Nguy cơ tái dịch, ý thức cũ và trạng thái bình thường mới
2-11-2020
Không thể yên tâm nhìn nhận nguy cơ tái bùng phát Covid-19 từ sự vô ý thức của mỗi người.
Ngay với trường hợp tiếp viên hàng không hay giáo viên tiếng Anh nọ, sự thất trách không dừng ở phạm vi cá nhân. Sự khinh lờn các chuẩn mực đã thành lối sống.
Không thể tin rằng họ dốt nát nếu qui chiếu vào nghề nghiệp của họ.
Trong khi đó, gần một năm chật vật chống chọi với đại dịch nhìn lại, dường như công cuộc phòng chống Covid-19 chỉ cô lại trong niềm tin cách li, niềm hi vọng sớm có vắc xin, và sự phó thác bất tận vào cái gọi là ý thức cá nhân.
Cứ nhìn những tờ áp phích truyền thông kĩ năng phòng chống Covid và nhưng chiếc giá để dung dịch rửa tay ở các chung cư. Cứ nhìn các cuộc hội họp và ứng xử công cộng của các cấp lãnh đạo trước nguy cơ dịch bệnh. Cứ nhìn các vạch xếp hàng và thói quen đeo khẩu trang ở các siêu thị. Cứ nhìn khung cảnh dân phòng thoải mái tụ tập ở các khu phố đêm đêm. Cứ nhìn trong chính bệnh viện, trường học, công sở, chợ búa, khách sạn…
Thành quả chống dịch được qui từ lợi thế của cơ chế chính trị đặc thù của ta.
Kết luận ấy liệu đúng được bao nhiêu phần? Khi mà chính cái hệ thống toàn trị ấy không thực hành nổi thói quen rửa tay, đeo khẩu trang, giãn cách thay vì loay hoay với bình thường cũ hay mới.
Chỉ cần tham chiếu đến những biến cải xã hội mà nền y tế còn ban sơ của hai miền đạt được trong một hoàn cảnh thiếu thốn ngặt nghèo, chúng ta mới thấy thách thức tạo ra thói quen ăn chín, uống sôi, rửa tay, vệ sinh thân thể… vì sao được chính những lãnh tụ chính trị như Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.
Đó là chưa kể đến diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên phạm vi thế giới đang thách thức an ninh của các quốc gia, các xã hội không chỉ ở tầm mức một loại bệnh.
Khi các quốc gia không ngừng chạy đua của đủ kiểu hệ thống phòng thủ chiến lược, thì một hệ thống phòng thủ sức khoẻ của con người lại chưa được thiết lập ở qui mô quốc gia và thế giới. Các tổ chức có thể xúc tiến liên kết các quốc gia ngăn chận dịch bệnh dường như không thể tác nghiệp hiệu quả, thậm chí có nguy cơ bị chính trị thao túng.
Nền y tế xã hội loay hoay với hệ thống y tế dự phòng, với mạng lưới bác sĩ gia đình, mà bỏ bê hệ thống tri thức và kĩ năng bảo vệ sức khoẻ cá nhân và cộng đồng. Chỉ có con người mới có năng lực tự bảo vệ sức khoẻ của mình, từ phép vệ sinh cá nhân đến khả năng điều chỉnh trong ăn uống, giao tiếp. Cả một hệ thống y tế cá nhân đã bị che lấp và lãng phí.
Diễn biễn tái nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đang vẽ lại khá rõ ràng một hệ thống phòng thủ sức khoẻ để thủng những lỗ tác hoác. Từ trong các thiết chế cộng đồng và xã hội. Từ khu phố đến cấp phường, xã, quận, huyện. Từ tỉnh thành đến quốc gia. Từ trong chính các liên kết quốc tế hiện hữu.
Không thể có trạng thái bình thường mới trên các thói quen cũ, lầm lạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.