Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

Bản tin ngày 1-3-2021

 

Bản tin ngày 1-3-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

VietNamNet đưa tin: Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 1 tháng ở Biển Đông. TQ đã bắt đầu cuộc tập trận hôm nay, dự kiến kết thúc vào ngày 31/3, trong một khu vực có bán kính 5km ở phía tây bán đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông. “Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Mỹ bắt đầu thường xuyên tiến hành hoạt động trinh sát về các vùng ven biển của Trung Quốc và về môi trường thủy văn ở Biển Đông”.

Trong khi đó, tàu chiến Pháp sắp tới Biển Đông. Báo Thanh Niên có bài: Khí tài quân sự đổ dồn về Biển ĐôngKhông chỉ Trung Quốc và Mỹ gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông, mà chiến hạm của Pháp cũng sẽ có mặt trong khu vực này. Anh quốc cũng thông báo, tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth sẽ đến Biển Đông trong năm nay.

VOV có bài: Lý do tàu chiến Pháp gia tăng hoạt động ở Biển Đông. Một trong các lý do Pháp triển khai tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu khu trục Surcouf thực hiện nhiệm vụ 3 tháng ở Thái Bình Dương, dự định đi qua Biển Đông, là: “Pháp có các vùng lãnh thổ và vì thế cũng có các vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các vùng lãnh thổ đó ở Ấn Độ Dương và nam Thái Bình Dương. Khu vực này có tầm quan trọng đáng kể và gắn liền với các lợi ích của Pháp”

Thêm giải pháp của Mỹ và đồng minh nhằm đối phó với khí tài của TQ ở Biển Đông: Vũ khí săn tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông, theo báo Thanh Niên. Úc đã đặt mua máy bay không người lái (UAV) MQ-4C Triton từ Mỹ để “mở rộng phạm vi tuần tra trong nỗ lực tăng cường hợp tác với Mỹ nhằm theo dõi hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông và Thái Bình Dương”.

Chuyên gia quân sự Kris Osborn của National Interest cho biết: “Kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), sự tích hợp giữa MQ-4C Triton và P-8 Poseidon tạo ra một hệ thống vũ khí phối hợp hiệu quả, có thể săn lùng những tàu ngầm Trung Quốc hoạt động Biển Đông”

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Tổng thống Philippines, ông Duterte: ‘Trung Quốc cho chúng tôi mọi thứ, nhưng chưa bao giờ đòi hỏi gì’. Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố, ông sẽ “chấm dứt ngay lập tức” một thỏa thuận quân sự song phương với Washington nếu phát hiện vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Philippines: “Tôi đã đưa ra tuyên bố chúng tôi sẽ theo chính sách đối ngoại độc lập”.

Ông Duterte nói về quan hệ với TQ và Mỹ: “Trung Quốc cho chúng tôi mọi thứ, nhưng chưa bao giờ đòi hỏi chúng tôi bất kỳ thứ gì… tôi cảnh báo các bạn (Mỹ) rằng nếu tôi nắm được thông tin Mỹ đưa vũ khí hạt nhân đến đây, tôi sẽ yêu cầu các bạn rời khỏi và sẽ chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA)”.  

Mời đọc thêm: Trung Quốc tiếp tục mạnh miệng khi khởi sự một tháng tập trận tại Vịnh Bắc Bộ (RFA). – Trung Quốc bắt đầu tập trận 1 tháng ở Biển Đông (TT). – Trung Quốc tập trận xuyên suốt tháng Ba trên Biển Đông (Infonet). – Mỹ, Pháp gây sức ép, Trung Quốc cho tập trận kéo dài một tháng ở Biển Đông (GT). 

– Vì sao Hải quân Pháp hiện diện ở Biển Đông? (Tin Tức). – Ấn Độ phóng vệ tinh theo dõi Trung Quốc từ Himalaya đến Biển Đông— Trung Quốc xây 11 hầm phóng tên lửa hạt nhân? (TN). – Khả năng ‘soán ngôi’ hải quân Mỹ nhìn từ tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc (VTC). – Tổng thống Philippines lại đe dọa chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ (TTXVN). – Nhật Bản đang giữ vai trò lãnh đạo Bộ tứ (SGGP). 

