Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Bản tin ngày 19-12-2020

 

Bản tin ngày 19-12-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

RFA có bài: Cuộc chiến công hàm và dự đoán tình hình Biển Đông 2021. Trong tình hình hầu hết các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông chủ yếu vẫn chỉ “đấu khẩu” bằng công  hàm, GS Carl Thayer dự đoán tình hình năm sau: 

“Năm 2021, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động như thường lệ để khẳng định chủ quyền của mình và một số các quốc gia ven biển vẫn giữ thái độ im lặng. Lực lượng Cảnh sát biển, Dân quân biển và đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ tại các khu vực tranh chấp”.

Các chuyên gia thuộc Bộ KH&CN và Viện Nghiên cứu hạt nhân Philippines (DOST-PNRI) vẫn đang tìm cách truy nguồn gốc phóng xạ ở Biển Đông, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Trước đó, các chuyên gia của DOST-PNRI thông báo, họ phát hiện có chất đồng vị Iot 129 ở Biển Đông, với nồng độ cao nhất nằm gần các thực thể bị TQ chiếm đóng phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Nhóm nghiên cứu không loại trừ khả năng đang có các hoạt động hạt nhân tại khu vực, nhưng cũng để ngỏ khả năng các dòng hải lưu đã đưa chất Iot 129 từ nơi khác tới Biển Đông do đây là một chất tồn tại lâu trong môi trường. Ông Carlo Arcilla, GĐ DOST-PNRI cho biết: “Nó có thể được tạo ra trong các hoạt động hạt nhân mới, có thể là từ các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân”.

Các nguồn gốc khả dĩ của chất Iot 129. Ảnh do báo Tuổi Trẻ thực hiện từ dữ liệu của DOST-PNRI

Trang Doanh Nghiệp VN có bài: Trung Quốc và giấc mơ 10 tàu sân bay. Dẫn ngưồn từ National Interest, cho biết, sau khi đưa hai tàu sân bay Type 001 (Liêu Ninh) và Type 002 (Sơn Đông) vào vận hành, Hải quân TQ (PLAN) lên kế hoạch triển khai tàu sân bay Type 003, “được cho là sẽ được hạ thủy trong tương lai gần và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023”.

Trong khi tàu sân bay Type 003 chưa hoàn thành, nhưng “có vẻ như PLAN đang quan tâm đến một danh sách hàng không mẫu hạm trong tương lai có sự kết hợp giữa các mẫu chạy bằng năng lượng hạt nhân và thông thường cho các nhiệm vụ khác nhau”. Hải quân TQ dự định sẽ có 6 tàu sân bay vào năm 2035.

Mời đọc thêm: Chuyên gia truy nguồn gốc phóng xạ ở Biển Đông (VTC). – Nhóm Bộ tứ tìm cách hỗ trợ ‘các nước yếu’ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (TG&VN). – Biển Đông: Mỹ và Philippines tiếp tục khẳng định giá trị phán quyết quốc tế 2016 (RFI).

Vụ chuyển 30 ngàn tỉ ra khỏi biên giới VN

Công an TP Hà Nội vừa triệt phá vụ vận chuyển trái phép 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã lập chuyên án điều tra và khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Đây là vụ án “nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Phương thức, thủ đoạn của các bị can hết sức tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn (gần 30.000 tỉ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép, nhằm che giấu hành vi phạm tội khác”.

10 bị can bị khởi tố, trong đó có 6 người bị công khai danh tính, gồm Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực và Nguyễn Thị Hà. Kết quả điều tra ban đầu xác định, bị can Thắng đã cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty để làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất, lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới.

Vụ việc làm xôn xao dư luận hôm nay. Một số nhà quan sát nhận định, có khả năng đây không phải là vụ chuyển tiền bình thường, vì số tiền quá lớn, tới 30.000 tỉ đồng, tương đương 1,3 tỉ USD. Ngay cả sai phạm rất nghiêm trọng trong dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên, khiến cựu Bí thư Hoàng Trung Hải “ngã ngựa”, cũng không tạo ra thiệt hại về tiền lớn như vậy. Có thông tin cho rằng, đằng sau vụ điều tra này là cuộc đấu đá nội bộ trước thềm Hội nghị Trung ương 15 và Đại hội 13. 

