Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

Việt Nam, Cộng sản hay Phát xít?

 

Việt Nam, Cộng sản hay Phát xít?

Jackhammer Nguyễn

2-12-2020

Gần 1 tháng sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ, có đến 42 vụ kiện của ông Donald Trump và phe của ông xung quanh câu chuyện do chính ông dựng lên là cuộc “bầu cử bị gian lận” trên diện rộng.

Điều cực kỳ nguy hiểm là có rất nhiều người tin vào điều bịa đặt đó. Ngày 27/11/2020, nhà văn Phạm Thị Hoài có một bài viết, với tựa đề Huyền thoại đâm sau lưng“, trong đó bà Hoài so sánh câu chuyện hoang đường về gian lận bầu cử của Trump với câu chuyện Hitler bịa ra rằng, quân đội Đức trong thế chiến thứ nhất bị “một đám dân chúng vô tổ quốc, vô ơn, phản loạn, cầm đầu là Đảng Dân chủ Xã hội cánh tả cấu kết với bè lũ cộng sản bôn-sê-vích và mạng lưới Do Thái toàn thế giới”, phản bội.

Từ sự tuyên truyền đó, một số đông dân chúng Đức được đặt vào một tín điều khác với thực tế, mà Hitler lên cầm quyền, chế độ phát xít nhờ vậy lên ngôi.

Kết cục của cuộc bầu cử ngày 3/11/2020, cũng như sự lên tiếng thẳng thắn của nhiều chính trị gia thuộc Đảng Cộng hòa, đã bác bỏ câu chuyện bịa đặt của ông Trump, làm tôi tin rằng, sự cảnh báo của nhà văn Phạm Thị Hoài có vẻ bi quan. Nhưng cảnh báo của nhà văn lại làm tôi nghĩ đến nước Việt Nam, hiện nằm dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản.

Người Việt không phải là không có khuynh hướng phát xít

Có người nào đã từng nghe một số người Việt ca ngợi Hitler một cách công khai chưa? Có ai từng nghe người ta ca ngợi ông Nguyễn Bá Thanh khi ông ấy đòi “bắt hết, nhốt hết” chưa?

Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những phát biểu tương tự như vậy của nhiều người Việt xung quanh mình, về cái quan niệm cai trị dựa vào bạo lực, dựa trên một bộ máy đàn áp mạnh, kiểu cộng sản, hay kiểu phát xít.

Nhưng cộng sản và phát xít giống mà khác nhau. Cộng sản là một mô hình được tưởng tượng ra rồi thí nghiệm vào xã hội (communist experiment), trong khi phát xít lại xuất phát từ sự suy thoái và khủng hoảng của xã hội, nhất là sau những chấn thương tâm lý trầm trọng.

Trước khi Hitler lên cầm quyền, nước Đức bị chấn thương nghiêm trọng từ thế chiến thứ nhất, thua cuộc, nhục nhã, dân chúng trong nước không thấy hướng đi, các đô thị của Cộng hòa Wiemar đầy thác loạn.

Nhật Bản trước khi trở thành quốc gia phát xít, đã chới với giữa những giá trị cũ và mới, với một lớp võ sĩ đạo đang mất quyền lực.

Nước Ý trước Mussolini bị chia rẽ hàng thế kỷ, không những giữa các công quốc khác nhau, mà còn giữa nhà thờ và lái buôn, nhà thờ và chính trị gia, nông dân, công nhân…

Ở cả ba quốc gia này, người ta đều hy vọng và tin tưởng ở một kẻ mạnh, hơn là một nền dân chủ, và người ta tin vào những huyền thoại do kẻ mạnh ấy thêu dệt nên. Chế độ phát xít ra đời từ đó.

Ở Việt Nam, ta có thể nói rằng từ khi bắt đầu cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh cho tới nay, đất nước luôn bị xáo trộn, không lúc nào yên. Người Việt Nam liên tục bị thay đổi các giá trị sống. Từ Khổng nho suy thoái, sang tiểu tư sản kiểu phương Tây ở thành thị thời Pháp không được bao nhiêu năm, lại đến những nhóm bần cố nông từ thôn quê kéo lên sau cải cách ruộng đất…

Những giá trị quá hiện đại thời chiến tranh Việt Nam chưa kịp bén rễ, lại đến kiểu lừa lọc thời “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chiến tranh, cộng sản, thuyền nhân, trại cải tạo,… liên tục đưa dân Việt Nam vào những chấn động tâm lý không dễ chữa khỏi.

Cho đến nay, người Việt không có một hệ thống giá trị sống nào ổn định.

Sự bất ổn đó, cộng với truyền thống một dân tộc chinh phạt kẻ khác (các sắc tộc miền núi, người Chàm, người Khmer), sự đồng nhất tương đối về chủng tộc (tương tự các nước Đức, Ý, Nhật) là những điều kiện mà ta thấy ở những xã hội trước khi bước vào chủ nghĩa phát xít.

Trong một lần kỷ niệm ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, các nhóm biểu tình chống Trung Quốc (và chống luôn cả đảng Cộng sản Việt Nam) đã đụng độ căng thẳng với nhóm ủng hộ đảng Cộng sản, làm cho một nhà nghiên cứu trong nước lo ngại khuynh hướng bạo lực trong tương lai của Việt Nam.

Sự xuất hiện của Donald Trump, thần tượng của rất đông người Việt Nam làm bộc lộ khuynh hướng phát xít của không ít người Việt. Nhiều người Việt thán phục ông Trump, vì cho rằng ông ta mạnh, ông ta “chống Trung Quốc”… nên nhiều người tin tất cả những chuyện tin vịt trời ơi đất hỡi do ông ta tạo ra.

Người ta tin tưởng ở một kẻ mạnh, hơn là một nền dân chủ, và người ta tin vào những huyền thoại do kẻ mạnh ấy thêu dệt nên.

Nếu Hitler có con ngáo ộp là các quốc gia thắng trận Anh, Pháp, thì những kẻ có khuynh hướng phát xít ở Việt Nam có con ngáo ộp Trung Quốc. Chỉ có điều khác là, Hitler vu cho cộng sản Đức đốt trụ sở quốc hội Đức, còn cộng sản Việt Nam lại đang cai trị bằng bàn tay sắt hơn cả Hitler.

Và chúng ta nên nhớ rằng, chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu không phải bị đánh bại bởi tàn tay sắt của chủ nghĩa phát xít, mà là bằng những cuộc cách mạng nhung!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.