Vũ Đức Đam và Đào Ngọc Dung, hai khuôn mặt, một con đường
Phạm Vũ Hiệp
19-12-2020
Vũ Đức Đam sinh ngày 3/2/1963, quê tổng La Ngoại, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương nay là xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình nghèo. Ông vốn học rất giỏi và giành được học bổng du học tại tại Université iinn de Bruxelles (Vương quốc Bỉ) năm 1982.
Vũ Đức Đam có học vị Tiến sĩ kinh tế từ năm 1994; thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.
Những chức vụ mà Vũ Đức Đam luôn chứng tỏ khả năng và thực lực trong qua các trọng trách như: Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Thứ trưởng Bộ bưu chính viễn thông; Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP chính phủ và Phó Thủ tướng.
Vợ Vũ Đức Đam là Đinh Đào Ánh Thuỷ, sinh 1965, quê Bắc Ninh. Thuỷ là Tiến sĩ kinh tế, hiện là Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế đầu tư của Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
Hoạn lộ của Vũ Đức Đam ban đầu hanh thông, sau chững lại. Ông vào Uỷ viên Trung ương dự khuyết khoá X, Uỷ viên Trung ương khoá XI, XII.
Tháng 1/2016, nhiều người nghĩ, suất vào Uỷ viên Bộ Chính trị dành cho Vũ Đức Đam. Nhiều hãng thông tấn báo chí nước ngoài cũng dự đoán Vũ Đức Đam sẽ tiến xa, có thể đứng đầu chính phủ trong tương lai gần.
Thế nhưng, trước đó liên minh Tô Huy Rứa – Nguyễn Tấn Dũng quá mạnh, đã kéo những kẻ lắm tiền như tướng công an Phạm Minh Chính, từ Bí thư Quảng Ninh (kế nhiệm Vũ Đức Đam) về Ban tổ chức Trung ương, để quy hoạch vào Bộ Chính trị với ghế Trưởng BTC Trung ương, đưa Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng cùng vào Bộ Chính trị. Phe. Nguyễn Phú Trọng – Tư Sang giành hai suất Uỷ viên BCT trong chính phủ cho Vương Đình Huệ và Trương Hoà Bình. Hết ghế, Vũ Đức Đam trắng tay.
Dễ hiểu, vì Đam là nhân vật hiếm hoi trong guồng máy của đảng, tiến thân bằng thực lực của mình, với “ba không”: Không bỏ tiền chạy chức chạy quyền, không phe cánh và không có đại ca đỡ đầu.
Sau đại hội XII, tuy được bổ nhiệm Phó thủ tướng, nhưng Tiến sĩ kinh tế Vũ Đức Đam lại được giao phụ trách mảng văn xã (Văn hoá, y tế, giáo dục). Miếng bánh ngon, người ta giành hết phần nhân ngon nhất, góc cạnh đến vất vả họ lại giao cho ông.
Không than vãn, không so bì, Đam chấp nhận, lặng lẽ và làm hết trách nhiệm của mình. Không những nhiều cựu Uỷ viên Trung ương quý trọng ông, mà tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên luôn dành cho Vũ Đức Đam sự ngưỡng mộ.
Khi vụ án VN Pharma lộ ra chuyện gia đình Bộ trưởng bộ Y tế (BYT) Nguyễn Thị Kim Tiến buôn thuốc ung thư giả, Bộ Chính trị nhanh chóng cho Kim Tiến nhảy sang Ban Bảo vệ Sức khoẻ Trung ương. Để cứu vớt bộ mặt nát như tương của Bộ Y tế, Đảng phân công Vũ Đức Đam phụ trách luôn bộ này để củng cố, xây lại.
Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Vũ Đức Đam gầy rọp và hốc hác khi đứng “đầu sóng ngọn gió”, nhưng chỉ huy chống dịch rất tốt. Dù không ưa thích gì những quan chức cộng sản, nhưng đa số dân chúng vẫn dành cho Vũ Đức Đam tình cảm nhất định, thậm chí sáng tác thơ, nhạc ngợi ca ông.
Ngay tại phiên họp QH hôm tháng 3/2020, chính bà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói lời cảm ơn và đặc biệt trân trọng những nỗ lực của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, là người đã rất vất vả trong thời gian qua và nhắc nhở ông cần giữ gìn sức khoẻ. Bà Ngân cho biết, bà cũng đã nghe bài hát “Ngủ một chút đi anh” và rất xúc động.
Thế nhưng, vì “ba không” như đã nói trên, nên Vũ Đức Đam bị cô lập. Quan trường trong thể chế cộng sản, không khác gì chợ trời, “giàu thì nó ghét, đói rét nó khinh, thông minh nó tiêu diệt“. Cuối năm 2015, các ông trùm không cơ cấu Vũ Đức Đam vào Bộ Chính trị vì… hết chỗ, “có tiền đi trễ cũng về không”.
Năm năm sau, năm 2020, vào những kỳ hội nghị trung ương cuối, “ma đầu” cấp cao lại sắp đặt đơn thư tố cáo gái gú, nọ kia, lấy cớ vấn đề “đạo đức và lối sống” để đánh hội đồng Vũ Đức Đam bay ra khỏi võ đài Bộ Chính trị khoá XIII.
Đấu trường chính trị Việt Nam không dành cho người… yếu tim. Tại đại hội X, ông Nguyễn Đình Tứ được bầu vào Bộ Chính trị ở phiên họp trù bị, ra phiên chính thức đại hội, chưa kịp nghe xướng tên, ông đã đột tử vì vỡ tim.
