Bản hiến pháp quan trọng, những con người thực thi nó cũng quan trọng không kém
Lê Nguyễn Duy Hậu
29-11-2020
Có một bản hiến pháp dân chủ thôi chưa đủ. Ta còn cần những con người dân chủ.
Tôi đã từng hy vọng có thể kết thúc loạt bài viết về Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bằng một đánh giá cơ quan này ở thời kỳ hiện đại. Tuy nhiên, với việc chỉ trong một nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump có đến ba thẩm phán mới, trẻ trung và có người lại có ít kinh nghiệm tư pháp, đã khiến việc đánh giá trở nên khinh suất.
Trái lại, những gì đang diễn ra trên chính trường Mỹ sau bầu cử, cùng những cách hiểu sai lầm về Tối cao Pháp viện như một định chế chính trị và các thẩm phán như những thành viên của đảng phái, khiến cho tôi cảm thấy cần phải kết thúc loạt bài bằng việc đánh giá lại về vị trí của tòa án này trong bộ máy chính trị Mỹ. Tôi muốn cố gắng giải thích cho hai vấn đề lớn như sau.
Vấn đề 1: Tối cao Pháp viện sẽ ra phán quyết theo đúng tư tưởng đảng phái?
Chúng ta có thể bắt đầu bài viết hôm nay bằng một câu hỏi đã được bỏ ngỏ từ cuối kỳ trước: Nếu như Tối cao Pháp viện là một định chế chính trị và thẩm phán là những chính khách, vậy thì nguyên tắc tam quyền phân lập còn ý nghĩa gì nữa?
Những ngày này, nhiều người ủng hộ ông Trump đã lưu truyền một thông tin, một niềm hy vọng rằng kết quả bầu cử rồi sẽ được đưa lên cho Tối cao Pháp viện phân xử, và với một đa số 6 thẩm phán “bảo thủ”, ông Trump sẽ tái đắc cử. Họ cũng dẫn chứng vụ kiện Bush v. Gore một cách sai lệch như một cách để nuôi dưỡng niềm tin đó.
Như đã có dịp trình bày trước đây, nếu thật sự Tối cao Pháp viện là nơi sẽ phân định thắng thua trong một cuộc bầu cử, thì đó sẽ là một bước lùi lớn cho nền dân chủ Hoa Kỳ. Nhưng nếu Tối cao Pháp viện lại phân định thắng thua chỉ dựa trên quan điểm chính trị của thẩm phán, thì xem như nền tư pháp của Hoa Kỳ đã chết. Kịch bản như vậy không được phép xảy ra.
Nhìn lại lịch sử án lệ Hoa Kỳ, bản án Bush v. Gore năm 2000 là một trong những bản án tệ nhất của Tối cao Pháp viện. Nó gây tranh cãi đến mức mà một thẩm phán Tối cao Pháp viện lúc bấy giờ là David Souter đã nghĩ đến chuyện từ chức, và theo nhà báo Jeffrey Toobin thì ông chảy nước mắt mỗi lần nghĩ đến phán quyết đó.
Phán quyết Bush v. Gore còn gây tranh cãi khi chính người chắp bút cho bản án đó là Thẩm phán Sandra Day O’Connor đã phải thêm vào một câu rằng vì tính chất vô tiền khoáng hậu của tình huống mà những lý lẽ pháp lý trong Bush v. Gore chỉ được áp dụng một lần. Điều này có nghĩa là bản án Bush v. Gore được chính tác giả của nó khuyến cáo không tái sử dụng như một loại án lệ hiến pháp thông thường.
Nói như vậy để thấy rằng một thẩm phán có tự trọng đúng nghĩa, trừ khi có một luận cứ pháp lý rõ ràng với những bằng chứng không thể chối cãi, sẽ không cho phép bản thân đem tư tưởng chính trị vào trong bản án. Trên thực tế thì tuy báo giới thường nói Tối cao Pháp viện có phe “cấp tiến” và “bảo thủ”, phần lớn các bản án của tòa này có kết quả đồng thuận, hoặc tuyệt đại đa số tán thành. Chỉ khi nào một vấn đề pháp lý quá gây tranh cãi thì người ta mới thấy được sự chia rẽ về quan điểm. Nhưng ngay cả như vậy, không có gì đảm bảo là thẩm phán “bảo thủ” sẽ luôn bỏ phiếu cho phe Cộng hòa và thẩm phán “cấp tiến” sẽ luôn bỏ phiếu cho phe Dân chủ.
Những bản án gần đây cho thấy điều đó. Đơn cử như các bản án liên quan đến Obamacare – hay Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền của Tổng thống Barack Obama. Theo đó, rất nhiều lần các thẩm phán phe “cấp tiến” đồng tình với các thẩm phán phe “bảo thủ”, và ngược lại. Lần tranh tụng gần đây nhất trong vụ California v. Texas, giới quan sát cho rằng hai thẩm phán “bảo thủ” là Chánh án John Roberts và Thẩm phán Kavanaugh có thể sẽ cùng chia sẻ ý kiến với ba thẩm phán “cấp tiến” để giúp cho Obamacare tồn tại. Có phải vì Roberts và Kavanaugh đồng tình về mặt chính trị với Obamacare không? Không phải. Đơn giản vì họ không muốn thay Quốc hội xoá bỏ một đạo luật, không thông qua con đường dân chủ.
