Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Lịch sử “cầm nhầm” thêm trang mới?

 

Lịch sử “cầm nhầm” thêm trang mới?

Vũ Kim Hạnh

31-3-2021

Áo dài, nón lá Việt Nam bị nhận là của Trung Quốc (tại Tuần lễ thời trang Xuân Hè 2019 của TQ. Ảnh trên báo Đảng China daily của TQ

Hôm nay 31/3/2021, UNESCO khóa sổ danh sách đề cử di sản văn hóa phi vật thể. Món súp tôm chua cay – tom yum kung – được chính phủ Thái Lan đề cử vào danh sách của UNESCO. Người ta còn nhớ, mới năm 2019, CPC đã đăng ký đưa món hủ tiếu Nam Vang – num banh chok – vào danh sách đề cử nhằm CẠNH TRANH VỚI MÓN PHỞ CỦA VIỆT NAM và món súp tôm chua cay nổi tiếng của người Thái – tờ trình của Bộ Du lịch Campuchia viết (CPC không thành công).

Cạnh tranh để giành thắng lợi vậy cũng là chuyện thường tình. Còn cứ giành “tài sản” dù phi vật thể của nước khác là của mình, cứ “cố ý cầm nhầm” của nước khác, thích là tuyên bố của mình tất tần tật mọi thứ trong thiên hạ, ấy mới là chuyện ly kỳ.

Mới đây, tờ Korean Herald của Hàn Quốc đã đăng bài về sự tức giận của người Hàn, trước chiến dịch mới của TQ là tuyên bố rằng Samgyetang – một loại súp gà hầm nhân sâm truyền thống của Hàn Quốc là của mình. Tờ Korean Harald cho biết: Người dân Hàn Quốc đã thấy rất mệt mỏi trước sự chiếm đoạt và khiêu khích văn hóa của nước láng giềng.

Trên công cụ tìm kiếm Baidu hôm 30/3, món ăn samgyetang được mô tả là nước súp gà có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc và sau đó mới được truyền vào Hàn Quốc. Baidu cũng nói rằng món súp này sau đó đã trở thành món ăn biểu trưng được các thành viên hoàng tộc ở xứ này ưa chuộng.

Theo Cơ quan phát triển nông thôn Hàn Quốc, người dân nước này bắt đầu nấu súp gà ít nhất là từ triều đại Joseon. Samgyetang là món phổ biến đối với nhà giàu Hàn Quốc trong giai đoạn nước này là thuộc địa của Nhật Bản và giới nhà giàu thường ăn súp gà cùng với bột nhân sâm. Thập niên 1960, người bình dân có tiền hơn để nấu món này.

Giáo sư Seo Kyung-duk của Đại học Nữ giới Sungshin đã gửi email đến Baidu, thúc giục trang này sửa đổi những thông tin sai lệch về món súp.

Baidu đã khuấy động sự tranh cãi bằng cách bóp méo lịch sử rằng món samgyetang là của họ, như năm ngoái, họ ngang nhiên nhận Kim chi của Hàn Quốc là của họ. Tôi đã lập tức gửi email đến Baidu nói rõ: ‘Trung Quốc thậm chí không biết sử dụng Hệ thống hài hòa (HS) – tức tên quốc tế và các chữ số dùng cho các sản phẩm thương mại – cho món samgyetang. Trong khi đó, Hàn Quốc đã có mã số cho món này – đó là 1602.32.1010’.”

Về các món ẩm thực, là thứ không thể cho vào tủ kính để trưng hay đem triển lãm để bán vé vào cửa mà họ cũng muốn chiếm đoạt thì phải thấy là lòng tham đã lên tới đỉnh đầu. Nhớ lại, thành tích về “cầm nhầm” đã khá dài:

– Nhận vải Batik của Indonesia là của mình;

– Áo dài và nón lá của Việt Nam cũng là của mình;

– Món Kim Chi của Hàn Quốc là của mình;

– Nay đến món súp gà hầm nhân sâm của Hàn Quốc cũng là của ông nốt.

Việt Nam thì đã thấm thía tận xương về cái tính cầm nhầm của ông, bằng súng đạn luôn với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Có điều rất lạ, có một danh hiệu đang được cả thế giới cùng thống nhất, dành cho họ thì ông ra sức chối, nhất định không chịu nhận: DIỆT CHỦNG (với người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương). Và đang có một “đệ tử ruột” mà ông Tập từng công bố là “anh em một mẹ”, đang làm rất tốt món DIỆT CHỦNG này là quân đội Myanmar, thì cả thế giới cũng đang lên án, ông cũng chối đẩy đẩy là không liên quan, không phải tôi, không phải tôi.

Cầm nhầm khôn cha đời là vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.