VTC có clip về vụ điều tra vừa được công khai ở TP Hà Nội: Phá vụ “tuồn” gần 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài.

VietNamNet có bài: Bí thư Hà Nội gửi thư khen Công an TP phá vụ chuyển lậu 30.000 tỷ. Bí thư Vương Đình Huệ gửi thư khen ngợi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội, với lời nhận định: “Chiến công này đặc biệt quan trọng trong thời điểm Thủ đô và cả nước đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và trong đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Mời đọc thêm: Hà Nội phá vụ ‘tuồn’ gần 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài, khởi tố 10 bị can (TT). – Thông tin pháp luật chiều 19/12: Công an Hà Nội phá vụ tuồn 30.000 tỷ ra nước ngoài, khởi tố 10 bị can (TĐ). – Chuyển gần 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài để giấu tội (VTC). 

Ngày xử thứ 6 trong lần ra tòa thứ 4 của Đinh La Thăng

Phiên xử vụ sai phạm dự án cao tốc TP HCM – Trung Lương bước sang ngày làm việc thứ 6. Sau 3 ngày ông Thăng liên tục phản bác cáo trạng không công bằng, không có bằng chứng, nội dung quy chụp nhằm gán tội cho người khác, HĐXX chuyển “mục tiêu” sang cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”. 

VTC đưa tin: Út ‘Trọc’ tự bào chữa, không nhận cáo buộc của Viện kiểm sát. Tin cho biết, sáng nay, trong lúc tự bào chữa cho mình, bị cáo Hệ  tiếp tục bác bỏ cả hai tội danh mà VKSND TP HCM truy tố. Ông Hệ khẳng định, ông không lợi dụng ảnh hưởng với người khác để trục lợi như cáo buộc của VKS.

Cáo trạng có tình tiết: Bị cáo Hệ thỏa thuận để ông Phạm Văn Thăng, TGĐ Công ty CP Licogi 13 thi công hạng mục gói thầu XL.01-3, còn ông này bán rẻ cho Út “trọc” căn biệt thự BT01, thỏa thuận giúp bị cáo trục lợi hơn 3,4 tỉ đồng. Phản biện cáo trạng, bị cáo Hệ khẳng định, căn biệt thự do ông ta mua từ đầu năm 2013, còn hồ sơ làm gói thầu BOT cầu Việt Trì thì đến năm 2014, Công ty Licogi 13 mới làm. 

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời tự bào chữa của Út ‘trọc’: Cả nước Việt Nam người ta nói tôi ngu nhất. Các LS bào chữa cho bị cáo Hệ không đồng tình với cáo trạng của VKS, cho rằng thân chủ của họ không phạm tội. Bằng chứng: “Kết quả điều tra và qua phần thẩm vấn công khai cho thấy, Hệ không có bất kỳ hành vi gian dối nào trong việc lập Hội đồng đấu giá, thực hiện quy trình đấu giá quyền thu phí”.

Bị cáo Hệ lặp lại luận điểm: Số tiền 725 tỉ mà VKS cáo buộc ông ta chiếm đoạt của nhà nước, Hệ cho rằng đó là tiền của ông ta. Bị cáo Hệ nói, đã mua quyền thu phí trả đủ 2.004 tỉ và theo hợp đồng có quyền bán, chuyển nhượng cho các tổ chức khác. Nghĩa là số tiền vượt 2.004 tỉ là tài sản toàn quyền của công ty Yên Khánh, chứ không phải tiền Nhà nước: “Tôi mua quyền thu phí xong những người trên cả nước Việt Nam đều nói tôi ngu nhất vì mua giá quá cao”

