quan đến “đường chín đoạn” của TQ. Ông Duterte nói thêm, bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ lo ngại trước sự xuất hiện của hơn 200 tàu TQ tại một khu vực trên Biển Đông và Philippines sẽ bảo vệ lãnh thổ phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và phán quyết năm 2016.
Hôm qua, Liên đoàn Ngư dân Nhỏ Philippines Pamalakaya lên tiếng bày tỏ lo ngại về hoạt động đánh bắt cá của họ tại ngư trường truyền thống khi có quá nhiều tàu TQ vây quanh. Ông Fernando Hicap, Chủ tịch Liên đoàn, cho biết, ngư dân từ các tỉnh Palawan, Batangas, Mindoro thường xuyên đánh bắt cá tại vùng biển này nhưng đã không dám mưu sinh tại nơi các tàu TQ neo đậu bất thường từ ngày 7/3.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Lo ngại về tàu Trung Quốc ở Biển Đông. TS Satoru Nagao, học giả tại Viện Hudson của Mỹ nhắc lại vụ TQ cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough cũng bằng tàu “dân quân biển”, cùng với hành động quân sự hóa ở các nơi khác trên Biển Đông, lưu ý về kế hoạch xây dựng một “vạn lý trường thành” trên biển của TQ.
Ông Gregory Poling, GĐ chương trình AMTI, thuộc Trung tâm CSIS của Mỹ cũng xác nhận thông tin, các tàu dân quân biển của TQ đã xuất hiện thường xuyên tại đá Ba Đầu ít nhất từ năm ngoái: “Dường như đây trở thành nơi neo đậu ưa thích của Trung Quốc khi họ hoạt động xung quanh cụm Sinh Tồn… Có vẻ họ đang cố gắng thiết lập quyền kiểm soát thực tế đối với các vùng biển quanh Sinh Tồn, giống như cách họ có ở những nơi như bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây hay cụm bãi Luconia”.
VOV đưa tin: Nhật Bản và Indonesia chuẩn đối thoại 2+2. Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi thông báo, cuộc hội đàm cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng giữa Nhật Bản và Indonesia sẽ được tổ chức tại Tokyo vào ngày 30/3 tới. Các bộ trưởng sẽ tập trung trao đổi tình hình khu vực, bao gồm các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, với ý đồ “mở rộng” biển của TQ.
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt khi đang ở hải phận nước mình? Liên quan tới vụ Indonesia bắt giữ 2 tàu cá của ngư dân VN vào ngày 18/3, bà Trần Thị Bích Liên ở Vũng Tàu cho biết, đến sáng nay mới liên lạc được với chồng là ông Trần Hùng Dũng, là chủ, kiêm thuyền trưởng tàu BV 4419TS. Bà Liên đã gửi vài chục triệu đồng sang Indonesia cho chồng và các bạn ghe để ăn uống vì đang bị giam giữ.
Chồng bà Liên kể, khi thấy tàu mang số hiệu 8001 của Indonesia xuất hiện, hai tàu cá của VN đã nổ máy chạy sâu vào vùng biển VN. Nhưng tàu của Indonesia đã thả hai cano đuổi theo và bắt kịp chỉ sau 10 phút và áp giải các ngư dân về tàu 8001. Bà Liên khẳng định, lúc bị tàu chấp pháp của Indonesia bắt, tàu của gia đình đang đánh cá ở tọa độ 6047’37″ vĩ độ Bắc – 109033’41″ kinh độ Đông, là vùng biển thuộc chủ quyền của VN.
Mời đọc thêm: Nhiều nước lên tiếng trước thông tin hơn 200 tàu Trung Quốc tập trung ở Trường Sa của Việt Nam (TĐ). – Hà Nội chỉ trích Bắc Kinh ‘làm phức tạp tình hình’ tại đá Ba Đầu (NV). – Hơn 200 tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu: Việt Nam phản đối, Philippines điều tàu chiến đến (RFI). – Chuyên gia: Bắc Kinh thu thập dữ liệu phi pháp tại Biển Đông (PLTP). – Đô đốc Aquilino: TQ coi chiếm Đài Loan là ‘ưu tiên số một’ (BBC). – EU quyết ngăn chặn Trung Quốc gây bất ổn ở Biển Đông? (TN).