Chính những bản án như vậy sẽ lại tái khẳng định vai trò độc lập của Tối cao Pháp viện, bất chấp việc các thẩm phán có thể sẽ trở thành kẻ thù của phe này hay phe kia. Cho nên mới có chuyện Thẩm phán Matthew W. Brann, một thẩm phán tòa liên bang tuy do Obama bổ nhiệm nhưng lại cực kỳ bảo thủ, đã thẳng tay loại bỏ đơn kiện của ủy ban tranh cử của Trump vì lý do thiếu chứng cứ. Và tương tự là cách bộ ba thẩm phán của Tòa Phúc thẩm số Ba, trong đó một người được chính Trump bổ nhiệm và hai người do Tổng thống G. W. Bush bổ nhiệm, cũng thẳng tay từ chối đơn kháng cáo của Trump và mạnh dạn tuyên bố rằng “cử tri chứ không phải luật sư mới có quyền quyết định kết quả bầu cử”.
Để chốt lại vấn đề này, có thể sử dụng lại một đoạn trong phiên điều trần của Thẩm phán Amy Coney Barrett. Khi được hỏi rằng bà có thể để cho quan điểm tôn giáo hoặc chính trị của mình chi phối phán quyết không, bà Barrett trả lời rằng nếu thẩm phán luôn thích các phán quyết của mình, điều đó có nghĩa là họ đang để cho thiên kiến chính trị chi phối. Tất nhiên, thực tế thế nào thì chúng ta còn phải chờ đợi, nhưng ít nhất đó là điều mà một thẩm phán cần phải tâm niệm trong lòng.
Vấn đề 2: Tối cao Pháp viện sẽ vô dụng nếu không có được sự tôn trọng của các nhánh quyền lực khác?
Một sinh viên luật Việt Nam có quan tâm đến chính trị nước ngoài sẽ mạnh dạn nói rằng nước Mỹ mạnh mẽ là nhờ tam quyền phân lập, nhờ bản hiến pháp rõ ràng trao quyền cho Tối cao Pháp viện để kiềm chế hai nhánh quyền lực còn lại. Tuy nhiên, đó là một quan sát đầy lý tưởng nhưng lại thiếu thực tế.
Đã nhiều lần chúng ta thảo luận với nhau và thấy rằng Alexander Hamilton đã đúng khi nói trong Bài số 78 của Federalist: “Tòa án chẳng có ảnh hưởng gì lên thanh gươm hoặc túi tiền, lên QUYỀN LỰC hoặc Ý CHÍ, mà chỉ đơn thuần có trong tay những phán quyết” (“no influence over either the sword or the purse,… neither FORCE nor WILL, but merely judgment.”).
Tam quyền phân lập chỉ là một khẩu hiệu và phán quyết của tòa chỉ là một tờ giấy nếu như nó không được các thiết chế khác tôn trọng và tự nguyện thi hành. Ngay cả khi Marshall khéo léo xác quyết được quyền tài phán hiến pháp sau vụ Marbury v. Madison, một tổng thống tham vọng hoàn toàn có thể tước bỏ nó bằng cách ngó lơ phán quyết của tòa. Vậy thì điều gì đã giữ cho vị thế bấp bênh đó của Tối cao Pháp viện tồn tại cho đến ngày nay?
Rất có thể, sức mạnh của Hiến pháp Mỹ nằm ở chỗ nó thừa hưởng một nền văn hoá dân chủ, coi trọng những thứ luật lệ bất thành văn – chẳng hạn như tôn trọng phán quyết của tòa, khiêm nhường, kiềm chế, phân định rõ chính trị và pháp lý. Hãy thử lắng nghe một câu chuyện sau đây về hai nhân vật ta đã quen thuộc từ kỳ trước là Chánh án Warren và Tổng thống Eisenhower.
Trong một cuộc phỏng vấn sau khi hết nhiệm kỳ, Eisenhower từng chia sẻ rằng ông hối tiếc nhất là việc đã bổ nhiệm “tên chó đẻ Warren” vào ghế chánh án Tối cao Pháp viện, khiến cho những bản án cấp tiến nở rộ và gây mất lòng cho phe bảo thủ. Tuy nhiên, nếu như thật sự Eisenhower chán ghét các bản án của Warren, thì đó lại càng minh chứng cho nhận xét Eisenhower là một tổng thống đàng hoàng, dân chủ. Mặc dù không hài lòng với phán quyết Brown, Eisenhower vẫn chấp nhận tuân thủ bản án đó và tham gia đưa quân đội xuống Arkansas để thực thi bản án, bất chấp việc các cử tri bảo thủ ở đây sẽ bực tức với ông.
