Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 50)
Hồ Bạch Thảo
27-3-2021
Tiếp theo phần 1-49
50.- Vua Trần Dụ Tông [1341-1369]
Niên Hiệu: Thiệu Phong [1341-1357], Đại Trị [1358-1369]
Vua Hiến Tông lên ngôi lúc 13 tuổi, mất năm 23 tuổi; trị vì 11 năm thì mất. Năm 1341, Thượng hoàng Minh Tông bèn cho con thứ của bà chánh cung Huệ Từ hoàng thái hậu tên là Hạo, mới 6 tuổi lên nối ngôi; xưng là Dụ Hoàng, tức vua Dụ Tông. Vua Dụ Tông trị vì được 29 năm, dùng 2 niên hiệu Thiệu Phong và Đại Trị.
Tháng 8 năm Thiệu Phong thứ nhất [12/9 đến ngày 10/10/1341] (triều Nguyên, Chí Chính năm thứ nhất); sai Nguyễn Trung Ngạn và Trương Hán Siêu biên soạn Triều Điển và Hình Thư.
Tháng 3 năm Thiệu Phong thứ 2 [6/4 đến 4/5/1342] (Nguyên, Chí Chính năm thứ 2) xét duyệt các quan văn võ và những kẻ bị lưu đày.
Tháng 4 [5/5 đến 3/6/1342], bổ dụng Cung Tĩnh vương là Nguyên Trác làm Thái Uý.
Tháng 5 [4/6 đến 2/7/1342], sứ Chiêm Thành sang. Chúa Chiêm Thành là Chế A Nam mất, con rể là Trà Hoà Bố Để tự lập làm chúa, sai sứ sang cáo phó.
Theo chế độ nhà Trần trước kia, cho Thượng thư sảnh quản lãnh cấm quân, nay cải đổi giao cho viện Xu mật đảm trách:
“Tháng 7 [2/8 đến 31/8/1342], mùa thu. Tôn Huệ Từ thái thượng hoàng hậu làm hoàng thái hậu. Bổ dụng Nguyễn Trung Ngạn làm Hành khiển, quản trị công việc viện Xu Mật. Theo chế độ cũ, cấm quân thuộc vào Thượng thư sảnh; đến đây, cho viện Xu Mật quản lĩnh. Trung Ngạn tuyển đinh tráng các lộ sung vào ngạch cấm quân hiện khuyết, đặt ra sổ sách để ghi chép. Viện Xu Mật quản lĩnh cấm quân bắt đầu từ đấy”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
Ngày mồng 1, tháng 4, năm Thiệu Phong thứ 3 [25/4/1343] (Nguyên, Chí Chính năm thứ 3), nhật thực. Đại hạn từ tháng 5 đến suốt tháng 6; xuống chiếu tha cho một nữa thuế đinh năm nay. Tháng 11 [18/11 đến 17/12/1343], mất mùa, đói kém; dân gian phần nhiều người nổi lên làm trộm cướp, nhất là gia nô các nhà vương hầu.
Tháng 2 năm Thiệu Phong thứ 4 [15/2 đến 14/3/1344] (Nguyên, Chí Chính năm thứ 4), Ngô Bệ người huyện Trà Hương, tức huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương ngày nay, làm phản; vua sai quân đi đánh tan giặc:
“Tháng 2, mùa xuân. Giặc cướp khởi lên ở huyện Trà Hương. Người huyện Trà Hương là bọn Ngô Bệ họp tập nhiều người ở núi Yên Phụ khởi lên làm giặc cướp. Nhà vua sai quân đi bắt. Bọn Ngô Bệ liền trốn tránh tan rã”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
Tháng 5, năm Thiệu Phong thứ 5 [1/6-29/6/1345] (Nguyên, Chí Chính năm thứ 5), cho thi Thái học sinh. Phép thi: Viết ám tả cổ văn và làm bài kinh nghĩa, thơ phú. Cương Mục ghi lời cẩn án rằng: “Phép thi nhà Trần có bốn kỳ, đây không nói đến kỳ thi văn sách, hoặc bấy giờ đổi lại hay là Sử cũ bỏ sót, sẽ đợi khảo sau”.
Triều đình nhà Nguyên sai Vương Sĩ Hành sang hỏi địa giới cột đồng Mã Viện chôn ngày trước. Tháng 8 [28/8 đến 25/9/1345], nhà vua sai danh sĩ Phạm Sư Mạnh, người huyện Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương, sang triều Nguyên biện bạch việc này.
Ngày mồng một, tháng 2 năm Thiệu Phong thứ 6 [23/2/1346] (Nguyên, Chí Chính năm thứ 6), nhật thực. Sai sứ sang Chiêm Thành; nước này từ khi Bố Để tự lập làm chúa, không sang triều cống; nhà vua sai Phạm Nguyên Hằng sang hỏi, bấy giờ Chiêm Thành lại sang cống, lễ vật rất là đơn bạc. Tháng 5 [22/5 đến 19/6/1346], nước Ai Lao cướp ngoài biên giới; nhà vua sai Bảo Uy vương là Hoàn đi đánh, phá tan được. Tháng 9 [16/9 đến 14/10/1346], bổ dụng Phạm Sư Mạnh giữ Bạ thư, kiêm chức Xu mật tham chính.
