Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Tạp bút: Con đường công cộng

 

Tạp bút: Con đường công cộng

Phạm Lưu Vũ

25-3-2021

Tôi đang đi trên phần đất công cộng gọi là con đường. Tôi biết mình có quyền đi trên đó. Nhưng tôi cũng phải để ý dè chừng, phải ngó trước ngó sau, trông phải, trông trái… Bởi ai cũng có cái quyền ấy như tôi. Họ có thể chen lấn, va chạm, có thể xô ngã tôi… 

Hôm qua, tôi tắm trên một dòng sông. Dòng sông ấy cũng là của công, và tôi biết mình cũng có quyền bơi ở đấy. Nhưng tôi cũng phải luôn luôn cảnh giác bởi mọi người cũng có quyền ấy như tôi. Những cơn sóng có thể nhấn chìm tôi, những con thuyền có thể đâm vào tôi, những cột buồm có thể đổ vào tôi…

Con đường và dòng sông vì là của công nên luôn phải uốn mình, luồn lách qua bao nhiêu ranh giới. Bởi ngoài hai nơi ấy ra, tất cả đều đã có chủ, tất cả đều không phải của công. Chẳng biết từ bao giờ, cả bầu trời cũng đã được chia làm nhiều phần, mỗi phần tuy không đều nhau nhưng tất cả cũng đều có chủ.

Cũng như những con chim đang bay lượn kia, tôi đi trên những con đường, tắm trên những dòng sông. Những con đường, những dòng sông đều là của công. Nhưng tôi và lũ chim đang bay kia vẫn nằm gọn trong cái phần bầu trời có chủ.

Xung quanh tôi có đủ Đất, Nước và Bầu trời. Đất có chủ ngăn không cho tôi bước chân vào. Nước có chủ không cho phép tôi bơi lội. Nhưng Bầu trời có chủ không ngăn được tôi hít thở. Không ngăn được tôi hít thở, nhưng nó ngăn được ý nghĩ của tôi. Cứ liệu đấy – Bầu trời bảo – mày không được tự do suy nghĩ dưới Bầu trời này.

Những con chim đang bay kia còn cảm thấy tự do? Bởi chúng không biết suy nghĩ hay không cần suy nghĩ ? Nếu chúng biết suy nghĩ thì chắc gì chúng sẽ hiểu đó là tự do?

Bên cạnh đường có một ngôi nhà nhỏ ẩn trong vườn cây. Tôi biết đó là nhà ông Lý Mạt, người chuyên nuôi khỉ. Còn nhớ có lần tôi đã từng hỏi tại sao ông lại chọn nghề nuôi khỉ? Ông bảo ông có chọn đâu. Khỉ nó chọn ông đấy chứ. Dân nuôi khỉ như ông toàn do mạng Trời định sẵn vậy.

Tạm rời khỏi con đường công cộng, tôi rẽ vào thăm ông.

Ông Lý Mạt có nhà. Nhưng chuồng khỉ thì vắng ngắt. Hơi ngạc nhiên, tôi hỏi:

– Bọn khỉ nhà ông đâu hết rồi?

– Tôi đuổi chúng đi rồi.

– Tại sao ông phải đuổi chúng?

– Tại vì tôi không chịu nổi chúng chứ sao. Anh thấy không? trong lòng tôi đau đớn biết bao. Chúng gây vạ cho tôi từ lúc tôi biết làm người đến giờ đấy. Thà rằng chúng cứ cắn vào chỗ nọ chỗ kia bằng cái hàm răng lởm chởm của chúng. Dẫu đau đấy nhưng vẫn có thể rửa ráy, băng bó hay dịt thuốc được. Đằng này, quanh năm ngày tháng cứ phải chứng kiến những trò khỉ, những sự hoang dại, khôn vặt của chúng thì hỏi làm sao tôi có thể chịu nổi?

– Thì chúng vốn xuất thân hoang dã cho nên mới như thế. Chẳng lẽ ông không dạy dỗ được chúng hay sao?

– Chúng chưa dạy được tôi, tôi chưa nhiễm phải những trò khỉ của chúng là còn may cho tôi đấy. Nói gì đến việc dạy dỗ chúng.

– Có lẽ nào lại đến mức ấy?

– Té ra anh chưa hiểu gì về khỉ. Khỉ vốn có nhiều loài. Phân biệt theo hình dáng thì có khỉ Mặt Chó, khỉ Mặt Mo, Mặt Người… Theo tính cách thì có khỉ Gió, khỉ Ho, khỉ Đột… Song tất cả những giống ấy chẳng nhằm nhò gì so với giống khỉ của nhà tôi. Nhà tôi nuôi phải loài Quốc khỉ. Giống khỉ này chẳng phải tầm thường. Chúng phát triển, sinh sôi nảy nở theo mùa vụ, cứ như thể do thời thế sinh ra vậy. Xưa nay, dân nuôi khỉ kị nhất bọn này. Kị mà vẫn không thể nào tránh được, gặp phải chúng thì khó mà chịu nổi. Nấn ná mãi rồi cũng phải đuổi đi.

– Tại sao lại gọi là Quốc khỉ?

– Thời ông Lê Lợi còn làm vua xứ này, có một gã họ Lê, tên là Quốc Khỉ, chuyên thi thố những trò chó ngựa. Vua Lê Lợi vừa dùng, vừa ghê tởm gã đến mức trước khi chết, Ngài dặn con cháu tuyệt đối không được dùng nữa. Nghe các cụ truyền lại rằng về sau gã hóa khỉ, để lại dòng giống đến tận bây giờ.

– Bọn Quốc khỉ ấy như thế nào?

– Bọn ấy vốn là giống lai căng, lại không được dạy dỗ cho nên chẳng khác gì những phường giá áo túi cơm. Chúng hoang dại, khôn vặt và khó thuần hóa đã đành, lại đối xử với chủ chẳng ra gì. Tôi là người nuôi chúng mà lợi lộc đâu chưa thấy, chỉ thấy mình bị biến thành nô lệ, phải è lưng phục vụ chúng quanh năm. Chúng chẳng đếm xỉa đến một chút đạo lý nào dù bé bằng cái móng tay. Hở ra là chúng ăn cắp, ăn vụng, thậm chí cướp giật. Đặc biệt chúng rất thích thủ dâm, nghiện thủ dâm, coi thủ dâm như một liều thuốc sống. Song cái bản mặt của chúng thì lại cứ nhơn nhơn ra tuồng ta đây đứng đắn, đàng hoàng. Ngay cả chúng đối với nhau cũng chẳng tử tế gì. Suốt ngày chúng chí choé, tranh giành miếng ăn, tranh giành đực cái, tranh cái chỗ cưỡi lên đầu, lên cổ nhau… làm cho chuồng khỉ lúc nào cũng như đang có loạn. Tôi đã ngần này tuổi đầu mà cứ phải chứng kiến những sự đểu giả trong chuồng khỉ nhà mình, như chứng kiến cả một thời đại lưu manh.

– Làm thế nào phân biệt chúng là Quốc khỉ?

– Không có cách nào, bởi tất cả đều là Khỉ cả. Chỉ đến khi nào chúng gây vạ cho thì mới biết mà thôi. Vì thế dân nuôi khỉ thường phải giữ mình. Song cũng chỉ gọi là giữ mình được đến đâu hay đến đó. Bởi đã gọi là khỉ thì chẳng bao giờ chúng từ một kiểu hại người nào cả.

– Vậy mà ông chỉ đuổi đi thì ăn thua gì. Đuổi chỗ này, tất nó sẽ chạy sang chỗ khác. Thà cứ nhốt chúng trong những chiếc chuồng kia còn hay hơn.

– Bọn Quốc khỉ gặp đúng mùa thì dễ dàng sinh sôi nảy nở, lại lây lan vô tội vạ, chẳng mấy chốc sẽ thành đàn thành lũ. Dẫu gom hết chuồng trong thiên hạ, cũng không đủ để nhốt chúng. Vì vậy mới phải đuổi đi.

– Đuổi đi rồi thì liệu có yên không?

– Chưa biết có yên được hay không. Cái nghề này nó thế. Nếu mạng Trời đã định sẵn rồi thì trước sau cũng lại rước về một lũ Quốc khỉ mới thôi.

– Chuyện khỉ nhà ông, nghe cứ như chuyện thiên hạ. Ông nuôi khỉ mà sao lại cứ vận vào cuộc đời như thế?

– Ô hay! Tưởng nãy giờ tôi nói toàn chuyện khỉ đấy chứ. Liệu có bị lẫn lộn chỗ nào không nhỉ? Hay là tại ý nghĩ của anh cứ đem vận vào người nên mới ra nông nỗi ấy? Chẳng trách phải ngăn bớt ý nghĩ của con người dưới bầu trời này đi là phải…

Rời khỏi nhà ông Lý Mạt, tôi trở lại con đường công cộng. Câu chuyện về khỉ của ông làm tôi gai người. Có cảm giác rằng bọn Quốc khỉ vẫn lẩn quất đâu đây. Chúng đang mải thủ dâm, đang mải diễn những trò khỉ muôn đời của mình, hay chúng đang dõi theo từng bước chân tôi? Mặc kệ, hơi đâu mà nghĩ đến chúng. Bước chân tôi đang dẫm trên con đường công cộng cơ mà. Nhưng còn Bầu trời? Tôi rụt rè nhìn Bầu trời. Bầu trời cao và xa như thế, làm sao biết tôi đang nghĩ gì? Vậy thì tôi cứ đi, cứ vừa đi vừa nghĩ một mình.

