Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Cách Trung Quốc phá hoại điều tra của các nhà báo nước ngoài

 

Cách Trung Quốc phá hoại điều tra của các nhà báo nước ngoài

Frankfurter Allgemeine Zeitung

Tác giả: Friederike Böge, từ Bắc Kinh

Dịch giả: Vũ Ngọc Chi

4-3-2021

Khi phóng viên của chúng tôi chuẩn bị đi đến lăng mộ Ordam Padishah, một hàng rào cản đường bất ngờ xuất hiện. Nguồn: Friederike Böge

Trung Quốc đang có những hành động khắc nghiệt hơn bao giờ hết đối với các phóng viên nước ngoài. Họ tường thuật về lốp xe bị chọc thủng, các cuộc tấn công mạng và những người đối thoại với họ bị đe dọa. Cả nhà báo F.A.Z. cũng bị liên lụy.

Tháng 5 năm ngoái, một nhà báo Mỹ muốn đến thăm một hang động ở miền nam Trung Quốc. Trước đó, các nhà khoa học Trung Quốc đã xem xét những con dơi ở đó có virus corona giống Sars-CoV-2. Nhà báo đang thực hiện một phóng sự truy tìm nguồn gốc của đại dịch. Trong một lần dừng chân, hai lốp xe ô tô thuê của anh đã bị đâm thủng, sau khi đến thăm hang động, những kẻ lạ mặt đã đột nhập vào phòng khách sạn của anh và phá hủy tất cả các tấm hình chụp được trên máy ảnh của anh.

Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy tình hình tự do truyền thông ở Trung Quốc “đã xấu đi đáng kể” trong năm qua. Đây là phán quyết của Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) sau khi thẩm vấn 150 thành viên. Một lý do cho điều này là đại dịch corona.

Bài tường thuật được công bố hôm thứ Hai cho biết: “Khi bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đấu tranh để giành lại kiểm soát những tường thuật thảm họa y tế, truyền thông nước ngoài liên tục bị cản trở trong nỗ lực đưa tin về đại dịch”. 42% những người được hỏi, nói rằng họ bị từ chối được tiếp cận với lý do phòng chống dịch bệnh. Trong một số trường hợp, các nhà báo được lựa chọn hoặc rời khỏi Trung Quốc ngay lập tức, hoặc bị cách ly trong hai tuần. Các cuộc phỏng vấn bị cấm với lý do cần phải được thử nghiệm corona, ngay cả sau khi đại dịch ở Trung Quốc đã được kiềm chế từ lâu.

Úc bây giờ hoàn toàn bị cho ra rìa

Ví dụ, ở Tân Cương, một con đường bị cho là bị chặn do virus corona để từ chối, không cho nhà báo F.A.Z. đi ngang qua. Theo FCCC, ứng dụng y tế trên điện thoại di động “đã tạo thêm cơ hội cho các nhà chức trách Trung Quốc giám sát các nhà báo và các nguồn tin của họ.”

Trung Quốc cũng lấy cớ phòng chống dịch bệnh làm lý do biện minh cho lệnh cấm nhập cảnh đối với các nhà báo, điều này đã khiến “một số lượng đáng kể các nhà báo” phải chờ đợi ở nước ngoài trong nhiều tháng để được vào trở lại. Hạn chế này không áp dụng cho doanh nhân, giáo viên hoặc người thân của họ.

Một nhà ngoại giao ở Bắc Kinh cho biết: “Chúng ta tự hỏi, liệu điều này vượt xa khỏi việc phòng chống đại dịch có hệ thống hay không và liệu nó có phải là nhằm mục đích giảm số lượng nhà báo hay không”. Hiệu ứng này được gia tăng bởi thực tế là hầu như không có bất kỳ thị thực nào cho phóng viên mới được cấp trong hơn một năm nay.

Cấm chụp ảnh: Một nhà thờ Hồi giáo với các tháp giáo đường bị đập mất, mà phóng viên của chúng tôi đã đưa tin. Nguồn: Friederike Böge

Năm ngoái, nhiều phóng viên bị trục xuất hơn bất kỳ năm nào khác kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Ít nhất 18 nhà báo của các tờ báo Mỹ “New York Times”, “Wall Street Journal” và “Washington Post” đã phải rời khỏi nước này một cách vội vã. Bối cảnh của điều này là căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington.

Về phần mình, chính phủ Mỹ đã trục xuất hàng loạt nhà báo Trung Quốc. Giám đốc Văn phòng Wall Street Journal, Jonathan Cheng cho biết: “Tôi bắt đầu công việc này với 15 phóng viên và dự định mở rộng văn phòng của chúng tôi. Bây giờ chỉ còn có năm người tại Trung Hoa lục địa“.

Căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc cũng có tác động. Không có phương tiện truyền thông nào của Úc còn có phóng viên đại diện ở Trung Quốc. Các phóng viên của ABC và Australian Financial Review đã bỏ trốn khỏi nước này hồi tháng 9, sau khi bị cấm ra khỏi nước.