Thái tử, công chúa đỏ

Hôm nay, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã công bố thông tin về vụ bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang, 31 tuổi, làm Phó GĐ Sở KH&ĐT tỉnh này, với “quy trình” quen thuộc: 100% phiếu nhất trí bầu con gái Bí thư Vĩnh Phúc làm Phó Giám đốc sở, theo báo Nông Nghiệp VN. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho rằng “bà Trần Huyền Trang là cán bộ có tư duy tốt, được đào tạo cơ bản về chuyên môn và lý luận, có đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định”.

Lý do vụ bổ nhiệm “Phó GĐ Sở” tuổi 31, có lẽ là: “Bà Trần Huyền Trang (31 tuổi) là con gái của đương kim Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – bà Hoàng Thị Thúy Lan. Theo các nguồn tin, bà Trang từng du học Trung Quốc, sau đó về làm chuyên viên của Thành đoàn Thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) từ đầu năm 2013”. Sau một năm làm “chuyên viên”, Năm 2014 bà Trang nhảy lên chức Phó Bí thư Thành đoàn TP Vĩnh Yên.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về vụ con gái Bí thư làm Phó giám đốc Sở KH&ĐT ở tuổi 31: Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nói gì? Tỉnh ủy Vĩnh Phúc giải thích lý do của vụ bổ nhiệm: “Để đảm bảo sự lãnh đạo của Sở KH&ĐT, nhiều lần Sở đã có văn bản xin chủ trương bổ sung thêm Phó giám đốc. Ngày 31/12/2020, Sở KH&ĐT tiếp tục có Tờ trình số 225 xin chủ trương bổ sung Phó Giám đốc Sở KH&ĐT”.

Bà Trần Huyền Trang (người mặc áo hồng) được bổ nhiệm phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TP

Mời đọc thêm: Vĩnh Phúc có phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư 31 tuổi (Zing). – Tỉnh ủy Vĩnh Phúc lý giải việc bổ nhiệm con gái Bí thư làm Phó giám đốc Sở KH-ĐT (NLĐ). – Vĩnh Phúc: “Bổ nhiệm PGĐ Sở 31 tuổi xuất phát từ nhu cầu bổ sung lãnh đạo” (GT).

Miến Điện: Cảnh sát bắn vào người biểu tình, 18 người chết

Ngày 20/2/2021 là một ngày đẫm máu, trong đó có hai người biểu tình thiệt mạng ở TP Mandalay, trong loạt sự kiện biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar. Nhưng con số này giờ đây hoàn toàn mờ nhạt trước sự kiện kinh hoàng ngày 28/2, ngày đẫm máu nhất kể từ khi nổ ra đảo chính Myanmar: 18 người chết, VTC đưa tin. 

Văn phòng Nhân quyền LHQ xác nhận: “Lực lượng cảnh sát và quân đội đã đối đầu với các cuộc biểu tình ôn hòa, sử dụng cả vũ lực lẫn vũ khí ít sát thương. Theo thông tin đáng tin cậy mà Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc có được, ít nhất 18 người chết và hơn 30 người bị thương.

Người biểu tình Myanmar dùng khiên khi đối đầu với cảnh sát. Ảnh: Reuters/VTC

VnExpress có bài: Myanmar ‘như chiến trường’. Có ít nhất 18 người chết do trúng đạn thật của cảnh sát, bắn vào đám đông biểu tình ở các TP Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pakokku. Riêng ở TP Yangon, một phụ nữ thiệt mạng sau khi cảnh sát sử dụng lựu đạn gây choáng để giải tán cuộc biểu tình của các giáo viên. Một người đàn ông 23 tuổi cũng bị bắn chết trong cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật vừa qua.

