Ngụy biện về độc tài của Trump luận viên
Mai V. Phạm
30-8-2019
Có lẽ Việt Nam là một trong những dân tộc luôn bị cai trị bởi các nhà nước độc tài chuyên chế từ lúc hình thành cho đến nay. Trừ khoảng 10 năm 1963 – 1973 tại miền Nam được đánh giá là có dân chủ, lịch sử Việt Nam chỉ gắn liền với các triều đại phong kiến và độc tài cộng sản. Thêm vào đó là di sản hơn 2000 năm của Khổng giáo, đã khiến tính chuyên chế và tâm lý tôn sùng lãnh tụ thấm sâu vào ADN của phần đông người Việt.
Chính cụ Phan Châu Trinh đã chỉ ra: “Chẳng những vua quan chuyên chế, họ lại còn kéo cả kẻ làm cha kẻ làm chồng vào cái cạm độc ác ấy nữa. Khi còn ở trong gia đình thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thở cái không khí chuyên chế trong trường học, thì làm sao khi bước ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ chịu luồn cúi người? Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy”.
Trong một bài viết mới đây, tôi lên án những thay đổi có tính chuyên chế đang xảy ra ở Mỹ dưới thời Trump. Như thường lệ, một số ‘Trump luận viên’ bất chấp sự thật và lý lẽ để bạo biện cho các sai trái và vô đạo đức của Trump. Một trong những lập luận mà họ dùng để bênh vực Trump là “người Mỹ cần độc tài như Trump để nước Mỹ vĩ đại trở lại” và lấy Park Chung Hee, Tưởng Giới Thạch là ví dụ của “thắng lợi”.
Bạn đọc nào nắm rõ lịch sử thì sẽ dễ dàng nhận ra lập luận trên không chỉ là ngụy biện, mà còn thể hiện sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng, đặc biệt về lịch sử.
1. Độc tài là kẻ thù của chính trị và dân chủ
Người có tính cách chuyên quyền có thể thành công trong lĩnh vực kinh doanh nếu họ có tài, đức thực sự. Tuy nhiên, trong chính trị, lãnh đạo độc tài luôn xem mình như ‘Thượng đế’, xem quốc dân ngu dốt, và các ý kiến trái chiều là ‘phạm thượng’, để tự quyết định mọi vấn đề. Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện thân của độc tài chuyên chế, bởi chúng xem nhân dân ngu dốt, không đủ khả năng và xứng đáng để tham gia vào bộ máy nhà nước.
Bản chất của chính trị gia độc tài là kiêu căng bệnh hoạn. Cách thức hoạt động của họ như một cái tát mạnh vào ý nghĩa cao đẹp của chính trị: Đó là chung tay, cùng nhau giải quyết các vấn đề của xã hội. Lịch sử thế giới cũng chứng minh các nhà độc tài là mối nguy hại với nền dân chủ tự do.
– Dân chủ là chống lại sự tập trung quyền lực của cá nhân hoặc tập thể (chính quyền trung ương), đồng thời phân quyền và tản quyền đến các đại diện được cử tri bầu chọn ở chính quyền địa phương. Ngược lại, lãnh đạo độc tài thâu tóm mọi quyền lực, bất chấp ý kiến của đại đa số.
– Công dân ở các nước dân chủ không chỉ có quyền, mà còn có trách nhiệm tham gia vào các hoạt động chính trị để bảo vệ nhân quyền và tự do của chính họ. Ngược lại, lãnh đạo độc tài ngăn cản sự tham gia và đóng góp thiện chí của công dân để duy trì quyền lực.
– Dân chủ tôn trọng tự do báo chí, đề cao tự do và minh bạch thông tin. Ngược lại, lãnh đạo độc tài tìm mọi cách kiểm soát thông tin vàngăn cản báo chí, để tuyên truyền và mị dân.
Một khi đã nắm được quyền lực, các nhà độc tài sẽ kêu gọi thân tín đứng về phía họ chống lại nhân dân nhằm duy trì quyền lực. Ví dụ điển hình là Park Chung Hee. Năm 1979, Kim Jae-kyu, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) đã dùng súng, giết chết Park Chung Hee. Nguyên nhân là do ông Kim tức giận khi Park Chung Hee ra lệnh phải thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình, “ngay cả khi phải trả giá bằng 30.000 sinh mạng”.
Trong buổi gặp gỡ với ông Kim, Park Chung Hee chỉ trích KCIA vì không dứt khoát đàn áp các cuộc biểu tình ở vùng Cholla. Ông Kim nói rằng, nếu thực hiện các cuộc đàn áp, sẽ có ít nhất 3.000 người phải thiệt mạng. Ông Park nói rằng, ông không quan tâm và nhấn mạnh KCIA phải tuân lệnh dù cho phải sát hại “tới 30.000 sinh mạng”.
