Bloomberg: Không cần nóng giận như ông Dương Khiết Trì, nước Mỹ vĩ đại nhờ sự khiêm tốn
An An | 21/03/2021 21:12
Báo Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Blinken đã thể hiện một sự khoan thai, dày dạn kinh nghiệm, trái với sự gay gắt của quan chức TQ.
Mỹ mong tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc
Sau khi kết thúc đối thoại cấp cao Trung-Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã tổ chức một cuộc họp báo ngắn vào ngày 19/3. Ông Blinken nói rằng Trung Quốc và Mỹ có những khác biệt rõ ràng về các vấn đề cơ bản như Hồng Kông, Tân Cương và ông cũng đoán trước được phản ứng cứng rắn của Trung Quốc đối với những vấn đề này.
"Chúng tôi không cảm thấy ngạc nhiên chút nào. Khi chúng tôi nêu rõ ràng và trực tiếp những vấn đề này với Trung Quốc, chúng tôi đã nhận được phản ứng phòng thủ", ông nói. "Nhưng chúng tôi vẫn có thể có những cuộc đối thoại thẳng thắn về nhiều vấn đề mở rộng trong nhiều giờ".
Blinken cũng nhắc lại hai yêu cầu của phía Mỹ: "Chúng tôi có hai việc muốn làm khi đến đây gặp các đối tác Trung Quốc: Thứ nhất, chúng tôi muốn chia sẻ với họ những mối quan tâm quan trọng, về hành động họ đang thực hiện và biểu hiện hành vi đáng lo ngại của họ, mà các đồng minh và đối tác của chúng tôi đã chia sẻ. Và chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Điều thứ hai, chúng tôi cũng hy vọng có thể giải thích rõ ràng với Trung Quốc từng chính sách, các vấn đề ưu tiên nổi bật và thế giới quan của Mỹ. Chúng tôi cũng đã làm được điều này".
Cố vấn Sullivan cũng cho biết, họ đã hoàn thành mục tiêu nói chuyện với Trung Quốc một cách trực tiếp và thẳng thắn về nhiều vấn đề.
Hai phái đoàn Mỹ-Trung gặp mặt tại Alaska hôm 18/3. Ảnh: AP
"Chúng ta đã có cơ hội để đưa ra các ưu tiên và quan điểm của mình, đồng thời lắng nghe từ phía Trung Quốc về các ưu tiên và quan điểm của họ. Chúng tôi luôn giữ đầu óc tỉnh táo khi bước vào và vẫn minh mẫn khi rời đi. Chúng tôi sẽ trở lại Washington để đánh giá xem chúng ta đang ở đâu. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác trong chặng đường tiếp theo... Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc với Trung Quốc trong tương lai", ông nói.
Bloomberg: Sự vĩ đại của nước Mỹ nằm ở sự khiêm tốn
Trước bầu không khí căng thẳng khi hai phái đoàn Mỹ-Trung chỉ trích và cáo buộc lẫn nhau tại đối thoại 2+2 như những gì giới truyền thông được chứng kiến, tờ Bloomberg (Mỹ) cho rằng, trái với thái độ gay gắt của Trung Quốc, sự khiêm tốn của phái đoàn Nhà Trắng đã chứng tỏ sự vĩ đại của nước Mỹ.
Khi bị nhắc đến vấn đề nhân quyền ở Tân Cương hay Hồng Kông, Ủy viên Bộ chính trị kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương ĐCSTQ Dương Khiết Trì đã tức giận nói rằng : "Nhiều người ở Mỹ thực sự không mấy tin tưởng vào nền dân chủ của Mỹ, và họ có nhiều quan điểm khác nhau về chính phủ Mỹ. Còn tại Trung Quốc, theo những cuộc thăm dò dư luận, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Trung Quốc".
Theo Bloomberg, thông điệp của quan chức Trung Quốc rất rõ ràng: "Đừng chỉ trích chúng tôi về nhân quyền hoặc các vụ bắt giữ hàng loạt ở Hồng Kông".
