Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Địa ngục xanh Việt Nam: Kit Carson của rừng xanh (Phần 6)

 

Địa ngục xanh Việt Nam: Kit Carson của rừng xanh (Phần 6)

Tác giả: Helmut P. Müller

Dịch giả: Phan Ba

21-12-2020

Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 và Phần 5

Lính Thủy quân lục chiến Mỹ được một Kit Carson Việt Nam dẫn đầu trong Chiến dịch Oklahoma Hills, khoảng ngày 31 tháng 3 năm 1969. Ảnh: internet

Không có người Mỹ nào mà không biết những huyền thoại của Kit Carson – chàng trai Miền Tây biết hết mọi thủ đoạn của người da đỏ và đã lập nhiều công lao vô giá cho người da trắng trong cuộc đấu tranh chống người da đỏ.

Đó là những người lính Cổ da, những người đã nhớ tới Kit Carson khi ở Việt Nam. Chiến thuật phục kích của đối phương và sự thông thạo địa phương hết sức chắc chắn của họ, sự thành thạo kỹ thuật du kích, hiểu biết về cách đặt bẫy mìn – đó là những gì luôn tạo ra tổn thất cao cho những người lính Cổ da. Ưu thế vật liệu và hỏa lực giúp ích được gì khi mà lực lượng chiến đấu rơi vào những cái bẫy chiến thuật của du kích quân? “Cho tới chừng nào mà chúng tôi không phát hiện được đủ sớm phương pháp của quân địch – thì chúng tôi sẽ luôn bị phục kích”, trung tướng Walt nói, viên chỉ huy của 74.000 lính Cổ da trong Quân đoàn I. “Chúng tôi phải đánh họ bằng chính phương pháp của họ.”

Điều đó có nghĩa là: người ta phải chiêu dụ được người từ hàng ngũ của đối phương, những người sẵn sàng mang kinh nghiệm của mình ra để phục vụ. “Chương trình Kit Carson” ra đời như thế đó, một chiến thuật thuần túy của lực lượng Cổ da – gây tranh cãi, nhưng đạt nhiều thành công.

Tròn 150 Kit Carson hiện giờ đang chiến đấu trong hàng ngũ của Thủy Quân Lục Chiến. Anh Truong 32 tuổi là một người trong số họ…

“Quê tôi là làng Xin Hoa”, Truong nói trong âm điệu như hát của người Việt. “Tôi có một mảnh đất nhỏ ở đó, nhờ nó mà tôi vừa đủ sống. Vào một ngày nào đó, chính phủ kêu gọi người Việt trẻ tuổi hãy tự nguyện tham gia một chương trình bình định nông thôn. Những người đi chiêu dụ cũng vào làng chúng tôi. “Truong”, họ nói, “anh yêu làng của anh, đất đai của anh, quê hương của anh. Nếu như anh muốn bảo tồn chúng thì anh phải làm điều gì đó cho chúng. Mọi người Việt đều phải hy sinh một ít trong những năm này. Thế nào – có gia nhập hay không?” Tôi không có sự chọn lựa lớn nào cả – thế là tôi đi với họ. Tôi được huấn luyện sáu tuần liền.”

“Trong một trại lính, giống như huấn luyện quân sự à?”

“Trại lính ư?” Truong mỉm cười. “Đó là một vài ngôi nhà xập xệ trống trải có kẽm gai bao quanh. Những người huấn luyện chúng tôi đến từ mọi tầng lớp nghề nghiệp. Người ta giải thích cho chúng tôi cách sử dụng một khẩu súng, nhắm bắn như thế nào. Nhưng người ta không cho chúng tôi đạn thật – trong khóa huấn luyện trước có đã có vài người ngắm bắn tệ cho tới mức họ đã bắn trúng nhiều người huấn luyện. Quan trọng nhất là một khóa đào tạo cấp tốc về cứu thương, xây cầu và về tưới tiêu – tất cả những gì quan trọng cho một cuộc sống mới trong làng. Vâng, thế rồi chúng tôi bắt đầu hoạt động.”

