Phạm Văn Đồng định hướng, chỉ đường cho nhóm lãnh đạo, nhưng lại như “người đi đường không có bản đồ”!
Âu Dương Thệ
1-3-2021
LGT: Phạm Văn Đồng (1.3.1906-29.4.2000) được coi là một trong những người sáng lập ĐCSVN. Ông Đồng từng giữ 41 năm Ủy viên Trung ương Đảng, 35 năm Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm Thủ tướng và 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương. Cho tới những năm cuối cùng ông vẫn được những người có quyền lực khi ấy trọng thị, đã tham gia phái đoàn do Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng (TT) Đỗ Mười tham dự Hội nghị Thành đô (9.1990).
Một trong các tập sách cuối cùng của Phạm Văn Đồng là “Văn hóa và Đổi mới” (138 trang phát hành 1994), chỉ sau Hội nghị Đại biểu toàn quốc (20.1.-25.1.1994) vài tháng, được TBT Đỗ Mười coi là một Hội nghị quan trọng đặc biệt để thẩm định lại 7 năm “đổi mới” từ thời Nguyễn Văn Linh, để nhận định tình hình thế giới sau khi Liên xô và nước CS Đông Âu tan rã và bình thường hóa quan hệ với Trung quốc (TQ), đồng thời xác định hướng đi tương lai và các biện pháp giải quyết các tình hình khó khăn. Thường được gọi là “Hội nghị về 4 nguy cơ”.
Trọng tâm tập sách này Phạm Văn Đồng đã dùng uy tín để biện minh cho chính sách gọi là “Đổi mới” được phát động từ Đại hội 6 (12.1986). Vì thế ông được coi là người định tính, định hình -người cha tinh thần- của đứa con “đổi mới”. Cho nên tập sách “Văn hóa và Đổi mới” có thể ví như “lời di chúc” của Phạm Văn Đồng dặn dò những người cầm đầu CS đi sau ông phải hiểu nội hàm thực sự và các bước đi theo cách “vạn biến” để làm sao giữ được cái “bất biến” là đảng phải tiếp tục độc quyền. Phạm Văn Đồng đã đặt bảng thang giá trị là đảng trước, nước sau, dân cuối! Phần dưới đây trích trong tập “Việt Nam “Đổi Mới” ?! Hay: Treo đầu dê, bán thịt chó!”, https://www.amazon.com/Vi%E1%BB%87t-Nam-%C4%90%E1%BB%95i-m%E1%BB%9Bi-Hay/dp/0244794367của tác giả đã phát hành gần đây.
***
Khi tìm hiểu mục tiêu, nội dung hay nội hàm của kế hoạch “đổi mới” từ ĐH 6, đặc biệt từ ĐH 7 và Hội nghị Đại biểu toàn quốc đầu 1994 mà không bàn tới vai trò khi đó của Phạm Văn Đồng, cựu TT từng trên 30 năm đứng đầu chính phủ chế độ toàn trị, sẽ là một thiếu sót lớn. Tuy từ Đại hội (ĐH) 6 không còn trực tiếp trong Bộ chinh trị (BCT), chỉ còn là một trong vài “Cố vấn Ban chấp hành trung ương -BCHTU”, nhưng ông vẫn có uy tín lớn và vẫn đóng vai trò rất quan trọng, nếu không trực tiếp thì ít nhất cũng gián tiếp trong việc tham gia ý kiến về định hướng đi tương lai cho đảng. Điều này đã được xác nhận và trở thành công khai khi Phạm Văn Đồng tham gia trong phái đoàn sang họp Hội nghị bí mật cấp cao ở Thành đô (9.1990) để xin cầu hòa với Bc81 kinh (BK) cùng với TBT Nguyễn Văn Linh và TT Đỗ Mười gặp TBT Giang Trạch Dân và TT Lý Bằng TQ (xem Chương hai, VII).
