Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

NGƯỜI THẦY GIÁO TRẺ VẪN LẶNG LẼ LÊN ĐỒN SỚM TRƯA...

NGƯỜI THẦY GIÁO TRẺ VẪN LẶNG LẼ LÊN ĐỒN SỚM TRƯA...



Thầy giáo Đặng Nguyên Triết là giáo viên trường THPT Tôn Đức Thắng, 
tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: FB tác giả.

Người thầy vẫn lặng lẽ lên đồn sớm trưa – Từng giờ, giọt mồ hôi rơi đầy biên bản
 
16-8-2019

Sáng nay, đúng hẹn lại lên, mình lại son phấn lên đồn theo lời mời của các anh em thanh tra bên công an. Anh phó chánh thanh tra khen mình nhìn trẻ hơn trên facebook nhiều. Không thấy ảnh khen mình đẹp trai. Chắc mình không phải gout của anh. Ngược lại, ba anh tiếp mình đều to con, cao ráo, đúng gout mình.

Mình vừa ngồi xuống ghế, anh phó đã nhắc nhở: “Em nhìn lên bảng nội quy tiếp dân nhé, quy định ở đây là cấm ghi âm, ghi hình nếu chưa được sự đồng ý… blah blah”. Mình bụng bảo dạ “Chắc anh em cũng đặt máy ghi hình mình rồi, mình cần gì ghi nữa cho mệt”, mà không dám nói ra. Sợ mấy anh không vui.

Theo lời các anh em thì mình được mời lên để trình bày, trao đổi những điều mình muốn được giải quyết, để cung cấp thêm thông tin này kia.

Nhưng mình thấy các anh toàn vạch ra cái sai của mình. Các anh nói suốt cả buổi sáng đến nỗi mình cũng hoang mang “Chết, hay là mình sai thiệt”.

May mà cuối cùng mình cũng giữ lòng kiên định như thầy Thích Trúc Thái Minh kiên định con đường oan gia trái chủ.

Mình trình bày lại cho các anh những điều mình đã nêu trong đơn khiếu nại ở cả 2 lần.

1. Mình yêu cầu cung cấp công văn số 18 của Sở 4T, là căn cứ để bên an ninh xử phạt mình (Nghĩa vụ của bên giải quyết khiếu nại là phải cung cấp chứng cứ khi người khiếu nại yêu cầu).

Các anh trả lời, công văn này của Sở 4T gửi cho an ninh, an ninh không có quyền cung cấp cho bên thứ 3. Nếu mình muốn, có thể tự qua phòng tiếp dân của Sở 4T để yêu cầu cung cấp. Hoặc có thể trong công văn này chỉ có 1 phần dùng làm căn cứ xử phạt mình, nên không thể cung cấp toàn bộ công văn cho mình được.

2. Mình hỏi vì sao những người viết status không bị xử phạt mà lại nhè cái thằng trời đánh chuyên đi share bài dạo như mình ra phạt. (Mỗi status của họ lại có cả nghìn lượt share, mình tự nhủ, nếu phạt hết đám share bài này chắc cũng đủ tiền mua bom nguyên tử mang ra bãi Tư Chính).

Anh trả lời, mỗi địa phương có 1 cách xử lý khác nhau.

Mình hỏi, thiệt vậy hôn, rồi lấy giấy bút ra hí hoáy viết lại. Thì anh vội bảo, ý anh không phải vậy, ý anh là, người viết có ý như vầy, mà mỗi người share lại thêm bình luận của mình vô, làm thay đổi ý của người viết. Mình mừng quá liền hỏi, sao bài mình share của anh Dương Quốc Chính, mình thêm ý kiến cá nhân của mình vô, là khen ngợi đội ngũ truyền thông của chùa Ba Vàng chuyên nghiệp, chứ có gì đâu mà an ninh lại đòi phạt mình.

Anh lại bảo, status này thì sở 4T lại không căn cứ vào ý kiến mình thêm vô, mà căn cứ vào ý kiến mình share của facebook Dương Quốc Chính.

Anh trả lời vòng vo một hồi làm mình hack não quá, nên thôi không dám hỏi nữa.

3. Mình ý kiến về Mục biện pháp khắc phục trong Quyết định xử phạt của mình, yêu cầu mình gỡ bỏ những bài có nội dung phức tạp. Mình không hiểu “nội dung phức tạp” là nội dung như thế nào.