Ngày mồng một, tháng giêng năm Thiệu Phong thứ 7 [11/2/1347] (Nguyên, Chí Chính năm thứ 7), nhật thực. Tháng 6, Bảo Uy vương là Hoàn có tội; truất ra làm Phiêu Kỵ tướng quân ở Diễn Châu, rồi sai người giết đi:
“Trước đây, thuyền buôn người nhà Tống sang, dâng một tấm vải ‘hỏa cán’ [loại vải không cháy], nhưng vẫn để dành làm của quý: sau đem may áo cho vua, nhưng vì hơi ngắn, nên xếp để ở kho nội phủ. Hoàn tư túi với cung nhân lấy trộm. Một hôm, Hoàn vào chầu, tâu việc ở trước mặt vua, cửa tay áo bị hở ra; Thượng hoàng trông thấy, lấy làm nghi, sai kiểm lại xem, quả nhiên cái áo cất khi trước đã mất rồi. Cung nhân lẻn ra đem áo ấy về dâng nộp. Thượng hoàng giận lắm, truất Hoàn ra ngoài biên trấn. Khi Hoàn đi đến sông Trinh Nữ (1), Thượng hoàng sai vũ sĩ chở chiếc thuyền nhỏ đuổi theo, giết đi”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
Tháng giêng năm Thiệu Phong thứ 8 [31/1 đến 28/2/1348] (Nguyên, Chí Chính thứ 8); bổ dụng Đỗ Tử Bình làm Thị giảng. Trọng dụng Đỗ Tử Binh có liên quan đến việc vua Trần Duệ Tông bị hãm trận tại thành Đồ Bàn. Vì khi vua bị phục kích, Đỗ Tử Bình cầm bậu quân, đã không điều binh đến cứu. Do đó sử gia Ngô Sĩ Liên cho rằng việc tiến cử Đổ Tử Bình là nguyên nhân phục sẵn, đưa đẩy đến cái chết của vua Duệ Tông, rồi cơ nghiệp nhà Trần sụp đổ:
“Nước đến khi sắp mất, tất nhiên trời sinh ra một người để mà phá hoại. Việc Tử Bình được tiến cử, là lúc mối hấn khích ở biên giới Nhật Nam đã chớm nảy nở, cái nguy cơ tai họa của Duệ Tông đã ngấm ngầm phục sẵn, mà từ đó, dần dần gây ra mối suy sụp cho cơ nghiệp nhà Trần”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
Tháng 5 năm Thiệu Phong thứ 9 [18/5 đến 15/6/1349] (Nguyên, Chí Chính thứ 9) nước Qua Oa [Java] đem vật phẩm địa phương sang cống và dâng chim anh vũ biết nói. Tháng 10 [11/11 đến 10/12/1349], lập Trần Thị làm Hoàng hậu; Hậu là con gái Huệ Túc vương Đại Niên, nay lập thành Nghi Thánh hoàng hậu.
Ngày mồng một, tháng 11 [11/12/1349] nhật thực; bắt đầu đặt chức Sát Hải sứ và Bình Hải quân ở Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay; vì nơi này sản xuất nhiều ngọc trai:
“Trước kia, về thời nhà Lý, thuyền buôn của các nước ngoài đến nước ta đều đi từ các cửa biển Diễn Châu đi vào; đến nay, lòng sông cạn, thuyền buôn dời đến tụ tập ở hải trang Vân Đồn. Lúc ấy có nhiều người mò trộm ngọc trai bán cho thuyền buôn, vì thế đặt quan quân để trấn thủ địa phương này”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
Tháng giêng năm Thiệu Phong thứ 10 [7/2 đến 8/3/1350] (Nguyên, Chí Chính thứ 9); người nhà Nguyên là Đinh Bàng Đức sang quy phụ nước ta. Khi bấy giờ, nước Nguyên loạn, bốn phương giặc cướp như ong, các quan lại không thể chế ngự được. Có người phường trò, tên là Đinh Bàng Đức, đem cả gia quyến sang quy phụ ta, được nhà vua dung nạp. Người nước ta tập trò leo dây bắt đầu từ đấy.
Tháng giêng năm Thiệu Phong thứ 11 [28/1 đến 25/2/1351] châu Thái Nguyên thuộc tỉnh Thái Nguyên ngày nay và lộ Lạng Giang thuộc tỉnh Lạng Sơn; giặc cướp nổi dậy, triều đình mang quân dẹp yên ngay. Ngày mồng một, tháng năm [21/5/1351], có nhật thực.
Tháng 7 [24/7 đến 21/8/1351], dùng Trương Hán Siêu làm Tham tri chính sự. Tháng 11 [20/11 đến 18/12/1351], duyệt cấm quân ở điện Thiên An. Nhà vua ngự ở điện Thiên An để duyệt cấm quân, cho Nguyễn Trung Ngạn mặc áo chiến bào, đội khăn quan võ, đeo cái nghiên thành gỗ vuông bốn cạnh và thếp vàng (lăng kim nghiễn), đi duyệt binh, nhận xét kẻ hơn, người kém.