Người thân của người biểu tình 23 tuổi thiệt mạng ở TP Yangon cho biết, cuộc biểu tình đã diễn ra trong ôn hòa, đám đông chỉ hát và vỗ tay, nhưng: “Cảnh sát tiếp cận và súng của họ đã sẵn sàng. Chúng tôi không nghĩ họ sẽ bắn thật… Đó là tất cả những gì chúng tôi làm. Và rồi họ nổ súng”.

BBC Anh Ngữ có clip: Quân đội Myanmar bắn chết “ít nhất 18 người biểu tình ôn hòa”.

Trang Kinh Tế Đô Thị có bài tổng hợp ảnh: Toàn cảnh ngày biểu tình đẫm máu nhất tại Myanmar. Các bức ảnh cho thấy, trong tình hình làn sóng phản đối đảo chính tiếp tục lan ra nhiều TP ở Myanmar, chứ không chỉ còn tập trung ở Naypyidaw, Yangon và Mandalay, quân đội và cảnh sát nước này đã hợp sức dùng vũ lực ngăn chặn và đàn áp người biểu tình. 

Một sĩ quan cảnh sát chống bạo động chĩa súng hướng về phía người biểu tình ngày 28/2/2021. Ảnh: Reuters/KTĐT
Binh sĩ Myanmar vũ trang đầy mình đi tuần trên một con phố trong cuộc biểu tình ở TP Yangon, Myanmar, ngày 28/2/2021. Ảnh: Reuters/KTĐT

Bạo quyền, bạo lực vẫn không thể ngăn được người dân: Biểu tình Myanmar tiếp diễn sau ‘ngày đẫm máu’, Mỹ đe dọa hành động, báo Thanh Niên đưa tin. Hôm nay, những người biểu tình đội mũ bảo hộ đã tụ tập trên một con phố ở TP Lashio thuộc bang Shan State, “hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ khi cảnh sát tiến về phía họ”. Dĩ nhiên, cảnh sát và xe quân sự lập tức được huy động để trấn áp biểu tình, phun vòi rồng về phía dân.

Người biểu tình núp sau tấm khiên khi đụng độ với cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình phản đối chính biến ở TP Yangon, Myanmar, hôm nay 1/3. Ảnh: Reuters/TN

***

Đúng một tháng sau vụ đảo chính, cựu lãnh đạo Myanmar được phép xuất hiện trở lại: Bà Suu Kyi xuất hiện tại tòa, trông khỏe mạnh dù ‘có vẻ giảm cân một chút’. Bà Aung San Suu Kyi xuất hiện tại một phiên tòa hôm nay qua video. Hai cáo buộc nhắm vào bà: Cáo buộc đầu tiên liên quan đến bộ luật hình sự, trong đó có điều khoản cấm đăng tải thông tin có thể “gây sợ hãi hoặc báo động” cho công chúng. Cáo buộc thứ 2 liên quan đến luật viễn thông, trong đó quy định thiết bị phải có giấy phép. 

Phiên tòa tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 15/3. LS Min Min Soe của bà Suu Kyi cho biết, bà Suu Kyi “trông khỏe mạnh khi xuất hiện tại tòa qua video, dù có vẻ giảm cân một chút”. Một người biểu tình ở Myanmar chia sẻ: “Đã một tháng kể từ đảo chính. Hôm qua họ đàn áp chúng tôi bằng các vụ xả súng. Hôm nay chúng tôi lại xuống đường”.

Đài France 24, phiên bản Anh Ngữ, có clip: Cựu lãnh đạo Suu Kyi của Myanmar đối diện cáo buộc mới trong lúc biểu tình vẫn tiếp diễn

Thông Tấn Xã VN có bài: Dư luận quốc tế lo ngại tình hình bạo lực tại Myanmar. Ngay sau vụ thảm sát người biểu tình, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, cho biết, Tổng thư ký Guterres “khẳng định việc sử dụng vũ khí sát thương là không chấp nhận được, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy sát cánh và truyền đi một thông điệp rõ ràng yêu cầu chấm dứt bạo lực tại Myanmar”.

Còn Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt Myanmar nếu tình hình không sớm được cải thiện. Josep Borrell, đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, xác nhận, “khối này sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar. Trước đó, các bộ trưởng ngoại giao EU đã nhất trí về những biện pháp trừng phạt Myanmar, đồng thời quyết định dừng một số hoạt động viện trợ phát triển”.  