Anh nói mình là giáo viên, lẽ nào không biết “nội dung phức tạp” là gì. Mình nói, theo mình hiểu thì “nội dung phức tạp” là nội dung khó hiểu.

Anh nói, hổng phải, nội dung phức tạp tức là mình bị xử phạt vì những bài nào thì bài đó là nội dung phức tạp, phải tự biết mà gỡ bỏ chứ.

4. Mình ý kiến, vì sao lúc mình khiếu nại lần 1, mình không được mời lên đối thoại, trong khi nội dung yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.

Anh trả lời, theo quy định thì không bắt buộc. Khiếu nại lần 2 mới bắt buộc có đối thoại.

5. Mình hỏi, sao Quyết định trả lời khiếu nại của anh Công không giải thích cho mình rõ, không vận dụng luật để diễn giải những sai phạm của mình, không phản bác những luận điểm sai trái của mình, mà chỉ tương 1 câu gọn lỏn “Nội dung khiếu nại của ông Đặng Nguyên Triết là SAI” (Sai viết hoa).

Ảnh giải đáp, do mẫu Quyết định trả lời khiếu nại là như vậy.

6. Mình yêu cầu, do bài mình chia sẻ nhắc tới những khái niệm tôn giáo và triết học trừu tượng như oan gia trái chủ, XHCN nên bên giải quyết khiếu nại phải tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia giáo hội Phật giáo Việt Nam và chuyên gia về CNXH, từ đó mới có thể đánh giá xem status mình share có phải bôi nhọ đường lối chính sách của đảng và nhà nước, và có dấu hiệu tiếp tay cho các đối tượng phản động hay không.

Anh trả lời, cái này thì anh cảm thấy không cần thiết.

Sau đó chuyển sang phần các anh chỉ ra cái sai của mình. Huhu.

1. Anh hỏi mình, oan gia trái chủ có phải là mê tín, là sai trái không. Sao lại so sánh “Thầy Thích Trúc Thái Minh kiên định con đường oan gia trái chủ y như Đảng ta kiên định con đường XHCN”.

Mình bảo, lợi dụng gọi hồn, thỉnh vong để lừa gạt tiền thì mới là mê tín, còn chuyện oan gia trái chủ có được nhắc đến trong kinh sách Phật giáo, cụ thể là Kinh Từ bi thủy sám và Kinh Pháp cú. XHCN cũng là một khái niệm có thật, được thế giới công nhận.

Cả hai đều có niềm tin bất diệt vào con đường mình đã chọn thì có gì sai trái mà đè đầu mình ra phạt 7,5 triệu. (Gõ đến đây, tự nhiên lại thấy oan ức, muốn ứa nước mắt).

Đó, cách hiểu trong sáng của mình là như vậy, còn cha nội viết status nghĩ gì thì phải mời chả lên hỏi, chứ hỏi mình quài, tội mình chớ.


Mình trả lời: “Về các dự án của TQ tại VN nói chung, và dự án đường sắt Cát Linh nói riêng, báo chí và các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến chỉ rõ những bất cập, sai phạm mà bất kỳ ai là công dân VN đều cảm thấy bức xúc, trừ những người cố tình bưng tai bịt mắt”.

Anh bảo, dùng chữ “không quan tâm” là được rồi, dùng chi “bưng tai bịt mắt” cho phức tạp.

Mình bảo, không, không quan tâm là thờ ơ, còn bưng tai bịt mắt là nó hiển hiện trước mắt nhưng vẫn cố tình giả mù, giả điếc đấy chứ.

Vả lại, câu “Bắn hết những kẻ là tác giả đường sắt trên cao Cát Linh” là lấy ý của Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee “Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng.”

Anh bảo, ông Hee nói vậy thôi, chứ có chắc là ông bắn không.

Rồi anh nhắc nhở, dù quan chức có tham nhũng, cũng phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành, chứ không thể tự nhiên đòi bắn.

Anh lấy ví dụ, có bọn đua xe trái phép tông chết người, em có đòi xử bắn hết bọn chúng được không.

Mình hỏi, vậy giả sử em viết status đòi xử bắn bọn đua xe đó thì em có bị phạt 7,5 triệu không? Sao tự dưng, em đòi bắn tác giả đường sắt Cát Linh lại phạt em?

