Giới tranh đấu Việt Nam suy tư, liên hệ gì từ vụ đổ máu ở Myanmar?
1-3-2021
Biết tin các lực lượng an ninh ở Myanmar giết hại nhiều người biểu tình hôm 28/2, một số nhà hoạt động Việt Nam nói với VOA họ phản đối cuộc đàn áp, khâm phục lòng dũng cảm của người biểu tình, đồng thời họ chia sẻ suy nghĩ về hệ lụy của diễn biến đó đối với phong trào vì dân chủ ở Việt Nam.
Như tin đã đưa, cảnh sát và quân đội Myanmar nổ súng làm chết 18 người, 30 người bị thương hôm Chủ nhật khi hàng nghìn người tiếp tục biểu tình ôn hòa để phản đối cuộc đảo chính của giới nhà binh, tiếm quyền chính phủ dân sự hôm 1/2.
Đại diện của Liên Hiệp Quốc, Liên hiệp châu Âu, Mỹ và một số nước khác ngay sau đó đã lên án hành động bạo lực chết chóc của các lực lượng thuộc chính quyền nhà binh ở Myanmar hiện nay.
Luật sư Lê Quốc Quân, một cựu tù nhân lương tâm ở Việt Nam, bày tỏ với VOA:
“Tôi sốc, căm phẫn, phẫn uất và lên án việc các lực lượng ở Myanmar bắn đạn thật vào người biểu tình. Tinh thần đấu tranh cho dân chủ, chống độc tài của người dân Myanmar rất tuyệt vời. Họ có nhà lãnh đạo là bà Aung San Suu Kyi, một người tuyệt vời, và tinh thần của họ đang lên sau mấy năm qua đã được cởi trói nhiều hơn”.
Nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải phản đối giới quân sự Myanmar vì đã đảo chính và ông mong muốn phe này thả các nhà lãnh đạo dân sự để họ quay lại nắm quyền. Đánh giá về quá trình đấu tranh của người dân Myanmar, trải qua những lần đổ máu từ trước đến nay, ông Hải nói:
“Người dân Myanmar rất bền bỉ đấu tranh. Hiếm có nhân dân ở đâu trên thế giới có được sự kiên trì, bền bỉ như vậy. Tôi tin họ sẽ đạt được kết quả như mong đợi”.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền tại Việt Nam, đưa ra nhận xét:
“Phong trào đấu tranh dân chủ của người Myanmar rất anh dũng. Họ rất kiên trì. Dù tổn thất nhưng vẫn tiếp tục đấu tranh. Chính quyền Myanmar không phải bây giờ mới đàn áp mà đã từng làm như vậy trong nhiều năm trước, gây ra số người chết gấp nhiều lần. Việc họ tiếp tục dùng bạo lực đẫm máu không phải điều mới”.
Liên hệ đến Việt Nam, ông Ngữ cho rằng trong tương lai nếu người dân Việt Nam xuống đường ồ ạt biểu tình, chính quyền cũng có thể đàn áp đẫm máu.
Điểm lại lịch sử Việt Nam từ 1945 đến nay, đồng thời nhắc đến cuộc đàn áp biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn của Trung Quốc hồi năm 1989, ông Ngữ nhận định:
“Chính quyền cộng sản cũng khát máu, sẵn sàng bắn giết. Việt Nam chưa có những vụ như thế nhưng không có nghĩa là không có. Tôi lo là nếu cộng đồng quốc tế chưa cứng rắn đối với Myanmar, Việt Nam cũng có thể như thế”.
Có suy nghĩ khá tương đồng với ông Ngữ, luật sư Lê Quốc Quân đưa ra ý kiến:
“Trung Quốc có vụ Thiên An Môn. Dường như Myanmar học Trung Quốc, xem đó như là ‘tấm gương’. Như vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam sẵn sàng áp dụng các biện pháp đó nếu họ thấy cần thiết. Việt Nam nói chỉ mong Myanmar ổn định, nhưng theo cách nhìn của Việt Nam, biểu tình là gây mất ổn định, vì vậy, điều Việt Nam nói cũng có nghĩa là họ ủng hộ độc tài”.