Đặc điểm chung của các nhà độc tài là sẵn sàng tàn sát dã man tiếng nói bất đồng để duy trì quyền lực. Adoft Hitler, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Joseph Statin, Fidel Castro, triều đại nhà họ Kim… đã sát hại hàng triệu người dân vô tội chỉ vì họ dám bày tỏ thái độ không ưa thích chúng.
Nước Mỹ hùng mạnh và phát triển như ngày nay là nhờ vào nhiều yếu tố. Nhưng quan trọng nhất chính là nhờ sự kết hợp của đội ngũ trí thức tài, đức đã xây dựng nước Mỹ dựa trên thể chế dân chủ, kết hợp với các giá trị cao đẹp của nhân quyền, bình đẳng, bao dung và hợp tác. Nói cách khác, nền dân chủ Mỹ phát triển không phải nhờ vào một cá nhân riêng lẽ, mà nhờ sự kết hợp của nhiều cá nhân tài năng và đức độ, quyết tâm xây dựng dân chủ. Quan trọng hơn, nhờ sự đấu tranh không mệt mỏi của hàng triệu thường dân và các tổ chức dân sự, đòi quyền công dân trong thập niên 1960s nên Đạo luật Dân quyền mới ra đời, đánh dấu bước ngoặt dân chủ vĩ đại trong lịch sử nước Mỹ.
Cho rằng “người Mỹ cần độc tài như Trump để nước Mỹ vĩ đại trở lại” chỉ có thể thiếu hiểu biết về lịch sử lẫn chính trị. Đa số cử tri không bỏ phiếu cho Trump. Nền dân chủ Mỹ chống lại những lãnh đạo độc tài như Trump, thể hiện rất rõ qua Hiến pháp, cụ thể nguyên tắc “tam quyền phân lập”. Thêm nữa, lập luận trên là một sỉ nhục với đại đa số dân Mỹ, cơ quan Lập pháp và Tư pháp vì cho rằng họ quá ngu dốt để “cùng nhau” giải quyết các vấn đề của quốc gia và chỉ có Trump mới có khả năng đó.
Nước Mỹ không tuyệt hảo trước thời Trump, nhưng nếu nói “Trump giúp Mỹ vĩ đại” là chà đạp trắng trợn lẽ phải và sự thật. Theo thăm dò mới nhất của tổ chức uy tín Gallup, vai trò lãnh đạo toàn cầu và uy tín của nước Mỹ ngày càng suy giảm nghiêm trọng dưới thời Trump. Năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống của Obama, tỉ lệ ủng hộ Mỹ tại 133 quốc gia là 48%. Nhưng hiện tại, chỉ có 31% người dân ở 133 quốc gia ủng hộ Mỹ. Trump đang biến Mỹ thành “trò cười của thế giới” bằng những phát ngôn ngu dốt, thì “giúp Mỹ vĩ đại” bằng cách nào? Trump ca ngợi lãnh đạo độc tài cộng sản và phớt lờ các vi phạm nhân quyền – là giá trị mà Mỹ luôn bảo vệ như lợi ích quốc gia, thì “giúp Mỹ vĩ đại” bằng cách nào?
2. Park Chung Hee và Tưởng Giới Thạch thiết lập độc tài chuyên chế
Một số người Việt cho rằng Park Chung Hee và Tưởng Giới Thạch đã thiết lập dân chủ “thành công” bằng lối cai trị độc đoán. Phải dõng dạc khẳng định rằng, ý kiến này là một cú đấm vào mặt lịch sử và hàng triệu người dân hai nước Nam Hàn và Đài Loan đã hy sinh xương máu cho dân chủ.
Park Chung Hee
Sau Thế chiến II, Park Chung Hee (1917 – 1979) đã tham gia vào một chi bộ cộng sảnhoạt động bí mật trong quân đội Nam Hàn và bị kết án tử hình. Do sự hợp tác với chính quyền, ông được xóa án tử.
Vào tháng 5/1960, ông Park và một nhóm sĩ quan quân đội Nam Hàn tiến hành một cuộc đảo chính và nắm quyền kiểm soát chính phủ. Sử sách ghi lại, tư tưởng và phương thức lãnh đạo của ông Park đậm chất độc tài khét tiếng của Josepth Stalin.
Sau khi giành được quyền kiểm soát của chính phủ, ông Park đã cai trị bằng bàn tay chuyên chế từ năm 1963 đến 1979. Vào năm 1972, ông Park đã tuyên bố “thiết quân luật” (martial law), thay đổi hiến pháp để ông có thể cai trị vô thời hạn. Thay đổi độc đoán này đã đập nát nền dân chủ sơ khai của Hàn Quốc.