Nhóm của Truong vào một ngôi làng gần An Hòa trong vùng Đà Nẵng. Vài ngày trước đó, ngôi làng vừa mới được giành lại từ Việt Cộng – bây giờ là phải thực hiện chính sách xây dựng của chính phủ. “Chúng tôi đã có nhiều thành công tốt đẹp”, Truong nhớ lại. “Chúng tôi đã xây một trường học, một hệ thống thủy lợi – và trước hết là một hệ thống phòng thủ mang lại an toàn cho ngôi làng cả về ban đêm. Nếu như Việt Cộng muốn vào thêm lần nữa…”

Tất nhiên là họ cố vào thêm một lần nữa. Trong một đêm không trăng, họ lén bò qua hàng dây kẽm gai. Nhưng hàng rào kẽm gai đã được gắn với những cái bẫy tạo tiếng động: Trước khi Việt Cộng qua được hàng rào cản đầu tiên, họ đã được chào đón bằng hỏa lực dữ dội của súng cá nhân. “Họ vướng trong hàng rào kẽm gai như những tấm bia bất lực”, Truong nói. “Người ta không thể bắn trật được. Chính tôi đã giết ba người trong số họ.”

Truong được chính phủ khen thưởng vì việc đó và được phép trở về Xin Hoa với vợ con trước thời hạn…

“Xin Hoa là một làng không đỏ cũng không trắng”. Truong nói. “Chúng tôi không có Việt Cộng và họ cũng hiếm khi xuất hiện, Quân đội chính phủ cũng vậy.”

Nhưng chỉ bốn ngày sau khi Truong trở về, Việt Cộng thâm nhập vào Xin Hoa sau nửa đêm. Đầu tiên, họ yên cầu gạo. Rồi người chỉ huy của họ hỏi: “Truong Kinh đâu?” Những người nông dân sợ hãi đã dẫn họ đến nhà của Truong. “Mày đã làm việc xuất sắc đấy”, người đàn ông trong bộ quần áo bà ba đen nói, cố ý nhỏ giọng. Rồi hắn ta móc khẩu súng ngắn ra khỏi bao và ra lệnh: “Đi trước đi, đi ra ngoài.”

Họ dẫn anh đi qua làng, qua những cánh đồng, đi vào rừng. Ở đây có những Việt Cộng khác đang chờ. Họ cùng nhau đi bộ hai giờ đồng hồ. Không một ai nói từ nào với Truong. Mãi trong một ấp nhỏ – một ấp nông dân – người ta mới dừng lại. “Đấy”, người chỉ huy Việt Cộng nói với Truong, “bây giờ thì mày nhìn kỹ cây cọc này đi.” Với khẩu súng ngắn, hắn đẩy Truong đang hoảng sợ đi ra phía sau một ngôi nhà. “Người đàn ông mà mày nhìn thấy ở kia”, người Việt Cộng nói, “đã có tên là Tran Van Dung. Nó cũng giống như mày – chiến đấu cho chính phủ và bắn chết vài người của chúng tao. Nhưng chúng tao đã giết được nó. Còn về phần của mày: bây giờ chúng tao cũng bắt được mày. Nhưng chúng tao cho mày một cơ hội: hoặc là ngay từ bây giờ mày chiến đấu trong hàng ngũ của chúng tao – hay là…” Trong lúc đó hắn dùng cây súng ngắn chỉ đến cái cọc. Cắm ở trên đầu cọc là cái đầu đã bị chặt ra của người đàn ông đã từng có tên là Tran Van Dung.

“Nếu anh là tôi thì anh sẽ làm gì?” Truong hỏi, nhưng anh không chờ câu trả lời.

“Họ tịch thu thẻ căn cước của tôi – và qua đó tôi đã trở thành một tên Việt Cộng.

Vì bất cứ ai không có thẻ căn cước ở Việt Nam đều bị xem như là Việt Cộng. Ít nhất thì bị nghi ngờ…

Hai tháng trời, Việt Cộng huấn luyện anh về chiến tranh du kích trong một trại ở trong rừng rậm. Rồi Truong thành thạo kỹ thuật gài mìn, các dấu hiệu bí mật và nghệ thuật sống hàng tuần ở dưới mặt đất. Anh là một Việt Cộng toàn hảo. Toàn hảo cho tới mức sau nửa năm anh đã được thăng chức trưởng nhóm. Qua đó, anh chỉ huy 12 du kích quân tự tiến hành “chiến tranh nhỏ” – kiểm soát làng mạc, thu lương thực, tập kích những đơn vị nhỏ của quân đội chính phủ cũng như thu thuế đường lộ.