Trong suốt thời gian hơn ba thập niên làm TT, Phạm Văn Đồng chưa bao giờ công khai khác với ý kiến của HCM, lúc nào cũng tự coi là học trò và tin tưởng các sách lược, bước đi và lời nói của ông Hồ là kim chỉ nam. Mặt khác HCM cũng rất tin cậy ông Đồng. Phạm Văn Đồng đã tự kể là, chính ông đã có lần khuyên HCM lấy vợ và ông đã từng làm người môi giới khi còn ở chiến khu Việt Bắc giữa thập niên 40.[1] Lời tâm sự này của ông diễn ra đúng vào thời gian dư luận nói về việc ông Hồ đã có mấy đời vợ, vì thế có lẽ gián tiếp bào chữa bảo rằng, HCM cũng là con người thôi.
Là một trong những người sáng lập và gây dựng nên chế độ toàn trị ở VN từ giữa thập niên 40, cho nên với uy tín cao đối với nhóm lãnh đạo mới và kinh nghiệm cầm quyền sau gần nửa thế kỷ của Phạm Văn Đồng -mà Nguyễn Văn Linh đã từng ví von về kinh nghiệm và tài năng của những người lãnh đạo đi trước nhóm ông là cao hơn cả cái đầu- cùng với tuổi đời theo văn hóa Á đông (các UVBCT trong ĐH 6 ít tuổi hơn ông) nên Phạm Văn Đồng chắc chắn -nhất là sau khi Trường Chinh (1988) và Lê Đức Thọ mất (1990)- đã bàn định trực tiếp trong những cuộc họp của BCT và cả những cuộc tiếp xúc riêng tay đôi, tay ba với nhiều UVBCT. Cho nên Phạm Văn Đồng hiểu rõ được nội tình nhóm lãnh đạo nói chung, những hoang mang và lo lắng về tương lai chế độ sau khi Liên xô và các nước CS Đông Âu tan rã. Có thể nói, chính Phạm Văn Đồng là một trong những người chính đóng vai trò thai nghén, ấp ủ cái “trứng đổi mới”. Tuy chỉ đứng đằng sau, nhưng chính ông là người định hình, định tính cho kế hoạch “đổi mới”.
Sau Hội nghị Đại biểu toàn quốc không lâu, cơ quan Tuyên giáo cho phát hành tập sách của Phạm Văn Đồng “Văn hóa và Đổi mới” –” Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo Định hướng Xã hội chủ nghĩa (ĐHXHCN) , đưa đến dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Tờ ND phổ biến từ ngày 11.5.1994, nhân dịp kỉ niệm 104 sinh nhật HCM và đăng liên tiếp trên 5 số ND Chủ nhật từ 22.5 tới 19.6.1994.[2] Như đã trình bày, Hội nghị Đại biểu toàn quốc được TBT Đỗ Mười coi là một Hội nghị quan trọng đặc biệt để thẩm định lại 7 năm “đổi mới” từ thời Nguyễn Văn Linh, nhận định tình hình thế giới sau khi Liên xô và nước CS Đông Âu tan rã và bình thường hóa quan hệ với TQ, đồng thời xác định hướng đi tương lai và các biện pháp giải quyết các tình hình khó khăn.
Sách “Văn hóa và Đổi mới” của Phạm Văn Đồng ra đúng vào dịp này, ông muốn vận dụng uy tín, khả năng lí luận và lối viết nhẹ nhàng của mình để giải thích và biện minh cho các Nghị quyết (NQ) của Hội nghị Đại biểu toàn quốc, đặc biệt về “bốn nguy cơ” và tại sao đổi mới phải theo định hướng XHCN với “tư tưởng HCM” làm chỉ đạo. Qua đó cho thấy tập sách này Phạm Văn Đồng đã thai nghén từ lâu, nhưng đợi tới sau Hội nghị Đại biểu toàn quốc mới cho phổ biến để tránh tâm lí qua mặt nhóm lãnh đạo mới và mục đích chính là cổ động cho các mục tiêu của Đổi mới đã được nói rõ thêm trong Hội nghị quan trọng này. Trong phần đầu Phạm Văn Đồng đã sử dụng kinh nghiệm chinh phục lòng người bằng cách đề cao văn hóa và lịch sử VN từ thời dựng nước, giữ nước cho tới cuối đời nhà Nguyễn. Theo ông Cách mạng Tháng 8 chỉ tìm cách chấm dứt sai lầm đưa đến lệ thuộc Pháp của triều đình Nguyễn và sau đó tiếp nối con đường đã từng đưa dân tộc Việt đến vinh quang.