Báo Mỹ cho rằng, đối với một Ngoại trưởng non kinh nghiệm, điều này sẽ là một sự sỉ nhục hay với một người quá tự tin, câu chuyện đáp trả sẽ đi theo hướng gay gắt thái quá nhưng Blinken đã cho thấy ông không phải như vậy.
"Tôi phải nói với ông rằng, trong thời gian ngắn làm Ngoại trưởng, tôi đã nói chuyện với gần một trăm đối tác từ khắp nơi trên thế giới, và tôi vừa thực hiện chuyến công du đầu tiên, đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Tôi phải nói rằng, những gì tôi đang nghe rất khác với những gì ông mô tả. Tôi thấy sự hài lòng sâu sắc về việc Mỹ đã trở lại, rằng chúng tôi đang gắn kết trở lại với các đồng minh và đối tác của mình", ông Blinken đáp trả.
Ngoại trưởng Mỹ nói, Mỹ gây dấu ấn về khả năng lãnh đạo và đó là một nhiệm vụ không ngừng, tạo nên một liên minh hoàn hảo hảo. Ông nói: "Chúng tôi thừa nhận chúng tôi không hoàn hảo, chúng tôi mắc sai lầm... Nhưng những gì người Mỹ đã làm trong suốt lịch sử của mình là đối mặt với thách thức đó một cách công khai, minh bạch, không cố gắng phớt lờ chúng, không cố gắng giả vờ như chúng không tồn tại. Và đôi khi nó đau đớn, xấu xí nhưng mỗi lần như vậy, đất nước chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn...".
Bloomberg nhận định, phát biểu của Ngoại trưởng Blinken chứng tỏ, sự vĩ đại của nước Mỹ được định nghĩa không phải bởi sức mạnh đơn thuần, mà bởi sự khiêm tốn và quyết tâm đối mặt với tội lỗi trong quá khứ, cố gắng trở nên hoàn hảo hơn.
A.A.
Nguồn: soha.vn
Đọc thêm để biết bộ mặt tím tái của Dương Khiết Trì trong mấy phen được chạm trán với sức mạnh Mỹ
1. Ông Dương Khiết Trì bắn một tràng không ngừng nghỉ trước Ngoại trưởng Blinken, chuyên gia Mỹ: Điều này rất nguy hiểm!
An An | 21/03/2021 11:00
Trong khi đó, truyền thông và người dân Trung Quốc lại tỏ ra thích thú và đề cao bài phát biểu của ông này.
Các quan chức cấp cao Trung-Mỹ đã gặp nhau tại Alaska vào ngày 18/3 vừa qua trong bầu không khí vô cùng căng thẳng nhưng cũng xuất hiện một số tình tiết thú vị.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã có bài phát biểu ngắn gọn chào mừng Trung Quốc. Mỗi quan chức phát biểu trong 2 phút, bao gồm thời gian dành cho phiên dịch viên theo như thỏa thuận. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken đã đề cập đến một số vấn đề nhạy cảm, và điều này khiến Trung Quốc rất không hài lòng.
Đáp trả, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương ĐCSTQ phát biểu liền một hơi không ngừng nghỉ bằng tiếng Trung, chỉ trích lại đối phương.
Đại biểu Trung Quốc lên tiếng rất hùng hồn trong khoảng 15-16 phút mà không cho phiên dịch viên cơ hội dịch bài phát biểu sang tiếng Anh.
Nói xong, ông Dương định để Ngoại trưởng Vương Nghị tiếp tục phát biểu nhưng Ngoại trưởng Trung Quốc nhắc nhở rằng, bài phát biểu của ông cần được dịch sang tiếng Anh và phiên dịch viên tại hiện trường cũng nói rằng cần phải phiên dịch lại.
Dương Khiết Trì liền hỏi đùa rằng: “Vẫn cần phiên dịch lại à?". Ông Vương Nghị ở một bên mỉm cười. Sau đó, Dương Khiết Trì ra hiệu cho nhân viên phiên dịch và chữa thẹn bằng câu tiếng Anh "It’s a test for the interpreter" (Đây chỉ là một bài kiểm tra cho phiên dịch).