Quan hệ Việt – Trung
Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, nhưng chính quyền VN vẫn kỷ niệm 71 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, VOV đưa tin. Hôm nay, tại Bắc Kinh, Đại sứ quán VN long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 71 năm, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao VN – TQ. Phía TQ cử Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Giang Hạo và một số đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp sở tại đến tham dự.
Đại sứ VN Phạm Sao Mai nói, trước thềm xuân Tân Sửu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã có cuộc “điện đàm quan trọng” vào ngày 8/2, đưa ra định hướng lớn về phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện VN – TQ trong thời gian tới. Cho nên, Tổng Trọng mới nói phải xử lý vấn đề Biển Đông “hết sức tế nhị” khi phát biểu khai mạc Kỳ họp 11, QH 14.
Mời đọc thêm: Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 71 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào khi căng thẳng tại Biển Đông tiếp diễn(RFA). – Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng hàng đầu của Trung Quốc (Sputnik). – Mỹ cứng rắn với Trung Quốc, Việt Nam vừa mừng vừa lo — Tổng thống Mỹ: “Không để cho Trung Quốc thống lĩnh thế giới” (RFI). – Ông Biden khẳng định sẽ ngăn Trung Quốc vượt Mỹ (TT).
Tin chính trường
Ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp 11 QH khóa 14 diễn ra với các màn đối đáp vô thưởng vô phạt giữa các “nghị gật”. Trang Kinh Tế Đô Thị dẫn lời Đại biểu Quốc hội: “Cử tri hỏi chúng tôi việc lấy phiếu tín nhiệm mang tính chất hình thức hay không?” ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nói: “Chúng tôi cũng nhận được câu hỏi của người dân là ông bà có nhận thấy việc lấy phiếu tín nhiệm mang tính chất hình thức hay không? Tôi hiểu và cảm nhận được rằng, đằng sau câu hỏi đó là sự băn khoăn, lo lắng của người dân. Có lẽ cử tri chờ đợi điều gì đó nhiều hơn thế”.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Cần xem lại việc làm luật, chất lượng đại biểu. ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhận định, cần đánh giá lại công tác làm luật, cần bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp thực tiễn, dễ hiểu, tránh chồng chéo. Còn ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, nếu giao cho Chính phủ soạn thảo luật sẽ khó bảo đảm tính khách quan. Chất lượng làm luật cũng chưa được bảo đảm, có những dự thảo luật đi từ dự thảo lần thứ nhất đến lần cuối nhưng không thay đổi bao nhiêu.
Nhiệm vụ làm luật là của cơ quan lập pháp, sao Quốc hội lại để cho Chính phủ (là cơ quan hành pháp) soạn thảo luật? Chính phủ soạn luật để chính phủ thi hành, thì những luật đó phục vụ Chính phủ, không phục vụ “ý chí và nguyện vọng của dân”, như Quốc hội đại diện.
Báo Người Lao Động có bài: ‘Trải lòng’ của ông Dương Trung Quốc sau 20 năm làm đại biểu Quốc hội. Nghị Quốc đặt ra câu hỏi tương đối nhạy cảm: “Nhưng người dân làm sao giám sát được đại biểu QH của mình chính kiến như thế nào để có thể tín nhiệm?” Ông Quốc vẫn là “quân xanh” của chế độ, với một số phát biểu dân túy, như ông từng có phát biểu ủng hộ người dân Đồng Tâm ngay tại nghị trường, làm dân vỗ tay ầm ầm khen ông. Lần này ông không nằm trong danh sách được “đặc cách” ở lại như ông Lưu Bình Nhưỡng, mà phải “về vườn làm người tử tế”.
