Nhận định về tình hình Miến Điện
Nhiều dấu hiệu cho thấy trong những ngày tới có thể Mỹ sẽ cầm đầu một liên minh những quốc gia thành lập theo một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ để can thiệp vào “nội bộ” Miến điện nhằm thiết lập lại trật tự chính trị đã được dân chúng quyết định qua cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. Ngay cả khi việc này bị sự phản đối của TQ và Nga.
Các quốc gia ASEAN, như Indonesia, qua các tuyên bố “không ủng hộ độc tài” của giới lãnh đạo gần đây, ta có thể đoán rằng nước này có thể sẽ tham gia liên minh. Các quốc gia thuộc khối OTAN chắc chắn sẽ có mặt cùng với quân đội Mỹ.
Trên phương diện “luật quốc tế”, sự can thiệp này có tính chính đáng. Chính quyền quân phiệt chưa được quốc gia nào công nhận. Đại diện của Miến điện tại LHQ Kyaw Moe Tun hai ngày trước có lời kêu gọi quốc tế có các hành vi “can thiệp mạnh mẽ” chống lại phe đảo chánh.
Ngay cả khi ông Kyaw Moe Tun bị phe quân đội “cách chức” nhưng đại diện mới của chính phủ quân phiệt chưa chắc sẽ được công nhận tại diễn đàn quốc tế này. Lời kêu gọi của vị đại diện cho Miến điện tại LHQ trong chừng mực, có hiệu lực như là một lời cầu cứu chính đáng của một chính phủ chính đáng bị lật đổ do một cuộc đảo chánh.
Bởi vì nguyên nhân quân đội đảo chánh kỳ này chắc chắn không phải là chuyện “chính trị nội bộ” của Miến điện mà là chuyện “cá nhân” của tổng tư lịnh quân lực Miến, tướng Min Aung Hlaing. Ông tướng này sẽ phải đối diện với nhiều vụ kiện, một là trước tòa Hình sự quốc tế vì phạm “tội ác diệt chủng” qua các cuộc hành quân truy diệt người Rohingyas. Hai là các vụ kiện trong nước liên quan đến vấn đề tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Vị tướng này theo thủ tục sẽ về hưu trong 6 tháng tới. Tướng tá quân đội ủng hộ ông này vì cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái đảng USDP thân quân đội thua thê thảm và phe dân chủ chiếm trên 75% số ghế ở quốc hội.
Cuộc đảo chánh của phe quân đội ngày 1 tháng 2, với lý do “gian lận bầu cử”, cho thấy không thuyết phục được dân chúng trong nước. Các cuộc biểu tình phản đối trên khắp các tỉnh Miến Điện liên tục xảy ra. Phe đảo chánh đã ra lịnh cho bắn đạn thật vào dân chúng biểu tình. Hôm qua số người chết lên đến 18 người.
Xác suất Mỹ sẽ can thiệp (quân sự) vào Miến điện rất lớn. Báo chí châu Âu cho rằng phe quân đội Miến có những nghi kỵ đối với TQ mà điều này không có gì thuyết phục. Trong khi trên thực tế Mỹ và Tây phương luôn xa cách Miến điện, ngay cả khi phong trào dân chủ của bà Suu Kyi đã đặt dấu ấn trên chính trường hơn thập niên qua.
Phe quân phiệt Miến có thể được sự chống lưng vô điều kiện của TQ, nếu Mỹ và Châu Âu “trừng phạt” kinh tế, về cá nhân hay trên toàn bộ các sinh hoạt của quốc gia Miến. Điều này sẽ làm cho khối ASEAN mất ổn định trong khi mục tiêu chính trong tranh chấp Mỹ-Trung là tranh giành ảnh hưởng trong nội bộ khối này.
Nếu xem “bàn cờ Đông Nam Á” như bàn cờ Domino của Mỹ thời chiến tranh lạnh, nếu Mỹ để con cờ Miến điện lọt vào tay TQ thì Mỹ sẽ thua.
Ngày 1 tháng 7 sắp tới, kỷ niệm 100 năm thành lập đảng CS Trung Quốc. Nếu chính phủ Biden “lạnh cẳng” không dám can thiệp vào Miến điện, chắc chắn năm 2021 là “khúc quanh” chiến lược để đảng CSTQ khẳng định Thế kỷ 21 là “thế kỷ của TQ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.