Cũng tương tự như vậy, chưa bao giờ Eisenhower bất tuân một bản án nào của Tối cao Pháp viện, và chưa bao giờ Eisenhower lớn tiếng bình luận về một bản án nào trong giai đoạn ông là tổng thống. Điểm đặc biệt của Eisenhower chính là việc ông cũng sẵn sàng bổ nhiệm một thẩm phán cấp tiến là Brennan, dù biết rằng quan điểm của Brennan sẽ trái ngược với ông. Không luật lệ nào bắt ép Eisenhower làm vậy, cũng như không có gì cấm các thẩm phán có thiên kiến chính trị ngoài sự kiềm chế của văn hoá và lòng tự trọng.
Trên cơ sở đó, Chánh án John Roberts đã từng rất tức giận khi Tổng thống Trump công khai gọi một nửa Tối cao Pháp viện là các “thẩm phán của Obama”. Ông xem đó như một sự xúc phạm không chỉ cho sự độc lập của tòa án, mà còn cho nền văn hoá dân chủ, làm việc cùng nhau của nước Mỹ. Cố Thẩm phán Antonin Scalia là một người bảo thủ đến tận xương tủy, nhưng mỗi dịp năm mới, ông đều khiêu vũ với một thẩm phán mà ông xem là người bạn thân. Đó không phải là Clarence Thomas hay Amy Coney Barrett, mà là cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg – vị thẩm phán cấp tiến đến tận máu thịt.
Đó chính là nét đẹp của văn hóa dân chủ Hoa Kỳ và là thứ thúc đẩy đất nước này tiến lên. Nước Mỹ sẽ thất bại nếu một tổng thống chọn phớt lờ truyền thống chính trị và văn hoá dân chủ, xem tòa án như một công cụ chính trị, xem thẩm phán là những đảng viên và cùng nhau cấu kết. Thật may mắn là cho đến nay điều đó vẫn chưa xảy ra.
Từ Tối cao Pháp viện, nghĩ về một bản hiến pháp dân chủ và quá trình dân chủ hoá
Khi tôi bắt đầu viết loạt bài này, ngoài việc cung cấp những thông tin mà mình biết cho độc giả về một cơ quan thú vị tại nước Mỹ, tôi cũng nuôi một tham vọng rằng độc giả sẽ rút ra được một bài học nào đó cho tiến trình dân chủ hóa trong tương lai của Việt Nam.
Với bản thân tôi, điều mà tôi cho là quý báu nhất từ việc theo dõi sự phát triển và những thăng trầm của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ chính là việc tôi đã nhìn tòa án này không phải như một thiết chế vô tri vô giác được Hiến pháp Mỹ minh định, mà là một tập hợp của những con người lịch sử.
Hiến pháp Mỹ đã không cho Marshall một câu trả lời thỏa đáng khi ông phán xử Marbury. Taney đã gửi gắm rất nhiều hy vọng trong phán quyết Dred Scott. Owen Roberts có lẽ đã mất ngủ rất nhiều đêm khi ông quyết định đổi phe nhằm cứu lấy bộ chín trong thời kỳ Lochner. Warren kiên quyết với lý tưởng của ông, nhưng cũng phải thầm cảm ơn sự chính trực của Eisenhower. Souter cuối cùng đã không từ chức vì hiểu rằng pháp luật không phải là chìa khóa vạn năng và thẩm phán không phải là thánh nhân. John Roberts tức giận với vị tổng thống thứ 45. Scalia tranh đấu với Ginsburg trên tòa, nhưng lại khiêu vũ với bà khi năm mới đến.
Tất cả, tuy có những quan điểm chính trị khác nhau, chia sẻ một mục tiêu rằng thông qua việc phán xử của mình, pháp luật sẽ sáng tỏ và xã hội sẽ tốt lên. Một tòa án phục vụ cho nền dân chủ hiệu quả nhất là một tòa án có những thẩm phán đúng nghĩa (chứ không để vai trò hoặc niềm tin chính trị chi phối) và một văn hoá pháp lý coi trọng sự tự kiềm chế quyền lực của bản thân.
Trong con đường dân chủ hóa đất nước, một bản hiến pháp và thể chế rập khuôn sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có những con người như vậy. Đó là những con người không chỉ tuyên xưng dân chủ, xem dân chủ như một cái mác, mà còn phải thống nhất trong tư tưởng và hành động của mình nhằm hướng đến dân chủ, cho dù họ có thể sai lầm, cho dù họ có thể bị lung lay bởi những cám dỗ chính trị.
Chỉ khi nào có những con người như vậy thì một xã hội mới thực sự trở nên dân chủ.
_____
Tham Khảo:
Kỳ 1: Quyền tài phán tư pháp và quyết định của Chánh án Marshall
— Kỳ 2: Phán quyết Dred Scott – trang sử buồn của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ — Kỳ 3: Thời đại Lochner, “chính phủ ông tòa” và khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (lại) là “kẻ xấu” — Kỳ 4: Tối cao Pháp viện và vai trò người thúc đẩy quyền tự do.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.