Mời đọc thêm: Không giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến nguy cơ “tham nhũng chính sách” (LĐTĐ). – Đại biểu Quốc hội đề xuất đánh giá lại các mức lấy phiếu tín nhiệm » Báo Phụ Nữ Việt Nam (PNVN). – ĐB Quốc hội đề xuất lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ (TQ). – Đại biểu Dương Trung Quốc trải lòng sau 20 năm tham gia Quốc hội (ĐT). – ĐBQH Dương Trung Quốc: ‘Mong một ngày không xa, người dân được vào nhà Quốc hội’ (VTC). Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng qua đời (VNN). – Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng qua đời(TP).
Đại án hoán đổi “đất vàng”
Diễn biến mới vụ án nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài: Tòa trả hồ sơ, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Sau một ngày tạm hoãn phiên tòa, chiều nay, TAND TP HCM quyết định trả hồ sơ vụ án hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng, lấy nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, liên quan đến cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài và nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp, GĐ Công ty BĐS Diệp Bạch Dương.
HĐXX thừa nhận, đã xuất hiện nhiều chứng cứ, tình tiết mới chưa được làm rõ tại tòa, có sự mâu thuẫn giữa các bằng chứng mới được công bố với “bằng chứng” do Sở TN&MT thành Hồ giao cho cơ quan công tố trước đó. HĐXX quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKSND tối cao điều tra bổ sung một số vấn đề về vụ thế chấp tài sản 57 Cao Thắng.
Cùng với quyết định trả hồ sơ, tòa yêu cầu điều tra lại 8 điểm vụ Dương Thị Bạch Diệp, theo báo Pháp Luật TP HCM. Thứ nhất, mâu thuẫn về mặt thời gian giữa hồ sơ công chứng thế chấp và hợp đồng thế chấp. Thứ 2, thời gian không khớp trong tài liệu của Sở TN&MT thành Hồ về việc cập nhật quyền sở hữu tài sản 57 Cao Thắng. Thứ 3, văn bản thỏa thuận 3 bên giữa Agribank, Công ty Diệp BạcH Dương và Công ty Phan Thành. Thứ 4, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 57 Cao Thắng.
Kế đến, điểm thứ 5 là giám định lại chữ ký của bà Diệp trên các văn bản, biên nhận, chứng từ, nhất là các giấy tờ mà bà Diệp cho là đã bị làm giả. Thứ 6, Agribank cung cấp một số giấy tờ phù hợp với cáo trạng luận tội, nhưng bà Diệp cung cấp được chứng cứ cho thấy điều ngược lại. Thứ 7, làm rõ quá trình hoán đổi đất. Thứ 8, đối chất lại lời khai.
VnExpress có bài: Vụ án bà Diệp Bạch Dương ‘có dấu hiệu bỏ lọt tội’. HĐXX thừa nhận, đối với cáo trạng buộc tội của VKS, bà Diệp và LS Phan Trung Hoài đã cung cấp được các bằng chứng, lập luận cho thấy các điểm mâu thuẫn. Đại diện Agribank và Sở TN&MT TP HCM cung cấp các “bằng chứng” phù hợp với cáo trạng của VKS, nhưng LS Hoài đã đưa ra các chứng cứ khác cho thấy điều ngược lại, thậm chí có lời khai chống lại bà Diệp có dấu hiệu được dàn dựng.
Vụ án hoán đổi “đất vàng” số 57 Cao Thắng thật ra có quy mô, ảnh hưởng không lớn nếu đem so với các đại án gây thiệt hại đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ ở thành Hồ. Ban đầu, HĐXX dự định chỉ xử vụ này trong một tuần, bắt đầu từ ngày 15/3, nghĩa là lẽ ra phiên tòa đã kết thúc đầu tuần này, ngày 22/3. Nhưng bà Diệp và LS Hoài đã “bẻ” được các quan điểm buộc tội của VKS.