Tháng 3 năm Thiệu Phong thứ mười hai (17/3 đến 14/4/1352), Hoàng thân Chiêm Thành là Chế Mỗ chạy sang ta:
“Trước kia, vua Chiêm Thành là Chế A Nan khi còn sống, con là Chế Mỗ làm bố điền (2), con rể là Trà Hoà Bố Để làm bố đề (3), hễ Bố Để nói câu gì hoặc bàn kế gì, chúa Chiêm cũng đều nghe theo. Khi nào Chế Mỗ phải quở trách, Bố Để lại liệu bài gỡ cho. Bề ngoài Bố Để làm ra thân thiết với Chế Mỗ, nhưng bề trong thì ngầm gây bè đảng, mua chuộc người trong nước, thế mà Chế Mỗ vẫn không biết. Kịp lúc A Nam mất rồi, người trong nước không theo Chế Mỗ. Bố Để mới đuổi Chế Mỗ mà tự lập làm vua. Đến đây Chế Mỗ chạy sang ta, dâng một con ngựa bạch, một con voi trắng, một con kiến càng khổng lồ, dài một thước chín tấc (*) và các đồ sản vật địa phương, cầu xin dung nạp”. Cương Mục,Chính Biên, quyển 10.
Tháng 7 [10/8 đến 8/9/1352], có thủy tai lớn; nước lên to, vỡ đê Bát, Khối; tức đê các xã Bát Tràng, Thổ Khối, thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay; lúa bị ngập.
Tháng giêng năm Thiệu Phong thứ 13 [5/2 đến 5/3/1353], xuống chiếu cho các vương hầu chế tạo chiến cụ, rèn luyện quân sĩ. Dùng Cung Định vương Phủ làm Hữu Tướng quốc.
Tháng 6 [1/7 đến 30/7/1453], dùng quân đội đưa Chế Mỗ về nước Chiêm Thành. Bộ binh đến Cổ Lũy (4), thủy quân tải lương không kịp, bèn trở về. Chế Mỗ ở lại nước ta, chưa được bao lâu thì chết.
Tháng 9 [28/9 đến 27/10/1353], nước Chiêm Thành vào cướp Hóa Châu; quan quân đi đánh, bất lợi; nhà vua sai Trương Hán Siêu quản lĩnh quân đội, trấn giữ Hóa Châu:
“Vua nước Chiêm là Bố Để thấy việc đưa Chế Mỗ về không thành, lại càng kiêu rông ngang ngạnh, liền vào lấn cướp đất Hóa Châu. Nhà vua vời Hán Siêu đến bàn mưu; Hán Siêu thưa rằng: ‘Vì không nghe lời tôi nói, nên đến nỗi thế’. Bấy giờ vua mới sai Hán Siêu quản lĩnh các quân Thần Sách, đi trấn thủ Hóa Châu”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng 2 năm Thiệu Phong thứ 14 [24/2 đến 24/3/1354], Trần Hữu Lượng tại Trung Quốc nổi dậy chống triều Nguyên, gửi sứ giả đến biên giới xin giao hảo với nước ta. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép Hữu Lượng là con của Trần Ích Tắc:
“Mùa xuân, tháng 2, quan trấn giữ biên giới phía bắc cho chạy trạm tâu việc Trần Hữu Lượng nước Nguyên dấy binh, sai sứ sang xin hòa thân (Hữu Lượng là con Trần ích Tắc)”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 7, trang 17a.
Về điểm Toàn Thư chép rằng Trần Hữu Lượng là con Trần Ích Tắc, cần phải xét lại, bởi 2 lẽ:
Thứ nhất, Minh Sử chép: “Trần Hữu Lượng là con người đánh cá thuộc đất Miện Dương [Hồ Bắc], vốn họ Tạ, tổ tiên làm rễ họ Trần, nên dùng họ này”. Minh Sử quyển 123.
(陳友諒,沔陽漁家子也。本謝氏,祖贅于陳,因從其姓)
Thứ hai, Tục Tư Trị chép vào năm 1329, Trần Ích Tắc tại Nguyên mất, được sắc phong Vương; thời điểm này Trần Hữu Lượng 9 tuổi, [1320年-1363]; nếu y là con Ích Tắc, lúc này cha y được sủng ái nhận tước Vương, không thể bỗng dưng đi làm giặc:
“Tháng 7 nhuần năm Chí Thuận thứ nhất, Quốc vương An Nam Trần Ích Tắc mất vào năm Thiên Lịch thứ 2 [1329] tại phủ Hán Dương. Ngày Đinh Dậu ban chế tặng Khai phủ nghi đồng tam ty, Bình chương chính sự hành tỉnh Hồ Quảng, tước Vương như cũ thụy Trung Ý”. Tục Tư Trị quyển 206.
(安南國王陳益稷,以天曆二年卒於漢陽府。丁酉,制贈開府儀同三司、湖廣行省平章政事,王爵如故,諡忠懿。)
Năm này trong nước có nhiều thiên tai, mất mùa đói kém; nên giặc giã nổi lên nhiều nơi; danh sĩ Tham tri chính sự Trương Hán Siêu mất:
“Ngày mồng một, tháng 3 năm Thiệu Phong thứ 14 [25/3 đến 23/4/1354] Nhật thực. Ở Lạng Châu và Nam Sách, giặc cướp nổi dậy. Năm bấy giờ đói kém. Dân gian khổ về giặc cướp. Có kẻ tên là Tề, tự xưng là cháu ngoại Hưng Đạo đại vương, tụ họp những kẻ đi trốn trong số các gia nô của các nhà vương hầu, nổi lên làm giặc cướp, cướp bóc các vùng Lạng Giang và Nam Sách [Hải Dương].