Ảnh nói, chuyện ra quyết định xử phạt này là việc của sở TTTT và an ninh, ảnh không trả lời ở trường hợp này được.

3. Anh hỏi, sao mình lại viết là mình không tin tưởng vào các quỹ ‘Vì người nghèo’ của nhà nước.

Mình bảo, sau nhiều năm đọc báo, xem TV, thấy nhiều tiêu cực trong việc dùng quỹ ‘Vì người nghèo’, sau đó lại thấy nhà báo Trương Châu Hữu Danh đăng vụ việc ở Cần Thơ nên mình bức xúc và bày tỏ quan điểm cá nhân thôi.

Anh nói, cái gì cũng có mặt tốt mặt xấu, sao lại có thể chỉ nhìn vào một vài mặt xấu rồi suy ra cái tổng quát.

Mình bảo, cái này chắc nhiễm mấy anh an ninh, riết rồi thấy ai lên tiếng trước bất công, tiêu cực xã hội, cũng cho là phản động, chống đối chính quyền hết trơn hết trọi.

Với lại, việc mình không tin quỹ ‘Vì người nghèo’, hay mình không thích coi VTV, không đọc báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ (ví dụ vậy, chứ mình có đọc nha) là quyền của mình. Không ai có thể buộc mình tin hay không tin vào điều mà mình chưa rõ.

Nói thiệt chứ nhiều người cũng thích đô la hơn tiền Việt, thích trà TQ hơn trà Thái Nguyên, cũng là quan điểm cá nhân thôi. Hổng lẽ lại đi phạt người ta.

Anh cầm Luật giáo dục lên rồi hỏi mình, với cương vị là một giáo viên, mình nhận thức thế nào khi chia sẻ những mặt trái xã hội trên facebook.

Mình thẳng thắn bày tỏ: “Với cương vị là một giáo viên, một công dân Việt Nam, có học qua sách Giáo dục công dân 12, tôi được biết nghĩa vụ của công dân là phải tham gia quản lý nhà nước, tích cực đấu tranh phòng chống các biểu hiện tiêu cực, bất cập của xã hội; góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền, văn minh, trong sạch, vững mạnh, tiến bộ; cải thiện chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như lời dạy của Hồ chủ tịch“.

Anh bảo, muốn góp ý cho nhà nước phải đúng quy định của pháp luật. Cho nên mới có câu “Tự do trong khuôn khổ của pháp luật”.

Cuối buổi các anh hỏi mình có bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ gì cho đơn khiếu nại không.

Mình bảo không, lần sau nếu cần mình sẽ đem kinh Phật theo. Anh bảo, có từ điển Phật giáo thì được, chứ kinh Phật sao hiểu được.

Các anh bảo, do mình hiểu theo quan điểm Phật giáo thôi, chứ người theo Thiên Chúa giáo sẽ hiểu khác chứ. Đâu thể lấy quan điểm của mình để nói người ta hiểu sai mình được.

Mình vội hùa theo, em thấy đúng đó, mỗi người có 1 cách đọc hiểu riêng, sao lại lấy cách suy diễn của mình, áp dặt cho người ta, rồi phạt người ta 7,5 triệu được, mấy anh thấy vô lý dữ dội hôn?

Buổi nói chuyện còn nhiều, kể tới mai cũng không hết, nhưng mình cũng nhận thấy là phen này mình chết chắc, lành bốn, dữ mười (đừng lái bậy bạ tội em).

Vì các anh là người giải quyết khiếu nại mà đã mang định kiến trong đầu là mình sai tuốt tuồn tuột, không có đúng ở một chút xíu xiu nào, thì vài bữa mời mình lên đối thoại, mình cũng thua chắc thôi. Tự nhiên thấy hụt hẫng dễ sợ.

Trong cuộc nói chuyện, anh có hỏi mình vài lần, sao không kiện luôn mà lại khiếu nại chi.

Lần cuối được hỏi, mình trả lời, em muốn làm theo đúng trình tự cho vui.


3 nhận xét :

  1. " Trông mặt mà bắt hình dong " ; Quả là thông minh , dí dỏm và bản lĩnh
    Trả lời
  2. Thầy Đặng Nguyên Triết bản lãnh có thừa, chỉ tội cho các anh công an thôi.
    Trả lời
  3. Nói chung là bọn họ độc tài, vi phạm quyền con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.