Từ tiền đề này Phạm Văn Đồng biện minh và cổ vũ cho chủ trương đổi mới theo ĐHXHCN do ĐCSVN lãnh đạo: “Về ĐHXHCN nhiều người hỏi nó là cái gì, định hướng như thế nào? Đó là một câu hỏi chính đáng.” Cũng ý đó, trong lúc trải lòng Phạm Văn Đồng nhìn nhận thắc mắc và lo âu của nhiều người về việc khẳng định phải đi theo ĐHXHCN, nhất là trong giới chuyên viên và nhân sĩ -như đã diễn ra trong cuộc Hội thảo về các dự thảo của ĐH 7 do TCCS tổ chức vào đầu tháng 1.1991 (xem Chương ba, I) Ông Đồng tâm sự: “Tuy nhiên cũng có người muốn đòi hỏi thêm: Nói ĐHXHCN thì phải biết XHCN là gì? Đòi hỏi như vậy là có lí, là cần thiết!” Nhưng chính ông cũng không trả lời được và tỏ sự khiêm nhường, nhờ và chờ các nhà lí luận tìm ra lời giải đáp. [3]
Tuy cố tránh không một lần nào nói về việc Liên xô và các nước CS Đông Âu tan rã từ đầu thập niên 90, nhưng khi nói về hoàn cảnh ngặt nghèo của chế độ đang phải tìm đường thoát ra khỏi nguy nan Phạm Văn Đồng cũng tâm sự và ví von là, trong hoàn cảnh khi đó “chúng ta đang đi trên một con đường không có bản đồ”, như người mù không có ai dẫn đường![4] Tâm sự hết sức hoang mang, lo lắng của chính ông và những Ủy biên BCT đương nhiệm khi đó trước ngã ba đường, không biết đi hướng nào thì tới đích, và ngay cả cũng không biết cái đích mình muốn tới nó như thế nào nữa! Cách diễn tả tâm trạng bi quan này có lẽ khi đó chính ông Đồng tự cảm thấy thấm thía nhất, cả về mặt chính trị lẫn cuộc đời riêng. Vì từ đầu thập niên 80 mắt của ông ngày càng yếu, dù đã được đưa đi chữa trị ở các bệnh viện chuyên môn ở Liên xô, cuối cùng ông phải có người dẫn đường. Ở một phần khác Phạm Văn Đồng cũng nói lại ý kiến của một đồng liêu kể về các biện pháp đàn áp nhân dân của chế độ: “Nếu có cách nào đó bảo đảm cho người dân không bị trả thù thì họ sẽ nói hết.” [5]
Nhưng dường như khi Phạm Văn Đồng tâm sự như vậy, hay tỏ ý muốn lắng nghe ý kiến trái chiều của người khác chỉ là cách muốn mua chuộc niềm tin ở người khác. Vì thực ra ông đã có chủ ý sẵn đi theo quĩ đạo chính trị nào. Trong sách này ông đã nhiều lần khẳng định, “ở nước ta luận điểm ĐHXHCN là tất yếu”.[6] Ông còn dặn dò nhóm cầm đầu kế nghiệp ông phải hiểu cho thật rõ việc định hướng này: “Về trước mắt, đây là định hướng. Về lâu dài, ĐHXHCN ngày càng sinh hoa, kết quả, ngày càng rõ nét. Dần dần không chỉ là ĐHXHCN mà là định hình XHCN, thực hiện CNXH theo bản sắc VN.”[7] Thế rồi Phạm Văn Đồng còn nói thẳng, tại sao phải đổi mới và cuộc đổi mới lần này nhằm mục tiêu gì? Có khác với những lần trước những khi đảng rơi vào cảnh sợi chỉ ngàn cân không?