VnExpress đưa tin: ASEAN sắp họp về tình hình Myanmar. Dự kiến ngày mai 2/3, các ngoại trưởng ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt để thảo luận tình hình Myanmar, trong bối cảnh bạo lực leo thang tại nước này. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan thông báo: “Một cuộc họp đặc biệt của các ngoại trưởng ASEAN sẽ được triệu tập thông qua video vào ngày mai, nơi chúng ta sẽ lắng nghe đại diện của chính quyền quân sự Myanmar”

VOA đặt câu hỏi: Giới tranh đấu Việt Nam suy tư, liên hệ gì từ vụ đổ máu ở Myanmar?Ông Vũ Quốc Ngữ, GĐ tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền VN, nhận định: “Phong trào đấu tranh dân chủ của người Myanmar rất anh dũng. Họ rất kiên trì. Dù tổn thất nhưng vẫn tiếp tục đấu tranh. Chính quyền Myanmar không phải bây giờ mới đàn áp mà đã từng làm như vậy trong nhiều năm trước, gây ra số người chết gấp nhiều lần. Việc họ tiếp tục dùng bạo lực đẫm máu không phải điều mới”.

Ông Ngữ cảnh báo: “Chính quyền cộng sản cũng khát máu, sẵn sàng bắn giết. Việt Nam chưa có những vụ như thế nhưng không có nghĩa là không có. Tôi lo là nếu cộng đồng quốc tế chưa cứng rắn đối với Myanmar, Việt Nam cũng có thể như thế”. Vụ đàn áp bạo động ở Thái Bình 1997, các vụ bắt bớ và tra tấn người Thượng ở Tây Nguyên 2004 có thể so sánh với hành động đàn áp biểu tình ở Myanmar về mức độ tàn bạo, dù quy mô nhỏ hơn. 

RFI có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Claire Trần, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại ở Thái Lan: Việt Nam muốn Miến Điện ổn định để bảo vệ đầu tư. Ông Claire nhận định: “Có thể nói là Việt Nam tỏ ra thận trọng về cuộc đảo chính ở Miến Điện, nhưng sẽ thử mọi cách trong nội bộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để không cô lập tập đoàn quân sự, cũng như để có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh và tránh để Miến Điện ngả thêm vào vòng tay của Trung Quốc”.

Mời đọc thêm: Chính quyền quân sự Myanmar trấn áp người biểu tình (Zing). – Cảnh sát Myanmar phát động cuộc trấn áp lớn nhất suốt ba tuần biểu tình (VOA). – Ít nhất 18 người bị giết ở Myanmar trong ngày đẫm máu nhất của phong trào biểu tình phản đối đảo chính (Reuters). – Đã có ít nhất 18 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Myanmar (KTĐT). – Sau ngày biểu tình đẫm máu nhất, loạt ngân hàng Myanmar đóng cửa (VNF). 

– Người Myanmar tràn xuống đường sau vụ quân đội xả súng vào người biểu tình (TT). – Người Myanmar tiếp tục biểu tình sau ‘ngày đẫm máu’ (VNE). – Mỹ chuẩn bị động thái gia tăng trừng phạt Myanmar sau khi số người thương vong tiếp tục tăng (DNVN). – Tình hình Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi xuất hiện, Nhật Bản phản đối tình hình bạo lực, Canada cân nhắc các biện pháp bổ sung (TG&VN). – Bà Aung San Suu Kyi ra toà, lãnh thêm tội mới (NLĐ). – Đảo chính Myanmar: Aung San Suu Kyi hầu tòa với cáo buộc mới (BBC). – Một tháng Myanmar sục sôi dưới chính quyền quân sự (VNE). 