Thêm thông tin về số tiền 725 tỉ: Đinh Ngọc Hệ khai không biết số tiền hơn 725 tỷ đi về đâu, theo VietNamNet. Một LS của bị cáo Hệ lưu ý, cáo trạng của vụ án cho rằng Hệ đã sử dụng phần mềm can thiệp vào chương trình quản lý thu phí của Bộ GTVT nhằm chiếm đoạt số tiền 725 tỉ đồng, nhưng bản cáo trạng lại không nói rõ số tiền này là của ai, bị chiếm đoạt vào thời điểm nào, cả kết luận điều tra cũng không xác định được. Còn ông Hệ khẳng định, chính ông ta cũng không biết số tiền đó đi đâu.

Báo Tiền Phong có bài: Vì sao ông Đinh Ngọc Hệ từng chối bỏ sở hữu công ty ngàn tỷ. Vụ ông Hệ trước đó một mực cho rằng, ông đã từ bỏ quyền sở hữu Công ty Yên Khánh, nhưng hôm nay lại xin lỗi người thân, thuộc cấp và đính chính: “Nay tôi xin khai và nhận lại tôi là chủ, là người bỏ vốn toàn bộ ra tại Cty Yên Khánh”. 

Lý giải về chuyện vì sao từ bỏ, bây giờ nhận lại, bị cáo Hệ biện hộ, ông ta vướng vòng lao lý trong một vụ khác, trước khi ra tòa trong vụ này. Để tránh “bất tiện khi xử lý công việc”, nên khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Hệ đã khai Công ty Yên Khánh không phải của ông, một phần tài sản ông cũng khai là của cháu gái ông.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại TAND TP HCM hôm nay 19/12. Ảnh: TP

Về vụ ông Thăng liên tục phản biện cáo trạng trong 3 ngày trước đó, Facebooker Nguyễn Thùy Dương bình luận“Ông Thăng ra Tòa, trả lời dõng dạc. Có cái nhận dứt khoát, có cái lý giải. Thậm chí, ông yêu cầu cơ quan buộc tội ông phải chứng minh ông có tội bằng chứng cứ rõ ràng, đúng thực tế. Điều đó làm tôi suy nghĩ nhiều: nếu lập luận chứng cứ buộc tội không đúng thực tế, phải chăng nền Tư pháp có quá nhiều điều huyễn hoặc?”

Đáp lại lời phản bác của ông Thăng, Viện kiểm sát khẳng định truy tố ông Đinh La Thăng không oan, báo Tuổi Trẻ đưa tin. VKS cho rằng trong hồ sơ vụ án có rất nhiều tài liệu chứng minh ông Thăng “biết rõ quá trình thực hiện đề án mua bán quyền thu phí, có mối quan hệ giữa hành vi cố ý làm trái của nhóm ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường và các bị cáo tại Bộ Giao thông vận tải với hành vi chiếm đoạt tài sản của Đinh Ngọc Hệ. Từ hành vi của ông Thăng và các bị cáo này, Đinh Ngọc Hệ có thể chiếm đoạt được tài sản nhà nước”.

Bị cáo Đinh La Thăng tại TAND TP HCM hôm nay 19/12. Ảnh: Quang Định/TT

Mời đọc thêm: Ông Đinh La Thăng là ‘tiền đề’ gây thất thoát 725 tỉ đồng!? (TN). – Bị cáo Đinh Ngọc Hệ khai không biết số tiền 725 tỉ đi về đâu, phản bác cáo trạng của VKS (CL). – Út ‘Trọc’: ‘Tôi bị nói ngu vì mua quyền thu phí giá quá cao’ (Zing). – Luật sư của Đinh Ngọc Hệ: Hãy chứng minh Nhà nước thất thoát 725 tỉ đồng (TN). – VKS nêu bằng chứng ông Đinh La Thăng gặp gỡ Út ‘Trọc’ (Zing). – Nhiều thư ký biết mối quan hệ giữa Đinh La Thăng với Đinh Ngọc Hệ?(NLĐ).