Bỗng một làn gió quất vào mặt tôi, ngào ngạt một thứ mùi gì vừa tanh tưởi vừa khét lẹt, lại nghe lẫn những tiếng cười sằng sặc, những giọng nói âm u. Tôi nhìn sang bên đường. Đó là một quán nhậu. Những đám người nhễ nhại cả đàn ông, đàn bà đang quây quanh những chiếc bếp ga cháy hừng hực. Họ cùng nấu một thứ cháo chay màu trắng sền sệt, sôi lục bục trong những chiếc nồi có hình sọ người, rồi múc ra những chiếc bát tròn tròn nom giống mảnh sọ của một đứa trẻ lên ba. Họ uống một thứ rượu đỏ lòm pha bằng máu vừa cắt ra từ cổ của những con vật, bất kể đó là con vật gì. Xung quanh bàn nhậu nào cũng la liệt những con vật cụt đầu. Có con chưa chết hẳn, vẫn còn cựa quậy, cố ngóc lên cái cổ đỏ loét, đầm đìa máu me. Đây đó có mấy người vái nhau những ly rượu, bên trong thả những quả tim rắn, tim tắc kè vẫn còn đập thì thọp. Họ bá vai nhau, sà vào lòng nhau ngả ngớn hát ca. Những bài hát nói về tình yêu, tình bạn, về lòng nhân ái… Có cả những bài hát nói về sự thất tình, về lòng chung thủy và sự phản bội…

Bầu trời như đang võng xuống nơi đây, cả không gian đặc quánh hơi người. Những tiếng cụng ly, những tiếng hô Một!… Hai!… Ba!… Dzô!… át hết thảy mọi thứ trên đời. Rượu và hát. Mùi đàn bà làm ngây ngất đàn ông, mùi đàn ông làm ngây ngất đàn bà. Mùi máu tươi làm tất cả cùng ngây ngất, ngây ngất lây đến cả tôi chỉ là kẻ đứng nhìn. Vậy thì! Hỡi những con vật cụt đầu kia, hãy vui vẻ mà chết, hãy tự hào mà tắc tử. Đừng có cố ngóc cổ lên nữa. Máu và tim chúng bay đã không hề uổng phí, đã được dùng để tế sống cho cái sự yêu thương con người…

Một kẻ trong số họ bỗng đứng dậy, bước về phía tôi. Tôi hơi chột dạ, nhưng lập tức trấn tĩnh lại ngay, bởi ngoài cái màu đỏ như gà chọi của khuôn mặt, thì nom anh ta cũng có vẻ tử tế, hiền lành y như tôi vậy.

– Nhìn cái gì thế mày? Có thèm nhậu thì vào hẳn trong nhà. “Vào để thấu nhân tình giai huynh đệ / Sẽ có ngày ta nhắm ruột gan nhau…” – Anh ta (mà từ đây, tôi xin gọi là anh Mặt Đỏ) nói với tôi, phun vào mặt tôi cả một luồng hơi rượu nồng nặc, lại còn đọc ra mấy câu thơ chứa đầy ngụ ý. Những kẽ răng anh ta dính đầy những thứ gì trắng trắng, đỏ đỏ, nom như lẫn óc với máu tươi.

Ôi! Con người mới dễ thương làm sao. Tôi vội vàng trả lời, giọng cảm động:

– Các anh toàn những người thân thiết, quý mến nhau như thế. Tôi vào sợ không hợp.

Anh Mặt Đỏ nghe tôi nói thì ngửa mặt lên cười hơ hớ. Cười xong, anh bảo:

– Mày thấy như thế à? Té ra mày vừa thông minh, lại vừa ngu như một con bò. Đúng. Chúng tao lúc nào cũng thân thiết, lúc nào cũng quý mến nhau. Nhưng với điều kiện không thằng nào được phép hơn thằng nào.

– Hơn về cái gì mới được chứ?

– Về tất cả mọi thứ có trên đời, trừ sự khốn cùng hay ngu si, đần độn. Chúng tao chỉ hài lòng và hết sức yên tâm khi trước mặt mình, xung quanh mình toàn những kẻ khốn cùng, toàn những kẻ ngu si đần độn.

– Tại sao lại phải như thế? Hay là anh nói đùa? Anh đừng đùa kẻo tôi không hiểu.

– Tao cần gì phải đùa với một con bò đực như mày. Có gì mà không hiểu. Mày không thấy cái thằng vừa cười với tao lúc nãy à? Nó cười với tao đấy. Giọng cười mới thân thiện làm sao. Nhưng tao đọc được trong ánh mắt của nó có câu nói: “Mày mà hơn tao thì tao giết…”. Tất nhiên tao cũng cười với nó, và mắt tao cũng trả lời nó bằng một câu như vậy.

– Còn những người khác thì sao?

– Tất cả đều cười nói vui vẻ với nhau, song ánh mắt đều nhìn nhau như thế. Còn mày nữa. Mày làm nghề gì? Mày chắc không có nghề ngỗng gì. Mày là thằng hay nghĩ ngợi lung tung, lại thỉnh thoảng thích viết văn phải không? Những thằng vừa ngu vừa vô nghề nghiệp thường hay rách việc như vậy. Phúc cho mày là tao không thèm viết bao giờ.

– Nếu anh cũng viết thì sao?

– Thì mày sẽ không được phép viết hay hơn tao. Hay hơn tao là tao giết.

– Thế nếu không phải tôi, mà là những người khác thì sao?

– Thằng nào thì cũng thế cả, đều không được phép viết hay hơn tao – anh Mặt Đỏ bắt đầu cáu – Chính những thằng cùng viết văn ấy cũng đối xử với nhau như vậy đấy. Mày không tin ư? Chỉ có những thằng ngu đến mức lú lẫn mới không tin điều đó. Hãy giỏng tai lên mà nghe, mở mắt to ra mà nhìn. Chúng nó đang mê mải giết nhau kia kìa. Chúng cũng thề phải giết cho bằng hết những kẻ viết hay hơn mình…

Tôi giật bắn người khi nghe thấy toàn những giết là giết. Người ta giết nhau bằng gì? Anh Mặt Đỏ bảo – bằng mọi thứ trên đời. Giết như thế nào? – đủ các kiểu giết. Có khi giết chết tươi, chết không kịp ngáp. Có khi chết từ từ, sống dở chết dở. Có khi làm cho thân bại danh liệt… Lại có những kiểu giết tân kì, không chết đấy mà còn hơn cả chết. Đó là biến con người thành vô dụng, thành những chiếc mả di động, những chiếc quan tài người…

Tại sao như thế? Tôi tự hỏi rồi lại tự trả lời.

Ở chốn này không được phép hơn người!

Tôi lễ phép chào anh Mặt Đỏ rồi đi như chạy khỏi cái nơi nhậu nhẹt ồn ào ấy, mồm lẩm nhẩm một lời thề không dám hơn người. Con đường vẫn nhẫn nại luồn lách. Vài bóng mây hờ hững lướt qua. Thỉnh thoảng có những gương mặt đỏ phừng phừng ngó thẳng vào tôi. Những ánh mắt vẫn còn thèm moi ruột gan của kẻ khác làm tôi rùng mình. Tất cả như vừa bước ra từ một quán nhậu, không hôm nay thì cũng hôm qua… Đêm qua trời mới buông xuống một trận mưa. Tôi bước tránh những ổ gà vẫn còn đọng nước. Những vũng nước nom như những mảnh gương vỡ rơi rải rác trên đường. Những mảnh gương soi bóng Bầu trời. Chúng nhắc cho tôi rằng tôi và con đường mặc dù đã mấy lần đổi hướng,, song vẫn nằm gọn trong lòng một Bầu trời có chủ. Phía xa xa, ngôi quán lá của lão Ngô Đồng hiện ra.

Lão Ngô Đồng này tôi cũng biết sơ sơ. Rằng lão không những giỏi xét tử vi, lại rất thạo nghề xem tướng cho thiên hạ. Tôi từng đọc ở đâu đó một câu chuyện kể rằng một hôm, có chiếc xe kéo tay dừng lại trước cửa quán lão Ngô Đồng. Vị khách ở trên xe bước vào gọi một bát nước chè. Đó là một vị từng đỗ đại khoa, nổi tiếng văn hay chữ tốt, nay vì chán chốn quan trường mà trả mũ áo, bỏ về làng. Trên đường đi, vị đại khoa kia qua chuyện trò, mới tình cờ phát hiện, thì ra anh phu xe đang kéo mình đây cũng có lá số tử vi y hệt như mình, không sai lấy nửa khắc. Vị đại khoa vô cùng thắc mắc. Chẳng lẽ khoa tử vi xưa nay chỉ là chuyện tầm phào? Nếu không thế thì tại sao hai kẻ có lá số giống hệt nhau, mà một kẻ là ông thì đỗ đến đại khoa, văn chương được thiên hạ khen là lừng lẫy. Trong khi kẻ kia chỉ là một gã phu xe?

Vị đại khoa cũng từng nghe tiếng lão Ngô Đồng, bèn đưa lá tử vi ấy cho lão nhờ xem hộ. Song ông giấu biệt, không nói cho lão Ngô Đồng biết lá số ấy chính là của ông và gã phu xe. Ông muốn nhân thể thử xem lão có giải đáp được chỗ thắc mắc vừa rồi. Lão Ngô Đồng quả nhiên có chỗ hơn người. Lão vừa xem vừa lẩm nhẩm: “Cái này… mệnh an ở cung Thìn, vượng địa chiếu bởi sao Tham lang, quan trạng chiếu bởi sao Kình dương…”. Rồi lão phán ngay rằng chủ nhân của lá tử vi này là người thiên về đường văn học, học hành thi cử có thể đỗ đến đại khoa, rất giỏi nghề văn chương chữ nghĩa. Nhưng đấy là sinh ra trên cạn. Chứ nếu sinh dưới nước thì chỉ làm đến nghề… phu xe là cùng. Vị đại khoa nghe lão Ngô Đồng phán thì giật bắn mình. Ông vốn con nhà dòng dõi, đẻ ra ở trong nhà thì rõ rồi. Nhưng đến lúc hỏi gã phu xe kia thì quả nhiên y là con nhà thuyền chài, bố mẹ y đúng là đã đẻ ra y trên mặt nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, khoa tử vi quả thực thần sầu.