Trong khi đó, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải so sánh rằng chính quyền Việt Nam “không đến nỗi như Myanmar” dù cũng ra tay trấn áp các cuộc biểu tình lớn, nổi bật là các cuộc biểu tình hồi tháng 6/2018 khi người dân Việt Nam phản đối hai dự luật về đặc khu và an ninh mạng.
Ông Hải nói: “Chính quyền Việt Nam không đến nỗi dùng quân đội đàn áp. Họ chỉ bắt nguội rồi sau đó xử án tù”.
Giám đốc tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền, ông Vũ Quốc Ngữ, lưu ý rằng các bản án đó của Việt Nam và những cuộc đàn áp ở các nước khác đều gây tác động đến phong trào đấu tranh ở Việt Nam:
“Việt Nam chưa bắn giết, mới chỉ tuyên các bản án nặng, vậy mà đã làm chùn bước một số nhà hoạt động, làm phong trào hơi đi xuống. Bạo lực ở các quốc gia xung quanh cũng làm ảnh hưởng đến nhuệ khí của người Việt Nam, làm nhiều người lưỡng lự không dám bước hẳn vào tham gia phong trào dân chủ”.
Tuy nhiên, ông Chu Vĩnh Hải có quan điểm ngược lại. Ông không nghĩ rằng việc chính quyền Việt Nam bỏ tù những người đấu tranh lại gây ra nản chí:
“Tôi thấy số người lên tiếng đã tăng lên nhiều hơn, số người bị bỏ tù cao lên theo mỗi năm càng chứng tỏ rằng mọi người không sợ hãi”.
Trước sự đàn áp ngày càng tăng của chính quyền trong nước, giới đấu tranh Việt Nam không có giải pháp nào để chống lại, ngoại trừ trông cậy vào sự ủng hộ và lên tiếng từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước tự do, ông Hải nói.
Giới hoạt động Việt Nam hiện nay chỉ có thể tiếp tục đấu tranh bằng cách đòi và thực hành các quyền hiến định như tự do hội họp và ngôn luận, vẫn theo ông Hải.
Nhà báo độc lập này cho rằng mọi người cần tiếp tục đấu tranh bằng số đông nhưng không nên lập đảng phái vì đây là một vấn đề tối kỵ đối với nhà cầm quyền cộng sản. Họ sẽ lập tức bắt và bỏ tù những ai lập đảng phái thách thức sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, theo ông Hải.
Về vấn đề này, một lần nữa, ông Vũ Quốc Ngữ có quan điểm khác với ông Chu Vĩnh Hải:
“Dân chủ không phải là một món quà tự nhiên có được. Cần có sự hy sinh của những thế hệ đi trước, cần có sự đánh đổi, trả giá. Phải chuẩn bị tinh thần đối đầu với mọi phương cách của chính quyền cộng sản. Phải có tổ chức, có sự liên kết, không nên lẻ tẻ, rời rạc”.
Trong suy nghĩ của mình, luật sư Lê Quốc Quân cho rằng việc tổ chức những cuộc xuống đường hàng ngàn người ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất khó. Ông lưu ý rằng Việt Nam đang ngày càng toàn trị với việc chính quyền đẩy mạnh củng cố sự quản lý của họ đối với mọi mặt của xã hội, bao gồm cả việc đưa nhiều người của chính quyền vào các tổ chức tôn giáo.
“Tôi cảm nhận thấy ở Việt Nam, sẽ không có một cuộc cách mạng do người dân vùng lên, nhưng qua tiếp xúc với nhiều người, nhất là người của chính quyền, tôi cảm thấy sẽ có một sự thay đổi xảy ra từ bên trong chính quyền cộng sản”, luật sư từng là tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân nói với VOA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.