Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

Cập nhật tin “đốt lò” ở miền Nam

 

Cập nhật tin “đốt lò” ở miền Nam

BTV Tiếng Dân

VietNamNet có bài phỏng vấn một số đảng viên lão thành và cử tri thành Hồ: Khởi tố ông Tất Thành Cang cho thấy ‘không có vùng cấm’ trong chống tham nhũng. Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nhận định, “việc khởi tố, bắt giam ông Tất Thành Cang cho thấy việc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước không có vùng cấm, không trừ một ai. Đó là cách làm rất được lòng dân. Ai có tội thì phải xử, có công thì thưởng”

Mặc dù cái tên Tất Thành Cang đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương điểm danh từ tháng 11/2018, sau khi nâng lên, đặt xuống nhiều lần, mất hơn 2 năm mới cho được vào lò. Một số báo “lề đảng” từng đưa tin Tất Thành Cang bị bắt, nhưng sau đó phải gỡ bỏ, trong đó có báo Dân Việt đã phải gỡ bài hai lần. Hay như BBC, từ tháng 5/2019 đã đặt câu hỏi: Ông Tất Thành Cang sắp vào ‘lò’ của TBT Trọng? Và RFA cũng nói về Tất Thành Cang: phép thử cho người đốt lò. “Khúc củi” Tất Thành Cang hơi khó đốt, cho dù chẳng phải là gỗ quý.

Ông Nguyễn Lâm Sanh, một cử tri quận 5, nhắc lại lời ông Trần Quốc Vượng: “Không có thế lực thù địch nào lật đổ chúng ta, chỉ có cán bộ làm sai thì mới làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước”. Cách chọn người để “phỏng vấn” góp phần giải thích tại sao Sáu Cang bị bắt ngay thời điểm nhạy cảm là bước đệm tới Đại hội 13.

VOV có đồ họa: 4 sai phạm lớn của ông Tất Thành Cang.

Nhà báo Bạch Hoàn đặt câu hỏi: Khởi tố Tất Thành Cang rồi, bao giờ đến Hai Nhựt? Tác giả đặt nhiều câu hỏi, như: “Và dù có bắt tất cả những Thành Cang, những Hai Nhựt, thì sao nữa? Công lý có được trả lại cho người dân Thủ Thiêm? Máu và nước mắt người Thủ Thiêm giờ ở nơi nào? Đất của dân, nhà của dân, tổ ấm và hạnh phúc của dân bây giờ có được bù đắp? Bắt người rồi sao nữa? Có cách nào để ngăn chặn những Tất Thành Cang khác hay không? Có cách nào để không còn những người dân Thủ Thiêm khác hay không?”

Ngoài ra, còn nhiều ý kiến thắc mắc sau khi Tất Thành Cang “vào lò”, rằng liệu “lãnh chúa thành Hồ” Lê Thanh Hải có “đoàn tụ” với cựu thuộc cấp của mình trong trại giam hay không? Một số người cho rằng, khả năng Hai Nhựt “nhập kho” khó xảy ra, vì hiện Tất Thanh Cang bị “sờ gáy” chủ yếu vì sai phạm để Nguyễn Kim thu tóm SADECO và vụ bán rẻ “đất vàng” ở khu Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai.

Dù trong vụ bắt bớ này, báo chí có đề cập đến dự án Thủ Thiêm nhưng chỉ nhắc đến 4 tuyến đường “đắt nhất hành tinh”, chưa nói đến vụ hàng vạn dân Thủ Thiêm bị mất nhà, mất đất, dưới tay Hai Nhựt. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, bắt Cang từ vụ SADECO, nhưng sau đó sẽ điều tra và lôi ra vụ Thủ Thiêm, sẽ đụng tới Hai Nhựt. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào cái ghế quyền lực nhất, ai sẽ ngồi ghế này trong Đại hội đảng 13 vào tháng 1/2021 sắp tới.

Nhà báo Lưu Trọng Văn lưu ý về thế lực ở thành Hồ đã che chở cho Sáu Cang suốt hơn 2 năm qua: “Tại sao với sự cương quyết của chính TBT Nguyễn Phú Trọng kỷ luật Cang rất nặng, cách chức phó bí thư, loại khỏi trung ương đảng ấy vậy mà thành uỷ TP.HCM – nơi nhiều năm Lê Thanh Hải là chúa tể đúng nghĩa đã biểu quyết đa số áp đảo chỉ khiển trách Cang và vẫn một mực giữ Cang là thành uỷ viên? Đó là tín hiệu khá rõ về thế lực nào đó còn chi phối rất mạnh chống lưng cho Cang”.