Tháng 9 [17/9 đến 16/10/1354], có nạn sâu cắn lúa. Xuống chiếu xá một nửa thuế ruộng. Tháng 11 [15/11 đến 14/12/1354], mùa đông; có con hổ đen xuất hiện ở trong thành. Tham tri chính sự Trương Hán Siêu mất.
Hán Siêu là người chính trực, hay bài bác dị đoan, có tài làm văn. Nhà vua chỉ gọi ông là thầy, chứ không gọi tên. Nhưng ông hay khinh bỉ các bạn đồng liêu, không chịu giao du, chỉ chơi với bọn trung quan [hoạn quan] và y quan [thầy thuốc], đều là những kẻ không phải đồng điệu với mình. Tông chính Thái Khanh Lê Cư Nhân thường gọi ông là ‘thôn cầu cước’ (5), ý nói người thôn quê đá cầu không trúng mấy, để ví với Hán Siêu liệu tính công việc có nhiều điều không thích đáng. Do chức tham tri chính sự, ông vào trấn ở Hóa Châu: nơi biên giới lại được yên ổn. Đến đây, ông xin về, nhà vua y cho. Chưa đến kinh đô, ông mất, được tặng phong Thái Bảo”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Năm Thiệu Phong thứ 15 (1355). (Nguyên, Chí Chính thứ 15). Dùng Nguyễn Trung Ngạn làm Nhập nội hành khiển thượng thư hữu bật, kiêm tri Xu Mật viện sự, sung Kinh Diên đại học sĩ:
“Trung Ngạn giữ chức trọng yếu, bảo toàn được tiếng tốt, nhưng tính hay khoe khoang, có làm bài thơ đại ý nói: Giới Hiên [tên tự của Nguyễn Trung Ngạn] tiên sinh là bậc có tài tể phụ, tuổi trẻ đã có chí khí hăng hái như con cọp non nhắm chực nuốt tươi trâu. Mười hai tuổi đỗ thái học sinh; mười sáu tuổi vào thi Đình; hai mươi bốn tuổi làm quan đài gián giữ việc can ngăn vua, hai mươi sáu tuổi đi sứ Yên Kinh [Bắc Kinh]. Đến đây, Trung Ngạn được cất lên giữ chức trong chính phủ; khi mất, 82 tuổi, có Giới Hiên Thi Tập lưu hành ở đời”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng 3 năm Thiệu Phong thứ 16 [1/4 đến 30/4/1356] (Nguyên Chí Chính năm thứ 16), nhà vua rước Thượng hoàng đi tuần nơi biên giới, đến Nghệ An. Tháng 5 [30/5 đến 28/6/1356], trở về cung. Tháng 8 [27/8 đến 24/9/1356], Thượng hoàng đến chơi đền cha vợ là Huệ Vũ Vương Quốc Trấn tại núi Kiệt Đặc, huyện Chí Linh [Hải Dương]; lúc trở về, có con ong vàng đốt má bên tả, do đó nằm bệnh.
Tháng 2 năm Thiệu Phong thứ 17 [20/2 đến 20/3/1357] (Nguyên Chí Chính năm thứ 17), Thượng hoàng Minh Tông mất, Cương Mụcchép như sau:
“Khi ngài se mình, có người xin dâng thuốc và cầu cúng, Thượng hoàng đều từ chối cả. Nhân bấy giờ các hoàng tử đang ngồi hầu ở bên, ngài phán bảo:
‘Cứ xem việc làm của cổ nhân, điều hay thì bắt chước, điều dở thì tránh xa, chứ cần gì phải phiền cha phải dạy bảo?’.
Khi bệnh kịch, ngài sai thị thần là Nguyễn Dân Vọng đem bản thảo những thơ ngự chế đốt đi. Dân Vọng còn chần chừ. Ngài dụ bảo rằng:
‘Các vật đáng tiếc còn không tiếc được thay, huống chi những thơ ấy còn tiếc làm gì!’.
Thượng hoàng mất ở cung Bảo Nguyên. Tên thụy là Chương Nghiêu Văn Triết hoàng đế, miếu hiệu là Minh Tông, ở ngôi 15 năm, nhường ngôi 28 năm, thọ 58 tuổi”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng 4 [20/4 đến 19/5/], phong cho anh là Thiên Trạch làm Cung Tín vương. Đào sông ở Nghệ An và Thanh Hóa.
Tháng giêng năm Đại Trị thứ 1 [9/2 đến 9/3/1358] (Nguyên Chí Chính năm thứ 18), truy tặng ông ngoại là Huệ Vũ vương Quốc Trấn làm đại vương.
