Một nửa sự thật…
Hàn Vĩnh Diệp
31-1-2019
Đầu tháng 1 năm 2019, từ Trung ương đến các địa phương đều rầm rộ tổ chức kỷ niệm “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam”. Hoạt động này, khuếch trương chiến công xuất sắc đánh đuổi quân cộng sản Kămpuchia do tập đoàn Pol Pot lãnh đạo, ra khỏi lãnh thổ nước ta cuối tháng 12/1978.
Sau đó, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng với “lực lượng vũ trang của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước KPC” tiến công quyết liệt, chớp nhoáng, đánh sập chính phủ Kămpuchia dân chủ của Đảng cộng sản KPC do tập đoàn Pol Pot cầm đầu, giải phóng thủ đô Phnom Penh và toàn bộ đất nước KPC.
Cuộc phản công dũng mãnh của quân đội ta đánh bại chiến dịch quy mô lớn với 19 sư đoàn quân tinh nhuệ của bọn cộng sản KPC trên toàn tuyến biên giới Tây Nam và việc lật đổ chế độ KPC dân chủ tàn bạo, quái đản, cứu nhân dân KPC thoát khỏi nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại, là một sự thật lịch sử đáng ghi nhận, tuyên dương; mặc dù có những ý kiến trái chiều trong và ngoài nước, nhất là việc quân đội Việt Nam vào KPC và đứng chân suốt 10 năm tiếp sau.
Nhưng, bên cạnh sự thật ấy, còn một sự thật khác mà các cấp lãnh đạo và truyền thông chính thống không hề nhắc đến, là sự thất bại và những tổn hại hết sức khủng khiếp đối với nhân dân và quân đội, thanh niên xung phong ta ở hải đảo, đất liền biên giới Tây Nam. Cuộc chiến xâm lược và diệt chủng của quân cộng sản KPC không chỉ nổ ra trong một thời gian ngắn và nhỏ lẻ ở đôi ba địa phương, mà kéo dài suốt từ ngày 30/4/1975 đến gần cuối năm 1978 với quy mô cấp trung đoàn, sư đoàn trên cả tuyến hơn 1000km từ Phú Quốc đến Kon Tum. Chúng tàn sát, bắt cóc thủ tiêu hơn 3 vạn dân; xóa sổ nhiều đơn vị bộ đội; công an vũ trang, thanh niên xung phong; triệt hạ hàng trăm ngôi làng, thị trấn; cướp bóc rất nhiều của cải …
Trong thời gian ấy, phía lãnh đạo cao cấp từ Tổng bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Nguyễn Văn Linh – Bí thư Trung ương cục miền Nam lại cố công qua Kămpuchia để tìm giải pháp hòa hoãn, hòa bình với quân xâm lược; cố thuyết phục kẻ thù man rợ ký kết hiệp ước hữu nghị … có lẽ trong lịch sử nước ta chưa bao giờ lãnh đạo đất nước, ngoại trừ Mạc Đăng Dung, lại có thái độ mềm dẻo, nhân nhượng quá mức với kẻ đối địch hèn hạ như vậy.
Thực ra phía lãnh đạo ta không lạ gì bản chất của tên đao phủ Pol Pot và phe lũ trong đảng cộng sản KPC cánh tả cực đoan. Ngay từ năm 1966, sau khi thủ tiêu Tổng bí thư Tousamouth đảng nhân dân KPC, Pol Pot và phe lũ đổi tên Đảng Nhân dân thành Đảng Cộng sản KPC, Pol Pot đã sang Hà Nội xin viện trợ. Trong các buổi tiếp xúc với lãnh đạo ta, y đã bộc lộ nhiều quan điểm sai trái và xu hướng chống Việt Nam.
Những năm cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, phía Việt Nam đã tận tình cứu giúp nhân tài, vật lực cho lực lượng kháng chiến KPC; trái lại, bọn phản đồ Pol Pot liên tục khiêu khích, tiến công đánh lén, giết hại hàng trăm cán bộ chiến sỹ ta; cướp bóc kho vũ khí, quân trang, lương thực … Và ngay sau ngày 30/4/1975, chúng điên cuồng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta ở khắp vùng biên giới Tây Nam.