Vị đại khoa kia phục lão Ngô Đồng quá. Té ra tử vi cho kết quả còn phụ thuộc vào cả cái nơi chốn sinh ra con người. Lão Ngô Đồng vẫn không biết lá số ấy là của ai. Lão bảo, dù sao đã cùng một lá số tử vi, thì dẫu có phân biệt kẻ sang người hèn, nhưng thể nào cũng có chỗ giống nhau. Đó là tuy một người học hành đỗ đạt, giỏi nghề chữ nghĩa. Một kẻ suốt đời chỉ làm nghề kéo xe. Nhưng cả hai xét cho cùng, đều là… phu cả.

Thì ra trên đời còn có nghề… phu chữ. Lão Ngô Đồng còn bảo, ấy mới gọi “sĩ phu”, thì… cũng “phu phen” cả mà thôi.

Thì ra, ngoài những người đang làm phu kéo xe trên con đường công cộng này, thiên hạ còn khối kẻ cũng đang làm phu trên những con đường chữ nghĩa…

Nhưng câu chuyện được thiên hạ truyền tụng nhiều nhất là chuyện lão Ngô Đồng xem tướng cho vua. Một ông vua vi hành qua đây, nhân ghé quán lão uống nước. Hỏi lão có biết xem tướng không? lão bảo phàm kẻ biết xem tướng thì trước khi xem cho người, phải xem tướng thời thế cái đã. Vị vua hỏi thời này có tướng gì? Lão bảo thời thế này đang là thời của những ông vua, đủ các loại vua lớn vua bé. Vua đầy nhóc từ trên xuống dưới, vua xếp hàng từ dưới lên trên, vua nào cũng thạo nghề nhắm thịt dân cả. Phép xem tướng xưa nay gặp vua không được nói thật, nói thật sẽ bị cụt nghề. Vì vậy mà các thầy tướng sinh vào cái thời lắm vua như thế này sẽ trở thành những kẻ chuyên nói dối. Vị vua vi hành ấy vốn cũng hiểu rõ điều đó nên phá lệ, cho phép lão được một lần nói thật, xem ông ta là người như thế nào. Lão Ngô Đồng thật thà bảo ông ta toàn thân cẩu cốt, lại có hàm răng lởm khởm, xám xịt như răng chó thì đích thị là vua. Phàm người đã có tướng cẩu cốt (mang cốt cách chó) mà lại có thêm hàm răng chó nữa thì xưa nay chỉ có thể… làm vua!

Lão Ngô Đồng cụt nghề xem tướng từ đúng cái lần nói thật duy nhất ấy.

Té ra sự thật trong bất kì hoàn cảnh nào cũng vô cùng nguy hiểm.

Tôi không phải phu chữ, phu xe. Cũng chẳng phải kẻ đang vi hành. Nhưng cũng cứ thử ghé vào quán lão. Mái lá đơn sơ, bàn ghế xộc xệch, chỉ một tàn lửa cũng đủ cháy rụi tất cả. Đã thế mạng nhện còn chăng lên cả miệng mấy chiếc ly. Vậy mà nom tất cả vẫn cổ kính như chính cái lão Ngô Đồng kia vậy. Kiên nhẫn chờ cho lão khề khà xong điếu thuốc lào. Tôi hỏi:

– Làm sao biết tướng của kẻ làm vua?

Lão Ngô Đồng trả lời, giọng nghe như chân lý:

– Tướng vua có khi là “quý”, có khi là “tiện”, còn tùy theo thời thế. Chung quy cứ xem tướng dân thì biết. Hễ thấy dân mặt mũi sáng láng, thông minh thì tướng của kẻ làm vua là quý tướng. Mặt dân tối tăm, đần độn thì tiện tướng là tướng của kẻ làm vua. Kiến thức xem tướng tuy rất cao siêu. Nhưng xem tướng vua thì giản đơn có thế. Vì vậy mới bảo nghề xem tướng phải biết xem thời thế. Bởi nhân tướng trong thiên hạ không bao giờ cố định, mà luôn luôn biến đổi theo thời.

– Còn cái việc cụt nghề kia thì thế nào?

– Chẳng lẽ anh không thấy rằng dối trá và bịp bợm đang là một thứ triết học, trùm lên mọi triết học hay sao? Thế gian nay chỉ ưa nói dối, nhung nhúc kẻ nói dối. Vậy mà mình không nói dối được thì cụt nghề chứ sao. Hãy xem đấy. Nói dối một khi đã luyện thành bản năng, thì sẽ trở nên tự nhiên, nhẹ nhàng như chính hơi thở vậy. Nhưng chỉ cần một lần nói thật, thì cái bản năng ấy sẽ mất ngay, không bao giờ nói dối được nữa.

Tôi lại bước trên con đường công cộng. Lão Ngô Đồng đã lùi vào kí ức cùng với cái quán lá cổ kính của lão, trong đó có những đám mạng nhện chăng trên miệng mấy chiếc ly. Những viên sỏi lạo xạo, lăn tròn trên mặt đường phía sau lưng như chỉ nhằm xóa đi những dấu chân tôi. Bầu trời vẫn hiện hữu thông qua những làn gió hầm hào bên tai. Tôi nghĩ đến những con vật thời tiền sử thường ra suối uống nước, thời ấy không hề có một con đường nào. Đơn giản vì tất cả đều chưa có chủ, tất cả đều là công cộng. Chúng để lại những dấu chân hóa thạch bên bờ suối. Những dấu chân có tuổi thọ dài hơn nghìn vạn kiếp người. Chỉ có thời tiền sử mới để lại những dấu chân hóa thạch. Song điều đó không hề cản trở khát vọng được trở thành muôn năm của con người. Con người ngày nay cũng đang cố bắt chước để tự hóa thạch mình. Còn hơn thế nữa. Tôi sắp tới chỗ có ngã tư, nơi đó thấp thoáng bóng một tượng đài.

Tượng đài ấy tôi biết. Và mọi người cũng biết như tôi. Đó là một vĩ nhân sừng sững, mà một hôm nào đó, Trời đã giáng xuống đất này. Giáng xuống những trang sách trẻ thơ, giáng xuống những giảng đường, bất kể ngồi dưới giảng đường đó là trẻ thơ hay người lớn… Giáng cả xuống những luống cày vẫn muôn đời nhọc nhằn lật lên, lật xuống. Giáng vào những điệu ru, câu hò, lời hát… Chưa đủ. Những bộ óc thông thái, những cái miệng trơn tru lúc nào cũng tràn ngập hình ảnh vĩ nhân.

Kính cẩn nghiêng mình trước tượng đài, tôi chợt hiểu ra một điều đơn giản. Rằng những con người như tôi có thể thiếu cơm ăn, áo mặc, có thể thiếu cả tình yêu, có thể không cần biết chữ, không cần đến kiến thức làm người… Thậm chí không cần biết mồ mả ông cha mình còn hay mất. Song không thể sống mà thiếu vĩ nhân.

Ngã tư vẫn đông người qua lại. Nhưng người nào người nấy chỉ biết cắm cổ đi. Không hề có một mẩu đối thoại nào diễn ra nơi đây. Tôi lấm lét nhìn Bầu trời. Bầu trời vẫn lặng ngắt một màu xanh thẳm. Bỗng một đám mây hồng từ đâu bay lại, phản chiếu ánh mặt trời làm tượng đài đỏ rực lên như cột than hồng. Bên tai tôi chợt văng vẳng một cuộc độc thoại, cuộc độc thoại nghe quen quá, hình như tôi đã được nghe từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Tới tận bây giờ, nó vẫn đang xoáy vào óc tôi, gõ vào tim tôi. Hình như nó đang được phát ra từ chính phía tượng đài.

– Ta có đủ lý do để được muôn năm. Ta cần phải muôn năm. Ta chính là muôn năm. Các người có thể quên đi tất cả, có thể mụ mẫm hết linh hồn. Song điều đó thì không bao giờ được quên.

Không quên! không quên! không quên!… Tôi lẩm bẩm nhắc lại như cái máy. Trong óc tôi hiện lên hình ảnh từng đoàn trẻ con gõ trống ếch, xếp hàng rồng rắn đi hô khẩu hiệu khắp làng, từng đoàn nông dân cầm liềm, hái cùng với tiếng loa dậy đất, cờ xí rợp trời… đi diễu hành suốt dọc các con đê…

– Các người được tự do suy nghĩ, tự do hành động trong hào quang muôn năm của ta. Tự do ấy hơn triệu lần tự do của những kẻ khác. Ta thề sẽ dùng máu của các người để bảo vệ tự do ấy cho đến mãi muôn đời. Ta có sức mạnh, có vũ khí. Vũ khí của ta dẫu có cùn gỉ đi nữa, thì nó vẫn thừa khả năng để lấy đi cái mạng mỏng manh của những kẻ dám nghĩ ngược lại. Tóm lại, nền tự do ấy phải được bất diệt trong hào quang bất diệt của ta.

Tự do! tự do! tự do!… tôi lại lẩm bẩm như cái máy. Tôi gào to đến lồi cả mắt. Cơn phấn khích bắt đầu dâng lên…

– Hôm nay là ngày mai của những hôm qua. Không được phép nghi ngờ bất cứ điều gì, không được phép so sánh với bất cứ ai, không được phép ngẩng mặt lên quá chiều cao của một hũ nước mắm… Hãy nhớ rằng: Tất cả những gì tốt đẹp các người có được hôm nay là do ta mang lại, tất cả những gì xấu xa, kể cả sự khốn cùng… là do chính các người tự rước vào thân.