Tháng 3 [9/4 đến 8/5/1358], xảy ra nạn đói, triều đình không lo nổi, đành xuống chiếu hạ lệnh cho nhà giàu phát lúa cho nhà nghèo, hứa sẽ hoàn trả bằng tiền. Ngô Bệ lợi dụng dân đói bèn tìm cách quấy phá:
“Hạn hán đến mãi tháng 7 [5/8 đến 3/9/1358], mùa thu, tháng 8. Hạ chiếu cho nhà giàu các lộ bỏ thóc ra phát chẩn cho dân nghèo. Luôn năm đói kém, lắm người nghèo túng. Nhà vua hạ chiếu cho các quan sở tại khuyên những nhà giàu phát thóc ra để chẩn cấp cho dân, nhưng vẫn trị giá mà trả tiền. Dùng Phạm Sư Mạnh làm nhập nội Hành khiển, giữ việc viện Xu Mật. Ngô Bệ lại tụ họp quân gia làm phản. Ngô Bệ, sau khi tan tác trốn tránh, lại thu lượm những quân còn sót lại, tụ tập ở núi Yên Phụ, kéo lá cờ lớn ở trên núi, tiếm xưng ngụy hiệu, yết bảng rằng để ‘cứu tế dân nghèo’ 2. Từ xã Thiên Liêu [Hải Dương] đến huyện Chí Linh[Hải Dương], Bệ đều chiếm giữ được cả”.Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng giêng năm Đại Trị thứ 2 [29/1-27/2/1359] (Nguyên Chí Chính năm thứ 19), sai sứ sang nhà Nguyên. Bấy giờ, nhà Nguyên đang loạn; Thái Tổ nhà Minh khởi binh ở Trừ Châu, rồi chiếm giữ cả đất Kim Lăng [Nam Kinh], bọn Trần Hữu Lượng và Trương Sĩ Thành cũng đều dấy binh nổi loạn, đánh phá tranh giành lẫn nhau, được thua chưa ngã ngũ. Nhà vua sai Lê Kính Phu sang bên Nguyên, có ý thăm dò hư thực.
Tháng 3 năm Đại Trị thứ 3 [18/3 đến 15/4/1360] (Nguyên Chí Chính năm thứ 20); Ngô Bệ nỗi loạn từ năm Thiệu Phong thứ 4 [1344], trải 16 năm, đến nay bị giết:
“Quan quân lùng bắt Ngô Bệ ở núi Yên Phụ. Ngô Bệ trốn chạy, muốn về kinh đô để ra thú, nhưng bị quan quân bắt được luôn với đồ đảng Bệ 30 người, đều bị đóng cũi giải về kinh, chém chết cả”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng 6 [14/7 đến 11/8/1460], Trung Quốc loạn lớn, phe Chu Nguyên Chương xưng là Minh, Trần Hữu Lượng xưng là Hán, đánh nhau tại vùng biên giới Bằng Tường, Long Châu; khiến một số người chạy sang nước ta:
“Tháng 6, nước Nguyên loạn. Trần Hữu Lượng tiếm xưng đế, đặt quốc hiệu là Hán, đổi niên hiệu là Đại Nghĩa, đánh nhau với Minh Thái Tổ. Quan trấn thủ biên giới phía Bắc là Hoàng Thạc cho chạy trạm tâu rằng Minh và Hán đánh nhau ở Long Châu, Bằng Tường. Bọn Thạc nhân việc họ tranh nước với nhau thu được hơn 300 người”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 7, trang 23b.
Tháng 10 [9/11 đến 8/12/1360], thuyền buôn của các nước Lộ Hạc [có thể là La Hộc, thuộc Thái Lan], Trà Nha [có thể là Ja va, In-đô-nê-xi-a] , Xiêm La [Thái Lan] đến Vân Đồn buôn bán, dâng các vật lạ.
Lúc bấy giờ vùng châu thổ sông Hồng nhiều lụt lội, gia nô các Vương Hầu thường rủ nhau đi cướp bóc; để giữ an ninh, nhà Vua ra lệnh các gia nô phải khắc chữ vào trán:
“Tháng 12 [8/1-5/2/1361], mùa đông. Sai cấm quân đi tuần, lùng bắt những giặc cướp ở các lộ. Nhà vua hạ chiếu: phàm gia nô các nhà vương, hầu và công chúa đều phải có thích chữ ở trán theo ‘phẩm hàm’ của mình, và phải kê khai vào sổ hộ tịch. Nếu ai không thích chữ và khai sổ thì là hạng trộm cướp. Hễ bắt được, kẻ lớn thì trị tội; người bé thì sung công. Đó là vì cớ gia nô các nhà vương, hầu và công chúa bấy giờ phần nhiều trốn đi làm giặc cướp”.Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng 3 năm Đại Trị thứ 4 [4/6 đến 2/7/1361] (Nguyên Chí Chính năm thứ 21). Chiêm Thành vào cướp cửa biển Di Lý [huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình] thuộc phủ Lâm Bình; quan quân đi đánh, địch thua chạy. Triều đình dùng Phạm A Song làm tri phủ Lâm Bình để trấn giữ đất ấy.
Tháng giêng năm Đại Trị thứ 5 [27/1 đến 24/2/1362] (Nguyên Chí Chính năm thứ 22), bấy giờ nhà vua ưa trình diễn kịch nghệ, đánh bạc; sai quan cho các tôi tớ trồng hành tỏi bên bờ sông Tô Lịch:
“Tháng giêng, mùa xuân. Ra lệnh bảo các nhà vương, hầu và công chúa cho diễn các trò tạp hí để dâng vua coi. Hồi đầu niên hiệu Thiệu Bảo (1279-1284), quan quân đánh phá quân Nguyên, bắt được vai kép Lý Nguyên Cát là người ca hay, hát giỏi. Rồi những nữ tì ít tuổi ở các nhà quyền quý đua nhau học hát theo lối Bắc [Trung Quốc]. Nguyên Cát làm trò cổ tích, có những tích như ‘Tây vương mẫu dâng bàn đào’ v.v… khi diễn có đến 12 người đóng các vai. Ai nấy đều mặc bào gấm, áo thêu, kẻ đánh trống, người thổi kèn, thay đổi nhau mà tấu khúc. Người xem, lúc vui mừng, lúc thương buồn, cảm động tùy theo từng quãng trong truyện cổ tích. Nước ta có lối trò cổ tích bắt đầu từ đấy.