Trong phần kết ông đã trả lời, “con đường vận dụng thời cơ và đẩy lùi nguy cơ, nói cho cùng, không phải cái gì khác là nắm vững ĐHXHCN…Đó là cái “bất biến”, còn vận dụng nguyên lí này như thế nào thì phải tùy thời, tùy thế, và đó là cái “vạn biến” “.[8]Vài năm sau trước khi qua đời Phạm Văn Đồng đã định nghĩa rõ ràng hơn về ý nghĩa của câu “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà HCM đã căn dặn Huỳnh Thúc Kháng và Võ Nguyên giáp vào cuối tháng 5.1946 trước khi ông phải sang Pháp đàm phán một thời gian lâu: “Quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”….” cái bất biến ở đây là mục tiêu Cách mạng, là lí tưởng Cách mạng, là diễn biến từ Cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân đến Cách mạng XHCN, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ quá trình đấu tranh trong nhiều thập kỉ, nó đòi hỏi sự vận dụng kịp thời và có hiệu quả thời và thế, có khi phải biết tạo nên thời và thế theo đòi hỏi của tình hình”. [9] Như thế Phạm Văn Đồng đã xác nhận, HCM đã có chủ ý ngay từ đầu sau khi cướp được chính quyền ông sẽ bỏ “Cách mạng Dân tộc” để thực hiện “Cách mạng XHCN”. Nói một cách khác, ngay từ thủa ban đầu HCM đã nuôi ý định thay đổi thứ tự, từ mục tiêu trở thành phương tiện và phương tiện trở thành mục tiêu; tức là phản bội lời thề thực hiện độc lập, dân chủ tự do trong Tuyên ngôn Độc lập 1945. Nghĩa là HCM đã giương cao ngọn cờ độc lập và dân tộc chỉ để lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để xây dựng XHCN!
Như thế Phạm Văn Đồng đã cho mọi người biết rằng, sách lược gọi là “đổi mới” hiện nay cũng chỉ là lập lại các thủ đoạn rất gian xảo của ĐCSVN như “giải tán đảng”, dựng lên “Mặt trận (MT) Việt minh”, tới “MT Giải phóng miền Nam VN” và “Hòa giải dân tộc”…. của các giai đoạn trước đây; trong đó mục tiêu trước sau như một là cướp chính quyền, giữ đảng độc quyền để xây dựng chế độ toàn trị từ miền Bắc rồi mở rộng ra cả nước trong khuôn khổ ĐHXHCN.Vì vẫn theo Phạm Văn Đồng, một đồng chí suốt đời bên cạnh HCM, nên hiểu rất rõ cội nguồn thâm tâm sâu kín của ông Hồ trong mục tiêu tranh đấu chính trị của ông: “Đối với HCM, cách mạng VN là một bộ phận của cách mạng thế giới, nó phải có quan hệ với cách mạng các nước khác trên thế giới, nó phải nhờ cậy, phải tranh thủ sự ủng hộ của cách mạng thế giới. Ngược lại, cách mạng VN có nghĩa vụ là hết sức mình đóng góp vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”[10] Nội dung của cuộc “Cách mạng” HCM theo đuổi mà Phạm Văn Đồng viết ở đây phải hiểu là thực hiện XHCN theo Marx-Lenin. Đây đúng là lời căn dặn của HCM “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong suốt gần thế kỷ qua!