Đàn áp tiếng nói đối lập ở Hồng Kông

Báo Người Việt đưa tin: Hồng Kông bắt giữ 47 nhà tranh đấu, cáo buộc ‘chống phá chế độ’. Hôm qua, cảnh sát đã bắt giữ 47 nhà tranh đấu đòi tự do, dân chủ ở Hồng Kông, với cáo buộc “âm mưu chống phá chế độ”, một cáo buộc quen thuộc trong các chế độ độc tài đảng trị. “Đây là vụ bắt giữ nhiều người nhất tại Hồng Kông, kể từ khi có đạo luật an ninh được Bắc Kinh đưa ra để trấn áp thành phần tranh đấu ở nơi này”.

Tin cho biết, trong số những người bị bắt, có 39 nam và 8 nữ, trong độ tuổi tuổi từ 23 tới 64. Những người này bị cáo buộc vi phạm luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh ban hành năm ngoái, “vì đã tham dự vào các cuộc bầu cử sơ bộ, không do chính quyền Hồng Kông tổ chức, để chọn người tranh cử vào Quốc Hội Hồng Kông”.

Ngay sau vụ bắt bớ, dân Hồng Kông biểu tình ủng hộ 47 nhà dân chủ bị truy tố, RFI dẫn tin từ AFP. Nguồn tin cho biết, hàng trăm người dân Hồng Kông đã tập hợp trước một tòa án của đặc khu, giương cao các biểu ngữ ủng hộ các nhà hoạt động dân chủ vừa bị bắt và phải ra tòa hôm nay. Một số biểu ngữ có nội dung: “Trả tự do cho các tù nhân chính trị”, “Hồng Kông hãy đứng vững”, người biểu tình còn kêu gọi “trừng phạt nghiêm khắc những kẻ phản bội, áp dụng đạo luật an ninh và bỏ tù chúng”

Cuộc biểu tình diễn ra trước một tòa án ở khu Cửu Long Tây (West Kowloon), Hồng Kông, hôm nay. Ảnh: Tyrone Siu/ Reuters/ RFI

Trước đó, luật An ninh Quốc gia được ban hành tháng 6/2020 quy định 4 tội danh nghiêm trọng, bao gồm “lật đổ chế độ”, “ly khai”, “khủng bố” và “thông đồng với các thế lực bên ngoài”; người vi phạm có nguy cơ nhận lãnh những bản án nặng nề. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã “lên án việc bắt giữ và kết tội các ứng viên ủng hộ dân chủ” và yêu cầu phải “trả tự do họ ngay tức khắc”.

Báo Thanh Niên có bài: Mỹ, Anh kêu gọi trả tự do cho 47 người bị Hồng Kông xét xử. Cùng với thông điệp phản đối của Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho rằng, quyết định khởi tố 47 chính trị gia và nhà hoạt động Hồng Kông về tội âm mưu “lật đổ chế độ” theo luật an ninh quốc gia là một bước “gây nhiễu loạn khác”. Còn giới chức TQ khẳng định, cuộc bỏ phiếu không chính thức ở Hồng Kông hồi tháng 7/2020 nằm trong kế hoạch “lật đổ chính quyền”, tương tự cáo buộc “lật đổ” rất mơ hồ nhắm vào nhiều nhà bất đồng chính kiến ở VN. 

Mời đọc thêm: Hong Kong truy tố 47 đối tượng âm mưu lật đổ chính quyền (Tin Tức). – 47 nhân vật đối lập Hong Kong (Trung Quốc) bị buộc tội vi phạm luật an ninh quốc gia (VOV). – Gần 50 nhà dân chủ Hồng Kông bị buộc tội « lật đổ » chế độ (RFI). – Biểu tình lớn nhất ở Hong Kong sau nhiều tháng(Zing).

***

Thêm một số tin: Chỉ còn một người Việt trong ban tổng giám đốc Sabeco (Zing). – Ông lớn Vietnam Airlines thua ngay trên sân nhà? (RFA). – Quan hệ cựu thù: Việt Nam vẫn ‘nghi ngờ’ Mỹ sử dụng ‘diễn biến hòa bình’ (VOA). – Trung Quốc: Thế hệ trẻ ”dân tộc chủ nghĩa” và vâng lời đảng Cộng Sản (RFI).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.