Tốt đẹp! tốt đẹp! tốt đẹp!… Cơn phấn khích đã dâng lên cực điểm. Lỗ tai tôi lùng bùng hai mươi mốt phát đại bác vang trời. Cả người tôi bắt đầu lên cơn sốt.

– Ta đã phải trả giá cho ngày hôm nay vinh quang của ta bằng chính sự khôn ngoan, cơ hội của ta. Các người đã phải trả giá cho điều đó bằng chính xương máu của các người. Đừng có tiếc xương máu, dù nó đã chất cao bằng núi. Hãy giành hết tâm trí mà tự hào với cái ngày hôm nay vẻ vang và đời đời bất diệt này.

Bất diệt! bất diệt! bất diệt!… Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh lớp lớp những đoàn người lao vào lửa đạn. Tiếng bom nổ xé trời, những toà nhà đổ sụm xuống, những xác người bị tung lên cao…

– Tự hào chính là một trong những quyền tự do vĩ đại mà ta đã ban cho các người. Không nơi nào trên Trái Đất này có được một phần nhỏ điều đó. Các người có thể sống chỉ cần với lòng tự hào là đủ. Vậy thì, hãy lục lại tất cả những gì đã có để tự hào, kể cả việc phải dựng dậy những thây ma. Tự hào có thể làm cho các người quên đi đói khát, bệnh tật, quên đi sự khốn cùng, quên đi những bất công… Không những thế, tự hào còn là một sức mạnh vô địch, có thể dập tắt những tiếng kêu than của hàng nghìn vạn oan hồn…

Tự hào! tự hào! tự hào!… Cả người tôi bắt đầu nổi gai ốc. Tôi nghe thấy những tiếng sấm sét. Tôi nhìn thấy những lằn chớp rạch ngang dọc khắp Bầu trời. Cơn sốt đã làm tôi không còn biết gì nữa.

– Tất cả những gì khác với ta đều không phải văn hiến. Chỉ có ta, một đỉnh cao trí tuệ như ta mới xứng đáng là hiện thân của văn hiến mà thôi. Vậy thì, các người không cần phải suy nghĩ làm gì. Đã có ta nghĩ thay cho tất cả. Việc duy nhất các người cần làm là xóa bỏ bằng hết, đập tan bằng hết, dù đó là những tấm bia đá, những kinh sách, đình chùa hay thậm chí cả những bàn thờ…

Xóa bỏ! xóa bỏ! xóa bỏ!… Tôi sắp sửa phát điên đây. Trong óc tôi đang hiện lên hình ảnh những ngôi đình, ngôi chùa bị đập phá, những pho tượng Phật bị ném xuống sông…

Cứ như thế, cuộc độc thoại ngấm vào tôi, ngấm vào mọi người, đến tận từng tế bào.

Cũng như mọi người, tôi là kẻ mộng du. Tôi là kẻ mộng du đang mải miết bơi trong một trời độc thoại. Đã qua ngã tư lúc nào không hay. Tôi đang đi về hướng nào thế này? Trong số những lối rẽ vừa rồi, tôi biết có một con đường chạy tít về phía cuối trời. Nơi ấy có một người đã im lặng suốt nửa thế kỉ. Người ấy là ai? tên gì?… tôi không biết. Tất cả mọi người đã, đang và sẽ sống trên cuộc đời này cũng đều không biết như tôi.

Mùa đông năm ấy, trên một con tàu vượt đại dương trở về, bậc vĩ nhân mang về theo những con người kiệt sĩ. Người ấy nằm trong số những kiệt sĩ đó. Không hiểu đã chứng kiến được điều gì xảy ra trên suốt hành trình của con tàu? mà khi về đến nơi, thay vì ra gánh vác trọng trách, người ấy chỉ xin với bậc vĩ nhân kia một điều duy nhất. Đó là được trở về một vùng quê thôn cùng xóm vắng, để làm một người dân hết sức bình thường, trọn kiếp như thế.

Những kiệt sĩ kia sau này đều trở thành những nhân vật lừng lẫy tiếng tăm. Cả mấy thế hệ chúng tôi đã từng được nghe nhiều, biết nhiều về họ, đã từng kính phục và ngưỡng mộ họ… Duy có người ấy thì biệt tăm từ đấy. Ông đã lui về nơi thôn cùng xóm vắng để thực hiện một cuộc… im lặng vĩ đại, im lặng cho đến khi từ giã cõi đời.

Không một câu nói, không một dòng chữ, không một dấu chân trên bất cứ nẻo đường nào. Nửa thế kỉ lặng im của con người Vô Danh ấy kích thích mọi trí tò mò. Tôi đã thử lý giải, mọi người đã thử lý giải sự im lặng ấy của ông. Song tất cả đều phí công vô ích.

Tôi đã từng chứng kiến những nhà thơ, nhà tư tưởng thiên tài đến mức mọi lời nói của họ đều ẩn chứa chân lý của muôn đời.

Nhưng tôi chưa từng chứng kiến một nhà thơ, nhà tư tưởng nào thiên tài đến mức… im lặng.

Thì ra trên đời còn có những sự im lặng… trên cả thiên tài.

Những kẻ còn muốn nói ra sẽ không bao giờ hiểu nổi sự im lặng của ông. Đơn giản vì chưa có đủ tầm kiến thức để có thể hiểu ông. Ông không cần chứng tỏ một điều gì. Không phải vì ông không thấy, mà chính vì ông thấy hết! Không ai hiểu nổi điều đó, trừ ông ra. Nhưng xung quanh ông vẫn có những đàn chim trời bay lượn. Chúng làm bạn với ông, có những con chim đã hiểu được ông. Và từ khi chúng hiểu ông, thì lập tức chúng cũng ngưng bặt tiếng hót.

Giống như những thiền sư vẫn lặng im tuyệt đối khi “nói” đến Phật Pháp, hoặc khi ngọn lửa thiêu cháy xác thân mình. Ông không phải thiền sư. Nhưng ông cũng lặng im tuyệt đối giữa cuộc đời đầy sục sôi gào thét, chém giết nhau để tranh cướp danh lợi, dùng những xác người để đắp nên sự vĩnh cửu, vinh quang… này. Ông là người duy nhất biết một cách sâu sắc, rằng không những mọi câu nói đều thừa, mà hễ cứ mở miệng nói ra thì vĩnh viễn không bao giờ lặng im được nữa. Có lẽ không ai trên thế gian này biết rõ điều đó, làm được điều đó như ông, trừ những vị thiền sư đắc đạo, nếu các vị vẫn còn hiện hữu ở đâu đó trong cuộc đời này.

Sự ầm ĩ muốn thông qua tượng đài để bắt chước những hóa thạch của nghìn xưa. Nhưng sự im lặng của ông thì không cần đến tượng đài. Bởi sự im lặng ấy đã hóa thạch lâu rồi. Nếu có ai vẫn muốn phải có một tượng đài cho ông, thì chỉ cần tạc một đoạn cuống họng, mà mạng nhện đã chăng kín là đủ. Nhưng ngay cả điều đó ông cũng chẳng cần.

Có lẽ con đường tôi đang đi không dẫn tới cái nơi có sự im lặng hóa thạch ấy. Dù sao thì tôi vẫn phải đi, bởi không ai có thể dừng lại giữa đường. Hình như sắp có một chiếc cầu. Tôi đã thấy thấp thoáng một dòng sông ở phía xa xa. Những cánh buồm đang trôi dần về phía chân trời. Tôi liếc mắt nhìn trộm Bầu trời. Mây vẫn xếp thành lớp lớp những vẩy rồng. Gió quét nhẹ dưới chân làm nháo nhác đàn lá khô. Trong óc tôi lại hiện lên câu chuyện về chiếc cầu ấy. Chuyện không biết đã xảy ra từ bao giờ.

Số là trước đây, hai đầu cầu từng là nơi trú ngụ của đám dân ăn mày tứ xứ. Hình như họ ở đó từ trước khi có cây cầu. Vào một ngày nào đó, chiếc cầu được dựng lên, bắc qua dòng sông nước có khi chảy xiết, có khi trôi lững lờ. Hai bên bờ cỏ vẫn mọc giống nhau, chim vẫn hót những tiếng giống nhau, gà vẫn gáy chung một canh giờ… Thế mà lạ thay, từ khi có chiếc cầu, đám ăn mày ở đầu cầu bên này bỗng chợt nhận ra rằng mình sở dĩ phải sống kiếp ăn mày là tại… cái đám ăn mày ở đầu cầu bên kia. Đám ăn mày ở đầu cầu bên kia lẽ tất nhiên, cũng nghĩ về đám ăn mày ở đầu cầu bên này những điều tương tự.

Hai đầu cầu từ đó sinh ra thù hằn nhau. Bên này cho rằng bên kia chính là thủ phạm đã đẩy mình tới cái kiếp ăn mày. Chiếc cầu thì vẫn vô tình nối hai bờ, vẫn lặng lẽ soi mình trên mặt nước… Nhưng trên mình nó, hầu như không ngày nào là không diễn ra những cuộc đấu giữa hai đám ăn mày đáng thương ấy. Lúc đầu họ cũng tưởng chẳng qua chỉ là một cuộc đấu đùa. Ai ngờ đùa quá hóa thật. Chẳng bao lâu sau, nó biến thành một cuộc quyết đấu, quyết triệt hạ nhau vì hy vọng nhờ đó sẽ xóa bỏ được cái nguyên nhân khiến mình phải sống kiếp ăn mày. Cuộc thù hằn giữa hai đầu cầu không ngờ lại hấp dẫn những kẻ tới xem kéo đến từ hai phía chân trời. Cũng chẳng cần phải cân nhắc sâu xa gì cho lắm, những kẻ đó đã nhanh chóng biến thành những khán giả vừa cổ vũ, khích động, vừa thi nhau trợ lực, tiếp sức cho cuộc đánh nhau giữa hai đám ăn mày.