Từ lúc bắt đầu phiên tòa, bà Diệp đã nhiều lần bày tỏ sự bất tín vào các bằng chứng buộc tội do VKS đưa ra. Bà Diệp và LS Hoài không nói suông mà nhiều lần đưa ra các chứng cứ, lập luận để phản biện, nhưng tất cả đều bị VKS bác bỏ, HĐXX thì hầu như phớt lờ. Chỉ đến khi LS Hoài đưa ra văn bản thỏa thuận 3 bêngiữa Agribank – Công ty Diệp Bạch Dương – Công ty Phan Thành vào chiều 24/3, mọi chuyện bắt đầu thay đổi, bằng chứng quá rõ đã được các báo “lề phải” đưa tin, nên HĐXX không thể làm ngơ nữa.
Trong các phiên tòa liên quan đến chiến dịch “đốt lò”, các cựu quan chức bị đưa ra xử thường không dám phản kháng tới cùng. Cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng là trường hợp phản biện nhiều nhất, nhưng vì không đưa ra được bằng chứng nên 6 lần ra tòa đều có kết quả như nhau, lời ông Thăng nói không thay đổi được gì. Phiên tòa xử 2 cựu Bộ trưởng 4T Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn hay các phiên tòa “đốt lò” ở miền Nam xử các cựu Phó Chủ tịch thành Hồ là Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài… cũng tương tự.
Riêng phiên tòa lần này diễn biến trái ngược với hầu hết các vụ “đốt lò” trước đó, HĐXX chấp nhận trả hồ sơ, điều tra lại. Mấu chốt là sự kháng cự của bà Diệp, bà không phải là cựu quan chức của chế độ nên tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình tới cùng. Dù bị VKS, đại diện Agribank và Sở TN&MT thành Hồ cùng gây sức ép, bà Diệp và LS Hoài kiên trì phản biện từng luận điểm buộc tội, thậm chí đưa ra được chứng cứ để “bẻ” ngược lại vấn đề.
Bà Diệp nói thẳng: “Tôi không tin tài liệu của cơ quan điều tra”. Báo Thanh Niên có clip ghi lại lời của bà Diệp: “Tôi không tin vào tài liệu do cơ quan điều tra cung cấp”.
Còn các cựu quan chức thành Hồ thì vẫn bị động y như các vụ trước, gật đầu và chấp nhận hầu hết các quan điểm buộc tội của cơ quan công tố. Nếu không có bà Diệp thì khả năng họ đã nhận án ngay từ đầu tuần này, bởi vì họ không dám phản lại chính cái chế độ mà họ đã hưởng lợi lộc và rồi họ trở thành nạn nhân của chế độ.
Mời đọc thêm: Vụ hoán đổi đất công ở TP HCM: Tòa án nói về những tài liệu, chứng cứ gây tranh cãi (NLĐ). – Phan Thành xuất hiện có làm thay đổi vụ án bà Dương Thị Bạch Diệp? (Zing). – Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ nữ “đại gia” Dương Thị Bạch Diệp (VOV). – Vì sao tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án bà Dương Thị Bạch Diệp?(DNVN). – Tòa trả hồ sơ vụ bà Dương Thị Bạch Diệp để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm(SGGP). – Chưa thể kết tội ‘đại gia’ Bạch Diệp và cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài(TP). – Tranh cãi thời điểm công chứng vụ bà Bạch Diệp (PLTP).
***
Thêm một số tin: ‘Thế lực thù địch’ của Hoàng Minh Tường, một góc nhìn vào xã hội VN hôm nay (BBC). – Blogger Nguyễn Tường Thụy vẫn chưa được gặp người thân dù đã đi thi hành án tù (RFA). – Bộ trưởng Y tế: ‘Nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4’ (VNE). – Miến Điện: Trụ sở đảng của bà Aung San Suu Kyi bị ném bom xăng — Thế giới quay lại mô hình lưỡng cực : Trung Quốc và Nga liên kết đối phó với phương Tây (RFI).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.