Sau khi ông Park bị lãnh đạo Cục Tình báo giết chết năm 1979, Choe Kyu-ha, thủ tướng dưới trướng ông Park, trở thành Tổng thống vào tháng 12/1979. Nhưng đầu năm 1980, Tướng Chun Doo-hwan đã giành lại quyền lực và tiếp tục đường lối lãnh đạo độc đoán của Park Chung Hee. Ông Chun ban hành một sắc lệnh đóng cửa các trường cao đẳng, đại học và cấm tất cả các cuộc tụ họp chính trị. Tất cả báo chí và chương trình truyền hình đều phải được kiểm duyệt. Bất kỳ sự chỉ trích nào với Tổng thống đương nhiệm và cựu Tổng thống đều bị cho là phạm pháp. Lại một lần nữa sau thời Park Chung Hee, người dân Nam Hàn tiếp tục sống trong ách cai trị độc đoán của một lãnh đạo chuyên chế khác.
Có lẽ sự kiện quan trọng nhất xảy ra dưới thời Tổng thống Chun Doo-hwan là cuộc thảm sát Kwangju. Việc bắt giữ Kim Dae-jung – là một trong những thủ lĩnh phe đối lập, đã dấy lên các cuộc biểu tình rầm rộ ở Kwangju vào ngày 18/5/1980. Chỉ vài ngày sau, ông Chun đã huy động quân đội dập tắt các cuộc biểu tình. Cuộc đàn áp này khiến cả nước bàng hoàng bởi hàng trăm người, trong đó có nhiều sinh viên đã bị quân đội thảm sát dã man.
Cuối năm 1987, ông Chun bị loại khỏi chức vụ Tổng thống sau nhiều cuộc biểu tình liên tiếp của sinh viên và áp lực quốc tế. Năm 1988, tướng Roh Tae-woo đắc cử Tổng thống, trở thành sự kiện chuyển đổi quyền lực trong hòa bình đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc. Tình hình chính trị Hàn Quốc đã có thay đổi tích cực sau đó, đánh dấu bằng các cuộc bầu cử quốc hội tự do vào năm 1988.
Sơ lược lịch sử Nam Hàn để thấy rằng, từ sau chế độ Park Chung Hee năm 1979, đến tận năm 1988, người dân Hàn Quốc mới trải nghiệm dân chủ thực sự. Cho rằng Park Chung Hee đã “thành công” trong việc thiết lập nền dân chủ tại Nam Hàn là phủ nhận mọi nỗ lực và xương máu của hàng triệu người dân. Nếu không nhờ sự phản đối liên tục của người dân chống đối các lãnh đạo độc tài, thì nền dân chủ đích thực đã không được thiết lập trên đất nước này, nếu không muốn nói đã bị chế độ Park Chung Hee dần xóa sổ.
Tưởng Giới Thạch
Năm 1949, sau thất bại trong cuộc nội chiến với lực lượng cộng sản của Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch cùng lực lượng Quốc Dân Đảng (Chinese National Party) đã tới hòn đảo Đài Loan, thiết lập chế độ độc đảng. Sau khi lên nắm quyền, mặc dù hứa sẽ thiết lập một nền dân chủ lập hiến, nhưng Tưởng Giới Thạch đã dùng mọi lý do để trì hoãn và duy trì chế độ độc đảng.
Hai nguyên nhân mà chế độ Tưởng Giới Thạch đã bao biện cho chế độ độc đảng (1) “dân trí thấp” nên chế độ dân chủ không thích hợp; (2) chế độ chuyên chế cần thiết vì có thể tạo ra ổn định kinh tế và chính trị. Hai luận điệu bịp bợm này đã gây ra biết bao khốn khổ và góp phần dung dưỡng các chế độ độc tài ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Bởi thế, trong suốt thời gian nắm quyền từ năm 1950-1975, Tưởng Giới Thạch và sau là Tưởng Kinh Quốc, con trai của Tưởng Giới Thạch, đã bỏ tù, tra tấn, và giết vô số người dân, mà không thông qua xét xử, để thẳng tay đàn áp bất đồng chính kiến và bảo vệ chế độ chuyên chế.
Trong suốt hơn 30 năm, trí thức Đài Loan đã đối mặt với đàn áp, oan ức, cầm tù, tra tấn, và thậm chí bị ám sát. Tuy nhiên, cuối cùng Tưởng Kinh Quốc đã nhận ra rằng, chế độ chuyên chế của Quốc Dân Đảng càng giúp nhiều người dân đoàn kết lại để chống lại nó. Ông ta nhận ra rằng, chỉ khi trao trả lại quyền lực cho nhân dân, Quốc Dân Đảng mới có thể tồn tại.