Ngoại trưởng Blinken ngồi đối diện cười lớn: “Chúng ta phải tăng lương cho các phiên dịch viên”.
Tuy nhiên, theo The New York Times, sau khi ghi nhận thông tin lời phát biểu của ông Dương Khiết Trì qua lời phiên dịch viên và sau đó là bài phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị, ông Blinken tỏ ra rất bất ngờ nhưng ngay lập tức lên giây cót phản bác thẳng thắn, đồng thời yêu cầu các phóng viên ở lại để đưa tin.
Tờ Financial Times (Anh) dẫn lời bà Elisabeth Braw, chuyên gia an ninh quốc gia tại Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng bài phát biểu của ông Dương Khiết Trì cho thấy Trung Quốc ngày càng sẵn sàng từ bỏ nghi thức của các cuộc gặp ngoại giao. Bà nói: "Chính phủ Trung Quốc rõ ràng cảm thấy họ không cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn lâu đời. Họ cảm thấy mình chiếm ưu thế và không ngại bị coi là vi phạm các quy tắc thành văn hoặc bất thành văn. Điều này rất nguy hiểm".
A.A.
Nguồn: soha.vn
2. Màn "đụng độ" ở Hà Nội: Ông Dương Khiết Trì giận tái mặt, bà Clinton "quật ngã" Trung Quốc chỉ bằng vài câu nói
Hải Võ | 22/03/2021 18:53
Bà Hillary Clinton và ông Dương Khiết Trì gặp nhau năm 2012 (Ảnh: Getty)
Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì từng có màn đối đầu căng thẳng với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào năm 2010 tại hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội.
Ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, đang tạo ra "cơn sốt" lớn trong công chúng nước này với những phát ngôn cứng rắn nhằm vào các quan chức Mỹ, trong khuôn khổ đối thoại cấp cao Mỹ-Trung Quốc diễn ra tại Alaska hai ngày 18-19/3 vừa qua.
Hơn 10 năm trước, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cũng từng có màn đụng độ "nảy lửa" với Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton. Phản ứng và tuyên bố trịch thượng của đại diện Trung Quốc lúc ấy đã chỉ trích trong suốt nhiều năm sau này.
Bà Clinton "quật ngã" Trung Quốc bằng vài câu nói
Trong cuốn hồi ký Hard Choices (Những lựa chọn khó khăn) xuất bản năm 2014, bà Clinton tiết lộ tình huống diễn ra trong hội trường phiên họp của hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17, tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 7/2010 - thời điểm bà Clinton giữ chức Ngoại trưởng Mỹ và ông Dương Khiết Trì làm Ngoại trưởng Trung Quốc.
Theo đó, tại phiên họp Ngoại trưởng Clinton tuyên bố rằng một giải pháp hòa bình cho vấn đề bất đồng lãnh thổ tại khu vực biển Đông nằm trong "lợi ích quốc gia" của Mỹ.
Bà đại diện cho chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc đẩy một giải pháp đa phương cho vấn đề biển Đông, trong khi Bắc Kinh thời điểm đó hướng tới các đối thoại song phương với từng bên tranh chấp.
Bà Clinton nói Mỹ có "lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải, tiếp cận cởi mở với các vùng biển chung ở châu Á, tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Đông" và bày tỏ sự ủng hộ đối với một "tiến trình ngoại giao hợp tác".
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc gặp song phương tại hội nghị của Diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/7/2010 (Ảnh: Xinhua)
"Đến cuối tuyên bố, tôi thấy Dương Khiết Trì giận tái cả mặt!" - bà Clinton thuật lại trong hồi ký.
"Ông ta yêu cầu ngưng phiên họp 1 tiếng đồng hồ trước khi trả lời. Khi trở lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, ông Dương Khiết Trì bác hẳn chủ đề biển Đông và cảnh báo mọi can thiệp từ bên ngoài."
Tạp chí New Republic (Mỹ) dẫn một số báo cáo nói ông Dương đã đột ngột đứng dậy rồi rời khỏi hội trường cuộc họp sau tuyên bố của bà Clinton và trở lại sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, rồi bắt đầu một bài phát biểu "độc diễn" kéo dài suốt 30 phút.
Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Á cho hay, ông Dương cáo buộc Mỹ âm mưu chống lại Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông và thậm chí có thái độ đe dọa nhằm vào các quan chức khu vực có mặt.
"Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, thực tế là vậy," ông Dương Khiết Trì nói trong khi nhìn thẳng vào Ngoại trưởng George Yeo của Singapore, và ông Yeo cũng nhìn lại.
Thông điệp của bà Clinton được cho là thể hiện sự "áp đảo" theo hướng cứng rắn hơn nhằm vào sự trỗi dậy của Trung Quốc, khi trước đó Washington dường như không can thiệp với những động thái gây hấn của Bắc Kinh nhằm vào các láng giềng trong khu vực.
Sự bùng nổ bất thường của ông Dương Khiết Trì
Cựu Ngoại trưởng lý giải, cụm từ "lợi ích quốc gia" mà bà đưa ra tại phiên họp đã được lựa chọn cẩn thận nhằm "chơi xỏ lại khái niệm 'lợi ích cốt lõi' mà Trung Quốc trước đó không lâu còn gắn liền với các yêu sách bành trướng" phi lý trong khu vực.
Thông cáo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi ngày 25/7/2010 nói rằng Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã đề cập mạnh mẽ về quan hệ giữa vấn đề biển Đông với các lợi ích của Mỹ, tầm quan trọng và cấp bách của việc duy trì tự do hàng hải trên biển Đông, phản đối sự ép buộc và đe dọa hay sử dụng vũ lực ở biển Đông.
Dương Khiết Trì tức khí "vỗ mặt" Mỹ: Cách giúp TQ không bị "quê" theo chỉ đạo của họ Tập?
Thông cáo nói Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã "có sự can thiệp" với phát biểu của bà Clinton bằng cách tung ra "hàng loạt câu hỏi" hướng đến giải thích quan điểm và lập trường của Bắc Kinh, cũng như phản đối quốc tế hóa vấn đề biển Đông.
Sự bùng nổ của ông Dương tại một diễn đàn ngoại giao đa phương như trên được đánh giá là điều bất thường, và cho thấy sự "thất thế" của Bắc Kinh trước Washington.
Chỉ trong vài câu nói ngắn gọn, bà Clinton đã thay đổi nhận thức của Trung Quốc về sự yếu kém và thụt lùi trong vị thế của Mỹ khi ít can thiệp vào vấn đề khu vực. Không chỉ chuyển hướng chính sách của Mỹ với Trung Quốc, Washington đã dựng nên rào cản đáng kể đối với tham vọng hướng đến vị thế thống trị toàn cầu của Bắc Kinh thời điểm đó.
Tại cuộc họp báo sau phiên họp tại Hà Nội, bà Clinton đã không đề cập tình huống thiếu kiềm chế của Ngoại trưởng Trung Quốc, mà chỉ đánh giá trao đổi diễn ra "hết sức hiệu quả", đồng thời liệt kê các lập trường của Mỹ.
Phát ngôn "nước lớn, nước nhỏ" của Dương Khiết Trì bị bà Hillary Clinton nhận xét "không phải lý lẽ thuyết phục trong khuôn khổ hội nghị này". Đáng chú ý, 10 năm sau đó, câu nói này của ông Dương tiếp tục bị Washington chỉ trích trong tuyên bố mang tính bước ngoặt của Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 13/7/2020.
"Thế giới quan về những kẻ săn mồi của CHND Trung Hoa không có chỗ đứng trong Thế kỷ 21 này," ông Pompeo công kích thẳng thừng đối với câu nói của ông Dương Khiết Trì.
Bản tuyên bố của Pompeo là một bước ngoặt tiếp theo trong chính sách biển Đông của Mỹ, khi Washington bác bỏ hầu hết tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh áp đặt ở khu vực biển Đông, bao gồm "Đường chín đoạn" phi lý.
H.V.
Nguồn: soha.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.