Cứ như thế, hai đám ăn mày ở hai đầu cầu mê mải đánh nhau. Họ mê mải tới mức quên cả sống chết, quên cả thân phận của mình. Thậm chí có cảm giác rằng họ đánh nhau không phải vì những nguyên nhân ban đầu, không phải vì họ nữa, mà vì chính những khán giả đang cổ vũ ở hai phía sau lưng kia. Cuộc tranh chấp ấy đã thực sự trở thành một cuộc tranh chấp giữa hai đầu cầu. Nó kéo dài tưởng chừng như vô tận, không bên nào chịu nhường bên nào. Máu đã chảy, đầu đã rơi, những thây người đã đổ xuống… Mặc! Họ đạp lên cả những xác chết. Xác chết chẳng có nghĩa lý gì đối với họ. Đánh nhau từ lúc nào đã trở thành bản năng của con người như từ thuở lọt lòng. Họ say sưa tới mức coi đánh nhau như một thứ hội hè, như nguồn sống, sống trên đời chỉ có đánh nhau…

Thế rồi cũng đến lúc cuộc tranh chấp không tiền khoáng hậu ấy kết thúc. Nó kết thúc mà không bên nào chiến thắng trước bên nào. Bởi cuối cùng, họ vẫn tiếp tục sống cái kiếp ăn mày như trước kia, không suy suyển tí gì. Có chăng họ chỉ mang về những nấm mộ, những thân hình què cụt và những bộ hài cốt vô danh… Tất nhiên có một số ít kẻ đã hưởng lợi từ cuộc tranh chấp ấy. Nhưng đó không phải là điều mà câu chuyện này muốn kể. Điều muốn kể ở đây là: sự kết thúc của cuộc tranh chấp đó không ngờ cũng kì lạ như chính sự kì lạ đã sinh ra nó vậy.

Một hôm, trên cầu bỗng bất ngờ xuất hiện một người đàn bà điên. Không ai biết bà tới đây từ phía nào, bằng cách nào bà tới nơi đây? Đó là một người đàn bà không thể đoán tuổi. Bà mặc bộ váy áo sặc sỡ không rõ in những hình gì. Đầu tóc bà rối tung, rũ rượi như một bối rễ cây. Sau lưng bà cắm những cây cờ bằng vải cũng sặc sỡ theo kiểu phường tuồng. Bà nhìn Đất, nhìn Trời, nhìn xuống dòng sông… Không đếm xỉa gì đến cuộc đánh nhau của hai đám ăn mày, người đàn bà điên múa hai tay trong không khí, vừa múa vừa hát những câu ngớ ngẩn:

“Giữa trời có bãi tha ma

Giữa đời có mỗi mình ta… giống người.

Bỏ đi thì trống một thời

Chép vào thì thấy bà giời… có râu…”

Chẳng ai hiểu ý tứ ra làm sao. Lại có mấy câu sau đây nữa:

“Sách đâu chồng chất trên đài

Mở ra chỉ thấy chép loài chó rơm.”

Còn khối những câu hát khó hiểu hơn thế. Điều kì lạ là, chứng kiến người đàn bà điên, chứng kiến những câu hát ngớ ngẩn của bà, tất cả đám ăn mày đang đánh nhau kia dường như chợt tỉnh. Bấy giờ, họ bỗng đồng loạt nhận ra rằng, thì ra xưa nay họ là những người… không điên. Họ hoàn toàn không điên. Thế đấy. Không có kẻ điên thì con người sẽ không biết mình đang là điên hay tỉnh. Cuộc đời này trừ kẻ điên ra, số còn lại tất nhiên đều là những người tỉnh táo. Điều này hình như tôi đã đọc được ở đâu đó. Người đàn bà điên kia chính là đã đem đến sự đối chứng, đem đến cái định nghĩa điên, tỉnh mà xưa nay, đám ăn mày vì mải đánh nhau nên đã không phân biệt ra. Và, một khi đã phân biệt được rồi, họ lập tức dừng cuộc đánh nhau. Đơn giản chỉ có thế. Xin mọi người hãy tin tôi, bởi câu chuyện này là hoàn toàn có thật.

Đám người ăn mày thôi đánh nhau, lại trở về kiếp sống trước kia của mình. Cây cầu vẫn lặng lẽ nối hai bờ hiền hòa. Từ lúc nào, nó đã trở lại yên ả, thanh bình như bao cây cầu khác. Dòng sông vẫn bốn mùa chảy dưới chân cầu. Những con thuyền ngày ngày vẫn xếp buồm lại mỗi khi chui qua, rồi lại kẽo kẹt giương buồm lên, lặng lẽ trôi về phía chân trời. Người ta bảo rằng người đàn bà điên kia vẫn ở lại với cây cầu. Bà vẫn hát những câu hát cực kì ngớ ngẩn, vẫn múa may, chỉ trỏ loạn xạ về bốn phương trời. Lạy giời, xin bà cứ ở đó cho mọi người soi vào để thấy mình không điên.

Tôi đã đi tới chân cầu. Dòng sông đang mùa lũ, nước sục lên đỏ ngầu, sủi bọt như có gì chất chứa trong lòng. Không thấy bóng dáng người đàn bà điên. Cả đám người ăn mày vẫn trú ngụ ở hai bên gầm cầu cũng vậy. Họ đã đi khỏi từ bao giờ? Câu chuyện về họ vẫn còn văng vẳng đâu đây. Trên cầu, người, xe vẫn qua lại trước mắt tôi. Nhưng không biết tôi nên buồn hay nên vui trước sự vắng lặng cả một phần quá khứ của cây cầu ấy. Những số phận kia bây giờ ở đâu? Họ có đổi kiếp được không? cả người đàn bà điên kia nữa. Không có cái sự điên của bà, thì những trí tuệ lơ lửng của con người rồi sẽ biết ngả về bên nào giữa hai bờ điên, tỉnh?

Có tiếng ho sù sụ dưới gầm cầu. May quá, hình như vẫn còn sót lại một người hay là một chứng nhân? Tôi loay hoay tìm lối lần xuống. Tít trong cái góc tối tăm, hôi hám của gầm cầu, quả nhiên có bóng một lão ăn mày rách rưới đang ngồi bó gối, phóng ánh mắt sáng quắc xuống dòng sông. Tôi thận trọng tiến lại gần.

– Cụ là người cuối cùng vẫn ở lại đây? – tôi hỏi.

– Không! – Lão ăn mày lắc đầu – Lão chỉ là kẻ đã từng đi qua cầu. Đi rất xa. Nay trở lại để tìm người đàn bà điên.

– Bà ta đâu rồi? – tôi hỏi tiếp.

– Đi rồi. Đi mất rồi. Không biết bà đi đâu. – lão ăn mày trả lời.

– Hình như cụ biết điều gì về người đàn bà ấy?

– Cũng biết như mọi người thôi. – Lão ăn mày kể – Từ khi những người ăn mày thôi đánh nhau, bà điên vẫn ở lại đây. Hàng ngày, bà ra đứng chắn giữa cầu, gặp bất kì ai qua lại, bà đều ngăn họ lại. Bà bảo với họ rằng hãy quay lại đi, sai mất đường rồi… Mọi người đều cho rằng bà ta điên nên chẳng ai nghe, cứ gạt bà ra rồi tiếp tục cuộc hành trình. Cả lão đây cũng thế. Rất tiếc lúc ấy lão đã không nghe lời bà.

– Rồi sau đó thế nào?

– Có người lựa lời khuyên bà quê quán ở đâu nên về đó, đừng cản trở đường đi của mọi người nữa. Bà bảo bà không có quê. Bà còn ở đây để chờ đứa con gái. Sẽ có ngày nó trở về với bà. Con gái bà nó đi tìm hạnh phúc ở tận đâu đâu…

– Bà ta có một đứa con gái?

– Phải. Người ta kể rằng con gái bà một hôm bị người ta rủ rê đi tìm hạnh phúc. Bà bảo trên đời làm gì có hạnh phúc mà tìm. Song nó nhất quyết ra đi, bà ngăn nó lại không được, từ đó bà phát điên.

– Rồi đứa con gái ấy có trở về với bà không?

– Có. Nó trở về theo lối kia kìa – Lão ăn mày đưa tay chỉ xuống dòng sông – Nó trôi tới đúng chân cầu thì dừng lại.

– Nó đã chết? – tôi hỏi lão một câu rất thừa.

– Đứa con gái ấy bị phụ tình nên mới phải nhảy xuống sông tự vận. Dòng sông đưa nó về đây. Bà điên ôm xác con gái, đem đi chôn ở cạnh bờ đê. Bà ôm nấm mộ gào khóc suốt ba ngày ba đêm. Rồi sau đó không ai thấy bà đâu nữa.

Câu chuyện làm tôi lặng người. Một lúc lâu sau, tôi lại hỏi:

– Còn cụ? Tại sao cụ lại ở đây?

– Lão bán cả nhà cửa, đất đai, ôm một mớ tiền đi mưu cầu phú quý. Đến đây gặp bà điên, bà cũng bảo với lão rằng lão đi sai đường rồi, hãy quay lại đi. Song lão cũng như mọi người, chẳng ai tin vào lời một người điên làm gì, cứ một mực ra đi. Kết quả lão bị lừa hết sạch, trở thành thân tàn ma dại thế này. Nhớ tới lời khuyên ngày ấy của bà, lão bèn quay trở lại đây để tìm…

– Có nhiều người cũng trở lại như cụ không?