Đến đây, nhà vua bảo các vương hầu cho làm trò để dâng vua xem, rồi nhà vua nhận định đám nào biểu diễn trội hơn thì ban thưởng. Nhà vua lại chiêu tập những nhà giàu trong nước, như người làng Đình Bảng ở Bắc Giang [nay thuộc tỉnh Bắc Ninh], người Nga Đình ở Quốc Oai [Sơn Tây], vào cung đánh bạc, mỗi tiếng bạc ăn thua đến 300 quan tiền. Lại sai các tư nô ra khai khẩn ở bờ bên bắc sông Tô Lịch, để trồng hành, tỏi và các thứ rau; gọi chỗ phường ấy là ‘Toán viên’ [vườn Tỏi]” Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng 2 [25/2 đến 26/3/1462], sao Chổi mọc ở phương bắc. Tháng 5, sai Đỗ Tử Bình điểm duyệt quân đội ở Lâm Bình và Thuận Hóa, sửa đắp thành Hoá Châu [Thừa Thiên]. Vì cớ người Chiêm Thành nhiều lần thường vào lấn cướp.
Tháng 5 [24/5 đến 21/6/1462], sét đánh điện Thiên An, tháng này [tháng 5] hạn hán đến mãi tháng 7 [22/7 đến 19/8/1462], bèn cho lục xét các tù phạm. Mưa to, xuống chiếu miễn một nửa thuế đinh, thuế điền trong năm.
Tháng 8 [20/8 đến 18/9/1362], dùng Phạm Sư Mạnh giữ việc viện Xu Mật. Đói lớn, nhà vua xuống chiếu cho các nhà giàu quyên thóc, phát chẩn cho dân nghèo, rồi ban cho phẩm tước có tầng bậc khác nhau.
Tháng 9 [19/9 đến 17/10/1362], phủ Thiên Trường có bệnh dịch, xuống chiếu bảo đem thuốc, tiền và gạo của nhà nước chẩn cấp cho dân nghèo. Nhà vua về chơi phủ Thiên Trường, gặp khi dân gian có bệnh dịch, bèn xuống chiếu phát cho nhà nghèo mỗi người: thuốc hai viên, tiền hai tiền [1 tiền=1/10 quan] và gạo hai thưng [1 thưng=1/10 đấu=.6 kg].
Tháng 10, núi Thiên Kiện còn có tên là núi Địa Cận, nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam bị lở.
Tháng 2 năm Đại Trị thứ 6 [15/2 đến 15/3/1363] (Nguyên Chí Chính năm thứ 23). Tuyển lựa dân đinh bổ sung vào quân đội các lộ. Tháng 3 [16/3 đến 14/4/1363], thi nho sĩ và lại viên; thi nho sĩ lựa lấy những người giỏi văn chương để bổ vào nơi quán, các (6). Thi lại viên kén lấy những người viết tốt và giỏi toán để sung vào làm thuộc lại ở các sảnh (7).
Tháng 10 [6/11 đến 5/12/1363], cho sửa sang vườn Hậu Uyển. Đào hồ lớn ở vườn ngự nơi hậu cung, trong hồ chất đá làm núi, bên bờ hồ trồng thông, trúc và nhiều thứ cây khác, thêm vào đấy nào là cỏ lạ, nào hoa thơm, nào muông kỳ, nào chim quý. Bốn mặt khai sông cho nước thông vào, gọi hồ ấy là Lạc Thanh Trì.
Về phía Tây, hồ này trồng hai cây quế, dựng một tòa điện gọi là điện Lạc Thanh. Lại đào một cái hồ nhỏ khác, bắt người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào hồ, để nuôi các hải sản như đồi mồi, cá biển và loại ba ba; rồi bắt người Hoá Châu [Thừa Thiên] chở cá sấu thả vào đấy. Lại có hồ Thanh Ngư để nuôi cá thanh phụ [cá giếc]. Mọi thứ trên đây đều do chức khách đô được nhà vua đặt ra để coi giữ.
Lại làm dãy khách lang ở Tây Điện thẳng đến cửa Hoàng Phúc, dựng một dãy lang dài từ gác Nguyên Huyền thẳng đến cửa Đại Triều phía Tây. Nay xây cất, mai tu tạo, không lúc nào ngớt việc.
Tháng 5 năm Đại Trị thứ 7 [1/6 đến 29/6/1364] (Nguyên Chí Chính năm thứ 24), nhà vua bị bệnh. Nhà vua buông tuồng chơi bời vô độ. Tính nghiện rượu, thường vời quan chính chưởng phụng ngự ở cung Vĩnh An là Bùi Khoan đến cùng uống rượu. Bùi Khoan dùng kế giả vờ uống hết trăm thưng rượu, được thưởng tước hai tư (8). Nhà vua nhân lúc quá say, ra sông tắm, do đấy bị bệnh; sai bọn Trâu Canh ngày đêm hầu hạ thuốc thang, dần lại lành mạnh.