Những lời tâm sự trên đây cho thấy, mặc cho những lời khuyên can thành thực của nhiều đảng viên tiến bộ, cũng như nhiều chuyên viên trí thức ngoài xã hội, nhưng Phạm Văn Đồng và những người cầm đầu đảng vẫn giữ thái độ đặt cái cày trước con trâu. Ông lại đi vào tự mâu thuẫn với chính mình. Khi mở đầu sách thì Phạm Văn Đồng nhìn nhận là, sau 1975 vì say mê với chiến thắng nên nhóm cầm đầu khi ấy, trong đó có Phạm Văn Đồng, đã đòi tiến thẳng lên “cách mạnh XHCN”, vì thế “chúng ta đã phạm những sai lầm do nóng vội, duy ý chí.” Ông tâm sự tiếp, “tôi muốn dừng lại đây để rút một bài học rất bổ ích về tính “lãng mạn cộng sản” (Lê-nin), lấy lòng mong muốn thay cho thực tế, trong cách nghĩ và cách làm sai lầm này, điều nguy hiểm nhất là bất chấp qui luật của lịch sử, muốn đốt cháy giai đoạn, không tính đến điểm xuất phát về tình hình mọi mặt của nước ta lúc bấy giờ. Bản thân tôi, hồi tưởng lại tâm trí của mình, tôi vô cùng ngạc nhiên sao mà mình có thể quay lưng lại với biết bao sự thật hằng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những cái giá đắt phải trả. Rõ ràng đây là một sự thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lí luận và thực tiễn.” [11]
Mở đầu sách ông tỏ vẻ ăn năn trách mình và trách các đồng liêu cùng thời vì mù quáng suốt mấy chục năm bắt nhân dân và đất nước phải vào trong khuôn khổ như vậy. Sau đó khi Liên xô sụp đổ, thiên đường ông tin đã tan hoang, nên ông rất băn khoăn lo lắng như người đi đường không có bản đồ, như người mù không có người dẫn đường, không biết phiêu lưu đi về đâu. Ông cũng thừa nhận lời cảnh giác của nhiều giới là, “nói ĐHXHCN thì phải biết XHCN là gì? Đòi hỏi như vậy là có lí, là cần thiết!” Nhưng cực kỳ phi lí là phần chính trong quyển sách Phạm Văn Đồng lại khẳng định như đinh đóng cột là, con đường chọn phải là “ĐHXHCN”, không thể khác! Vào cuối sách Phạm Văn Đồng đã nói không úp mở :”Tôi nói điều này để khẳng định một lần nữa rằng, sự nghiệp đổi mới của chúng ta theo ĐHXHCN không thể cái gì khác là tiến tới CNXH, đó là mục tiêu của đổi mới.”[12]
Như thế thật hết sức rõ ràng, Phạm Văn Đồng đã cực kỳ mâu thuẫn với chính mình, vừa chê trách là thời 1975 ông và các đồng liêu đã làm công việc đặt cái cày trước con trâu, đòi đưa đất nước vào quĩ đạo XHCN. Mấy chục năm sau ông thừa nhận, con đường này đã dẫn tới đói nghèo, lạc hậu và đàn áp. Thế rồi lạ lùng làm sao, nay ông lại vẫn khẳng định phải đưa đất nước theo ĐHXHCN!
Có thực là Phạm Văn Đồng luẩn quẩn lẫn lộn của người cao tuổi? Hay đây chính vẫn là cách suy nghĩ theo phản xạ của một người hầu như suốt đời đã quen thói ngụy biện và hành động theo các thủ đoạn chỉ cốt làm sao duy trì chế độ độc tài toàn trị, bất chấp sự thật và dân tộc ta cả gần thế kỷ qua phải trả giá đắt không bút mực nào tả xiết! Trước sau lại quay về tiểu xảo lừa dối “vạn biến” để “bất biến”. Thực hiện ý đồ này thì đây quyết không phải là văn hóa tốt mà là văn hóa rất tồi tệ. Đó cũng không phải là đổi mới thực mà chỉ là treo đầu heo bán thịt chó thối. Vì thế từ cái tựa tới nội dung sách “Văn hóa và đổi mới” hoàn toàn không thích hợp! Phạm Văn Đồng đủ thông minh để hiểu về những sai lầm của chủ nghĩa Marx-Lenin, của CNXH, nhưng ông không đủ sáng suốt và nhất là không dám vượt qua bóng tối của mình. Thật vậy, đã từng nắm quyền cao chức trọng trong nửa thế kỷ trong chế độ toàn trị, Phạm Văn Đồng phải thấy rằng, chế độ độc đảng và theo mô hình XHCN với xóa bỏ quyền tư hữu, quốc doanh, phân chia giai cấp và tôn thờ bạo lực. Làm như thế là triệt tiêu động lực, sáng kiến và sức sáng tạo của con người và cộng đồng; là gây chia rẽ, đàn áp, bất công và hận thù. Vì thế, cột chặt đất nước vào ĐHXHCN thì tất yếu dẫn tới đói nghèo, lạc hậu, nhân dân mất dân chủ tự do, chỉ có một thiểu số sống trong nhung lụa nhờ vào quyền lực và đàn áp!