“Chúng tôi cứ đơn giản ngăn một vài tỉnh lộ vắng và thu tiền”, Truong nhớ lại. “Chúng tôi lấy 700 đồng cho một chiếc xe chở củi, 10.000 đồng cho một chiếc xe chở gỗ xây dựng. (Thu nhập trung bình của một người Việt ở Sài Gòn hàng tháng là từ 3.500 đến 5.000 đồng.) Tiền phí cho một chiếc xe buýt là 2.500 đồng – ngoài ra mỗi người thêm 10 đồng. Thỉnh thoảng, có những ngày chúng tôi thu được 50.000 đồng. Ai không chịu trả tiền sẽ bị bắn chết. Nhưng điều đó hầu như không bao giờ xảy ra…”

Vấn đề chỉ xuất hiện khi họ hết đạn. “Lấy đạn từ quân đội chính phủ”, đó là chỉ thị từ sở chỉ huy. Truong và người của anh tuân lệnh. Họ thành công được hai lần, nhưng đến lần thứ ba thì họ rơi vào bẫy – nhóm này bị tiêu diệt. Chỉ còn Truong sống sót.

“Lính của chính phủ vung dao trước mặt tôi”, Truong nói. “Nhưng rồi có một viên đại úy tới, lúc đó họ tha cho tôi. Người ta mang tôi vào trong một trại thẩm vấn. Từ đó sang một trại khác mà ở đó đã có hàng trăm Việt Cộng rồi. Một ngày nào đó, họ mang vợ tôi đến. Vợ tôi khóc khi nhìn thấy tôi. Và rồi vợ tôi nói rằng đứa con trai út của chúng tôi đã chết – bị một nhóm Việt Cộng giết chết. ‘Họ muốn có gạo’, vợ tôi kể, ‘nhưng mình còn không có đủ cho mình nữa. Thế là họ bắt Nguyen đi cùng. Sáng hôm sau, người ta phát hiện con mình nằm chết ở rìa làng.’ Trong khoảnh khắc đó, tôi quyết định phải trả thù…”

Truong trải qua một trại cải tạo. Một ngày nào đó, người của Thủy Quân Lục Chiến đến. “Anh có phải là Truong Kinh không?” họ hỏi. “Đúng vậy”, con người 32 tuổi trả lời. “Chúng tôi biết câu chuyện của anh”, người của Thủy Quân Lục Chiến nói. “Chúng tôi tìm những người như anh.” Và rồi họ giải thích cho anh chương trình Kit Carson. “Anh không buộc phải tham gia nếu anh không muốn”, những người lính Cổ da nói – nhưng Truong muốn.

Anh trải qua một khóa huấn luyện đặc biệt ở Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến. Sau đó, Truong lại ra chiến trường. Lần này thì với lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. “Anh ấy là một trong số những người tốt nhất của chúng tôi”, như viên chỉ huy Trung đoàn nói. “Lần ra trận đầu tiên, anh ta đã phát hiện ra những dấu vết bí mật của Việt Cộng trong một ngôi làng. Chúng tôi đi theo dấu vết đó và phát hiện ra 16 du kích quân cũng nhưng một kho gạo chứa 5 tấn gạo. Và trong chiến dịch Union thì Truong là một trong những người gan dạ nhất trong số hàng ngàn người – riêng anh đã diệt được 53 quân địch. Nếu không có sự dũng cảm của anh ấy và không có tài phát hiện của anh ấy thì tổn thất của chúng tôi chắc chắn đã cao hơn rất nhiều.”

“Anh không sợ”, tôi hỏi Truong, “Việt Cộng bắt được anh vào một ngày nào đó sao?””Có chứ”, Anh ấy trả lời, “tôi sợ chứ. Nhưng không có con đường nào khác cho tôi. Dẫu tôi có làm gì đi nữa – khi họ bắt được tôi thì họ sẽ chặt đầu tôi…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.