Phóng viên Bill Birtles của ABC nói rằng hành động này, được cho là có mục đích đe dọa “chưa từng có tiền lệ”. “Cho đến lúc đó, chúng tôi đã cho rằng mình với tư cách là phóng viên nước ngoài sẽ chỉ bị trục xuất trong trường hợp xấu nhất.” FCCC tường thuật: “Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng thị thực làm áp lực nhiều hơn so với trước đây.”  Ví dụ, Nathan Vanderklippe, phóng viên của tờ báo Canada “Globe and Mail” chỉ nhận được thị thực có giá trị một tháng, bảy lần liên tiếp. Thị thực nhà báo ở Trung Quốc thường có giá trị cho cả năm.

Thế vận hội cũng là một chủ đề cấm kỵ đối với Trung Quốc

Ngoài ra, áp lực đối với các nhân viên Trung Quốc của các phương tiện truyền thông nước ngoài đã tăng lên đáng kể. Đây là những gì 59% các nhà báo được khảo sát tường thuật. Một số thường xuyên bị thẩm vấn, những người khác đã bị buộc phải từ chức. Trong một số trường hợp, các nhân viên bị buộc tội “phản bội đất nước của họ”. Một nhân viên của hãng tin Bloomberg đã bị cảnh sát giam giữ trong nhiều tháng. Những gì cô ấy bị buộc tội là không rõ ràng.

Việc đe dọa các đối tác được phỏng vấn và theo dõi các nhà báo đã là thông lệ tiêu chuẩn về các vấn đề chính trị nhạy cảm ở Trung Quốc trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong lúc này, hầu hết mọi chủ đề đều được coi là “quá nhạy cảm”. Điều này bao gồm các câu hỏi về chiến dịch tiêm chủng hoặc cho các chủ cửa hàng, những người bị thiệt thòi trong thời kỳ phong tỏa.

Ngay cả tường thuật về các chủ đề như Thế vận hội mùa đông Olympic ở Bắc Kinh năm 2022 và cuộc chiến chống đói nghèo, mà Tập Cận Bình đã tuyên bố là gương mẫu cho thế giới, cũng bị hạn chế nhiều. Các cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông nước ngoài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho những người được phỏng vấn. “Một số người đưa tin bị mất việc làm, bị từ chối tín dụng, hoặc bị bắt”, bài tường thuật cho biết.

Để chống lại việc đưa tin về cuộc đàn áp ở Hồng Kông và Tân Cương, Trung Quốc đang ngày càng vận động để bôi nhọ các nhà báo nước ngoài. Chẳng hạn, đài truyền hình BBC đã bị cáo buộc dùng một lăng kính xám để làm cho thực tế ở Trung Quốc trông ảm đạm. Đài truyền hình nhà nước CGTN phổ biến một video trên Twitter của một người Anh, theo CGTN, “bắt chước cách truyền thông phương Tây lan truyền những lời nói dối về Trung Quốc”.

Nhiều người Trung Quốc né tránh phỏng vấn vì họ sợ bị coi là không yêu nước. Họ thường nói rằng họ không muốn “đưa người nước ngoài con dao để tấn công Trung Quốc”. Người ta thường nghe nói rằng họ đã được cấp trên chỉ thị không được nói chuyện với các phương tiện truyền thông nước ngoài. Những người khác muốn nói chuyện thì nhận được điện thoại đe dọa từ cảnh sát. Giống như một luật sư bênh vực quyền lợi của phụ nữ. Một giờ trước cuộc phỏng vấn với F.A.Z. cô nhận được một cú gọi như vậy và hủy bỏ cuộc hẹn.

Trung Quốc ngày càng khép kín

Trong một số trường hợp, tin tặc còn xâm nhập vào hệ thống máy tính của các nhà báo. Ví dụ, một phóng viên của hãng tin AFP đang điều tra các biện pháp chống lũ lụt đã bị liên lụy. Những người lạ đã  truy cập vào máy tính xách tay của anh ta. Sáu nhà báo khác cũng là mục tiêu của một cuộc tấn công mạng liên quan đến việc đưa tin về việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Điện thoại di động của họ đã cố tình bị chuyển hướng đến một cột phát sóng điện thoại di động sai lạc.

Làn sóng phóng viên nước ngoài đến Trung Quốc trong thập niên 1980 và 1990 từng được coi là bằng chứng cho thấy nước này đang mở cửa. Sự tiếp cận của các nhà báo Mỹ là một phần quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Bắc Kinh và Washington sau khi quan hệ ngoại giao được thiết lập vào năm 1979. Một số người ở Bắc Kinh tự hỏi, liệu các nhà báo ra đi đông như vậy có phải là dấu hiệu cho thấy các chính sách mở cửa đang bị thu hồi lại hay không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.