Tháng 8 [28/8 đến 25/9/1364], sắp xếp quân đội, tuyển lựa dân đinh lấy những người khoẻ mạnh, đặt làm ba hạng quân, sai sửa chiến cụ và chiến thuyền, để phòng ngừa hoạn nạn do ngoài biên giới gây ra.
Tháng 10 [26/10 đến 23/11/1364], Cung Túc vương Nguyên Dục mất.
Tháng giêng năm Đại Trị thứ 8 [23/1 đến 20/2/1365] (Nguyên Chí Chính năm thứ 25), Chiêm Thành cướp, bắt dân Hoá Châu [tỉnh Thừa Thiên]. Tục ở Hóa Châu, hàng năm, cứ đến đầu xuân, mở hội nam nữ đánh đu ở đất Bà Dương. Người nước Chiêm Thành, từ tháng chạp năm trước đã ngầm mai phục ở nơi đầu nguồn, rình lúc không ngờ, ập ra cướp bắt lấy người.
Thiều Thốn, người làng Triệu Xá, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; là vị quan lập nhiều chính tích, mắc oan bị cách chức, dân kêu lên, nên được phục chức, khiến lòng dân hoan hỷ:
“Tháng 11 [13/12/1365 đến 11/1/1366], sai phòng ngự sứ ở Lạng Giang là Thiều Thốn quản lĩnh quân đội trấn thủ biên giới miền Bắc. Khi bấy giờ, nhà Nguyên đang loạn, dân nơi biên giới náo động hoang mang, cho nên nhà vua sai Thiều Thốn đem các quân Lạo thuộc miền núi ở Lạng Giang đi phòng giữ một cách nghiêm ngặt. Thiều Thốn khéo phủ dụ quân sĩ. Trong đám quân sĩ ai cũng vui lòng. Sau, vì có người em kiêu ngạo, kiệt hiệt, Thiều Thốn phải tội lây, bị cách chức. Trong đám quân sĩ vì Thiều Thốn mà đặt câu này: ‘Trời không thấu oan, ông Thiều mất quan.’
Kịp khi Thiều Thốn sắm sửa hành trang để về, họ lại đặt ra câu này: ‘Ông Thiều ra về, lòng tôi tái tê!’.
Triều đình nghe biết việc ấy, lại cho Thiều Thốn khai phục quan chức. Họ lại có câu rằng: ‘Trời đã thấu oan, ông Thiều lại được làm quan’.
Không bao lâu, Thiều Thốn chết”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng 3 năm Đại Trị thứ 9 [11/4 đến 9/5/1366] (Nguyên Chí Chính năm thứ 26) Chiêm Thành lại lấn cướp phủ Lâm Bình thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Tri phủ là Phạm A Song đánh phá được địch. A Song được lên chức Đại Tri phủ Hành Quân Thủ Ngự sứ ở Lâm Bình.
Tháng 6 [9/7 đến 6/8/1366], nhà vua đến chơi làng Mễ Sở thuộc huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên. Nhà vua dùng chiếc thuyền nhỏ, đêm đến chơi nhà riêng của Thiếu uý Trần Ngô Lang, nửa đêm đi về, khi đến bãi Chử Gia, thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, bị kẻ trộm lấy mất cả ấn báu và gươm báu. Tự biết là điềm chẳng lành, nhà vua lại càng buông thả, ăn chơi dâm dật.
Tháng chạp năm Đại Trị thứ 10 [22/12/1367 đến 19/1/1368] (Nguyên Chí Chính năm thứ 27), sai Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đi đánh Chiêm Thành, bị thua. Thế Hưng làm thống quân, Tử Bình làm phó, kéo quân đến Chiêm Động (9) [phủ Thăng Bình, Quảng Nam]. Người Chiêm đặt quân mai phục, ập ra đánh: quan quân tan vỡ nặng nề. Thế Hưng bị giặc bắt; Tử Bình rút về.
Năm này nhà Nguyên mất.
Tháng 2 năm Đại Trị thứ 11 [19/2 đến 18/3/1368] (Nguyên Chí Chính năm thứ 28), Sứ Chiêm Thành đến, Vua nước Chiêm Thành sai bầy tôi là Mục Bà Ma sang đòi đất cũ Hóa Châu.
Tháng 4 [18/4 đến 16/5/1468], Sứ nhà Minh sang nước ta. Bấy giờ Minh Thái Tổ đã đại định thiên hạ, lên ngôi vua ở Kim Lăng, sai tri phủ Hán Dương là Dịch Thế Dân đem tờ chiếu thư sang ta. Đại lược nói: “Chính sự nhà Nguyên không còn kỷ cương gì nữa. Thiên hạ nổi lên tranh giành đến 15 năm. Các nơi xa gần, do đấy, tin tức không thông. Bản triều gây dựng cơ nghiệp đế vương ở Giang Tả [tả ngạn sông Trường Giang], quét sạch các hùng trưởng, dẹp yên chốn hoa hạ, được quần thần và nhân dân suy tôn, đã lên làm chủ Trung Quốc. Vậy đâu đấy đều nên ở yên, đừng sinh sự gì để chung hưởng hạnh phúc thái bình“.