Do không bị đánh trả, nên đầu tháng 12/1978, chúng tổ chức chiến dịch đại quy mô với mục tiêu hoang tưởng “Đánh chiếm Sài Gòn và Nam bộ”. Những diễn biến của tình hình và thái độ ứng xử của lãnh đạo ta như trên, phải chăng vì quá say sưa với chiến thắng mà chủ quan, khinh địch, mất cảnh giác! Hồi ức của ông Hunsen có thuật: Do phản đối chính sách và hành động sai trái, phản động của tập đoàn Pon Pot, ông và một số đồng đội cùng chí hướng đã rời bỏ quân đội cộng sản KPC sang Việt Nam yêu cầu giúp đỡ lật đổ chính phủ Kămpuchia dân chủ, cứu dân tộc Kămpuchia.
Hai giờ sáng ngày 20/6/1977 nhóm ông vượt biên giới, mãi đến 2 giờ chiều họ mới gặp một toán công nhân cao su nhờ đưa đến gặp chính quyền tỉnh Sông Bé. Suốt chặng đường dài họ không gặp bất cứ sự kiểm soát nào của lực lượng võ trang Việt Nam … Cách ứng xử ấy phải chăng còn bởi các nhà lãnh đạo ta “mắc nghẹn” vì lời tuyên bố đanh thép sau ngày đại thắng 30/4 “quân đội ta là đội quân hùng mạnh vào hạng thứ ba thế giới hiện đại (…) từ nay không còn một kẻ thù nào dám xâm phạm vào bờ cõi nước ta“!
Có ý kiến giải thích rằng: Đảng – Nhà nước ta muốn hòa hiếu, tôn trọng chủ quyền nước bạn! Cách giải thích này không thuyết phục được người dân và lịch sử; bởi, việc tiến quân vào lãnh thổ nước ngoài, nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm của họ hoàn toàn khác với việc đánh trả quân xâm lược ngay từ khi chúng xâm phạm vào lãnh thổ tổ quốc để bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân và lãnh thổ đất nước. Sau đó, nếu có cơ hội, hai bên mới cùng đàm phán tìm giải pháp hòa bình.
Những diễn biến tình hình chiến cuộc ở biên giới Tây Nam lại tái diễn ở biên giới phía Bắc với quân xâm lược Trung Quốc chỉ sau một tháng. Các nhà lãnh đạo ta rất thấu rõ dã tâm bành trướng, bội bạc của Trung Quốc; đã dự đoán khả năng chúng sẽ quấy rối về quân sự với ta. Nhưng lại không tin thời gian ấy (cuối năm 1978 – đầu năm 1979) Trung Quốc dám gây chiến đánh ta.
Từ lãnh đạo cấp cao Nhà nước đảng, Bộ Tổng tham mưu, các quân khu, binh đoàn; ban Tuyên huấn Trung ương … đến lãnh đạo Đảng, chính quyền, quân đội địa phương các tỉnh biên giới phía Bắc đều tin như vậy; trong khi đó, hơn 30 sư đoàn quân Trung Quốc đã áp sát biên giới Việt Nam. Bất thình lình sáng sớm ngày 17/02/1979, gần nửa triệu quân và hàng vạn dân binh Trung Quốc tràn vào toàn tuyến biên giới dài gần 1400km thuộc 6 tỉnh Việt Nam với hàng ngàn xe tăng, thiết giáp, xe cơ giới, trọng pháo … Lãnh đạo, bộ đội, nhân dân các tỉnh, huyện … rất bất ngờ, lúng túng … Cùng thời gian ấy ở Hà Nội, Tổng bí thư Lê Duẩn và gia đình tổ chức linh đình đám cưới cho con trai đầu của ông ta với bà hai; các tụ điểm vui chơi vẫn tưng bừng, nhộn nhịp.