Tin nước Mỹ

Nước Mỹ đang bị chiến dịch tấn công mạng lớn nhất thập kỷ, VnExpress đưa tin. Một số cơ quan thuộc chính phủ Mỹ như Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngân khố, Bộ Ngoại giao… và cả Tập đoàn Microsoft đều trở thành nạn nhân của tin tặc. Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng (CISA) cho biết, chiến dịch tấn công tinh vi này bắt đầu ít nhất từ tháng 3/2020, nhưng đến ngày 8/12/2020 mới được công khai, khi Công ty chuyên về bảo mật FireEye lên tiếng thừa nhận bị tin tặc xâm nhập.

Sau khi FireEye thừa nhận vụ việc, một số cơ quan chính phủ Mỹ cũng thông báo, họ đã bị tấn công bằng hình thức tin tặc cài cắm mã độc vào bản cập nhật phần mềm SolarWinds Orion. Công ty SolarWinds chuyên cung cấp phần mềm quản trị mạng cho nhiều cơ quan chính phủ và doanh nghiệp lớn của Mỹ. 

VOA có clip: Microsoft phát hiện phần mềm độc hại trong hệ thống công ty.

Infonet đặt câu hỏi: Chuyên gia Mỹ nói gì về quy mô các cuộc tấn công của tin tặc Nga?AP cho biết, các chuyên gia Mỹ nhận định, hiện họ không có đủ nhân viên có kinh nghiệm trong nước để theo dõi tất cả các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra, còn cuộc tấn công hiện tại có thể kéo dài thêm vài tháng nữa. Ông Dmitri Alperovitch, người đồng sáng lập công ty bảo mật thông tin CrowdStrike thừa nhận: “Chúng tôi cần thắt dây an toàn. Đó sẽ là một chặng đường dài”.

Còn chuyên gia mật mã Bruce Schneier phân tích, để “làm sạch” hệ thống mạng của các cơ quan Mỹ khỏi tin tặc, chúng phải được “đốt cháy hoàn toàn và tái tạo”: “Chúng tôi có một vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi không biết họ đang sử dụng mạng nào, độ sâu bao nhiêu, quyền truy cập của họ là gì, họ đã sử dụng công cụ gì”. Các chuyên gia Mỹ cho biết thêm, khoảng 18.000 tổ chức ở Mỹ đã bị tấn công mạng từ tháng 3 đến tháng 6/2020.

Một trong những cơ quan nhạy cảm nhất, là Cơ quan an ninh vũ khí hạt nhân Mỹ bị tin tặc tấn công, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Theo tin từ báo South China Morning Post, Bộ Năng lượng Mỹ và Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA), nơi quản lý kho vũ khí hạt nhân của nước này, đều tìm thấy có bằng chứng hệ thống của mình bị tin tặc đột nhập. NNSA là cơ quan trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ. Ông Rocky Campione, người phụ trách hạ tầng thông tin ở Bộ Năng lượng thừa nhận, tin tặc gây thiệt hại ở các mạng lưới thuộc Ủy ban Quản lý Năng lượng Liên bang (FERC).

Đáp lại, Mỹ đóng cửa hai lãnh sự quán ở Nga, VietNamNet dẫn tin từ hãng Reuters. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, sau khi tham vấn Đại sứ John Sullivan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quyết định đóng cửa lãnh sự quán ở Vladivostok, miền viễn đông Nga, và dừng hoạt động tại lãnh sự quán ở Yekaterinburg. Phía Mỹ giải thích, diễn biến này là một phần của “những nỗ lực không ngừng nhằm đảm bảo hoạt động an toàn và bảo mật của phái bộ ngoại giao Mỹ ở Liên bang Nga”.

