Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Tin Biển Đông: Tàu khu trục Mỹ tuần tra ở Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, thách thức Trung Quốc

Tin Biển Đông: Tàu khu trục Mỹ tuần tra ở Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, thách thức Trung Quốc

BTV Tiếng Dân
29-8-2019
Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cập nhật lúc 12h ngày 28/8/2019 – Tàu Hải Dương Địa Chất 8 thay đổi hướng khảo sát. Trong hai ngày vừa qua, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã thay đổi mô hình khảo sát. Thay vì tạo nhiều vòng zig zag tiến sâu vào bờ biển Việt Nam như trước, hiện tàu này đã đổi hướng đi xuống gần khu vực Bãi Tư Chính. 
Có thời điểm, nhóm tàu chỉ cách vị trí giàn khoan Hakuryu 5 tại lô 06.1 (mỏ Lan Tây – Lan Đỏ) và chân đế Sao Vàng tại mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt khoảng 55 hải lý. Đây là hai nơi đang diễn ra các hoạt động dầu khí liên doanh Việt Nam và một số nước đối tác. So với trước khi tàu Hải Dương 8 kết thúc lần khảo sát thứ nhất và quay về Đá Chữ Thập, mật độ các vòng khảo sát này dày đặc hơn, và tiếp cận gần Bãi Tư Chính hơn.
Hướng khảo sát của tàu Hải Dương Địa Chất 8 thay đổi trong hai ngày qua, kéo dài xuống khu vực bãi Tư Chính. Nguồn: FB ĐSKBĐ
Sự phân bố nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào lúc 12h31′ trưa ngày 28/8/2019. Nguồn: FB ĐSKBĐ
VTC đưa tin: Tàu khu trục Mỹ di chuyển vào Biển Đông. Trung tá Reann Mommsen, người phát ngôn của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, xác nhận, Tàu Hải quân Mỹ Wayne E. Meyer, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, lớp Arleigh Burk, tiến hành hoạt động tuần tra trong vòng 12 hải lý quanh khu vực Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Hai thực thể này đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng.
Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer tuần tra ở Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Nguồn: Hải quân Mỹ
Trung tá Mommsen cho biết thêm, hoạt động tuần tra xung quanh các thực thể trên “để thách thức các yêu sách hàng hải quá mức và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo quy định của luật pháp quốc tế”.
Đáp lại, Trung Quốc từ chối cho tàu chiến Mỹ ghé thăm Thanh Đảo, theo báo Một Thế Giới. Trung tá Reann Mommsen xác nhận, yêu cầu ghé thành phố cảng Thanh Đảo do hải quân Mỹ đưa ra đã bị Trung Quốc từ chối. Danh tính con tàu bị phía Trung Quốc từ chối không được công bố, nhưng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ, đây là một khu trục hạm, dự định đến Thanh Đảo vào ngày 1/9.
Phía Trung Quốc vẫn chưa nói rõ lý do từ chối. Cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều từ chối bình luận thông tin này. Trước đó, kế hoạch đưa tàu đổ bộ USS Green Bay cùng tàu tuần dương USS Lake Erie đến Hồng Kông, lần lượt vào ngày 19/8 và trong tháng 9 cũng bị hủy bỏ.
Báo Tiền Phong có bài: Trung Quốc gửi đi tín hiệu nguy hiểm trên biển Đông. Ông Gregory Poling, GĐ Chương trình AMTI thuộc Trung tâm CSIS của Mỹ, chia sẻ với báo Tiền Phong rằng, hoạt động khảo sát của nhóm tàu Hải Dương 8 trong lãnh hải Việt Nam “dường như để gửi đi một thông điệp, không chỉ với Việt Nam mà với cả khu vực rằng, Trung Quốc không chấp nhận các hoạt động khai thác dầu khí đơn phương của các nước Đông Nam Á”.
Theo ông Poling, quốc tế cần có biện pháp lên án các hành động của Trung Quốc, buộc họ phải trả giá thích đáng về kinh tế và ngoại giao. “Mỹ mới chỉ ủng hộ Việt Nam bằng lời nói. Cần phải tạo ra sức mạnh lớn hơn để thực sự khiến Bắc Kinh từ bỏ”.
Thư ngỏ của Chủ tịch Hội luật Quốc tế Việt Nam gửi Chủ tịch Hội luật Quốc tế Trung Quốc. Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), TS Nguyễn Bá Sơn gửi thư ngỏ cho Chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc (CSIL), GS Hoàng Tiến. Bức thư lưu ý, những hoạt động của tàu Hải Dương 8 và tàu bè Trung Quốc ở khu vực Bãi Tư Chính vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 và đi ngược lại những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
TS Sơn tuyên bố, “tất cả các thành viên VSIL nguyện sẽ sử dụng tất cả những biện pháp được luật quốc tế quy định, đặc biệt là UNCLOS để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Tổ quốc mình”.
VOA có clip, nhận định của chuyên gia: Việt Nam sẽ không nổ súng trước trong vụ Bãi Tư Chính. Ông Ryan Martinson, chuyên gia của trường Hải Chiến Hoa Kỳ, nhận định rằng, ông “không nghĩ Việt Nam sẽ nổ súng trước”, bởi vì:
Có quá nhiều thứ có thể mất mát. Hải quân Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều. Nếu một cuộc đụng độ vũ trang xảy ra, Trung Quốc có lẽ có thể sử dụng chuyện đó làm cái cớ để chiếm quyền kiểm soát các hòn đảo hoặc tiền đồn thuộc quản lý của Việt Nam”.
______

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.