Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

Cấm vận động cá nhân cho lá phiếu “Đảng cử”?

 

Cấm vận động cá nhân cho lá phiếu “Đảng cử”?

Nguyễn Huyền

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội; vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm... trong công tác nhân sự; kiên quyết xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm.

Ngại tranh cử công khai trong chính nội bộ Đảng?

Báo Thanh Niên, viết: “Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp uỷ các cấp và chuẩn bị cho nhân sự T.Ư. “Những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định. (*)

Thắc mắc đặt ra: vì sao khi ‘Đảng cử’ theo quy trình, nhưng người ta vẫn có thể ‘chạy chọt’ theo chiều hướng tiêu cực cho lá phiếu bầu? “Tranh thủ phiếu bầu” như lời trích ở trên của báo Thanh Niên, đó là nói giảm nhẹ cho vấn nạn tham nhũng quyền lực. Cụm từ rất quen thuộc luôn được nhắc trước mỗi kỳ đại hội Đảng, đó là, “tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn”.

Câu hỏi: vì sao đến nay Đảng vẫn chưa đồng ý việc các đảng viên được quyền tranh cử công khai, minh bạch trước cử tri đảng viên và cả cử tri quần chúng?

Đơn cử: nếu đảng viên Nguyễn Thiện Nhân ứng cử vào chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông sẽ phải đưa ra được các quyết sách vừa giúp chính quyền TP.HCM thực thi tốt về “Chính quyền đô thị”, đồng thời còn đưa ra được đường hướng giúp gia tăng an sinh bền vững của cư dân Sài Gòn.

Tương tự, đồng ý là đảng viên Nguyễn Văn Nên được Trung ương Đảng giới thiệu về sinh hoạt ở Đảng bộ TP.HCM, và cũng sẽ là thành viên đại biểu Quốc hội của đoàn TP.HCM, song chí ít đảng viên Nguyễn Văn Nên phải chứng minh thực lực của mình qua phác thảo cụ thể tầm nhìn chiến lược, và phương thức thực hiện chiến lược đó sẽ ra sao, cần đến sự phối hợp như thế nào?

Mặt khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Nên phải có trách nhiệm trình bày trước rộng rãi cử tri ở TP.HCM về khả năng của mình ra sao trong đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân Sài Gòn?

Và không chỉ riêng hai ông Nhân, Nên, mà tất cả các đảng viên khác đều phải được quyền dân chủ trong trình bày những đề xuất của mình trên cương vị thích hợp khi tham gia vào nhiệm kỳ mới của Đảng bộ TP.HCM.

Ở đây, cần thấy rằng nếu loại trừ lợi ích cục bộ địa phương, thì đó sẽ là bước cản trở nhiều hơn. Đơn cử, nhóm các lãnh đạo quản trị TP.HCM ở hiện tại như các ông: Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong, Lê Thanh Liêm, Võ Văn Hoan, Ngô Minh Châu…, cho thấy là một ê-kíp gắn bó đủ mạnh giúp TP.HCM phát triển ngày một bền vững hơn, tiệm cận với cung cách quản trị chung của những đô thị ở các quốc gia phát triển khác.

Nếu vì ngại đây là nhóm lợi ích đang củng cố quyền lực tích lũy, nên phải chọn thay vị trí Bí thư Thành ủy TP.HCM, song vẫn dè chừng sự phản kháng, nên duy trì quyền lực của người vừa trở thành cựu bí thư,… tất cả cho thấy rất cần xem lại việc tiếp tục không cho phép các đảng viên được quyền tranh cử.

Vì sao lại ngại đảng viên được tự do tranh cử?

Ghi nhận ý kiến từ một luật sư là đảng viên, thì trong 19 điều đảng viên không được làm, ở điều 4 “Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ; Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tuỳ tiện đối với người khác. Đe doạ, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý”, có quy định cụ thể như sau:

“1- Chủ trì, tham gia tổ chức, vận động, lôi kéo, tập hợp đảng viên, quần chúng mang tính chất cục bộ địa phương, phe cánh, họ tộc, nhóm lợi ích nhằm tranh giành lợi ích kinh tế, chính trị, vị trí công tác, chức vụ trong bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp.

2- Lợi dụng quyền phê bình, tự do ngôn luận, báo chí, diễn đàn, câu lạc bộ để phát ngôn hoặc nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để nhận xét, bình luận, đánh giá ngoài phạm vi tổ chức cho phép; đả kích, vu cáo, xúc phạm đối với tập thể và cá nhân”.

Nếu cho phép đảng viên được quyền tự do tranh cử, vận động lá phiếu từ các đảng viên,… thì dễ đưa đến những lo ngại về chuyện ‘thù địch’ như nêu ở điều 4 kể trên.

Chưa hết, trong 19 điều đảng viên không được làm, ở điều 7 buộc rằng đảng viên (kể cả cấp uỷ viên và đảng viên là cán bộ diện cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ quản lý) không được quyền tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.

Giờ sắp bước sang năm 2021. Việt Nam đã tham gia rất nhiều các thỏa thuận thương mại quốc tế cả song phương lẫn đa phương. Việt Nam cũng đã chấp nhận quyền tự do công đoàn. Vậy thì càng cần thiết sự tương thích chung giữa các chính sách trong việc chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng trong lá phiếu cử tri đảng viên cho bầu chọn công khai trên cơ sở ứng cử, tranh cử công bằng và dân chủ. Hơn nữa, đây là quyền hiến định.

Hiến pháp 2013, điều 4. 3, viết rằng: “Các tổ chức của đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

 _______________

Chú thích:

(*) https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-kien-quyet-chong-van-dong-ca-nhan-phe-canh-trong-cong-tac-nhan-su-1306886.html

N.H.

VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.