Cùng với vụ đóng cửa lãnh sự quán, Mỹ-Nga lại ‘đấu khẩu’ về các vụ tấn công mạng quy mô lớn, theo báo Thế Giới và VN. Phát biểu trong chương trình phát thanh The Mark Levin Show, Ngoại trưởng Pompeo nói: “Có một sự cố ý sử dụng một phần mềm của bên thứ 3 nhằm cài đặt mã vào các hệ thống của chính phủ Mỹ. Đó là một sự cố ý rất rõ ràng và tôi nghĩ chúng ta có thể khẳng định khá chắc chắn rằng Nga có liên quan đến sự việc này”

Chiến dịch tấn công mạng Internet bắt đầu từ tháng 3/2020, khả năng ông Trump đã được mật vụ thông báo, nghĩa là ông có gần 9 tháng để lên tiếng về vụ việc, nhưng ông ta đã im lặng suốt thời gian đó. Phe Dân chủ ‘bàng hoàng’ vì phản ứng của chính phủ Mỹ sau thông tin tin tặc tấn công, theo báo Thanh Niên. 

Dân biểu Carolyn Maloney phê phán chính quyền Trump không hành động để ứng phó với đe dọa an ninh: “An ninh quốc gia là thách thức lớn nhất, trách nhiệm ưu tiên mà một chính phủ phải làm để bảo vệ người dân. Mọi cơ quan chính phủ đều bị xâm phạm. An ninh quốc gia của chúng ta bị xâm phạm. Tôi thất vọng vì ông Trump không lãnh đạo chính phủ phối hợp để đáp trả mối nguy”.

Từ tấn công mạng Internet đến tấn công thực tế: Căn cứ không quân Mỹ bị tấn công rocket, theo VnExpress. Waheeda Shahkar, phát ngôn viên chính quyền tỉnh Parwan ở miền đông Afghanistan xác nhận, đã có vụ tấn công bằng 5 quả rocket nhắm vào căn cứ Bagram lớn nhất của Mỹ ở Afghanistan, nhưng không gây thiệt hại, 7 quả đạn chưa khai hỏa được tháo gỡ gần đó. Vụ tấn công xảy ra lúc 6h sáng 19/12 khi bệ phóng 12 quả rocket đặt trên một ô tô được kích hoạt gần căn cứ không quân Bagram. 

Mời đọc thêm: Bộ An ninh Nội địa Mỹ bị tin tặc tấn công vào kênh thông tin nội bộ(TTXVN). – Vụ hack lớn nhất lịch sử nước Mỹ, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính nghi ngờ bị hacker Nga xâm nhập đánh cắp dữ liệu?(TQ). – Thêm nhiều nạn nhân của vụ tấn công mạng rúng động Mỹ (ICT News). – Cơ quan quản lý vũ khí hạt nhân của Mỹ bị tin tặc đột nhập (Zing). – Cảnh báo tin tặc sẽ tiếp tục tấn công mạng nhằm vào Chính phủ Mỹ (BNews).

– Romney nhắn Trump: ‘Phản đối việc Nga tấn công mạng đi chứ!’ (NV). – Chính quyền ông Trump có kế hoạch đóng cửa 2 lãnh sự quán cuối cùng tại Nga (VOV). – Mỹ định đóng cửa toàn bộ lãnh sự quán ở Nga (VNE). – Ngoại trưởng Mỹ: Tin tặc Triều Tiên, Trung Quốc tấn công mạng Mỹ ‘mạnh’ hơn cả Nga(TT). – Căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan bị tấn công (VTC). 

***

Thêm một số tin: Hoàn tất Kết luận điều tra vụ án Công ty Alibaba lừa đảo chiếm đoạt tài sản (BNews). – Dự án bệnh viện nghìn tỉ lớn nhất Bắc Trung Bộ nguy cơ ‘vỡ trận’(TP). – Yêu cầu làm rõ danh sách người sử dụng bằng giả ĐH Đông Đô (FB Kiểm Tin). – Ông cụ vẫn phải tiếp tục chờ nhận 3,4 tỉ tiền bồi thường (PLTP). – Hơn 2 tỷ người tại châu Á-TBD không được đảm bảo nước sạch và vệ sinh (TTXVN).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.