Mấy năm sau cuộc chiến ấy, chúng tôi về Cao Bằng, Lạng Sơn, có dịp tiếp xúc trò chuyện với ông Dương Tường – Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng và ông Khắc Sắc – Phó bí thư thị ủy Lạng Sơn. Bạn quen thân cùng công tác ở khu tự trị Việt Bắc (cũ) nên hai ông nói thật. Ông Dương Tường cho biết:
“Từ trước cũng dự đoán được âm mưu của Trung Quốc nên có kế hoạch chuẩn bị cho tình huống xấu: chuyển hồ sơ tài liệu quan trọng, một số tài sản quý của Tỉnh ủy – Ủy ban vào khu căn cứ ở xã Minh Tâm (huyện Nguyên Bình); lập các chốt bộ đội địa phương ở biên giới, thị trấn, tỉnh lỵ … Nhưng địch đánh bất ngờ quá, quân chúng quá đông lại thông thạo địa hình nên đảo lộn tất cả. Một cánh quân địch từ Hà Quảng xuống đến Nước Hai (huyện lỵ Hòa An) theo đường tắt qua các hẻm núi đá tập kích chiếm cứ Minh Tâm. Của cải mất sạch. Ở thị xã cao Bằng, 5 giờ chiều ngày 17/02 mới thông báo dân di tản vào các làng cách thị xã khoảng 4,5km. Quân TQ lùng sục sâu vào các khu dân sơ tán, bà con phải cắt rừng chạy về hướng Ngân Sơn (Bắc Cạn) …”
Ở thị xã Lạng Sơn, ông Khắc Sắc bảo: … cũng đoán Tàu sẽ đánh, nhưng chỉ ở vùng biên giới, nên có chuẩn bị kế hoạch trong nội bộ Cấp ủy – Ủy ban; không nói rộng ra sợ cán bộ, nhân dân hoang mang. Nhờ bộ đội địa phương ở Đồng Đăng, Lộc Bình cầm chân địch, dân thị xã có thời gian tản cư về các huyện phía Nam. Chẳng cứ ở địa phương, ngay cả Trung ương cũng đối phó lúng túng. Đầu tháng 3, đại quân mới lên, 6/3 TQ tuyên bố rút quân, 12 giờ sau, ta mới ban hành “lệnh tổng động binh”.
Gần 3 tuần xâm phạm lãnh thổ nước ta ở các tỉnh biên giới phía Bắc, giặc TQ đã bắn giết tàn sát hơn 10 vạn dân; triệt hạ hàng trăm làng xã, thị trấn, 3 thị xã (Lào Cai, Cao bằng, Lạng Sơn); cướp đoạt, tiêu hủy nhiều kho tàng, của cải của nhân dân, Nhà nước. Những người dân, bất kể già cả, tuổi thơ, rơi vào tay chúng đều bị giết cực kỳ man rợ như ở biên giới Tây Nam dưới tay quân cộng sản KPC.
Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc không dài (sau cuộc chiến này, 5, 6 năm tiếp, quân TQ còn đánh phá ác liệt trên một số trọng điểm ở biên giới Hà Giang, Cao Bằng), nhưng cũng có nhiều điều đáng lưu ý. Trong hai cuộc chiến ấy, có những chiến công oanh liệt, nhiều tấm gương anh hùng tuyệt vời của quân và dân ta, rất đáng ca ngợi. Nhưng đó mới chỉ là một nửa sự thật; còn một nửa sự thật bi thương, đau xót do kẻ thù cộng sản KPC – TQ gây ra đối với dân ta, công luận đòi hỏi phải đánh giá thật công khai, nghiêm túc, không thể xao lãng, xóa nhòa.
_____
* Sau khi cướp quyền lãnh đạo, nhóm cộng sản khuynh tả cực đoan do Pol Pot cầm đầu đã biến đổi Đảng Nhân dân Cách mạng Kămpuchia thành Đảng Cộng sản Kămpuchia. Không hiểu vì sao các văn kiện của Đảng – Nhà nước ta và truyền thông chính thống lại kỵ húy danh xưng Đảng Cộng sản KPC, mà chỉ gọi là Khơ Me đỏ. Dân tộc Khơ Me là dân tộc hiền hòa, nhân ái; dù là Khơ Me trắng hay đỏ đều không dung nạp loại cộng sản tập đoàn Pol Pot không có nhân tính, quái đản ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.