– Có. Nhiều lắm. Mộng phú quý, công danh, mộng tiền tài, tự do, hạnh phúc… tất cả rốt cuộc chỉ là bịp bợm, tất cả chỉ là ảo tưởng mà thôi. Hầu hết mọi người đều vỡ mộng. Song đến khi nhận ra lời khuyên của người đàn bà điên kia là đúng thì tất cả đều đã muộn…

Thì ra con đường này chẳng bao giờ đưa người ta tới cái nơi cần tới. Sự bịp bợm đã hóa thân thành cả một con đường như thế này ư? Làm sao lại có thể như thế được. Cảm thấy có sự ghê rợn nằm dưới hai gan bàn chân. Tôi hoảng hốt nhìn lên Bầu trời. Những sấm chớp khủng khiếp trong trận mưa ngày hôm qua không hề để lại tí dấu vết nào. Bầu trời đã giấu chúng ở đâu? Dù sao thì tôi cũng chẳng dại gì mà tin rằng chúng đã hoàn toàn biến mất. Tôi chỉ dám nghĩ đến thế mà thôi. Và, tôi đã đi xa khỏi chiếc cầu và lão ăn mày từ lúc nào không biết. Phía trước mặt, hai bên đường có những đám ồn ào, hình như con đường sắp đi qua một cái chợ.

Một cái chợ mà ở đó, người ta có thể mua hoặc bán đủ thứ trên đời. Điều đó từ lâu đã không có gì là lạ ở xứ sở này. Cũng có những kẻ đến đây không phải để bán mua, mà chỉ để ăn cắp. Số lượng những kẻ này nhiều ít tùy theo thời thế, song không lúc nào không có. Đó mới thực là một phép biện chứng của cuộc đời. Tôi không thể tưởng tượng nổi cuộc sống mà biến mất hoàn toàn những kẻ ăn cắp thì sẽ ra sao? Có lẽ phải viết lại những sách giáo khoa về đạo đức. Điều đó sẽ vô cùng tốn kém. Nghe nói lý luận của những kẻ ăn cắp cũng công phu, sắc bén chẳng kém gì lý luận của những người tử tế. Lại nghe nói ai cũng có ít nhất một cái túi trên người. Và, lòng tham của người này thì nằm ở túi của người kia và ngược lại. Người ta thường dặn nhau giữ chặt túi khi ra chợ. Nhưng bọn ăn cắp thì vẫn thản nhiên hành nghề, vẫn sống phây phây… Điều đó chứng tỏ nếu chúng không nhờ vào những lý luận sắc bén ấy thì nhờ vào cái gì?

Thế mà tôi chưa từng trông thấy một tên ăn cắp nào. Đơn giản là chúng chẳng bao giờ treo biển ăn cắp trước ngực. Ngược lại, có khi chúng lại khoác trên người những cái mác rất ghê… Cái nửa biện chứng ấy của cuộc đời mới bí ẩn làm sao.

Mặc kệ những ồn ào, nồng nặc hơi người, hơi súc vật… của cái chợ, tôi vẫn cúi gằm mặt, thong thả bước đi. Bỗng một kẻ túm lấy tôi, chìa ra trước mặt tôi món hàng gì đó. Tôi xua tay tỏ ý không mua. Lập tức, ánh mắt đang mời chào của gã chuyển ngay sang hằn học. Gã buông tôi ra, kẻ khác lại xông tới, những món hàng lại chìa ra trước mặt. Lại kết thúc bằng một ánh mắt hằn học… Tôi muốn thoát thật nhanh khỏi cái chợ này.

Bỗng tôi giật mình vì có tiếng oang oang phát ra từ một cái loa vĩ đại treo ở đâu đó trên nóc chợ. Cái loa thông báo rằng vì một lý do nào đó, cần phải đổi mới cái chợ. Tất cả những người bán hàng ở bên phải con đường phải chuyển hết sang bên trái, những người bán hàng bên trái phải chuyển hết sang bên phải. Những người mua hàng vì thế cũng nháo nhào di chuyển theo. Cả những kẻ ăn xin cũng không là ngoại lệ. Riêng bọn ăn cắp thì vẫn ở nguyên chỗ cũ, bởi ở bên nào thì chúng vẫn ăn cắp mà thôi. Thậm chí bấy giờ còn là thời cơ hành nghề của chúng. Những người bán, người mua, những kẻ ăn xin… răm rắp thi hành. Ai cũng có vẻ hể hả như sắp được tới thiên đường. Sau cuộc đổi mới đó, cái chợ trông quả có lạ hơn. Nhưng sự ồn ào và những mùi nồng nặc thì chẳng thay đổi chút nào. Có ai đó vừa ghé vào tai tôi thì thào rằng những cuộc đổi mới như thế này vẫn thường xuyên diễn ra, giống nhau y hệt.

Cái loa chuyển sang đọc một bài tùy bút của một nhà văn nổi tiếng nào đó ca ngợi cuộc đổi mới vừa diễn. Cái chợ này đầy rẫy những nhà văn, nhà thơ như thế. Khối người còn đang ngồi lẫn chỗ hàng tôm, hàng cá kia kìa. Họ ăn uống nhồm nhoàm và nói tục như ranh. Nhưng họ là những tinh hoa trí tuệ của cái chợ này. Không phải dễ mà hiểu được họ đâu. Ngay cả giữa họ với nhau cũng thế, rất hiếm khi họ chịu hiểu nhau, mặc dù họ luôn sống có đoàn có nhóm, có hội hè hẳn hoi. Nghĩ về họ, tôi chợt nhớ tới câu chuyện của anh Mặt Đỏ ở quán nhậu lần trước… Bài tùy bút của nhà văn trứ danh kia nghe chỉ thấy ù ù cạc cạc, tôi chẳng hiểu tí gì, bởi lời văn tuy mượt song toàn thấy những con số, những câu khẳng định rất chi là trừu tượng, chẳng biết so sánh với cái gì. Chợt, trong chợ có tiếng đàn bà khóc ré lên. Chị ta khóc hu hu mấy tiếng, rồi lại cười hơ hớ mấy tiếng. Lại thêm một người đàn bà điên? Hình như không phải. Tôi thấy mấy người đeo kính đen, để tóc kiểu nghệ sĩ đang xúm lại phía chị ta. Họ giơ lên những chiếc micrô, những chiếc máy ảnh. Thì ra là mấy nhà báo. Tôi nghe rõ cuộc phỏng vấn:

– Chị là người đi mua hàng?

– Mua hay bán thì có quan hệ gì. Tôi là người đi chợ. Thế thôi.

– Xin cho hỏi tại sao chị khóc?

– Tôi khóc vì vừa bị người ta bóp vú ba cái. Quân khốn nạn.

– Thế tại sao chị vừa khóc xong rồi lại cười ngay được?

– Tôi cười vì may mà có cuộc đổi mới vừa rồi, nên mới chỉ bị bóp vú có ba cái. Chứ nếu không có cuộc đổi mới ấy, tôi còn ở bên kia thì chắc đã bị chúng nó bóp cho những năm cái cơ.

– Tại sao chị biết rõ như thế?

– Sao lại không biết. Chẳng ngày nào mà lũ đàn bà chúng tôi chẳng bị những quân khốn nạn ấy bóp vú. Chúng không bóp chỗ nọ thì cũng bóp chỗ kia…

Té ra là thế. Cái trực quan sinh động này thì ra dễ hiểu hơn bài tùy bút hùng hồn kia gấp nhiều lần. Tôi lập tức giác ngộ sâu sắc ý nghĩa của cuộc đổi mới, lòng tự nhủ rằng cần phải biết ơn cái người đã nghĩ ra công cuộc đổi mới đầy tính sáng tạo vừa rồi. Tôi biết rằng ngày mai, báo chí, những trang website… sẽ nhất loạt đăng bài tường thuật, nhất loạt ca ngợi công cuộc đổi mới của cái chợ kèm theo hình ảnh người đàn bà bị bóp vú có ba cái này. Tất nhiên là ảnh chụp lúc chị ta cười.

Cái loa đã đọc xong bài tùy bút. Tiếp đó là một bài hát ca ngợi. Tôi chỉ nghe thấy câu: “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…”. Chợ vẫn ồn ào. Bỗng cái loa ngưng bặt. Tôi nghe có tiếng lạo xạo trong máy, rồi một tiếng chửi thề “Đù má…” vang lên rõ mồn một. Cái người lúc nãy lại ghé tai tôi thì thào rằng sắp đến tiết mục đọc diễn văn đấy. Bài diễn văn hẳn là quan trọng, của một nhân vật cũng rất quan trọng nên mới có tiếng chửi thề kia. Quả nhiên là một bài diễn văn. Tôi để ý hình như chẳng mấy ai nghe. Những người bán vẫn hau háu mời chào, những kẻ mua vẫn chổng mông lựa chọn… Bài diễn văn kết thúc. Đâu đó trong chợ vang lên những tiếng vỗ tay. Tôi nhìn vào một trong những người vừa vỗ tay ấy. Thấy y không phải người bán, cũng chẳng phải kẻ đi mua hàng. Thế thì y chỉ có thể là một tên ăn cắp?

Gương mặt tên ăn cắp tỏ ra rất đắc ý, mãn nguyện với bài diễn văn vừa rồi. Vỗ tay xong, y đút hay tay vào túi quần rồi chững chạc bước đi, vừa đi vừa huýt sáo một điệu nhạc hành khúc. Phía cuối chợ có mấy người ăn mặc lạ mắt đang thu xếp đồ nghề. Không biết họ là ai, đến đây làm gì? Xung quanh họ, một lũ trẻ con đang ngẩn tò te nhìn họ với ánh mắt tiếc rẻ. Tôi chợt nhận ra họ là những nghệ sĩ chuyên diễn những trò ảo thuật ở chợ này. Nhưng tại sao họ lại bỏ đi? Không kìm nổi sự thắc mắc, tôi bèn tiến tới hỏi thăm một người trong số họ:

– Các anh đi chỗ khác đấy à? Tại sao lại không diễn ở đây nữa?