Tác giả điểm lại một loạt sự kiện diễn ra trước khi Sáu Cang bị bắt: Đầu tiên là vụ bí thư Tây Ninh Trần Lưu Quang, người được cho là “không dính lợi ích nhóm” được điều về làm phó bí thư trực thành uỷ TP HCM, sau đó, Bộ Công an bất ngờ công bố quyết định điều động đại tá Lê Hồng Nam, GĐ Công an tỉnh Long An về làm GĐ Công an TP HCM, mới đây nhất, ông Nguyễn Văn Nên, người từng là cấp trên của Trần Lưu Quang, Chánh văn phòng TƯ, là người của phe Tổng – Chủ Trọng được điều về làm Bí thư thành Hồthay Nguyễn Thiện Nhân.

Theo ông Văn, 3 sự kiện trên chính là các bước “bày binh bố trận”, làm suy yếu thế lực ở thành Hồ đã chống lưng cho ông Tất Thành Cang, trước khi “đệ tử ruột” của Hai Nhựt chính thức vào “lò”. Tác giả viết: “Đặc biệt hàng ngàn Dân oan Thủ Thiêm trào nước mắt vì thỏa cái điều mong chờ qua bao năm dằng dặc có lúc chả còn chút hy vọng nào”.

Báo Lao Động có bài về chuyện bên lề vụ bắt Sáu Cang: Chiếc đồng hồ Rolex trên tay ông Tất Thành Cang. Tin cho biết, lúc bị bắt, trên tay ông Tất Thành Cang có đeo một chiếc đồng hồ, nhưng chỉ vài phút sau khi có nhà báo “lề đảng” chụp ảnh, lấy tin, chiếc đồng hồ đã được tháo ra: “Cái đồng hồ Rolex trên tay ông Cang, ngay sau đó đã được tháo ra. Có lẽ, ông cũng ý thức được điều gì đó. Nhưng giá như ông tháo sớm hơn. Vì người dân hơn. Thì giờ đây đâu đến nỗi những vật ngoại thân ấy giờ trở thành hại thân”.

Khi bị bắt, trên tay ông Tất Thành Cang có đeo một chiếc đồng hồ vàng hiệu Rolex, chỉ vài phút sau, nó đã được tháo ra. Ảnh: LĐ

Về “công cuộc đốt lò” ở thành Hồ, báo Tiền Phong có đồ họa: 8 năm xoay chuyển công tác phòng, chống tham nhũng.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh có bài viết: Đội ngũ có khả năng tham nhũng đang rất… đông. Tác giả dẫn số liệu từ GS – TSKH Lê Du Phong để chỉ ra, lực lượng tham nhũng ở VN vẫn còn đông hơn nhiều so với con số đã vào “lò” của Tổng – Chủ Trọng: Theo thống kê hồi đầu năm 2018, số lượng công chức, viên chức nhà nước VN khoảng 2,8 triệu người, trong khi ở Mỹ chỉ có 2,1 triệu viên chức; trong khi dân số nước Mỹ cao gấp 3,5 so với Việt Nam.

Mời đọc thêm: Quá trình thăng tiến và sai phạm của ông Tất Thành Cang (NN). – Những chức vụ bị đình chỉ của nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM Tất Thành Cang (VNF). – Ông Tất Thành Cang bị khởi tố, tạm giam vì liên quan đến nhiều vi phạm, gây thiệt hại lớn cho ngân sách (DS). – Ông Tất Thành Cang bị khởi tố, bị bắt mang hy vọng gì cho dân Thủ Thiêm? (RFA). – Ngoài ông Tất Thành Cang, ai bị bắt vì sai phạm ở Công ty Tân Thuận? (Zing). – Lãnh đạo bị bắt, SADECO sa lầy tại dự án Khu định cư Phước Kiển (VNN). – “Mua rẻ” 9 triệu cp Sadeco, Nguyễn Kim mạnh cỡ nào?(VietTimes).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.