Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

Fake news đến từ đâu?

Fake news đến từ đâu?

30-8-2019
Có lẽ lúc này Hà Nội đang cập rập phát đi những bản tin buộc phường Hạ Đình thu hồi khuyến cáo về sức khỏe sau vụ cháy kho nhà máy Rạng Đông. Câu hỏi “có độc hay không” được vô số chuyên gia thật và chuyên gia ảo nhảy vào mổ xẻ. Chính quyền bảo phường Hạ Đình “không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở” nên giờ không được khuyến cáo bà con nữa. Giáo sư thì bảo khuyến cáo là đúng vì độc hại. Nhà hoạt động môi trường thì lập luận rất nguy hiểm cho sức khỏe. Trong khi đó, nhiều tờ báo chạy bản tin “người dân họp chợ mua bán bình thường bên hông kho nhà máy”.
Những người dân họp chợ bình thường ấy có làm tan đi nỗi ngờ vực không khí xung quanh cái kho bị cháy nhiễm độc ra sao không? – Nó giống như một căn nhà đầy rác, để quét nhà, ta vén tấm thảm lên và quét rác xuống, đậy thảm lại, ngôi nhà có vẻ sạch bong như mới.
Đống rác không biến mất. Những tranh cãi và phẫn nộ không tan đi. Nó được che lên bằng một tấm thảm mềm mại xinh đẹp. Bên dưới, cả một thế giới dòi bọ hình thành.
Fake news là thứ giống như đống rác kể trên.
Nhiều ngày qua, rất nhiều bạn bè tôi hỏi tại sao người ta có thể ngây thơ đến mức tin vào những cái tin giả như “tìm được clip bằng chứng bà Quy có liên quan đến cái chết cháu L”, hay “Ba luật sư bảo vệ bà Quy bị hại” – và họ chia sẻ cho nhiều bạn bè cùng đọc.
Người làm tin tức có thể giải thích rằng những bản tin giật gân kia rõ ràng là làm giả câu view để kiếm tiền quảng cáo. Chẳng hiểu vì sao mấy chục ngàn người đọc share nó đi vừa giận dữ vừa chửi bới?
Hành động chia sẻ mù quáng ấy được gọi là “ngây thơ”. Chúng xuất phát từ những hồ nghi trong vùng xám dấy lên trong tâm trí người dân. Ngôi trường Gateway biến mất khỏi câu hỏi trách nhiệm. Cảnh sát ập đến bắt bà đưa đón trẻ bất ngờ, cảnh sát không cho luật sư có mặt khi thẩm vấn bà Quy.
Vùng xám ấy không một lực lượng nào trong xã hội đủ sức vén màn và giải đáp. Các tờ báo không có quyền chĩa micro hỏi công an: “Tại sao các anh không cho luật sư có mặt khi thẩm vấn bà Quy?” – Họ chỉ có mệnh lệnh đưa tin được răm rắp thực thi ngoan đều trên trang báo. Các tờ báo giống nhau như bản sao. Thứ bản sao uất ức của không quyền lực và vô ngôn.
Nhiều nhà báo từng dạy tôi an ủi bản thân: “Không đưa tin cũng là một cách thể hiện chính kiến em ạ!”
Thực ra không đưa tin chỉ thổi vùng xám phình to ra như quả bóng bay chứa đầy khí đen không ai biết là gì sau màn sương ấy. Nó chẳng thể hiện chính kiến gì cả. Im lặng trước sự thật chỉ là biểu hiện của món đồ công cụ vô tri.
Vùng khí đen mà quả bóng phình ra ấy là nơi người dân đang hít thở mỗi ngày. Xã hội bị ám ảnh bởi ngờ vực và ngôn từ hằn học ném vào nhau, giải tỏa một mâu thuẫn mà chính họ không hiểu bắt nguồn từ đâu. Phụ huynh biến thành hai chiến tuyến: kẻ bảo phải im lặng, người bảo phải làm rõ. Hành động thực thi pháp luật biến thành hai nửa: nửa thật vội vàng vơ vén đống rác xuống thảm, nửa ảo quyết tìm cách bóc trần tung hê đến cào rách mặt nhau ra.
Đó là lúc tin giả xuất hiện. Chúng mớm vào cơn đói ngờ vực. Chúng khẳng định sự bất an dường như chiến thắng. Trò share tin “ba luật sư bị hại” hay “tài xế Phiến đã chết” liệu có lan truyền đến vậy nếu người dân tin vào pháp luật? – Họ hết hồn, giật gân – hay cũng kèm theo hoảng sợ trước những trò bẩn coi thường sinh mạng vốn đã trở thành thông lệ ở VN.
Tôi đang chờ đợi sẽ có những tin giả kế tiếp mô tả hùng hồn thảm họa thủy ngân ở nhà máy Rạng Đông làm mấy ngàn người ngất xỉu, cạnh những “tin thật” mà chính quyền vội bắt phường Hạ Đình thu hồi cảnh báo.
Người ta hỏi: “Không lẽ người ta không đủ lý trí để thấy rằng nó là tin giả?”
Tôi đặt ngược lại câu ấy: “Lý trí mà bạn đề cập là lý trí gì? Một bà đưa đón trẻ con tự dưng buổi chiều vội vàng bị bắt? Một ông viện phó kiểm soát sờ soạng con nít đi vào tòa với hàng ngũ bảo vệ hừng hực? Hay một người bị cáo buộc tội chưa mở mồm nói gì đã tự tử ở đồn công an?”
Lý trí ngờ vực và không tin tưởng. Nó tưởng tượng ra những mô hình khác của “sự thật”. Người dân bấu víu vào thứ thông tin chảy rò rỉ từ chỗ này sang chỗ khác, từ tin đồn này thổi phồng thành ý tưởng bệnh hoạn nọ. Từ kỹ thuật ứng phó rỉ tai nhau đến nỗi sợ tưởng tượng đến ngờ nghệch. Họ cố tìm cách che chắn cho bản thân khỏi những nguy cơ tiềm ẩn bằng phương thức “rà mìn” tự tạo: họ dáo dác đi kiếm tin giả và tin đồn để đọc.
Tin đồn sẽ luôn là món ăn thịnh hành ở thế giới có con người giao tiếp. Nó thường là trò bông lơn giải trí cho vui, bằng chuyện tám trên trời dưới biển. Nó thỏa mãn trí tò mò ít tiền và thừa thời gian.
Nhưng để tin đồn hóa thân thành nỗi sợ sệt có thật, hóa thành sự giận dữ và bệnh hoạn như những ngày vừa qua, đó là tội ác của kẻ che giấu thông tin, đang vội vàng quét nó vào tấm thảm kín bưng nguy hiểm và vô trách nhiệm.
Đó chính là đống rác mà người dân đang hứng chịu. Họ sẽ tiếp tục tự hỏi: Thủy ngân từ kho Rạng Đông có nguy hiểm không? Bé trai chết có phải vì bà đưa đón quên đếm trẻ không?
Sau một hồi, chúng ta sẽ tin vào tin giả hay tin thật?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.