Minh Thực Lục chép nguyên văn đạo dụ này vào cuối năm Hồng Vũ thứ nhất [1368-1369], bản dịch như sau:
“Ngày 26 tháng 12 năm Hồng Vũ thứ nhất [3/2/1369], sai Tri phủ Dịch Tế ban chiếu dụ An Nam như sau:
Đế Vương xưa trị thiên hạ, cũng giống như ánh mặt trời, mặt trăng chiếu soi; không nề xa gần đều đối xử chung một lòng nhân. Bởi vậy Trung Quốc được tôn kính bình an, thì bốn phương cũng được yên chỗ, không nói đến việc thần phục. Từ đời Nguyên, việc chính trị không có riềng mối; thiên hạ binh đao loạn lạc đến 17 năm; xa gần thông tin bị tắc nghẽn. Trẫm khởi đầu dựng cơ nghiệp từ phía tả sông Dương Tử, quét sạch quần hùng, được thần dân suy tôn làm chủ Trung Nguyên, quốc hiệu Đại Minh, niên hiệu Hồng Vũ. Mới đây chiếm kinh đô nhà Nguyên, thống nhất toàn quốc, phụng thừa chính thống, cùng với các nơi xa gần được bình yên vô sự chung hưởng thái bình. Do các vua và tù trưởng các Di tộc (10)bốn phương chưa biết tin này, nên ban chiếu để hiểu rõ”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam (11), tập 1, trang 121, dịch giả: Hồ Bạch Thảo)
Tháng 8 [13/9 đến 11/10/1368], nhà vua liền sai Lễ Bộ thị lang, Đào Văn Đích, sang Minh đáp lễ.
Tháng 11 [11/12/1368 đến 8/1/1369], mùa đông. Vời đạo sĩ Huyền Vân ở Chí Linh [Hải Dương] đến Kinh Đô. Huyền Vân tu ở núi Yên Tử, huyện Chí Linh; nhà vua cho vời đến triều đình, để hỏi về phép tu luyện, đặt tên cho chỗ đạo sĩ ở là động Huyền Thiên.
Ngày mồng một tháng 5 năm, Đại Trị thứ 12 [5/6/1369], (Nguyên Chí Chính năm thứ 29), có nhật thực. Nhà vua mất, không có con nối dõi; bèn lập Dương Nhật Lễ, con hờ (12) của người anh cùng mẹ là Cung Túc vương Nguyên Dục, lên làm Vua. Tháng 6 trở về sau; thuộc Dương Nhật Lễ, năm Đại Định thứ 1.
______
Chú thích:
1. Sông Trinh Nữ: Tức sông Vạn Nữ xưa, thuộc địa giới huyện An Mô, tỉnh Ninh Bình.
2. Bố Điền: Nghĩa là Đại vương.
3. Bố Đề: Nghĩa là tể tướng.
4. Cổ Lũy: Xưa là địa phận quận Nhật Nam; từ đời Đường trở về sau là đất Chiêm Thành; nhà Hồ lấy đất này đặt làm châu Tư và châu Nghĩa; nhà Lê hợp lại làm một, gọi là phủ Tư Nghĩa; bây giờ thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
5. Thôn cầu cước: Kẻ đá cầu nhà quê.
6. Theo “Quan chức chí” trong Lịch triều hiến chương, thì quán, các, là những cơ quan trọng yếu của nhà nước quân chủ, như Lục Bộ (bộ Lại, bộ Binh, bộ Lễ, bộ Hình, bộ Công, bộ Hộ) và Tông Chính Phủ (tức là Tông Nhân phủ, trông coi công việc thuộc về hoàng tộc).
7. Sảnh: Như Thượng thư sảnh, Môn Hạ sảnh (theo Lịch triều hiến chương).
8. Tư: Cũng như một thứ điểm mà các triều đại quân chủ dùng để ghi thưởng hay ghi phạt các quan lại. Khi thưởng thì ban cho một hay nhiều tư; khi phạt thì giáng xuống một hay nhiều tư. Rồi đến cuối khoá một hạn là ba hay sáu năm, bấy giờ mới tính cộng số tư thưởng hoặc trừ số tư phạt, còn lại bao nhiêu, sẽ căn cứ vào đó mà thăng hay giảng.
9. Chiêm Động: Xưa là đất quận Nhật Nam; từ nhà Đường trở về sau là đất Chiêm Thành. Hồ Hán Thương lấy đất này, đặt làm châu Thăng và châu Hoa; nhà Lê hợp lại làm một, gọi là phủ Thăng Hoa, tức là phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
10. Di tộc: Trung Quốc kỳ thị gọi các dân tộc lân bang là Di tộc.
11. Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc-Việt Nam thế kỷ 14-17. Hồ Bạch Thảo dịch, Hà Nội: NX Hà Nội, 2010.
12. Con hờ: Cung Túc vương Nguyên Dục đi xem hát tuồng, thấy vợ kép hát Dương Khương đẹp, đóng vai Tây vương mẫu bèn lấy làm vợ; khi ấy nàng đang có mang, rồi sinh ra Nhật Lễ. Nguyên Dục nhận làm con mình. Kịp khi Dụ Tông mất, không có con kế tự, có để di chiếu cho Nhật Lễ nối ngôi.
____
(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Không rõ đơn vị đo lường một thước lúc đó là bao nhiêu, chắc chắn không như một thước hiện nay, vì loài kiến trung bình chỉ dài hơn 1 cm, có loài kiến khổng lồ trên thế giới là Dinoponera, dài nhất cũng chỉ gần 2 inches, tức 5 cm, không có con kiến nào dài tới một thước chín tấc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.