Cháy Nhà máy Rạng Đông: Nghiêm trọng hơn một khuyến cáo cấp phường!
30-8-2019
Vụ hoả hoạn tại nhà máy của Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (trên đường Hạ Đình và ngõ 342 đường Khương Đình, quận Thanh Xuân Hà Nội) vào tối ngày 28/8/2019 không chỉ là một vụ cháy mà còn là một sự cố môi trường cực kỳ nghiêm trọng.
Lý do là nguyên liệu trong sản xuất phích nước và bóng đèn huỳnh quang sẽ có một lượng thuỷ ngân nhất định. Riêng sản xuất bóng đèn còn có thêm chất phốt pho. Cả thuỷ ngân và phốt pho đều là những chất rất độc.
Thuỷ ngân gặp lửa sẽ tạo ra phản ứng phân hủy thủy ngân (II) sinh ra hợp chất thiocyanate (Hg(SCN)2- một độc chất dạng tiền chế để chế tạo thạch tín (cyanua). Phốt pho khi phản ứng nhiệt hay không phản ứng nhiệt nếu tiếp xúc trực tiếp với con người, động vật cũng đều là độc chất gây hại cho sức khoẻ.
Trên website Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông có ghi rõ “năng lực sản xuất trong 1 năm của Rạng Đông đạt tới 80 triệu sản phẩm bóng đèn, sản lượng phích đạt trên 7 triệu, 3 triệu sản phẩm thiết bị chiếu sáng, hơn 1 triệu sản phẩm đèn bàn các loại.” Công ty này cũng thông báo “các sản phẩm phích nước Rạng Đông đều được sản xuất theo tiêu chuẩn Anh BS EN 12546-1: 2000, Tiêu chuẩn RoHs của châu âu và đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.”
Tuy nhiên, hàm lượng thuỷ ngân được thông báo chính thức “dưới 3mg” trong mỗi bóng đèn của Rạng Đông nếu nhân lên với số lượng sản xuất nói trên thì sẽ là một con số vô cùng kinh khủng bởi không có cơ sở nào để nói chúng được kiểm soát trong vụ cháy quá lớn nói trên.
UBND phường Hạ Đình (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) có ra khuyến nghị người dân không ăn rau, hoa quả, gia cầm, cá, heo được nuôi trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy tại Công ty Rạng Đông trong vòng 21 ngày.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân trong khu vực và cả những người dân ở xa hơn bán kính 1km khuyến cáo thì “mùi khó chịu” của vụ cháy ảnh hưởng trực tiếp đến họ.
Cơn mưa ngày 29/8/2019 phần nào làm giảm mối lo về khói bụi vụ cháy có chứa thuỷ ngân và phốt pho song theo nguyên lý “vật chất không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác”; thì các chất trên sẽ theo nước mưa bám vào da, có thể vào cơ thể qua đường miệng hay hô hấp và ngấm xuống đất, xuống hệ thống nước ngầm.
Theo công bô của Bộ Y tế: “Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ của thủy ngân. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong các cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong.
Chứng bệnh Minamata là một dạng ngộ độc thủy ngân. Thủy ngân tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, đồng thời ảnh hưởng tới miệng, các cơ hàm mặt và răng. Sự phơi nhiễm kéo dài gây ra các tổn thương não và gây tử vong. Nó có thể gây ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.”
Các cơ quan chức năng có lẽ cần vào cuộc ở cấp cao hơn vì cho đến bây giờ các thông số về phích nước loại cũ (có chứa thuỷ ngân) hay số lượng bóng đèn được sản xuất mới và tồn kho của Rạng Đông hoàn toàn chưa được công bố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.