Bởi thế, vào năm 1986, Tưởng Kinh Quốc cam kết cải cách chính trị, bao gồm cho phép tự do báo chí, dỡ bỏ lệnh cấm đối với các chính đảng đối lập, và cho phép người dân biểu tình. Sau đó, lực lượng bất đồng chính kiến đã liên kết lại để thành lập đảng đối lập đầu tiên của Đài Loan, Đảng Dân chủ Tiến bộ (Democratic Progressive Party). Năm 1987, Tưởng Kinh Quốc bãi bỏ “thiết quân luật” kéo dài gần 4 thập niên.
Rõ ràng, nếu Tưởng Kinh Quốc không nhận thức được quyền lực thật sự của dân chúng và cam kết chuyển giao quyền lực ôn hòa, thì Đài Loan vẫn sống trong chế độ độc đảng. Kể từ năm 2016, khi Quốc Dân Đảng bị loại khỏi lực lượng cầm quyền, đông đảo người dân yêu cầu chính quyền Đài Loan phá hủy tượng đài Tưởng Giới Thạch vì những bắt bớ, chết chóc mà ông ta đã gây ra trong suốt hơn 40 năm của thời kỳ “Khủng bố Trắng” (White Terror) và “thiết quân lập”. Hàng chục ngàn người đã bị bắt giữ và ít nhất 1200 người bị tử hìnhtrong những năm từ 1949 đến 1992 chỉ vì bị tình nghi là chống chính phủ Tưởng Giới Thạch.
Điểm qua lịch sử Đài Loan để thấy rằng, Tưởng Giới Thạch không bao giờ mong muốn thiết lập dân chủ thực sự, mà chỉ muốn duy trì độc đảng chuyên chế. Nếu cho rằng ông ta đã “thành công” thiết lập nền dân chủ tại Đài Loan là chà đạp mọi nỗ lực và xương máu của rất nhiều người dân đảo quốc này. Nếu không nhờ những con người can đảm, đã hy sinh máu và mạng sống, đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, thì nền dân chủ thực sự đã không thể thiết lập ở Đài Loan.
Thay Lời Kết
Trong sâu thẳm trái tim của Park Chung Hee và Tưởng Giới Thạch là tình yêu cho bản thân và quyền lực, lớn hơn tình yêu cho đồng bào mình. Nếu họ thực sự yêu đồng bào, họ đã không tìm mọi cách để duy trì độc đảng và đàn áp dã man những người bất đồng chính kiến. Một lãnh đạo tự coi mình là “trời”, xem người dân là ngu dốt, rồi đàn áp, thậm chí thủ tiêu những ai lên tiếng phản đối, là đại họa đối với mọi dân tộc.
Cứu cánh của chính trị không chỉ là tự do, mà còn là đạo đức. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Một người tuyên bố “làm chính trị”, mà không có đạo đức, sẽ là nỗi bất hạnh và mầm tai họa đối với dân tộc. Bởi thế, phải dứt khoát lên án luận điệu bịp bợm cho rằng độc tài là cần thiết cho Việt Nam, bởi độc tài là kẻ thù của chính trị và đi ngược lại các giá trị dân chủ. Na Uy, Hà Lan, Mỹ, Đức, Úc, Nhật, Thụy Sĩ… đã thành công xây dựng dân chủ nhờ sự liên kết của toàn dân, là các minh chứng bẽ gẫy luận điệu cho rằng, một số nước cần “độc tài sáng suốt” để xây dựng dân chủ và phát triển kinh tế.
Bí mật của hạnh phúc là dân chủ và tự do. Dân chủ không phải là một “chiếc đũa thần kì”, ngay lập tức biến một nước nghèo khổ, thành phát triển vượt bậc. Lịch sử nhân loại đã chứng minh dân chủ là một phương thức tổ chức xã hội hiệu quả nhất, khuyến khích hợp tác để chung tay xây dựng một quốc gia thịnh vượng và công bằng. Mức độ dân chủ quyết định sự cường thịnh của một quốc gia. Dân chủ càng cao, người dân càng có nhiều cơ hội sống trong tự do, bình đẳng, bao dung, và hợp tác.
Ngay sau khi Park Chung Hee và Tưởng Giới Thạch qua đời, Hàn Quốc và Đài Loan vẫn tiếp tục bị cai trị bởi bóng đêm độc tài, trước khi thắp được ánh sáng dân chủ thực sự. Họ giành được thắng lợi dân chủ là nhờ sự liên kết của đông đảo trí thức, tạo nên các đoàn thể mạnh hướng dẫn quần chúng biểu tình đòi dân chủ. Còn Việt Nam chưa có dân chủ, ngắn gọn là vì phần lớn còn bám chặt tâm thức nô lệ, tự cho mình là bất lực, để dựa dẫm và cậy nhờ “độc tài sáng suốt” hoặc nước ngoài mang đến dân chủ.
_____
Tác giả: Cô Mai V. Phạm là một cựu quân nhân trong binh chủng Hải quân Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.