***
Quay trở lại việc tranh ghế Bộ Chính trị. Một người khác hơn Vũ Đức Đam chỉ một tuổi, nhưng hoạn lộ rộng mở, trải thảm hơn rất nhiều. Một cái tên dễ nhớ, Đào Ngọc Dung.
Đào Ngọc Dung sinh 6/6/1962, quê Yên Đỗ, Bình lục, phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam, nay nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Hình như ông Trời cho Đào Ngọc Dung cái số sinh ra để ở biệt phủ, để làm quan, có kẻ hầu người hạ và hái ra tiền.
Đào Ngọc Dung gọi bà Đào Thị Hào, cựu cán bộ Tổng Liên đoàn Lao động VN, đại biểu Quốc hội các khóa V, VI, VII là cô ruột. Bà Đào Thị Hào lại là vợ ông Nguyễn Văn An, cựu Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII, IX, cựu Trưởng Ban tổ chức Trung ương khoá IX, Chủ tịch Quốc hội khoá X. Vợ chồng cô ruột đã đưa đưa Đào Ngọc Dung từ cán bộ Hà Nam về Trung ương Đoàn TNCS.
Năm 2006, tại đại hội khoá X, trước khi rút lui khỏi chính trường, ông Nguyễn Văn An đã kịp cơ cấu Đào Ngọc Dung vào Uỷ viên Trung ương khoá X, cùng với lứa tham gia Trung ương lần đầu như: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thiện Nhân… Năm ấy, Đào Ngọc Dung mới 45 tuổi.
Những thăng tiến trải thảm của Đào Ngọc Dung sau này: Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS; Bí thư ban cán sự Đảng ngoài nước; Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái; Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan Trung ương; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH…
Sẽ không có gì đáng nói với một Uỷ viên Trung ương ba khoá liền X, XI, XII nếu như Dung đi lên bằng tài năng và chính đôi chân của mình. Đằng này Đào Ngọc Dung được cõng vào quan trường, lại dính một vết nhơ vĩnh viễn không bao giờ rửa sạch.
Tháng 5/2006 báo chí của Đảng đưa tin, Đào Ngọc Dung, ủy viên BCH Trung ương Đảng, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, bị lập biên bản vì vi phạm quy chế khi dùng “phao” quay cóp tài liệu trong kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh và bị bà Nguyễn Thị Thu Hà, thanh tra Bộ giáo dục và Đào tạo bắt quả tang và lập biên bản.
Mặc dù Đào Ngọc Dung không chịu ký vào biên bản, vẫn bị Hội đồng thi cảnh cáo, trừ 50% số điểm của môn thi hành chính công. Học viện Hành chính quốc gia đã có văn bản báo cáo vụ việc lên Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng, Ban Tổ chức TƯ, Thường trực Ban chỉ đạo TƯ 6 (2), Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, Ban bí thư T.Ư Đoàn, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân.
Nhờ có bảo kê, Đảng chỉ “giơ cao đánh khẽ”. Chiều 29/7/2006, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần 3 khoá X, đã thi hành kỷ luật “khiển trách” đối với Đào Ngọc Dung. Và rồi ông ta vẫn tiếp tục ngồi trong BCH Trung ương, xếp vào hàng ngũ… tinh hoa của Đảng.
Và Dung tiếp tục thăng tiến, đại hội XII, ông ta được ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tháng 7/2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lại gây xôn xao dư luận, khi mời cơm mẹ VNAH tại Hà Nội, chỉ bằng một tay. Mặt dù báo quốc doanh nhanh chóng gỡ bỏ và thay bằng hình ảnh khác, nhưng mạng xã hội vẫn lưu lại bức ảnh mà nhiều Facebooker cho rằng “mất dạy nhất mọi thời đại”.
Tháng 3/2006, sắp khai mạc đại hội X, trước khi rút lui khỏi chính trường, trong một phiên họp Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đích thân giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Bí thư thành Uỷ Hà Nội, sẽ là người kế nhiệm mình. Gần 15 năm sau, Nguyễn Phú Trọng trước khi về vườn “làm người tử tế”, cũng đã quy hoạch cho Đào Ngọc Dung vào danh sách đề cử Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XIII, nhằm giành ghế Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban tổ chức, hoặc Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Hội nghị Trung ương 14 kết thúc hôm 18/12/2020 mà không đạt được mong đợi. Việc “người của anh, người của tôi” luôn là tranh cãi bất tận trong việc dàn xếp nhân sự mỗi kỳ đại hội của đảng cộng sản. Trận “bán kết 1” này ngưng so găng sớm hai ngày, để các phe bình tĩnh lại, hẹn “bán kết 2” ở hội nghị 15 diễn ra khoảng hai tuần nữa.
Có thông tin, BCH Trung ương đã không thoả hiệp với tờ trình đề cử danh sách Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới của Bộ Chính trị hiện tại. Nhìn hình ảnh lúc bỏ phiếu và khuôn mặt băng giá khi công bố kết quả, của các ông bà đại ca, sẽ hiểu vấn đề hơn.
Dư luận đồn đoán, phiếu đề cử vào Bộ Chính trị lần đầu của Vũ Đức Đam chỉ đứng thứ 10, còn Đào Ngọc Dung lại xếp thứ 4. Xem ra cơ hội chấm hết cho Vũ Đức Đam, đồng nghĩa với việc BCH Trung ương thích một kẻ gian lận, thủ đoạn, nhưng nịnh đảng và kiên định chủ nghĩa Mác – Lê, hơn là một anh tiến sĩ Tây học, tử tế và luôn hướng về phía dân chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.