Đúng ra ở tuổi xấp xỉ 90, đã thoát vòng danh lợi nên Phạm Văn Đồng có cơ hội tốt để tự vấn lương tâm một cách thành thực, sâu thẳm; từ đó dùng kinh nghiệm của mình chỉ cho những người đi sau tránh vết chân cũ, đừng rơi vào những sai lầm cũ vô cùng nguy hại cho đất nước và nhân dân. Chỉ khi đó ông mới trở thành người đáng trọng! Nhưng Phạm Văn Đồng đã không vượt ra khỏi cái bóng đen của mình!
Trong sách “Văn hóa và Đổi mới” tuy cố trình bày nhẹ nhàng, nhưng là một trong những người sáng lập và xây dựng chế độ toàn trị từ giữa thập niên 40 và nắm chức Thủ tướng suốt trên 30 năm Phạm Văn Đồng đã tự để lộ cho biết, chính ông là một trong những người thai nghén và ấp ủ cái “trứng đổi mới” từ giai đoạn giữa thập niên 80, khi chế độ toàn trị đang như sợi chỉ treo ngàn cân. Chính ông là người định tính, định hình cho đứa con “đổi mới”. Cho nên tập sách “Văn hóa và Đổi mới” có thể ví như “lời di chúc” của Phạm Văn Đồng dặn dò những người đi sau ông phải hiểu nội hàm thực sự và các bước đi theo cách “vạn biến” để làm sao giữ được cái “bất biến” là đảng phải tiếp tục độc quyền. Phạm Văn Đồng đã đặt bảng thang giá trị là đảng trước, nước sau, dân cuối!
***
Sau khi Liên xô và các nước CS Đông Âu tan rã và thực hiện xong cầu hòa với BK, nhóm giáo điều nắm thượng phong trong BCT liền cho tổ chức Hội nghị Đại biểu toàn quốc tháng 1.1994, ra các NQ định rõ khuôn khổ “đổi mới” nhưng phải theo quĩ đạo Marx-Lenin và “tư tưởng HCM” và đề cao cảnh giác về “bốn nguy cơ”. Tiếp đến là họ cho phổ biến rộng rãi trên tờ ND Chủ nhật, cơ quan ngôn luận của TUĐ, tập sách “Văn hóa và Đổi mới” của cựu TT Phạm Văn Đồng. Trong đó nhóm giáo điều muốn dùng uy tín của một một người sáng lập chế độ và đã từng trên 30 năm làm TT làm công việc định tính, định hình cho cái trứng đổi mới phải nằm trong cái nôi ĐHXHCN.
Phạm Văn Đồng biện minh, giải thích và cổ súy cho các NQ của Hội nghị Đại biểu toàn quốc, đặc biệt cảnh cáo về “bốn nguy cơ”, nhất là “nguy cớ chệch hướng” và “diễn biến hòa bình”. Thành phần giáo điều hy vọng rằng, với sự ủng hộ tinh thần của cựu TT Phạm Văn Đồng, một trong những người sáng lập ra chế độ toàn trị, thì từ nay cái nền cho khuôn khổ và kế hoạch gọi là “đổi mới” theo ĐHXHCN đã xây xong không còn trở ngại đáng kể nào nữa!
[1] . Phạm Văn Đồng, „HCM đời riêng“, Nhân dân (ND) Xuân Tân Mùi 1991, tr. 2
[2] . Sau đó in thành sách „Văn hóa và Đổi mới“ 138 trang phát hành 1994. Các phần trích ở đây lấy từ các số ND Chủ Nhật vào thời gian trên.
[3]. Phạm Văn Đồng, Văn hóa và Đổi mới, sđd, ND 12.6.94
[4] . Như trên (nh.t.) ND 5.6.94
[5] . Nh.t., ND 12.6.94
[6] . Nh.t.
[7] . Nh.t.
[8] . Nh.t, ND 19.6.94
[9] . Phạm Văn Đồng, „Những nhận thức cơ bản về tư tưởng HCM“, viết vào dịp ĐH 8, ND 1.1.98
[10] . Phạm Văn Đồng, „Những nhận thức cơ bản về tư tưởng HCM“, ND 1.1.98
[11] . Phạm Văn Đồng, Văn hóa và Đổi mới, sđd, ND 29.5.94
[12] . Nh.t, 19.6.94
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.