– Ông không thấy đó sao? Ở đây người ta vừa diễn những trò còn cao thủ hơn chúng tôi gấp nhiều lần. Vậy thì chúng tôi phải bán xới chứ còn cách nào khác.

Câu trả lời đầy vẻ bí hiểm. Tôi nhìn cái chợ vừa đổi mới, tôi nhìn về hướng có cái loa… Hình như tôi vừa hiểu ra một điều gì…

Có một thứ mùi vừa nồng nặc, vừa tanh tưởi xộc vào mũi. Mấy tên cò mồi túm lấy tôi, hỏi tôi có gì muốn bán? Tôi rùng mình, cố bước thật nhanh ra khỏi cái khu vực bán mua sôi sục này. Mấy người ăn xin đang nằm dán người xuống đất ngay bên vệ đường, nom như những đụn rẻ rách. Họ cầm trên tay những chiếc bát sành sứt mẻ. Hôi hám không thể tả. Tôi cúi xuống, thả vào một chiếc bát mấy đồng tiền xu. Bọn cò mồi nhìn tôi như nhìn một người ở hành tinh khác.

Rời khỏi cái chợ ồn ào, náo nhiệt ấy, trong người tôi nôn nao một cảm giác khó chịu. Con đường công cộng vẫn lạo xạo dưới chân. Mặt trời đang chiếu thẳng những tia nắng óng ả vào gáy tôi. Gió thổi mạnh làm tóc tai tôi dựng đứng. Tôi biết mình vừa nghĩ ra toàn những điều rác rưởi, những thứ tầm phào. Chắc viết ra còn tầm phào hơn nữa. Xin đừng ai trách tôi nếu có trót đọc qua. Nào tôi có muốn thế đâu. Tôi vẫn muốn nghĩ đến những thứ hay ho, hoặc những điều cao siêu đấy chứ. Nhưng không hiểu sao lúc đi qua cái chợ ấy, tôi không thể nào nghĩ được như vậy.

Bây giờ thì tôi đang đi qua một bãi tha ma. Nhắm mắt lại tôi cũng biết mình đang ở bên cạnh bãi tha ma vì cái không khí lạnh lẽo, rùng rợn của nó. Bãi tha ma mênh mông bia mộ, đủ các loại lớn nhỏ khác nhau. Lại có vô số những hố đào nham nhở. Người ta bảo rằng ở đây vẫn phân biệt trên dưới, giầu nghèo… Cứ so sánh những nấm mộ thì biết. Có cái mả phình to như bị ung thư(!). Thậm chí có cái còn nguy nga, sặc sỡ như một lâu đài. Có cái lại lè tè, lở lói như một mô đất hoang. Chẳng biết ở dưới cái cõi sâu xa kia, những người chết đối xử với nhau như thế nào? Nếu đúng là trần sao âm vậy, thì những kẻ đang sống trong cuộc đời này còn biết hy vọng vào cái gì nữa?

Tôi giật mình vì nghe loáng thoáng có tiếng người. Để ý quan sát phía sau một dãy mộ xây cao cao, quả nhiên có thấp thoáng những bóng người. Hình như họ đang mặc cả, mua bán với nhau thứ gì đó. Chẳng lẽ đây lại là một cái chợ? Không kiềm nổi sự tò mò, tôi thận trọng tiến lại gần. Không phải chợ, nhưng cũng gần như thế. Bởi ở đây chỉ mua bán một thứ hàng duy nhất. Đó là những bộ xương người. Những người bán chân tay còn dính đầy đất cát đang ngồi xổm, trước mặt họ là những khúc xương trắng, những chiếc sọ nhăn nhở được bày trên những tấm bao tải rách te tua. Những kẻ mua khoác trên vai những chiếc bị to tướng đang đi đi lại lại. Họ nâng lên, đặt xuống những khúc xương, những cái sọ ấy rồi chê ỏng chê eo, rồi mặc cả… Ở góc một ngôi mộ xây còn có một người cởi trần trùng trục, đang ngồi chăm chú làm việc với lủng củng đồ nghề. Anh ta đang hí hoáy dùng một chiếc khoan tay, khoan những lỗ thủng tròn xoe, hoặc dùng cưa, cưa những vết chém ngọt sớt trên những hộp sọ hoặc những ống xương chân, xương tay, những giẻ xương sườn… tùy theo vị trí yêu cầu của kẻ đặt hàng. Những bộ hài cốt sau khi được mua, thì ra còn phải trải qua một công đoạn gia công như thế.

Như người bị phải gió, tôi rùng mình, xây xẩm cả mặt mày. Bỗng tôi chợt hiểu ra tất cả. Những bộ xương ấy vừa được đào lên từ những cái hố nham nhở giữa bãi tha ma kia. Những câu chuyện tôi đã từng nghe người ta kể nhưng tôi không tin vừa hiện về trong óc. Rằng xương người chết từ lâu đã trở thành một món hàng buôn đi bán lại, có cả một thị trường cung, cầu sôi động hẳn hoi. Những kẻ tiêu thụ đem những bộ hài cốt đã “gia công” ấy đi chôn tại những nơi rừng rú, giữa những cánh đồng… nơi trước kia một thời từng xảy ra những trận đánh, những loạt bom… Họ còn cẩn thận chôn theo khi thì chiếc lược, khi thì chiếc bàn chải đánh răng, vài mảnh đạn hoặc chiếc quân hàm, quân hiệu… Thế là hoàn tất già nửa công đoạn của những cuộc làm ăn.

Hàng năm sau, khi mà những nơi chôn giấu ấy đã trở thành hoang dã, tự nhiên. Những “nhà” ngoại cảm liền xuất hiện. Hàng nghìn, hàng vạn gia đình có con em, chồng, cha… mất tích trong những cuộc chiến chưa tìm được hài cốt là cái “thị trường” vô hạn, đầy tiềm năng của họ. Những kịch bản được soạn sẵn, những trò ảo thuật được diễn hết sức tinh vi. Và những “nhà” ngoại cảm kia đã chỉ ra đúng cái nơi có chôn hài cốt. Họ còn mô tả chính xác vị trí, những dấu tích, độ nông sâu, những kỉ vật… những lỗ thủng do đạn bắn hoặc những vết mảnh bom…

Xin lỗi các nhà ngoại cảm chân chính. Tôi biết có nhiều người như thế, bằng khả năng kì diệu của mình, họ đã tìm ra những bộ hài cốt bị lưu lạc, trả đúng về cho những người thân. Đó hoàn toàn không phải sự ngẫu nhiên, mà chính là trời đã sinh ra họ với sứ mệnh cao cả ấy, như để trả nợ bớt một phần những đau thương mà trời kia đã giáng xuống đất này. Song, những uy tín và việc làm thần thánh của họ đã bị lợi dụng, đã trở thành một cách kiếm ăn mới mẻ, vô nhân cho một bộ phận con người. Bao nhiêu linh hồn đang phải nghiến răng hưởng những sự khóc than, những tuần nhang của những người hoàn toàn xa lạ? Bao nhiêu bộ hài cốt sẽ vĩnh viễn không bao giờ có đường trở về với những người thân? Bao nhiêu đời, kiếp con người sẽ phải thờ cúng những vong hồn không phải chồng, không phải anh, không phải chú bác, ông cha của mình?… Âm dương cách trở. Nỗi oan khốc này, các vong hồn biết tỏ cách nào đây? Sự bịp bợm đã dâng đến tận Trời, cớ sao nay còn chui mãi xuống dưới Đất sâu?

Chiến tranh, thì ra còn ghê gớm hơn tôi vẫn tưởng nhiều.

Mải suy nghĩ đến những điều đó, tôi bỗng hoảng hốt, lạnh cả sống lưng khi nhìn thấy trên bãi tha ma, xung quanh tôi có những con vật có hình thù quái đản đang lổm ngổm chuyển động. Những con vật to bằng vốc tay người lớn tôi mà chưa từng trông thấy bao giờ. Chúng như những đống thịt nhăn nheo đang hồng lên, lóng lánh dưới ánh mặt trời. Trên mình chúng mọc ra những mẩu thịt cái tròn, cái dẹt, dài ngắn, to nhỏ khác nhau cứ rung rẩy như muốn dọa dẫm tôi. Ở đâu ra những con vật này? Tôi dụi mắt, hoảng sợ ríu cả chân lại. Rõ ràng đây không phải giấc mơ.

Chưa hết. Tôi tiếp tục bị một phen hoảng hốt đến cực độ khi chợt trông thấy ở bãi cỏ phía xa xa, một chiếc sọ người cũng đang lùi lũi chuyển động. Ma quỉ hiện hình ư? Mặc dù vô cùng sợ hãi, nhưng sự tò mò vẫn còn đủ sức kéo tôi bước đến gần cái sọ ấy. Cái sọ người vừa bò từ dưới một hố đào lên. Nó vẫn đang nhẫn nại bò, để lại phía sau những vệt bùn, nước loang lổ. Mấy kẻ đào mả vừa rồi không hiểu sao đã bỏ sót nó ở dưới hố. Cái sọ bò úp mặt xuống đất, giơ cái gáy tròn ủng, nhẵn thín lên trời. Từ trong những hốc mắt, hốc mũi, từ cái miệng ngoác rộng của nó, thò ra những cái chân thịt nhẫy nhụa, hồng hồng. Nó vừa bò vừa phát ra những tiếng kêu chét chét, chét chét… Cố nén sự kinh hoàng, tôi quỳ hẳn xuống, chăm chú nhìn như bị thôi miên và chợt hiểu. Những con vật kia thì ra đã bò ra từ những chiếc sọ mà tôi vừa chứng kiến trong cái chợ bán hài cốt ấy.

Tôi đã đọc ở đâu đó câu chuyện về những con ốc mượn hồn. Cái vỏ ốc khô, mốc vẫn chuyển động bởi một con vật sống ở bên trong. Những con vật quái dị ở bãi tha ma này cũng gần giống như thế. Chúng sống trong những chiếc sọ người. Có lẽ chúng đã chui vào đó từ những ngày đầu mới chôn, từ khi chúng còn bé tí. Chúng ăn óc người chết, lớn lên và nằm lại đó, thay thế bộ óc ấy, chúng chật cứng trong hộp sọ song vẫn phát triển bằng cách thò những mẩu thịt ra ngoài qua những hốc mắt, hốc mũi… Cái thân hình kì quái của chúng mà tôi vừa thấy kia, thì ra được tạo bởi những cái khuôn sọ người…

Cuối cùng tôi cũng đi khỏi bãi tha ma. Mấy phen hoảng hốt đã làm tôi mệt mỏi rã rời. Bầu trời vẫn thẳng đứng trên đầu tôi. Con đường hình như đang hẹp dần lại. Tôi thèm nghe một tiếng chim hót, một tiếng trẻ bi bô để có thể xóa đi nỗi ám ảnh về những con quái vật mang hình âm bản sọ người kia. Những con quái vật ăn óc người ấy rồi sẽ bò đến tận đâu? Có lẽ chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ bò vào đến chỗ có con người. Hay là thực ra, chúng đã sinh sôi nảy nở và sống lẫn với con người từ rất lâu rồi mà tôi không hề hay biết? Chợt nhớ lại những nếp nhăn trên mình chúng cũng giống hệt những nếp nhăn… Ôi! nếu chúng cũng có trí tuệ, cũng biết suy nghĩ nữa thì sẽ ra sao? Xung quanh tôi hoàn toàn im lặng. Một sự im lặng đáng ngờ như muốn che dấu điều gì. Tôi muốn gào lên thật to, muốn vung vẩy chân tay hết cỡ… Nhưng sao giọng tôi chỉ như tiếng muỗi kêu, và chân tay thì cứ rúm cả lại thế này?

Và tôi chạy. Không phải tôi bỏ chạy, mà là chạy như một người muốn mau mau tới đích. Tôi đã nghe thấy những tiếng sóng vỗ của một dòng sông. Con đường đang đưa tôi tới một bến đò.

Tôi sắp sửa tạm biệt con đường công cộng này. Trước mắt tôi, dòng sông đã hiện ra. Đó là một dòng sông rộng lớn, bởi tôi nhìn sang bờ bên kia chỉ thấy mờ mờ. Không nhìn rõ, nhưng tự nhiên tôi có cảm giác rằng bờ bên đó rất đỗi hiền hòa. Nếu xưa nay, tôi thường tin vào linh cảm của mình thì lần này tôi cũng tin như thế. Tôi tin rằng phía bờ bên kia của dòng sông sẽ không có bọn Quốc khỉ, không có ai muốn giết tôi nếu tôi có trót làm gì hơn họ. Bên đó không cần đến lão Ngô Đồng với cái triết học về sự dối trá và bịp bợm của lão. Không có những tượng đài để tôi phải nghe những cuộc độc thoại… không có những chiếc cầu nối cái này song lại chia cắt tất cả những cái khác. Bên đó có thể vẫn có những cái chợ, nhưng không cần đến những chiếc loa… Và nhất là, bên đó sẽ không có những con quái vật ăn óc người như ở bên này…

Tôi cần phải xuống đò và sang bờ bên kia càng nhanh càng tốt. Một con đò lớn đang cắm sào đợi tôi. Có vẻ như đã lâu lắm, con đò ấy không có chuyến sang sông nào. Chợt tôi sững người lại. Ngay trước cửa vào bến đò, có một kẻ nom rất hung dữ đang cắp ngang một ngọn giáo đã rỉ sét đứng trấn ở đó. Chắc chắn gã sẽ đâm tôi bằng ngọn giáo ấy nếu tôi liều lĩnh bước qua. Ánh mắt gã quét qua làm tôi co rúm người lại. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình yếu đuối như lúc này. Cũng như mọi người, tôi không bao giờ công nhận mình là một kẻ hèn nhát. Nếu có ai mắng tôi như thế, nhất định tôi sẽ nổi xung ngay. Nhưng… làm thế nào bây giờ? Tôi nhìn quanh và bỗng giật mình. Trên bờ sông kẻ đứng, người ngồi la liệt. Thì ra, rất nhiều người đã tới đây, họ cũng muốn sang sông như tôi. Song, hệt như tôi, họ cũng sợ bị đâm bởi ngọn giáo ghê gớm ấy.

Tôi nhẩm đếm số người muốn qua sông. Nhiều vô kể. Có lẽ họ đã tới đây, đã chờ đợi từ nhiều tháng ngày trước đó. Từ các ngả đường dẫn tới bến đò, còn nhiều người nữa vẫn tiếp tục hăm hở kéo đến. Song tất cả đều khiếp đảm, đều chững cả lại khi nhìn thấy cái gã hung dữ kia cùng ngọn giáo rỉ sét của gã. Tôi hết sức kinh ngạc. Tại sao mọi người lại không thể xuống bến đò? Gã hung dữ kia cùng lắm thì cũng chỉ đâm được một người đầu tiên bước tới là cùng. Trong khi những người muốn sang sông thì đông đảo thế này kia mà? Đám đông này thừa sức đè bẹp gã, cho dù gã có hung dữ đến đâu. Chắc chắn gã sẽ chỉ kịp đâm ngọn giáo vào một người đầu tiên thôi. Tôi suy nghĩ, cân nhắc rồi tôi chợt hiểu. Không ai muốn mình là cái người đầu tiên ấy!

Tôi nhìn lướt qua cái đám đông đang chờ đợi vô vọng kia. Có kẻ đang lim dim mắt, có kẻ đang giả vờ nghĩ tận đẩu tận đâu, có kẻ đang chăm chú thả hồn vào những giấc mơ gì đó… Mọi người đều tỏ ra run sợ, đều cố quay người đi để giấu cái mặt của mình mỗi khi ánh mắt khủng khiếp của gã hung dữ kia quét qua. Chắc họ đang thầm cầu mong cho gã chết đứng? Đừng có hòng. Nom gã gân guốc, dữ tợn và hùng tráng thế kia. Ngọn giáo gã nắm trong tay đã rỉ sét, chứng tỏ gã đã đứng ở đó từ rất lâu rồi. Vậy thì những kẻ muốn sang sông đây chờ mong ở điều gì?

Tôi mệt mỏi lê chân đến bãi cỏ, kiếm một chỗ còn trống thả người xuống, cùng nhập vào cái đám đông chờ đợi ấy. Bên cạnh tôi là một người đang thiu thiu ngủ. Chẳng biết anh ta chờ ở đây đã bao lâu rồi, anh ta đang mơ cái gì thế nhỉ? Có nhiều người hình như cũng đang mơ giống anh ta. Tôi nghe họ ú ớ những âm thanh rất giống nhau. Thỉnh thoảng tôi lại thấy lác đác có mấy người giật mình nhổm dậy, nhớm chân định chạy xuống bến đò. Song khi nhìn thấy gã hung dữ kia vẫn còn đứng đó, họ lại lập tức xẹp xuống, lại lim dim nằm mơ như cũ.

Tôi cũng lim dim mắt, cũng giả vờ đang nghĩ tận đâu đâu. Nhưng thực ra, tôi đang thầm mong cho cái kẻ nằm bên cạnh tôi đây chạy xuống bến đò trước. Từ trong ý nghĩ, tôi cố thuyết phục anh ta, tôi van nài anh ta hãy vì tôi, vì mọi người mà chạy xuống trước tiên, để cho gã kia đâm đi. Tôi sẽ theo sát sau lưng anh ta. Và, trong lúc gã chưa kịp rút ngọn giáo ra khỏi người anh ta, tôi sẽ thoát được xuống bến đò…

Nhưng xem ra cái kẻ nằm bên cạnh này còn kiên cường hơn cả tôi nữa. Biết đâu chính anh ta cũng đang thầm mong cho tôi chạy tới trước chưa biết chừng. Cứ cái kiểu thằng nọ mong thằng kia, thằng kia trông chờ ở thằng nọ… như thế này thì biết đến bao giờ? Đã vậy, tôi không thèm hy vọng vào anh ta nữa. Tôi hướng sự hy vọng ấy sang người thứ hai, rồi thứ ba… Rốt cuộc, đến lượt tôi cũng ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Tôi mơ thấy một người đầu tiên cắm đầu chạy xuống bến đò. Ngay lập tức, người ấy bị gã kia đâm một nhát giáo trí mạng. Mấy tia máu phun thẳng lên trời. Mọi người hân hoan mừng rỡ. Tôi hét lên một tiếng và vùng dậy. Tiếng hét của tôi làm cho cả đám đông cùng nháo nhác đứng lên, mọi ánh mắt hướng vào tôi chờ đợi, hy vọng. Có cả những ánh mắt thúc giục, van nài… Tôi nhìn xuống bến đò, gã hung dữ kia cùng ngọn giáo vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Bấy giờ tôi mới biết té ra mình nằm mơ. Không hề có kẻ nào vừa bị đâm cả. Nghĩ đến việc suýt nữa thì mình trở thành kẻ đầu tiên thí mạng làm tôi run bắn người lên. Trong cơn chán chường, tôi thẫn thờ ngồi xuống. Đám đông hết trông cậy ở tôi cũng thẫn thờ ngồi xuống. Tất cả lại chìm vào một cuộc chờ đợi, chờ đợi và hy vọng, hy vọng và nằm mơ…

Sài gòn, Mùa Đông 2005-2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.